Hoa cải buồn vương nhớ đông xa...
Có một mùa hoa cải nở vàng bên bến sông…
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Tháng
Giêng âm lịch đã đi qua trong lặng lẽ, trong cái rét muộn tái tê, nhói buốt. Những
ngày đầu tháng hai, ta được đón những ngày nắng ấm đầu tiên của mùa xuân mới
theo đúng nghĩa. Những giọt nắng tươi hồng, vàng khươm làm lòng ta náo nức niềm
vui xuân tình. Vạn vật như bừng tỉnh, cùng tỏa sáng rạng rỡ sau những ngày u ám
đông tàn. Tất cả phơi phới một sắc nõn nường, trong trẻo, tinh khôi của xuân non,
xuân cười. Hôm nay, ta mới thực sự cảm nhận được vẻ đẹp của nắng xuân trong cái
ấm áp, mơn man, rạng rỡ của nắng xuân. Tất cả như đang khoác lên mình một sắc
áo mới để đi hội cùng xuân, khai hội cùng xuân. Và chợt ta nhìn ven đường, bao
bông cải vàng đang khoe nhan sắc trong cái khoảnh khắc thời tươi ngắn ngủi còn
lại của mình. Hoa cải vàng quyện trong nắng vàng làm ánh lên một màu hoàng kim
của cái đẹp thăng hoa, phát tiết. Vậy sao nhìn cái màu vàng nhức nhối ấy ta lại
như thấy hiện hữu rõ một điệu buồn, một hồn buồn nhỉ?
Cuộc sống kéo ta đi theo một tốc độ
chóng mặt của những mưu toan, của những âu lo và bỏ lỡ. Những phút bất chợt
ngoái nhìn lại là những phút khám phá ra nhiều điều sâu sắc, tinh tế từ những
gì tưởng chừng như gần gũi đến quen nhàm. Và trong tích tắc ngoái nhìn, ta đã
phát hiện ra cái điệu hồn buồn cố hữu của hoa cải vàng. Tiết xuân ấm áp khiến
cho muôn loài khoe sắc, đưa hương. Khắp nơi ta đều thấy màu vàng thấp thoáng
của hoa cải. Từ những cây cải được trồng ở những chỗ đất tận dụng đang trổ hoa,
đến những luống cải trên đồng và những ruộng cải mênh mông vàng. Tất cả đang
nhuộm một màu sắc óng ả, mướt mà, nguyên khôi của chút tình đông vương vít sang
xuân. Sắc hoa cải đổ tràn lên không gian, tãi ra vô tận, làm cho những cánh
đồng vừa liên tục, vừa đứt quãng những sắc màu loang lổ. Chiêm ngưỡng những
cánh đồng cải sang xuân, ta thấy hồn mình như đang ru nhè nhẹ một niềm bâng
khuâng, xúc động trước vẻ đẹp trong ngời của cuộc sống. Những cánh đồng quê
hương u ám, mờ đục mùa đông như rạng rỡ lên trong khoảng khắc.
Với miền đồng bằng châu thổ, hoa cải
gắn liền với những bến sông, những chiều vàng đông hắt nắng. Cái bến sông buồn
như kéo thêm nỗi buồn mênh mông của hoa cải, của đợi chờ, của những nỗi lòng
dằn lại để có thể quay gót ly hương. Nhưng ở miền quê ta, hoa cải hiện hữu khắp
nơi với tất cả tính chất manh mún, phân lập của nó. Nhìn những luốn cải nhỏ,
tách ra, nhìn những cành cải đơn lập ta càng thấy đơn chiếc, thấm sâu một nỗi
buồn, một sự trống vắng. Vô tình hay hữu ý, thời gian nở vàng của hoa cải cứ
kéo dài, gối vụ từ đông sang xuân – từ cái lúc đắc ý của đông lạnh, qua đỉnh
đểm hoàng kim vàng mênh mang, rồi sang xuân tàn tạ, nát bươm trong mưa phùn.
