ÁP LỰC HỌC TẬP, THI CỬ VÀ CƠ HỘI LỰA CHỌN CỦA HỌC SINH
16 năm dạy học phổ thông, chừng ấy năm, thậm chí hơn mình gắn với các kỳ thi cử của học sinh, chứng kiến biết bao áp lực học hành, mà nhiều trường hợp thấy nó không đáng có để đạt được mục đích đó, quá tốn kém kinh tế của gia đình, cũng như tinh thần của đứa trẻ. Nhưng biết làm sao được khi mà ở xứ mình những kỳ thi vẫn mang tính chất quyết định, sơ suất là hỏng cả một quãng đời, có khi cả đời, theo quan niệm của đa số dân Việt, ít nhất cũng đôi chục năm nay. Cho nên chắc hơn lép, một đứa trẻ phải học nhiều, thật nhiều, để đạt được cái đích là vượt qua kỳ thi, vào trường mình mong muốn, có điều kiện và môi trường học tập tốt nhất.
Trường hợp đầu tiên mình chứng kiến về áp lực học hành trong một kỳ thi là em học sinh mình gia sư lần đầu ở Hà Nội. Hồi ấy là năm 2004, mình bắt đầu dạy em ấy cuối năm lớp 9 để em ấy thi vào 10, đến lúc lên cấp 3 vẫn dạy luôn tới khi mình ra trường. Khi ôn thi vào 10, riêng môn Văn thì giai đoạn cuối chắc phải học gần chục ca: học cô chủ nhiệm trên lớp dù cô dạy dở, em không thích nhưng vẫn phải học; học một cô luyện thi có tiếng ở Hà Nội; kết quả thi thử vẫn tệ, lại thuê riêng một gia sư tuần dạy ba ca. Chưa kể đến môn toán, tiếng Anh nữa, để không chỉ xét điểm vào trường top mà còn thi chuyên. Dĩ nhiên em ấy có sức khoẻ rất tốt chứ không học vậy thì cũng đến ốm. Việc đi học như được lập trình theo khung giờ ca kíp, mẹ đưa đón hoặc có một bác xe ôm chuyên chở đi học.
Hồi đó, mình cũng ngạc nhiên vì áp lực khủng khiếp của kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội. Nhưng tới bây giờ, đâu chỉ Hà Nội, mà ngay ở khu vực mình, dù nông thôn thôi, thì kỳ thi vào lớp 10 cũng áp lực không kém là bao. Cho nên học sinh phải học ngày đêm, ở hết chỗ này tới chỗ khác, mà cái đề thi, điểm chuẩn vào trường mình đang dạy thì đâu có gì cao sang. Đề thi luôn ở cái mức ít phân hoá bậc nhất của xứ này, điểm đầu vào trường mình thì mỗi môn trung bình hơn 5,0 xíu là được rồi. Mình cũng chẳng hiểu tại sao ngần ấy năm học ở cấp 2, năm nào cũng học thêm chừng ấy môn, nhưng những kiến thức cơ bản vẫn hổng. Và để đảm bảo thành tích của trường, của cô một số học sinh yếu được vận động không thi, những học sinh trung bình thì bắt học thuộc ngày đêm các bài văn cô làm sẵn, không thuộc ngồi gốc cây học cho tới khi thuộc, cô test xong mới được về. Với một học sinh biết tư duy, không thiểu năng, có ý thức học để làm cái đề thi vào 10 tỉnh mình môn văn được trên 5 điểm đâu phải khổ sở tới mức phi lý như thế.
Bây giờ, mình thấy học sinh lớp 9 thi vào 10 còn chịu áp lực nhiều hơn, lớn hơn, mệt mỏi và học những thứ vô nghĩa, kiểu phi lý hơn học sinh 12 của mình. Dĩ nhiên, một số học sinh 12 cũng chịu nhiều áp lực học hành do gia đình, do bản thân khi phải đỗ trường top đầu, điểm cao, phải học nhiều thứ vượt cấp để hướng tới tương lai tươi sáng, theo suy nghĩ của các em ấy và của phụ huynh. Áp lực học hành, đặc biệt trong những kỳ thi tuyển chủ yếu liên quan đến cơ hội học tập, việc làm, những lựa chọn mà học sinh, phụ huynh có thể có. Thế nhưng áp lực với học sinh 12 thi tốt nghiệp ít hơn hẳn so với học sinh chuyển cấp vào 10 THPT, nhất là thi vào các trường top, các trường công lập.
