ÁP LỰC HỌC TẬP, THI CỬ VÀ CƠ HỘI LỰA CHỌN CỦA HỌC SINH
16 năm dạy học phổ thông, chừng ấy năm, thậm chí hơn mình gắn với các kỳ thi cử của học sinh, chứng kiến biết bao áp lực học hành, mà nhiều trường hợp thấy nó không đáng có để đạt được mục đích đó, quá tốn kém kinh tế của gia đình, cũng như tinh thần của đứa trẻ. Nhưng biết làm sao được khi mà ở xứ mình những kỳ thi vẫn mang tính chất quyết định, sơ suất là hỏng cả một quãng đời, có khi cả đời, theo quan niệm của đa số dân Việt, ít nhất cũng đôi chục năm nay. Cho nên chắc hơn lép, một đứa trẻ phải học nhiều, thật nhiều, để đạt được cái đích là vượt qua kỳ thi, vào trường mình mong muốn, có điều kiện và môi trường học tập tốt nhất. Trường hợp đầu tiên mình chứng kiến về áp lực học hành trong một kỳ thi là em học sinh mình gia sư lần đầu ở Hà Nội. Hồi ấy là năm 2004, mình bắt đầu dạy em ấy cuối năm lớp 9 để em ấy thi vào 10, đến lúc lên cấp 3 vẫn dạy luôn tới khi mình ra trường. Khi ôn thi vào 10, riêng môn Văn thì giai đoạn cuối chắc phải học gần chục ca: học cô chủ nhiệm trên lớp d