Quy trình nở và tàn của hoa cải mang trong mình cái trạng huống lòng của kẻ đợi
chờ, của những hy vọng, những hạnh phúc trong cái hồi đáp ngóng trồng, rồi tàn
lụi trong vô vọng thanh vắng. Cải tàn úa và bến sông hoang vu một nỗi niềm tịch
liêu. Cải tươi tướp và cánh đồng lạnh giá bởi cái buổi giao thời, giao vụ. Phải
chăng, hoa cải là hoa của nỗi đợi chờ, của những ngóng trông muôn kiếp? Cải
xuân luôn ngóng vọng một cơn gió đông bắc, vương nhớ một mùa đông đã qua để
sầu, để tiếc một mùa đông đã qua.
Tự trong bản thể của mình, hoa cải rất
mong manh. Sở dĩ hoa cải đẹp là do cái bất tận, bát ngát của những ruộng, những
đồng, những bãi hoa. Một bông hoa cải thì mỏng manh, yếu ớt vô ngần. Thời gian
tồn tại của bông hoa cũng quá ngắn ngủi. Sắc vàng của cải phơi mình trong nắng
nhưng vẫn mang một cái gì võ vàng, một cái gì héo hắt của sự lỡ cỡ, dở dang.
Ngày trước cụ Nguyễn Du viết “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” để nói nỗi
hoài tiếc, xót đau của chàng Kim trở về vườn cũ mà chẳng thể gặp cố nhân. Còn
nay, đứng trước sắc vàng hoa cải ta như tiếc cho một cuộc tình xa, một cái gì
đã qua. Hoa cải không vàng đậm sắc mà lại rất thanh, rất nhẹ. Nhìn thấu suốt ta
mới thấy cái màu vàng ấy đang từng giây từng phút nhạt phai, tàn úa, mỏi mòn
dần. Chính cái lúc hoàng kim của nó cũng là lúc nó đang phôi pha, đang rơi
rụng. Cho nên, cái nụ cười phơi phới của gió đông kia như như càng làm cho hoa
thềm xót, thêm sầu, thêm thương về phận mong manh hương sắc.
Hoa cải chỉ đẹp, chỉ vui trong mùa
đông lạnh giá. Nó mang màu nắng cho đông tàn, nó đem chút ánh sáng cho đông
tận, nó bừng lên cho không gian đông hiu hắt, mờ đục, xám ngắt. Nhưng cái nắng
tươi giòn, hơ hớ và trong trẻo của xuân lại khiến hoa cải vàng cô liêu, hoài
nhớ. Dĩ nhiên màu nắng tươi luôn quyện trong sắc hoa nhung nhớ để tạo nên khúc
hợp tấu thăng hoa của sắc xuân. Song cơn gió đông và nắng mới giòn tan làm hoa
cải như vô duyên, như lạc loài, lệch pha với đời - sống – xuân. Nó đang đứng
giữa đường viền của thời gian để khắc khoải trong nỗi bẽ bàng, lỡ dở, để nhớ về
một thở yêu nhau trong đông giá, nắng tàn. Cái mênh mang của sắc, cái vương vấn
của hương là cái bất tận của tình day dứt. Sắc vàng long lanh của hoa cải tự
phôi thai trong nắng xuân một chút tình xa vắng đang chuyển điệu sầu.
Ai trong chúng ta lại không một lần
hoài nhớ trong suốt cuộc đời mình? Có ai không một lần dâng trào những tình nhớ
dưới đáy sâu tâm hồn chỉ vì một cái cớ rất mong manh nào đó? Và liệu có ai hoàn
toàn dứt tình quên hết quá khứ, quên hết những gì đã qua, những tình đã chớm,
những nghĩa đã nồng? Chắc là không ai cả. Bở đã là con người thì cảm xúc sẽ luôn
luôn vẹn nguyên như chính sự chân thành nguyên khối của nó. Hoa cải, với điệu
buồn, nét vương nhớ, hồn sầu tư chất ngất đã chuyên chở bao hoài vọng, bao ký
thác gửi nhờ cảm xúc vương vấn, sầu tư, xót tiếc về một thời đã xa. Mỗi người
tha hương sẽ khôn nguôi những dư ảnh cải vàng, bướm trắng. Cái sắc vàng khươm
thắm thiết kia là tình quê, là hồn quê, là tình người, là hồn người kết tụ,
lắng đọng. Sắc và hương sẽ còn mãi những vấn vít của nỗi lòng bằng nghĩa tình
và kỷ niệm. Để rồi, khi anh trên bất cứ một quãng đường phiêu lãng nào, thấy
sắc vàng hoa cải là hồi nhớ về một bến bờ neo đậu vững chắc, nhớ về một tín
điều yên ổn ta đã đánh mất đi. Hoa cải buồn nhớ trong sự tinh tế, kín đáo,
trong duyên ngầm muôn đời của người dân quê. Tất cả sáng lên một tình yêu thủy
chung, son sắt, một tấm lòng thắm thiết, ăm ắp mến thương.
