“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô


          Trong bộn bề của cuộc sống hiện tại, đôi khi ta thèm một khoảng lặng để lắng nghe một giai điệu bài hát trầm lắng, yên tĩnh. Nhưng cái khoảng lặng của ước mơ ấy thật xa vời trong nhịp sống tất bật hiện đại này. Và chợt có một khoảnh khắc nào đó, ta được tịnh tâm và giai điệu kia cất lên khiến ta giật mình phát hiện ra bao suy tư, bao ý nghĩa mới mẻ, sâu xa từ những ca từ, giai điệu quen thuộc. Đó là cái cảm giác được đánh thức, được bừng ngộ của cảm xúc, của tâm linh. Tôi đã đã có một khoảnh khắc gặp lòng mình như thế khi nghe thí sinh Nguyễn Thị Minh Chuyên hát “Dấu chân địa đàng” của Trịnh Công Sơn trong đêm diễn tuần 5 của “Sao Mai điểm hẹn 2010”.
          Khi xướng cái tên Minh Chuyên với ca khúc “Dấu chân địa đàng” của Trịnh là màn kết của đêm diễn – đêm quyết định ai sẽ tiếp tục cuộc chơi, ai sẽ phải từ bỏ cuộc chơi “Sao Mai điểm hẹn 2010”, tôi đã rất băn khoăn xen thêm phần lo lắng. Bởi thực tâm mà nói tôi đã ủng hộ ca sĩ này từ cuộc thi “Sao Mai 2009”. Mỗi lần cô ấy xuất hiện đều mang đến một bất ngờ, một điều gì đó phá cách, mới lạ. Nhưng đó là chuyện của những nhạc phẩm khác của những tác giả khác. Còn đây là “Dấu chân địa đàng” của Trịnh – một bài hát rất hay, rất quen, và với tôi là gắn liền với cái tên ca sĩ Khánh Ly thể hiện. Tuy nhiên khi nghe Minh Chuyên hát xong, tôi thực sự bị thuyết phục và cầm ngay di động lên để bình chọn cho Chuyên, dẫu biết rằng cách thể hiện, những bài hát mà cô chọn sẽ khó lòng nhận được thật nhiều tin bình chọn từ khán giả, nhất là khán giả trẻ quen nghe nhạc dễ dãi, chạy theo hình thức hay mốt thời đại. Thực tâm mà nói, Minh Chuyên đã đem đến một cách hát, một cách xử lý mới, khiến tôi “vỡ” ra nhiều điều từ ca khúc rất quen mà rất lạ này. Nói là “vỡ” ra chứ tôi vẫn thấy thật mù mịt khi nghe ca khúc và đọc ca từ của ca khúc này. Nó có cái gì nhẹ nhàng, bay bổng mà lại cứ bàng bạc, mờ xám, nó cứ ám ảnh nhưng lại cứ trôi trượt đi. Ngôn từ và hình ảnh của nó và là cụ thể, vừa rất hư vô, thấm đẫm màu sắc siêu thực, một vẻ đẹp nhiệm màu của sự huyền bí.
          Ngay từ nhan đề ca khúc đã mang dấu ấn siêu thực - “Dấu chân địa đàng”. Hai danh từ, một cụ thể, một trừu tượng đặt cạnh nhau không cần đến quan hệ từ nối kết. Cái nhan đề ấy như mang chút ngẫu hứng, mở ra nhiều trường liên tưởng phong phú và tác động mạnh vào cái phần vô thức trong ta. Nó khiến đầu ta cứ phải hình dung, liên tưởng và chắt chiu suy tư và dấy lên trong lòng bao khúc mắc: Dấu chân còn lưu vết trong địa đàng hay dấu chân của địa đàng in hình trong cuộc sống? Tại sao chỉ là dấu chân địa đàng thôi? Nó rất nhỏ nhẹ, mong manh, hư ảo. Hình ảnh ấy cũng như nhiều hình ảnh khác trong nhạc Trịnh mang tính chất giao thoa, mơ hồ thực - ảo.
