TRUYỆN CỰC NGẮN PHONG CÁCH NGỤ NGÔN CỦA FRANZ KAFKA (Phần 1)


Franz Kafka là một trong những tác gải nổi bật, người đặt nền móng cũng là một đỉnh cao của thể loại truyện cực ngắn hiện đại mang phong cách ngụ ngôn. Không phải tất cả các tác phẩm của ông đều mang tính chất ngụ ngôn nhưng phần lớn trong số đó là các tác phẩm mang phong cách ngụ ngôn rõ rệt. Trong các tác phẩm của ông, nội dung triết lý là nội dung lớn, xuyên suốt và bao trùm, cả ở tiểu thuyết, truyện ngắn lẫn truyện cực ngắn. Đằng sau những nhân vật, những lớp ngôn từ, nhiều tầng ý nghĩa ám dụ được ẩn giấu trong đó. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, các tiểu thuyết của Franz Kafka được lắp ghép từ những tác phẩm nhỏ giống như những mảnh vỡ thống nhất lại thành tác phẩm dài hơi. Khi nói về ngụ ngôn và tính chất ám gợi trong tác phẩm của F.Kafka, Dorothy Brewster và John Angus Burrell nhận xét: “… truyện của Kafka được xếp vào loại truyện có ngụ ý, một loại “tục ngữ khác” lão thành và khả kính” (1). Cội nguồn của những truyện này xuất phát từ những ngụ ngôn Parabole. Truyện cực ngắn của F.Kafka là sự nối dài truyền thống của Parabole, là những sản phẩm di truyền từ Parabole. Đằng sau những ngụ ý đó là những triết lý và hiện thực về cuộc sống và con người. Thế giới truyện cực ngắn của F.Kafka là thế giới của những ám ảnh triết lý.


1. Nội dung triết lý

1.1. Cảm quan về sự phi lý

Đây là nội dungg triết lý nổi bật, xuyên suốt trong truyện cực ngắn F.Kafka. Nó là cảm quan, là nguồn cội tạo nên thế giới nghệ thuật đầy huyền thoại, bi đát, hoài nghi nhưng lại có tác dụng phản tính lớn lao. Với F.Kafka, hiện thực là phi lý, cuộc đời đầy phi lý, chân lý cũng phải là chân lý cuối cùng, và chính sự tồn tại của con người cũng mang tinh chất phi lý. “Ở ông, cái phi lý trở thành đối tượng của nhận thức. Nó không phải đơn thuần chỉ là một hiện tượng xã hội, mà nó liên quan thậm chí chi phối vận mệnh của con người, mà muốn tồn tại, con người phải luôn đấu tranh để loại trừ nó. Chính vì vậy mà cái phi lý của Kafka là cái phi lý bi kịch.” (2)

Cái phi lý lớn nhất mà F.Kafka muốn trình bày là hiện thực đầy phi lý. Trong cảm quan của ông, dường như không có ý niệm về hiện thực. Nói một cách chính xác, tất cả mọi thứ đều bị làm nhoè mờ, hiện thực chỉ là ảo ảnh. Hiện thực không tồn tại. Không có hiện thực nào tồn tại một cách rõ ràng, minh bạch mà tư duy con người có thể nhận thức được. Con người tưởng nó là hiện thực nhưng nó chỉ là ảo ảnh, hay là một phần của hiện thực, đôi khi chỉ là một thứ “quái thai” – hiện thực. Trong thế giới của F.Kafka, con người bị rơi vào một mê cung không lối thoát. Tư duy lý tính của họ chẳng giúp ích gì được vì hiện thực là thứ không thể tri nhận. Và như vậy, con người chẳng có được chân lý nào. Tất cả đều mù mờ. Tất cả đều mơ hồ như một huyền thoại. Tác phẩm của ông treo lơ lửng trong đầu óc người đọc những câu hỏi hoài nghi, tra vấn không dứt, không mong gì có được một lời hồi đáp. Ấn tượng thường trực trong tác phẩm của F.Kafka “là việc thế giới trở nên bí ẩn và phức tạp, không thể nào thấy được” (3). Các truyện Làng gần nhất, Một ngụ ngôn nho nhỏ, Cây cầu, Những thân cây… đều là những hiện thực như vậy. Cái làng gần nhất trở thành làng xa nhất, một cái đích mà chàng trai không thể nào tới được – Cứ cho là không gặp tai nạn gì đi nữa – rằng một kiếp sống bình thường và trôi chảy cũng khó mà đủ cho cuộc du lãm ấy. Truyện Một ngụ ngôn nho nhỏ cũng mang cảm quan tương tự như vậy. Đối với con chuột, thế giới ban đầu rộng lớn tới mức làm nó cảm thấy e sợ. Thế nhưng, đó chỉ là một thế giới đánh lừa. Sự thực, nó hẹp đến mức con chuột vừa chạy đến bức tường của căn phòng cuối cùng thì không còn lối thoát, nó đâm đầu vào một cái bẫy và bị con mèo xơi tái. 

