"Hạ trắng" và những ảo ảnh mơ



Có lẽ rất nhiều người yêu thậm chí mê nhạc Trịnh. Trong số vài trăm bài hát củaTrịnh Công Sơn, mỗi người sẽ chọn cho mình một bài mê đắm tuỳ vào lứa tuổi, tầm hiểu biết và tâm trạng. Riêng mình, mình rất thích bài "Hạ trắng", một bài hát gợi nhiều ấn tượng cảm xúc và hình ảnh. Những hình ảnh nhạt nhoà, hư ảo của một giấc mơ chiều, của một dáng vai gầy mảnh mai thiếu nữ nhoè trong sắc trắng nắng.
Cái duyên mình đến với nhạc Trịnh không phải là "Hạ trắng" mà là "Cát bụi" nhưng những dư âm, dư ảnh của "Hạ trắng" lại sâu đậm hơn. Cát bụi suy tư nhiều, ám ảnh nhiều người đọc về thân phận phù du, cát bụi của con người. Đặc biệt, nó để lại một dư cảm khôn khuây về sự trôi chảy của thời gian, sự hữu hạn của cuộc đời con người: "Bao nhiêu năm làm kiếp con người/ Chợt một chiều tóc trắng như vôi/ Lá úa trên cao rụng đầy/ Cho trăm năm vào chết một ngày...". Còn ở "Hạ trắng" những ám ảnh chuyển thành những ấn tượng đẹp, mang nhiều dư vị miên man. Không hiểu tại sao khi nghe bài hát này, mình luôn liên tưởng tới những câu thơ tuyệt bút của Hàn Mặc Tử: "Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang" (Mùa xuân chín). Phải chăng cái màu trắng nắng của hạ đã làm cho cả hai gần gũi?
Có thể nói "Hạ trắng" là ảo ảnh nối tiếp ảo ảnh, giấc mơ kéo dài giấc mơ để thành cơn mơ dài bất tận. Bài hát được gợi cảm hứng từ giấc mơ của nhạc sĩ khi sốt cao, có người thiếu nữ mang hoa trắng tinh khôi, thơm tho đến thăm. Cùng với đó là câu chuyện mà tác giả được nghe khi đi viếng bố người bạn qua đời - câu chuyện về mối tình thắm thiết sống cùng nhau và chết bên nhau. Thế mới có chuyện: "Áo xưa dù nhàu/ cũng xin bạc đầu/ gọi mãi tên nhau". Song, với một người có đôi chút ám ảnh văn chương, tôi chú ý nhiều đến ca từ của nhạc phẩm. Như một ma thuật thôi miên, khi nghe bài hát, tôi luôn hình dung có một dáng kiều nữ mảnh mai, hao gầy đi về trên con đường ngập nắng hạ chói loà. Tất cả đều hài hoà, thanh thoát và đẹp hồn nhiên, đẹp đến hư ảo của một cõi mơ:
"Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say
Lối em đi về trời không có mây
Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy"
Trong cái nắng đầy hương sắc của hạ ấy, những bông hoa trắng thấp thoáng như một điểm nhấn. Các hình ảnh đã gieo vào lòng người nghe bao liên tưởng. Ánh mắt kiều nữ mơ màng buồn, đôi vai hao gầy quen thuộc, bầu trời trong suốt một màu nắng. Màu nắng ấy thắp lên đôi mắt kiều nữ màu tình yêu. Thực tế, những hình ảnh trong lời bài hát mang chút dấu ấn tượng trưng. Gần như nó mờ, nó ảo, tác động đến cảm giác nhiều hơn gợi tư duy, sự cắt nghĩa cụ thể. Và cơn mê chiều miên man lại đưa về những ảo ảnh trắng của hoa, của nắng:
"Gọi nắng cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay
Cho tay em dài gầy thêm nắng mai
Bước chân em về nào anh có hay...