          Thực ra “Dấu chân địa đàng” là bài hát có giai điệu rất hay, vừa có chỗ tiết tấu nhanh, lại có quãng chậm, trầm, ngân nga kéo dài. Nhưng cảm giác trỗi nhất của tôi khi nghe giai điệu nhạc phẩm này là cái gì đó vút cao, bay xa, phiêu bồng, thanh thoát. Vậy mà đằng sau gia điệu rất đẹp, thanh và phiêu ấy, nhất là giọng hát vang lên trên nền guitar nhẹ nhàng, mộc mạc, tinh tế lại là khối ngôn từ nguyên phiến, khó phân giải, bình giá. Có lẽ cách tư duy rất ngẫu hứng, phi lôgic của dấu ấn siêu thực trong ca từ đã khiến ca từ của bài hát này là “Bất khả giải”. Dù như thế chăng nữa, tôi cũng xin đưa ra vài lời như một cách hiểu, cách cảm theo thiển ý của cá nhân về những gì rất thực và rất siêu thực của “Dấu chân địa đàng”.
          Mở đầu bài hát là những hình ảnh không gian đầy ấn tượng mở ra theo nhiều chiều:
“Trời buông gió và mây về ngang bên lưng đèo
Mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều
Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mây miền
                                   Trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm”
          Nói đến không gian chỉ là nói đến những hình ảnh đậm nhất, cảm giác trỗi nhất trong đoạn ca từ mà thôi. Những “trời buông gió”, những “mây ngang lưng đèo”, “lạc gió mây miền”, “ngoài khơi nước lên sóng mềm”… Tất cả không gian bao la cùng bao chuyển động khiến không gian ấy như động hơn. Những động thái chuyển động của các sự vật trong không gian thật nhẹ nhành, bay bổng, mềm mượt, vút cao. Tất cả đều như vươn lên, cuốn đi theo phiêu lãng, bồng bềnh. Đồng hành, song song với trục không gian ấy là một dòng thời gian mong manh, xuyên thấu: “mùa xanh lá loài sâu ngủ quên trong tóc chiều”, “Cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca lên như than phiền”. Sợi dây thời gian như ghìm lại cái bay bổng, làm loãng cái vút cao để lại những suy tư, những dư ảnh buồn trong lòng. Bởi mắc kẹt trong không gian và thời gian là những cuộc đời nhỏ nhoi, quên lãng. Một loài sâu “ngủ quên trong tóc chiều”, một cuộc đời với “tiếng ca lên như than phiền”, một áng mây bàng hoàng khi lạc gió, khi cô quạnh ngưng đọng giữa giao điểm của không gian, thời gian. Các trạng thái “ngủ quên”, “than phiền”, “bàng hoàng” của ba đối tượng nhưng thực ra là đồng quy để khắc chạm cái trạng huống cảm xúc duy nhất của một chủ thể đang xoay nhìn, ngắm nghía mình trong một cõi đa chiều của không, thời gian. Khối đa diện ấy khiến con người kia đi từ say giấc ngủ quên đến thức tỉnh để phiền muộn, than tiếc cho cuộc đời, cho kiếp mình cũng như kiếp sâu, và suy nghiệm để bàng hoàng về chính mình – mình trong cuộc đời mà như “mây miền lạc gió”. Cái trạng thái bàng hoàng cho thất nhiều hoảng hốt, thẫn thờ, nhói buốt về bản thể khi nhận ra kiếp “con chim lìa đàn”, kiếp “mây miền lạc gió” của đời mình trong khi vạn vật, vũ trụ và thời gian vẫn bất biến, vô thủy, vô chung. Thực sự, tư duy trừu tượng, cái ngẫu hứng của chủ nghĩa siêu thực đã phát huy đến tận cùng giá trị của nó trong đoạn ca từ này. Trịnh đã sáng tạo ra những hình ảnh rất lạ, đặt những thứ dường như chẳng có liên quan gì với nhau cạnh nhau. Nó phá vỡ cấu trúc ngữ pháp và cách tư duy thông thường. Tất cả chỉ là những hình ảnh ấn tượng lướt qua đầu, để lại những ảo giác, những dư ảnh đầy ám ảnh. Chính những hình ảnh đó đã gọi mời phần trực giác, cõi tiềm thức sống dậy với bao liên tưởng, bao suy nghiệm mênh mang, bất tận.
