Chút tình cuối đông…



          Những cơn mưa phùn rơi rắc mang theo chút ấm áp và ẩm thấp quen thuộc của mưa xuân. Những ngày cuối cùng của năm cũ đang cạn dần để chuẩn bị đón một năm mới. Cái lạnh cuối đông cũng đỡ đôi phần sắc buốt. Vài tia nắng đầu tiên ló rạng soi tỏa sắc hoa xuân rực rỡ. Một mùa đông đang qua với bao cảm xúc, bao nỗi niềm của lòng ta. Những biến động, những vấp ngã, những xót xa và chút cay đắng của đời cũng đã dịu dàng nhiều. Ta thấy nhẹ lòng để nghe tiếng côn trùng đêm thâu, để cảm được sự cựa quậy của mầm non trên những cành cây già nua, đen thủi, trơ trọc để lặng nhìn mê mải những đám cỏ xanh mượt lấp lánh những giọt nước mưa. Những nét đẹp tiêu sơ, gần gũi quá khiến ta có cảm giác nó là một phần của cuộc đời, của lòng ta.
          Cuối đông, căn phòng vẫn vắng lạnh một cảm giác cô đơn, đượm buồn như bao năm nay cũng thế. Đêm đêm, ta ngồi nghe nhạc và nghe tiếng mưa phùn rơi. Từ đáy lòng, ta nghe được tiếng đời lăn náo nức, ta tìm lại được sợi dây giao cảm cố hữu với cuộc sống xung quanh. Có lẽ, số phận là vậy – số phận của ta là đối bóng trong cảm giác cô liêu, hoang vắng thường trực. Những khát vọng bao lâu nay nhen nhóm giờ cũng chẳng còn lại là bao. Ta sẽ chấp nhận cái quy luật vĩnh hằng để sống trong cõi đời vô thường, để ta luôn tìm thấy sự bình an, sự tĩnh tâm và niềm hoan lạc muôn đời của sự sống giản dị. Ta được sinh ra trong cõi đời và ta yêu quá cuộc đời này, yêu cả niềm vui và nỗ buồn, cả hạnh phúc lẫn đắng cay, cả những đam mê và sự chán ngán, cả những cô đơn, hoang lạnh và sự trùng phùng ấm áp… Đời cho ta thế và ta chắt chiu niềm vui, hạnh phúc, cái đẹp từ những mất mát, từ những khổ đau, từ những lạnh giá cô liêu. Và những trải nghiệm phong phú kia cũng chính là những niềm hạnh phúc bất tuyệt để ta sống một cuộc đời thực sự, một sự - sống – người.
          Những cơn gió đông mang hơi ấm nhưng vẫn chưa thể xua hết những gợn sóng băn khoăn, bất an trong lòng ta. Ta tiễn biệt một năm cũ để chào đón một năm mới, chào mùa đông để hướng tới mùa xuân tươi đẹp song lòng ta vẫn còn chút vương vấn cái lạnh mùa đông, vẫn lưu luyến một chút dư tình đã tan. Điều gì đang chờ đợi ta ở tương lai, ở phía trước của con đường? Ta không thể biết và cũng không muốn biết. Bởi ta muốn sống trọn vẹn với những phút của hiện tại. Cũng bởi thế mà ta thấy bất an, lo âu, phấp phỏng về cái ở phía trước kia. Ta chỉ sợ ta không có sức mạnh để vượt qua chính mình, để băng quá tất cả những nỗi buồn đau, những ngụy tạo, những yêu thương, những hoài vọng của quá khứ.
          Mùa đông qua để ta thấm thía cái lạnh de thắt, để ta biết ta đã có những gì và đã để mất những gì. Nhìn lại mình trong những ngày giờ giao thời này, ta biết ta đã yêu thương, đã chờ đợi, đã hy vọng như thế nào; ta đã nhìn lại một ta với bao đam mê, bao khát vọng. Qua bao thăng trầm, bao biến cố, bao trải nghiệm vui, buồn, hạnh phúc và cả khổ đau, ta vẫn thấy ta vẫn chưa hoàn toàn tĩnh tại, vượt ra khỏi những xúc cảm thông thường. Đó cũng là một lần để ta biết rằng vẫn còn một cái ta là ta với những khao khát, với rất nhiều xúc cảm, với rất nhiều yêu thương, với một niềm tin và hy vọng thật thà đến ngây thơ. Dù cuộc sống này có muôn vàn man trá nhưng cũng có vô số ngọt ngào; dù cõi đời này có vô số sự giả tạo nhưng cũng có không ít tình cảm chân thành; cuộc sống có nhiều cạm bẫy, bao tâm địa và thủ đoạn nhưng vẫn còn rất rất đông những người bạn yêu thương, giúp đỡ, sẵn sàn sẻ chia. Rõ ràng sau mỗi vấp ngã, ta không chỉ nhận ra mình rõ hơn mà ta còn nhìn đời thấu suốt hơn để mà hoài nghi, để mà tin tưởng, để buồn, để vui, để thất vọng và cũng để hy vọng.