Hoa cải buồn mang màu thời gian, màu
không gian, màu cảm xúc. Lướt qua xuân thì là nỗi cô đơn và sự trống vắng. Cuộc
sống này gieo rắc bao ly tan để lòng ta quặt thắt. Như hoa cải kia phơi phang
mình trước nắng xuân để đợi chút lạnh muộn mằn sót lại đông qua. Những thân cây
mềm mại, những bông hoa mong manh khiến ta thấy tội nghiệp xót lòng. Một mùa
đông đã qua, một mối tình đã xa. Chờ đợi chỉ là chờ đợi. Cánh đồng vốn hoang
vắng và mãi mãi quạnh hiu. Bến sông vốn tiêu điều mênh mông sẽ luôn luôn tịch
lặng, trải ra bất tận. Chỉ còn lại hoa cải trơ vơ, lạc lõng giữa bao sự vô
thường nở hết mùa vàng với niềm thương nỗi nhớ. Tình đã xa, người đã qua nhưng
dư vị, dư vang, dư ảnh thì không bao giờ khuất. Bóng hình đông qua, bóng hình
người xa vẫn in hằn trên bóng hình hoa cải buồn nhớ. Bến sông mãi mãi là bến
đợi chờ. Cánh đồng mãi mãi là điểm quy chiếu của ngóng đợi, của hương cố nhân.
Bao ngày tháng vẫn đi về trên luống
cải trổ hoa. Ta vẫn đi về trong quên và nhớ. Một chiều quê mênh mang trong cái
bình yên muôn thuở, hoa cải vàng gợi lợi sợi tình xưa. Ta nhìn hoa cải vương
nhớ đông qua mà lòng nhen lên bao bồi hồi, hoài vọng, nhớ tiếc. Người đã nói
một câu – một câu mà thuở yêu người ta cho là thấm thía – nhưng bây giờ lại
thấy vô duyên – “Hoa cải buồn vương nhớ vào đông”. Đã là vào đông rồi hoa cải
cần gì vương nhớ bởi đông lạnh là tình nhân của nó. Hay cái vương nhớ vào đông
ấy chính là nỗi nhớ về một cái tôi đã mất? Về một bản thể trinh nguyên đã chẳng
còn nữa để dành cho một tấm chân tình như hoa cải với đông? Ta cũng không suy
diễn nữa nhưng ta tự mang cho mình một vết thương lòng lỡ làng như hoa cải muôn
đời phải vương nhớ.
Ta đang đi giữa mùa hoa cải dần qua để
thấm cái lỡ làng muôn kiếp của đời. Và hốt hoảng, ta nhận ra mình cũng như hoa
cải kia: hoàng kim thăng hoa cũng là khi tàn tạ, chia lìa. Có cái gì miên viễn
đâu. Chỉ tiếc rằng cả ta và người đời luôn luôn tự dối mình một cách rất AQ với
ảo tưởng màu hoàng kim hoa cải muôn đời. Có! Có thể muôn đời nhưng chỉ là những
sợi tơ vương bằng dư ảnh, dư tình – cái mãi mãi chẳng là của ta và cũng chẳng
là của người – dù cả hai đều tiếc nhớ. Tất cả nhuộm một màu buồn vương vấn của
hoa cải vàng sang xuân.
Nhận xét
Đăng nhận xét