Không chỉ đem đến cho bạn đọc sự hoài nghi, những tác phẩm này sẽ thức tỉnh nhận thức về hiện thực của họ. Thông qua hiện thực phi lý, tác giả giúp người đọc nhận ra hiện thực ẩn đằng sau đó – hiện thực mà chính bản thân con người đang sống. Thế giới và cái tôi tách bạch, mâu thuẫn với nhau, xa lạ với nhau đúng như nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung nhận xét: “trong thế giới của Kafka, đối với cái tôi, thế giới trở nên xa lạ; đối với thế giới, cái tôi trở nên xa lạ…” (4). Với F.Kafka, “những gì mà ông quan hệ trong cái thế giới hiện diện đều có hình thù hai mặt. Chúng vừa là chúng lại vừa là cái gì khác đầy bí ẩn và không thể nắm bắt” (5). Đó chính là xã hội toàn trị mà con người bị bủa vây, bị cô lập, trở nên xa lạ và trở thành nạn nhân đáng thương của bao tai hoạ bất ngờ.

1.2. Cảm quan về sự tồn tại bất an của con người

Hiện thực trong truyện cực ngắn của F.Kafka là hiện thực phi lý nên vấn đề được ông quan tâm hàng đầu là sự tồn tại của con người trong xã hội phi lý ấy. Đó là cảm giác bất an thường trực của con người khi phải đối diện với thế giới đầy phi lý, bí ẩn, bất trắc. “Trong tác phẩm của mình, Kafka dường như muốn chứng minh rằng bản chất của sự sinh tồn chính là nỗi bất an, chi ít là sự sinh tồn của con người đầu thế kỷ XX. Nỗi bất an đeo đẳng con người mà suốt cả đời con người không thể nào thoát được” (6). Trong thế giới ấy, sự tồn tại và hiện diện của con người rất hư ảo, mong manh như một cái bóng. Con người phải đối mặt với những tai hoạ bất ngờ, những mối nguy hiểm từ các thế lực vô hình dội xuống. Kết cục cuối cùng không thể tránh khỏi, con người chết như “một con chó”. Ranh giới giữa sự sống và cái chết dường như bị xoá nhoà, cuộc sống con người như một trò đùa.  Con người có thể bị chết bất cứ lúc nào, bằng một lý do rất phi lý. Điều này gợi đến ý tưởng của Milan Kundera viết trong Tiểu luận: “sống, là một cố gắng nặng nhọc thường xuyên để quên chính mình đi, luôn ở trong cái stasis của mình. Chỉ cần đi ra khỏi mình trong một khoảnh khắc, là con người đã chạm đến lãnh địa cái chết” (7). Phải chăng đó chính là thân phận và sự tồn tại của con người trong xã hội hiện đại?!

Những nhân vật/ con người trong truyện cực ngắn của F.Kafka luôn luôn phải đối mặt với cái chết bất cứ lúc nào. Họ bị cuốn vào guồng máy xã hội phi lý, và họ không bao giờ có thể biết được lý do tồn tại hay phi tồn tại của bản thân. Nhiều nhân vật bị biến dạng, trở thành con vật, mất đi những phẩm chất, tính cách người. Các nhân vật của F.Kafka không biết đến niềm vui, hạnh phúc mà đời họ bị nhấn chìm, choán ngợp trong lo âu, bất an, có khi mang sẵn một bản án vô hình, truyền kiếp. Cho nên, những truyện cực ngắn mang phong cách ngụ ngôn của F.Kafka mang cái nhìn bi đát, chua chát. Thế giới quan của ông là những bất an và hoài nghi. Bởi thế giới này là thế giới bi kịch mà con người không sao tránh được, không sao giải thích được.