          Chỉ còn hơn 2 ngày nữa là đến tết. Ta lại thêm một tuổi và mỗi người cũng sẽ thêm một tuổi, thêm cho mình những điều mới, hoặc tốt, hoặc không tốt, hoặc như ý, hoặc bất như ý. Tuy nhiên, năm nay, ta không có một chút xao xuyến hay một chút niềm háo hức, chờ đợi gì đến Tết. Tất cả ta đều thấy hờ hững. Tất cả với ta là bình thường. Tết giờ chỉ đơn giản là kỳ nghỉ dài dài mà thôi. Có lẽ lòng ta nguội lạnh và chai sạn đi nhiều cảm xúc hồn nhiên thơ trẻ thuở xưa. Cũng có lẽ ta đã trải nghiệm nhiều để không phải xao động trước những thường biến của cuộc đời. Nghe những đứa trẻ háo hức chờ tết, háo hức đi mua áo quần, giày, dép, háo hức chờ tiền mừng tuổi, háo hức đến ngày hội làng mà ta thấy thèm cái cảm xúc đó quá. Ước gì ta lại được trở về là một đứa trẻ để khỏi phải đối mặt với tất cả quá khứ - thực tại – tương lai của mình – những điều ta không dễ chấp nhận và không dễ đối mặt. Và cũng sắp đến lúc ta phải đối mặt thực sự để đưa ra một lựa chọn, xác định một con đường thực sự cho cuộc đời mình. Ta sẽ đi theo con đường mòn muôn thuở của cuộc đời con người hay sẽ đi trên con đường mới? Ta sắp đến ngã ba đường và lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan mất rồi. Sự lự chọn không chỉ phụ thuộc ở ta mà còn nhiều yếu tố khác, thậm chí ở ngay tính chất, đặc điểm và những gì đang đón đợi ở hai con đường kia.
          Càng gần tết thì hiện thực cuộc sống càng phơi phang rõ tất cả những mặt của nó. Nhìn, nghe, cảm nhận cuộc sống của bố, mẹ, chị và mọi người xung quanh xóm làng mà ta thương quá. Năm nay, không khí tết nhạt nhẽo cũng bởi đời sống dân sinh quê hương khó khăn quá. Mọi người đều sắm tết cầm chừng cho có và không khí cũng chẳng rộn ràng gì. Cả một vụ đông nhưng thu nhập không được bao nhiêu. Đến kỳ thu hoạc thì mưa dầm, gió nồm làm hỏng mọi thứ. Giá nông sản thì rẻ như cho. Bao đời nay, người nông dân xóm ta, quê ta, ngay cả gia đình ta đã phải chắt chiu, dành dụm để con cái có những cái tết tươm tất, để chúng có thể học hành, được trưởng thành và vươn lên. Họ đã hy sinh quá nhiều trong những cơ cực, thiếu thốn mà đôi khi họ chẳng ý thức được. Cả buồi chiều ngồi nhặt hành cho mẹ, và bao người khác nhặt hộ mới bán được 300000 đồng. Đấy còn chưa tính đến công trồng cấy, chăm sóc, vốn liếng. Giá trị lao động của người nông dân thật quá rẻ mạt. Bao công lao đổ ra cũng chỉ bằng ta dạy có chưa đầy 2 tiếng và phung phí trong vài phút giây. Cứ nghĩ đến tình cảnh của người nông dân quê nhà ta lại thấy xót xa. Nhìn rộng Ra trong cái xã hội này thấy nhiều đối lập, nhiều bất công và nghịch cảnh quá. Nhiều khi ta thấy mỉa mai, chua chát nhưng ta cũng chẳng thể làm gì. Ta chỉ biết cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, mong giá nông sản được cải thiện để đời sống của mọi nhà tốt lên, khá giả hơn và đầm ấm hơn.
          Ta hay quen nhìn lên để so sánh, để ghen tỵ, để cường điệu sự thiệt thòi của mình. Chính đời sống quê hương này đã đưa ta về thực tại, để ta biết nhìn xuống, biết chia sẻ, đồng cảm. Và chính những môi cười hồn nhiên của cháu ta, của những đứa trẻ thơ ngây, sự quan tâm và lối sống giản dị, bình thản của người dân quê kéo ta, níu giữ ta lại để ta không thành đứa ích kỷ nhìn đời bằng con mắt ráo hoảnh. Cho nên, về quê ta tìm được chốn nương náu bình yên, ta tìm được sự thanh thản để ta quên tất cả phiền muộn. Và tết năm nay càng như vậy. Quê hương và những người thân yêu – dù họ chẳng biết tý gì về vấn đề của ta – nhưng nhờ họ ta đã bình tâm, đã nhìn mọi thứ thoáng hơn, thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Ta đã sẵn sàng cho một sự khởi đầu mới, cho những dự định mới. Và dù sau này thế nào chăng nữa, ta vẫn còn một bến đậu là quê nhà để trở về, sống an nhiên, thanh bần và vui vẻ, tránh xa mọi tấp nập, xô bồ.
          Ngoài đồng vắng, những luống cải vẫn phơi sắc vàng rực rỡ trong làn mưa lạnh. Hoa cải như đang mang nỗi buồn vương nhớ những ngày đông qua. Nét buồn của hoa trong sắc vàng rực rỡ tự nó đã mang một nét phôi pha đầy hoài niệm nhớ thương. Và khắp con đường, ngõ xóm, không khí chuẩn bị tết cũng rộn ràng hơn. Những người con đi xa cũng dần về đoàn tụ trong không khí gia đình ấm áp. Đây đó là nồi bánh chưng trên bếp, là những mẻ chè làm ấm áp của cả gia đình súm sít ngày cuối đông. Và xa kia là những tiếng mời gọi ngày mai thịt lợn, mua hoa… Tất cả nhắc nhớ tôi về những nét văn hóa, phong tục ban sơ muôn đời của làng quê thuần Việt. Trong nỗi lòng ngổn ngang đang tìm về cõi bình yên, tôi cũng xao xuyến lòng một chút để rộn ràng hòa nhịp cùng không khí tết quê. Ta đang đón chờ thời khắc giao thời trong những cảm xúc nhen lên nhè nhẹ, trong những hy vọng và đợi chờ mơ hồ chợt hiện về trong không khí thanh bình muôn thuở của quê hương.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