Gọi em cho nắng chết trên sông dài" 
Liên tưởng trong bài hát là liên tưởng mơ nên cứ đút quãng, nhảy cóc. Trong cơn mê, anh gọi nắng về cũng là gọi em về. Nhưng "bước chân em về nào anh có hay" cho nên "Gọi em cho nắng chết trên sông dài". Đó là tiếng gọi tha thiết từ cõi tiềm thức và tâm linh sâu thẳm. Ba hình ảnh đồng hiện soi chiếu vào nhau thành cấu trúc hình ảnh chủ công, tạo ấn tượng về những ảo ảnh mơ: nắng - em - hoa trắng. Tất cả là mơ và chỉ ở cõi mơ. Cách sử dụng từ ngữ "lạ hoá" khiến cảm xúc và giác quan của người nghe được đánh thức ở mức độ cực điểm, tạo nên những dư âm thẩm mỹ vang vong: "Gọi nắng cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay/ Cho tay em dài gầy thêm nắng mai", rồi "Gọi em cho nắng chết trên sông dài". Hoá ra nắng còn mong manh, gầy guộc hơn cả em. Sắc màu hạ trắng cũng hư ảo quá! Cho nên hy vọng thành ảo vọng, gọi em trong cơn mê để mãi mãi chìm trong cơn mê, để nắng "chết trên sông dài". Cái đẹp ấy nhức nhối, xa xôi, quyến luyến, khắc khoải đến tuyệt vọng như một nhà thơ Ý đã từng nói: "Cái đẹp là cái làm ta tuyệt vọng"!
Những vẻ đẹp như kéo dài mãi giấc mê chiều. Giấc mơ ấy mang đến hạnh phúc, tinh yêu, đến mùa thu mát lành tuyệt diệu.
"Thôi xin ơn đời trong cơn mơ này gọi mùa thu tới
Tôi đưa em về chân em bước nhẹ trời buồn gió cao
 Đời xin có nhau dài cho mãi sau nắng không gọi sầu
 Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau"
Niềm hạnh phúc vô bờ đã đến trong mơ, trong khát vọng. Tác giả hàm ơn cuộc đời đã mang đến mùa thu tình yêu. Và tôi đưa em về trong bầu trời lồng lộng gió. Khát khao đẩy lên tận cùng thành một ý niệm về tình yêu vĩnh cửu. Đó là tình yêu mãi mãi không rời, tình yêu đến bạc đầu, nhầu áo. "Đời xin có nhau dài cho mãi sau nắng không gọi sầu/ Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau". Những lời hát như gióng giả mãi một âm điệu tình cảm say đắm, thuỷ chung. Nó tạo nên một nét hồn thơ cho bài hát. Để rồi sau đó, giấc mơ kia lại hiển hiện với em, với hoa trắng và sắc nắng nồng nàn, hư hao lạnh lảnh lót toả chiếu:
"Gọi nắng cho tóc em cài loài hoa nắng rơi
Nắng đưa em về miền cao gió bay
Áo em bây giờ mờ xa nẻo may
Gọi tên em mãi suốt cơn mê này
Em đi qua trong chiều cũng như mọi ảo ảnh mơ sẽ qua. Em cài hoa trắng đi trong nắng rơi về nơi miền cao gió bay. Em đi xa trong giấc mơ, làn áo mong manh mờ nhạt dần rồi khuất lấp. Còn tôi với tiếng gọi ngóng đợi vô vàn trong cơn mê. Anh gọi tên em mãi suốt cơn mê này cũng như gọi nắng suốt mùa hoa trắng rơi. Bộ tam hình ảnh Nắng - Em - Hoa trắng xuất hiện trong cơn mê để rời xa vĩnh viễn, chỉ còn dư ảnh, ảo ảnh rơi rớt sót lại làm lòng người bâng khuâng. Cơn mê gọi tên một màu nắng, một sắc hoa, một tình yêu vĩnh hằng. Tôi rất thích điệu khèn sacxofon vang lên cao vút bắt điệu nhạc của ca khúc. Những giai điệu ấy khiến lòng bao xao xuyến và làm cho trường liên tưởng rộng mở. Nó vừa có cái mênh mông, bát ngát toà ngời như bao bông hoa nắng trên trần; nó lại vừa có cái đằm sâu, diết dóng, khắc tạc vào hồn người nghe. Nó để lại kiến trúc của lâu đài dư vang, của bao khoảng lặng suy tư, cảm xúc trong lòng của sự ngân vang. Cho nên hình ảnh, dư ảnh cùng ngôn từ, giai điệu quyện vào nhau làm nên một vẻ đẹp lung linh, hoàn hảo cho ca khúc. Bao ấn tượng là mơ nhưng cũng là thực, thực trong cảm xúc, trong tâm hồn. Để rồi, mỗi người nghe đều muốn mình lạc vào cõi mê, thả lòng theo "hạ trắng", theo hoa trắng, theo tiếng "gọi tên em mãi suốt cơn mê này". 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