Sở dĩ con người trong tác phẩm của F.Kafka chịu những ám ảnh về số phận, mang nỗi bất an về lẽ tồn tại của mình là do họ bị bao vây, ngập chìm trong những mê cung của hiện thực. Hiện thực không chỉ bí ẩn, huyền hoặc mà còn rối rắm, mở ra biết bao ngõ ngách, dẫn con người tiến sâu vào mê lộ, mà kết cục là cái chết không thể tránh được. Những con người ấy vốn cô đơn, lạc lõng lại sống trong thế giới của mê cung nên càng trở nên nhỏ bé, hư vô trước không gian, thời gian vô cùng. Trên hành trình sống bất tận của mình, con người không bao giờ đến được đích, cũng không có cách nào kết thúc được hành trình đó. Do đó, mê lộ trong tác phẩm của F.Kafka biểu thị những khó khăn, thử thách, những cạm bẫy, nguy hiểm rình rập con người. Mê lộ ở đây còn bao hàm cả những thiết chế xã hội đang xiết chặt vòng vây, bóp nghẹt cuộc sống của con người. Khi viết về vấn đề này, Milan Kundera đã có nhận định khá chính xác: “tất cả họ đều ở giữa một thế giới là một thiết chế có tính chất mê cung duy nhất mênh mông mà họ không thể thoát ra được và không thể hiểu được” (8). Sống trong mê cung ấy, con người lạc lối và đi dần đến chỗ chết. Theo Trương Đăng Dung, “Franz Kafka đã thấy rõ nguyên nhân bị lưu đầy của con người trong thế giới hiện đại; trong mê cung của những thiết chế mờ ám và phi lý được bày đặt ra như những cái bẫy, con người bị tước mất khả năng tìm hiểu và thiết lập quan hệ với thế giới một cách bình thường, vì con người không phải là chủ mà là nạn nhân của thế giới!” (9). Cho nên, con người đi đâu cũng luôn luôn bị ám ảnh, cũng thấy nơm nớp lo âu, và luôn bị theo dõi, đe doạ. Đằng sau họ, một toà án vô hình đang bủa vây, nhốt chặt, rồi khép tội tử hình với họ bất cứ lúc nào, không cần lý do, chứng cứ. Trong các tác phẩm Trước cửa pháp luật, Thông điệp của hoàng đế, Một ngụ ngôn nho nhỏ, Người canh gác, Con kên kên…, người đọc đều gặp những con người đang vùng vẫy để bị nhấn chìm trong mê cung, không sao thoát được.

Trong truyện Thông điệp của hoàng đế, một bức thông điệp của vị hoàng đế sắp lâm chung chẳng bao giờ tới được người nhận. Mặc dù người sứ giả là một gã khoẻ mạnh, không biết mệt mỏi và trung thành tuyệt đối nhưng anh ta không thể có đủ thì giờ để vượt qua những lớp mê cung chằng chịt với những buồng ngủ, đám đông quần thần, cầu thang, sân nhỏ, cung điện, đặc biệt là các lớp hậu cung… Người nông dân trong truyện Trước cửa pháp luật không bao giờ chạm đến được pháp luật công bằng do những thiết chế quan liêu với những cửa trong, cửa ngoài của nó. Những mê cung ấy giết chết con người trong tình cảnh thê thảm, từ chính điểm yếu và hạn chế của họ. Nguyên tắc phúng dụ - nói bằng các dụ ngôn, bằng tượng trưng và nghệ thuật gián tiếp – đã giúp F.Kafka thể hiện bản chất của thế giới mê cung ấy. Đó là những thiết chế quan liêu, cửa quyền phi lý của chế độ độc tài toàn trị, mà bản thân quyền lực, ham muốn vươn tới quyền lực thống trị có sức mạnh phi phàm. Từ những nhận thức về sự phi lý của hiện thực và cảm giác bất an về sự tồn tại của con người, F.Kafka đã phản ánh được bộ mặt thực, bản chất bề sâu của xã hội đã, đang tồn tại và sắp hình thành. Đó cũng là một trong những quy luật vận hành của lịch sử, xã hội trong tiến trình thời gian, luôn luôn có sự lặp lại ở phương diện/ khía cạnh hay mức độ nào đó, tạo nên những kiểu hình thái ý thức xã hội nhất định.