Áp lực học hành, thi cử liên quan trực tiếp đến lựa chọn của học sinh vả những cơ hội mà các em có để hướng tới tương lai. Học sinh 12 có nhiều cơ hội, nhiều sự lựa chọn hơn. Có nhiều trường đại học ở các mức điểm chuẩn khác nhau, phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế, sở trường, định hướng tương lai của các em, gắn liền với đó là nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau. Kể cả những học sinh không đậu đại học, các em vẫn có thể đi học nghề, hoặc hầu hết cũng đủ tuổi đi làm công nhân phổ thông. Mặt khác, việc thi để đỗ tốt nghiệp với mức độ đề ít phân hoá, cơ bản và cách tính điểm xét tốt nghiệp như hiện nay không phải chuyện khó khăn. Một kỳ thi không mang tính đấu loại trực tiếp với các học sinh cùng tham gia trong một trường thi cũng tạo tâm lý thoải mái, vô tư hơn.
Còn học sinh lớp 9 thì lại hoàn toàn khác, nhất là ở các vùng nông thôn. Bởi các em chỉ có một số ít lựa chọn vào các trường công lập. Nếu không đậu trường công, đi học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề thì chất lượng không thể bằng, các cơ hội khác cũng hẹp hơn. Việc đi lại thì xa xôi, khó khăn hơn hẳn. Điều đặc biệt khiến phụ huynh lo lắng nữa là nếu các con của mình không đỗ vào một trường THPT thì ở nhà đứa trẻ cũng không biết làm gì, chỉ ở nhà lêu lổng khi chưa đủ tuổi lao động. Xã hội nhiều cạm bẫy. Trẻ nhàn cư, rất dễ bị dụ dỗ, sa đà vào những tệ nạn xã hội. Cha mẹ không có thời gian quản lý, giáo dục hiệu quả.
Mình có đọc một bài viết của cô giáo là giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội trên facebook, nói về việc đưa con đi thi, giảm áp lực thi cử, rồi con không vào được trường thi có thể học những thứ khác, trường khác. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở TP HCM vừa qua, bức ảnh phụ huynh giơ biển con thi thế nào bố mẹ cũng vui, kèm bó hoa có hình thần tượng của con làm nức lòng biết bao nhiêu người. Điều đó cho thấy sự chuyển biến tích cực ở một bộ phận phụ huynh trí thức, tại các thành phố lớn, gia đình có điều kiện nên con cái có nhiều sự lựa chọn khác nhau, không nhất thiết phải học trường điểm, lớp chọn. Những phụ huynh ấy hiểu con mình, không đặt nặng nề thành tích, biết điều gì phù hợp với con cái trong điều kiện có những lựa chọn khác nhau. Tuy nhiên, ở những vùng xa, với các gia đình điều kiện kinh tế eo hẹp, cơ hội và lựa chọn với đứa trẻ chỉ có hai: hoặc đỗ trường công, hoặc không gì thì lại là chuyện khác. Cho nên, chấm dứt nó là một điều vô cùng khó khăn, và có thể nói là không thể. Áp lực học hành, thi cử sẽ vẫn tồn tại như một thực tế, đồng hành cùng đời sống mỗi chúng ta. Chúng ta chỉ có thể giảm bớt đến mức thấp nhất một đứa trẻ phải chịu cho một kỳ thi, chương trình học. Bởi khi sự lựa chọn quá ít, cơ hội học tập hạn hẹp, những con đường để thay đổi cuộc sống cũng không có nhiều thì vẫn còn áp lực lớn trong mỗi mùa thi với đứa trẻ.