          Rồi sau đó “dấu chân địa đàng” cũng dần dần hiện lên trong cảm giác hư thực của ảo giác, của một giấc mơ địa đàng in dấu chân:
“Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngỏ đêm hồng
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em”
          Khi mới nghe ca khúc, mới đọc ca từ tôi thực sự bị choán ngợp bởi một cảm giác lạ lùng, phi lý, âm u, ma mị. Quả thực những hình ảnh trong đoạn ca từ này là sự đan xen, hòa quyện giữa cái thực và cái ảo, giữa cái cụ thể và cái trừu tượng, giữa cái quen thuộc, gần gũi và cái xa lạ, mới mẻ. Tất cả giao hòa, tương tranh, cộng gộp thành một thể - một thể phi lý để nói điều có lý, cái hỗn tạp để nói cái trật tự, cái bất logic để thể hiện điều lôgic. Nếu đặt trong quan hệ với đoạn ca từ trước chúng ta sẽ thấy một mối ràng buộc, một lôgic của hình ảnh và cảm xúc. Thứ nhất đoạn này vẫn có sự lặp lại và phát triển một số hỉnh ảnh nổi bật, là điểm nhấn: khúc hát, loài sâu, cuộc đời, không gian. Thứ hai là sự vận động của thời gian: từ chiều (“Loài sâu ngủ quên trong tóc chiều”) sang nửa đêm (“Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng”). Thứ ba là sự vận động của tâm thế, trạng thái nhân vật trữ tình từ “ngủ quên” – “Than phiền” – “bàng hoàng” – “chùng chân” – “ngại ngùng”. Rõ ràng vẫn có một mạch suy cảm chủ đạo trong sự vận động phát triển. Cái cảm thức của con người hòa trong không gian, thời gian, để từ đó bật lên, khởi phát, lồ lộ như một sợi dây xuyên suốt, sáng lấp lánh, hằn sâu trong nhãn quan và trong cảm nhận người nghe. Đến đây, cái cảm giác thanh nhẹ, bay bổng, phiêu du đã không còn. Chỉ còn lại một bước chân của đời thực trong địa đàng rã rời, mỏi mệt, chùng chân cùng vó ngựa. Cảm thức đậm đặc nhất trong đoạn ca từ là sự tương phản: hành trình/ vó ngựa, bước chân chùng lại vì mỏi mệt; giữa bóng đêm tịch liêu/ lời ca ngại ngùng của khúc hát cuối cùng; giữa hương thơm của thiên nhiên/ mật đắng của cuộc đời. Bao trùm, quyện lấy tất cả là đêm đen, là bóng tối, là một màu u ám, là cõi tịch liêu – tịch liêu không gian, thời gian và tịch liêu trong tâm hồn. Khúc ca cất lên như bị mất hút, bị lún xuống sâu thẳm đêm đen thành hố hầm tuyệt vọng. Đêm hồng đã bỏ ngỏ và nước dâng lên mắt em. Phải chăng đó là dòng nước mắt ngập đầy những đêm u vắng, buồn vương, tiếc nuối, hoang liêu trước mênh mang cuộc đời? Có cái gì cứ se thắt, xót xa, hoài thương, tiếc nhớ trong những ca từ ấy. Hay là người ta đã bỏ lỡ dấu chân địa đàng để mọi thứ tươi đẹp đã phôi pha, đã vĩnh viễn mất đi, chỉ còn lại niềm tiếc nhớ, còn lại bóng đen tịch mịch, cô quả?
Và rồi từ nơi mịt mờ đen xám ấy, tiếng ca vẫn cất lên lần cuối cùng như phút lóe sáng trong tuyệt vọng. Nó cứ lảnh lót ru vang như tiếng con chim kia chỉ hót một lần duy nhất để tiếng hót vang lên tận cao xanh, khiến tất cả nhân gian phải lặng đi lắng nghe và thượng đế trên thiên đình phải mỉm cười, dù biết rằng mình đã mang cái chết trong người khi đâm vào giữa đám cành gai góc của bụi mận gai. Nhưng cuộc sống là thế, cái dấu chân địa đàng kia còn hằn in khi và chỉ khi người ta biết cháy hết mình, dám trả giá để nó mãi hằn in ở đó. Bài ca đó bất tuyệt, vĩnh hằng dù nó cất lên từ đâu chăng nữa:
Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô
Từ mưa gió
Và từ trong đá xưa
Đến bây giờ mắt đã mù
Tóc xanh đen vầng trán thơ
Dòng sông đó
Loài rong im ngủ sâu
Mới hôm nào bão trên đầu
Lời ca đau trên cao”.