Theo Jean Chevalier, “mê cung cũng dẫn vào nội tâm của bản thân, tới một thứ điện thờ ẩn giấu bên trong con người, nơi toạ lạc phần huyền bí nhất” (10). Cái phần huyền bí mà F.Kafka khám phá ra ở con người là phần mềm yếu, run rẩy, nhu nhược; là nỗi sợ hãi bản năng và cố hữu của con người. Người nông dân trong truyện Trước cửa pháp luật không phải không có cơ hội vượt qua những cửa trong cửa ngoài của mê cung pháp luật. Chính người gác cửa đã bảo với bác ta có thể đi vào trong những cánh cửa nhưng đưa ra cản báo cánh cửa sau sẽ khó khăn hơn: nếu bác muốn thì cứ vượt quyền tôi mà vào thử xem. Lời nói của người gác cửa này vừa như một lời thách thức, vừa là lời để mở lối, một cơ hội cho bác nông dân kia. Nhưng bác nông dân đã bở lỡ cơ hội vì nỗi sợ hãi bản năng. Bác ta không thể vượt qua được chính bản thân mình. Để rồi,  bác ta quỵ luỵ người gác cửa và cả đời không mon men được đến với pháp luật, chết trong đau khổ, tuyệt vọng. Nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc đã đưa ra nhận xét khá tinh tế về biểu tượng mê lộ khủng khiếp này: “Mê lộ của Kafka là cả một thế giới thách thức trí tưởng tượng và thách thức cả tư duy suy lý. Mê lộ tạo nên huyền thoại, huyền thoại về cõi chết. Không đặt chân vào mê lộ, cũng chết. Bước vào mê lộ tất nhiên, sẽ chết. Mê lộ của Kafka là một thứ quyền năng vô biên mà con người không thể cưỡng. Thêm nữa, nó là một hệ biến hoá khôn lường” (11).

1.3. Giải thiêng huyền thoại và tra vấn ngôn từ

Trong truyện cực ngắn của F.Kafka, các nhân vật huyền thoại, lịch sử xuất hiện khá nhiều. Nhưng đây không phải là những huyền thoại hiện đại mà ngược lại, nó nhại huyền thoại, giải thiêng các nhân vật thần thánh. Các nhân vật này được F.Kafka thổi hồn vào, tạo nên sức sống mới, được nhìn ở góc độ trần thế hoá, người hoá. Cho nên Posiedon (truyện Posiedon) không còn là vị thần biển đầy quyền uy mà bị biến thành một viên chức với bộn bề công việc giấy tờ nhàm chán. Ông cũng chưa một lần du ngoạn khắp giang sơn, biển cả của mình. Về Prometheus trong truyện cùng tên, có bốn truyền thuyết khác nhau, và câu chuyện nào cũng nói lên số phận bi đát của ông. Hoặc là ông đau khổ trong cực hình khốc liệt, hoặc ông bị lãng quên, hoặc con người coi câu chuyện của ông là một điều vô nghĩa. Bởi truyền thuyết bắt nguồn từ thực tế, cho nên nó không thể giải thích được. Trong cái nhìn của F.Kafka, thực tại là một món hỗn độn, kỳ ảo khiến con người lạc vào mê cung. Nói đến các thần, thực chất F.Kafka nói đến thân phận con người, bi kịch của con người trong xã hội.

Triết lý trong truyện cực ngắn của F.Kafka không phải chỉ bàn về bản thể hiện thực, sự tồn tại của con người mà còn là sự nghi ngờ về tư duy, cái vỏ vật chất của tư duy – ngôn từ. Con người cho rằng ngôn từ là sản phẩm cao cấp thể hiện trình độ phát triển mạnh mẽ về mặt trí tuệ của mình. Ngôn từ có sức mạnh lớn lao, thành cái vỏ vật chất của tư duy, tái hiện hiện thực khách quan một cách chân thực và toàn diện. Với F.Kafka thì khác, ông nghi ngờ chính khả năng của ngôn từ. Ngôn từ không có sức mạnh vạn năng. Bản chất của ngôn từ là mờ đục, đầy rắc rối khiến con người bất khả tri nhận. Nó không tương hợp với hiện thực, không có đủ khả năng phản ánh, thể hiện những mê lộ, những phi lý của hiện thực như một ảo ảnh. Thế giới của F.Kafka là thế giới hoài nghi, không có hiện thực duy nhất, chân lý cuối cùng, thì cũng không thể có phương tiện thể hiện chúng. Các truyện Về những ẩn ngữ, Một nhầm lẫn bình thường, Thôi đi… nói về những khía cạnh khác nhau của sự bất lực của ngôn từ trong việc chiếm lĩnh hiện thực cuộc sống.