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận áp lực thi cử của học sinh hiện nay vẫn còn phần nhiều do phụ huynh, giáo viên ham thành tích, coi thi điểm cao, vào trường chuyên, trường điểm, lớp chọn là chuẩn mực đánh giá cái giỏi hay năng lực của học trò. Một bộ phận không nhỏ phụ huynh không có sự hiểu biết về giáo dục, xã hội cũng bị cuốn theo cái guồng ôn thi quay cuồng của giáo viên và một số trường học vì thành tích và cả vì tiền nên tạo áp lực quá mức cho trẻ. Với một kỳ thi vào lớp 10 THPT ở một số địa phương tỷ lệ chọi thấp, yêu cầu đề không cao, điểm chuẩn trung bình thì việc ép học nhiều tới mức ngày đêm là điều khá phi lý. Thậm chí như từ học sinh đầu tiên mình dạy gia sư ôn vào 10 cho tới học sinh mới nhất ôn, dù biết học trên lớp không được là bao, dù phải ngồi ở gốc cây học thuộc lòng tới 6 giờ tối hơn vẫn phải ngoan ngoãn tuần học 2-3 buổi. Chỉ vì đó là ở trường, cô chủ nhiệm hay cô dạy nắm quyền sinh quyền sát bằng điểm số và các thứ đánh giá khác một học sinh.
Thi cử, học tập cũng là một phần của xã hội, cuộc sống mỗi con người. Áp lực là điều tất yếu, khó tránh khỏi cũng như sau này, mỗi đứa trẻ trưởng thành sẽ phải chịu nhiều áp lực còn khủng khiếp hơn nhiều. Tất cả chúng phải tự đối mặt và giải quyết, không bố mẹ nào sống thay con, theo con suốt cuộc đời được. Việc chấp nhận, chịu đựng, đương đầu vượt qua áp lực học hành, thi cử do tính khách quan, tất yếu cũng là một phương diện để đứa trẻ tự lập, tạo cho mình bản lĩnh, khí chất trong cuộc sống. Song, những áp lực vì các lý do không đáng của phụ huynh, giáo viên, hay chính học sinh chưa ý thức được rõ về bản thân khiến các kỳ thi cuối cấp, mang tính tuyển chọn, có tỷ lệ chọi cao thành vấn nạn, tạo ra những căn bệnh tâm lý, ảnh hưởng lớn tới đứa trẻ. Điều cần thiết là phụ huynh phải có hiểu biết, kiên quyết, hình thành ở trẻ những suy nghĩ tích cực, biết cái gì cần, hợp với mình, luôn chuẩn bị trước, có phương pháp học tập phù hợp, hiệu quả.
Con người không thể thay đổi hoàn cảnh xuất thân, không thể lựa chọn nơi mình sinh ra. Vì thế, điều quan trọng nhất là cách nhìn nhận, thích ứng, vượt lên sáng suốt, thông minh, hợp lý. Dĩ nhiên lý tưởng nhất là phụ huynh sẽ cho con sống ở môi trường có thể cho nhiều lựa chọn/ tự tạo ra nhiều lựa chọn bằng điều kiện tốt với con em mình. Còn lại, nếu không thể có được điều kiện lý tưởng thì cần hiểu rõ con, thực tế của xã hội, của nền giáo dục, có lựa chọn chính xác, phù hợp nhất với con, để phát huy năng lực, hình thành những giá trị, chuẩn bị cho tương lai. Điểm xuất phát quan trọng nhưng nó không phải là yếu tố quyết định để một đứa trẻ tiến xa trong cuộc đời nhìn về mọi mặt. Điều quan trọng nhất là lựa chọn phù hợp, một tinh thần sẵn sàng trải nghiệm, thử thách bản thân, không ngừng học hỏi, đổi mới, nhất là tới môi trường sống hoàn toàn khác lạ, kiếm tìm cơ hội, chứ không phải theo con đường sẵn, bằng lòng, an phận với sự yên ổn ở một nơi chật hẹp mà sống mòn, cam chịu, thoải hiệp với hoàn cảnh.
Nhận xét
Đăng nhận xét