          Vẫn là tiếng ca nhưng không còn là tiếng ca ẩn ngữ, gián tiếp của loài sâu hay của dạ lan nữa mà là tiếng ca của cuộc đời, là tiếng lòng của con người. Tiếng ca ấy là cây đời mãi mãi xanh tươi vì nó là tiếng lòng sâu thẳm, đã sống hết mình, cháy hết nhiệt huyết con tim để lại dấu chân địa đàng dù nó bắt nguồn từ đất khô, từ mưa gió, từ trong đá xưa; dù nó cất lên khi mắt đã mù, tóc xanh đen vầng trán thơ. Và tiếng ca – tiếng đời ấy một khi cất lên khiến tất cả các loài khác phải ngừng lặng lắng nghe, lắng nghe một bài ca bất tuyệt, bài ca đầy xót đau của bão táp cuộc đời. “Lời ca đau trên cao” hay chính nỗi đau đời, những bão bùng từ ngày mẹ cha cho mang nặng kiếp người khiến lời ca vút cao? Tiếng ca – tiếng lòng – tiếng đời đã hòa vào làm một cất lên những giai điệu diết dóng, tầm buồn, đầy ám ảnh, đau thương của ca từ. Ở đoạn này, giai điệu trầm hẳn, chậm hơn và dằn xuống những ấm thấp như từng tiếng đời, từng suy tư lần lượt rơi đổ theo từng nốt nhạc của giai điệu, theo từng lời ca từ ngân lên. Cái ngẫu hứng vẫn cứ tuôn chảy dào dạt đem đến những cảm giác lạ, những triết lý sâu, những day dứt lâu trong tâm khảm người nghe nhạc.
          Để rồi, sau đó, ca từ và giai điệu lại vút lên lần cuối, nhẹ nhàng hơn, êm du hơn như một sự giải thoát:
“Ngàn mây xám chiều nay về đây treo hững hờ
Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa
Rồi từ đó loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền
Để người về hát đêm hồng
Địa đàng còn in dấu chân bước quên”
          Khúc ca kết thúc, người hát ngừng lời nhưng dư âm vẫn còn vang mãi, vang lên bởi những giấc mơ đẹp, lãng mạn, bay bổng. Những hình ảnh trở lại nhưng là sự trở lại trong chính đời sống đầy ý nghĩa của nó. Mây xám về đây treo hững hờ, tiếng hát ru con người trong giấc ngủ vừa, loài sâu quên đi ưu phiên để cứ vui chơi trong cuộc đời, con người về hát trong đêm hồng và địa đàng in dấu chân bước quên. Tâm hồn, ngôn ngữ, hình ảnh cùng giai điệu cùng thăng hoa, siêu thoát. Giấc mơ về dấu chân địa đàng đã hiển hiện thành hiện thực. Hành trình gian truân, đầy khắc khoải đã kết thúc thật đẹp, thật thơ, thật mơ, thật phiêu du. Bởi tất cả đang ở trong địa đàng, địa đàng tình yêu, địa đàng sắc đẹp, địa đàng âm thanh và địa đàng của mơ ước. Dù con người chỉ để lại dấu chân bước quên trong địa đàng nhưng ý nghĩa của nó thì không là một bước quên.
          Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều mang một dấu ấn riêng, có một đời sống riêng của nó. “Dấu chân địa đàng” đã chạm vào lãnh địa sâu thẳm tâm hồn người nghe, đánh thức phần vô thức sâu thẳm trong ta để lại những ấn tượng, ảo giác của hiện thực và ước mơ. Đó chính là đời sống riêng, nét đẹp riêng của ca khúc. Nó mãi mãi đưa ta vào giấc mơ cùng những dấu chân bước quên chốn địa đàng, để ta bước chân vào cuộc lãng du của đôi bời hư thực, được một lần chạm vào lãnh địa cõi siêu thực và trải nghiệm cùng “Dấu chân địa đàng” phù du, ngẫu hứng cùng bao ám ảnh hằn sâu.

                                                                                                                                   11/2010

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