Về những ẩn ngữ nghi ngờ khả năng thấu suốt, vạch rõ bản chất mờ đục, trừu tượng của những ẩn ngữ - thứ ngôn từ thông thái của bậc hiền triết. Theo quan niệm thông thường, đây là thứ ngôn ngữ bác học giúp làm sáng rõ khái niệm, những mệnh đề để con người cảm nhận và nắm bắt hiện thực. Tuy vậy, nó không làm sáng tỏ được hiện thực mà nó càng làm cho điều bất khả tri trở thành bất khả tri, làm nhoè ảo hiện thực. Chẳng có thứ ngôn từ nào, kể cả ngôn từ ưu việt nhất – những ẩn ngữ - có thể giúp con người nắm bắt rõ hơn bản chất mọi sự việc. Con người chỉ thắng trong hiện thực bằng những điều có thể tri nhận được, những điều mắt thấy, tai nghe; còn trong ẩn ngữ, bạn là người thua cuộc. Ẩn ngữ vĩnh viễn chỉ là ẩn ngữ. Nó chẳng thể giúp con người tìm ra được một chìa khoá để đi vào cuộc sống, đi vào hiện thực đa tầng đánh lừa con người. 

Bất kể một tác phẩm nào của F.Kafka đều chứa đựng một nội dung triết lý, đều là những triết luận về hiện thực và con người. F.Kafka luôn băn khoăn, day dứt về con người, sự tồn tại của con người trong mối quan hệ với hiện thực phi lý, với mê lộ cuộc đời. Những suy tư ấy giúp con người đi sâu vào hiện thực, thấu hiểu sâu sắc những khả năng và bản thể của mình. Thế giới trong tác phẩm của ông luôn vận động, và nhân vật của ông luôn có khao khát vượt lên trên chính mình để chiến thắng những mê lộ. Cho nên, nội dung triết lý trong truyện cực ngắn của F.Kafka cũng như toàn bộ sáng tác của ông mang tính nhân bản sâu sắc. Nhiều nhà nghiên cứu đã xem F.Kafka như một nhà triết lý hiện đại.

Chú thích:

(1) Dorothy Brewster và John Angus Burrell, Tiểu thuyết hiện đại, Dương Thanh Bình dịch, Tủ sách Kim Văn Sài Gòn, 1971, tr.341.
(2) Franz kafka, Tuyển tập tác phẩm, Nhiều người dịch, NXB Hội Nhà văn, 2003, tr.7.
(3) Franz kafka, Tuyển tập tác phẩm, Tlđd, tr.939.
(4) Franz kafka, Tuyển tập tác phẩm, Tlđd, tr.941.
(5) Franz kafka, Tuyển tập tác phẩm, Tlđd, tr.939.
(6)  Franz kafka, Tuyển tập tác phẩm, Tlđd, tr.8.
(7) Milan Kundera, Tiểu luận (Nghệ thuật tiểu thuyết – Những di chúc bị phản bội), Nguyên Ngọc Dịch, NXB Văn hoá thông tin, 2000, tr.264.
(8) Milan Kundera, Tiểu luận, Tlđd, tr.103.
(9) Franz kafka, Tuyển tập tác phẩm, Tlđd, tr944.
(10) Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Phạm Vĩnh Cư dịch, NXB Đà Nẵng, 2002, tr.592.
(11) Lê Huy Bắc, Truyện ngắn – Lý luận, tác giả và tác phẩm, tập 2, NXB Giáo dục, 2004, tr.191.

Đây là một phần trong khoá luận tốt nghiệp chuyên ngành Lý luận văn học, với đề tài: "Truyện cực ngắn hiện đại mang phong cách ngụ ngôn" mà tác giả thực hiện do Thầy Trần Ngọc Hiếu hướng dẫn. Khoá luận bảo vệ tại khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội tháng 5 năm 2006.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