Khoảnh khắc giao thừa…




Dăm ba ngày nữa tin xuân tới
Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng
                                         - Nguyễn Khuyến -

          Đã mấy năm nay, như một thói quen thường nhật, ta thường thức để đón giao thừa, đón cái khoảnh khắc thiêng liêng của giây phút đất trời giao hòa, tiễn năm cũ qua đi để chào năm mới đến. Nhiều năm như thế nhưng thời khắc giao thừa luôn để lại trong ta bao nỗi niềm xúc động chân thành. Những xúc cảm của cái khoảnh khắc mỗi  năm chỉ có một ấy không năm nào giống năm nào cả. Đó là tình cảm ấm áp của tết sum vầy bên gia đình, là niềm hy vọng cho một năm mới với nhiều điều mới, là những rung cảm của sự chuyển giao từ thiên nhiên, tạo vật đang xâm chiếm vào lòng người. Cảm xúc đó luôn luôn mới mẻ, tinh khôi, trọn vẹn để ta lắng lòng thật sâu, lắng nghe tiếng nói của trái tim, của bản thể. Dường như ta có thể nhìn thấu suốt bản thân để trong phút chốc ta quên mọi ưu phiền đã qua, ta đón nhận sự bình yên, sự thanh lọc của tâm hồn. Con người ta lúc ấy cũng như bao người khác trở nên thánh thiện, bao dung và yêu thương hơn. Trong niềm xúc động, trong những tình cảm thương mến ấy, cầm chiếc điện thoại trên tay, ta bắt đầu soạn nhứng lời chúc tốt đẹp đến người thân, bạn bè.
          Buổi chiều ngày cuối năm ai ai cũng như bận rộn hơn, náo nức hơn. Suốt cả buổi chiều, ta dọn dẹp, chu tất lại nhà cửa, cắm bình hoa ưa thích, cùng mẹ sửa soạn bữa cơm cúng tất niên. Mọi người ai làm gì cũng như muốn thật nhanh, thật nhanh để trở về nhà cùng nhau đoàn tụ trong bữa cơm tất niên, chuẩn bị tâm thế đón tân niên. Ngoài đường, bao người đi tảo mộ trong tấm lòng thành kính. Mỗi chiều cuối năm thế này, ta càng thấy thấm thía những nét đẹp ngàn  năm trong văn hóa, phong tục Việt. Cuộc sống hiện đại hay những biến đổi của xã hội đã không thể làm mai một được tấm lòng của con người hướng về nhau, của tấm lòng yêu thương, của tình cảm gia đình ruột thịt khăng khít. Lòng ngưỡng vọng, nhớ về cội nguồn, tổ tiên cũng là một vẻ đẹp cao quý của người Việt ta. Với quan niệm rất nhân văn – trần sao âm vậy – bao đời nay, cha ông ta đã hun đúc, gìn giữ và phát triển cho chúng ta một nét văn hóa, phong tục thật độc đáo trong ngày tết Nguyên Đán.
          Tối, cả nhà cùng sum vầy ăn bữa cơm tất niên. Có lẽ, với hầu hết các gia đình Việt, đặc biệt là những đại gia đình nhiều thế hệ, thì bữa cơm tất niên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là lúc con cháu quây quần, tất cả mọi thành viên đều trở về đoàn tụ sau một năm vật lộn trong cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn. Bữa cơm cuối cùng của năm đầy đủ, viên mãn cũng là lúc mọi người đồng lòng, cùng hướng về gia đình, về tình cảm thiêng liêng. Mỗi người như thoải mái hơn, gần gũi hơn, độ lượng hơn để bỏ qua tất cả những hiềm khíc giận hờn, để lắng nghe, để thấu hiểu, để sẻ chia, để cảm thông và giúp đỡ nhau nhiều hơn. Sợi dây tình cảm ruột thịt, những giá trị tinh thần sống đích thực có sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ. Nó níu giữ, cố kết mọi người với nhau trong tình cảm thắm thiết, trong một tín điều thiêng liêng của yêu thương. Chính tình cảm gia đình, chính tấm lòng của mọi người dành cho nhau trong mọi hoàn cảnh là một động lực tinh thần giúp mỗi thành viên vượt qua tất cả những khó khăn, những vấp ngã, những cám dỗ của sa đọa ngoài đời.
          Những câu chuyện ngày cuối năm bao giờ cũng rôm rả hoặc lắng sâu. Sau cả một năm, ai ai cũng có nhiều nhiều chuyện muốn giãi bày. Tất cả đều chờ đợi cái khoảnh khắc giao thừa. Tất cả cùng chung tay chuẩn bị mâm cúng gia tiên trong khoảng khắc thiêng liêng ấy. Dù năm qua ra sao, ai ai cũng mong muốn năm mới tốt đẹp hơn, mọi việc suôn sẻ hơn cho mình và cho mọi người. Ta thường hay băn khoăn và suy tư rất nhiều về những thời điểm nhạy cảm kiểu cuối như vậy. Dường như đến cái thời điểm cuối ấy, con người thường sống chân thành, từ tâm và rộng lượng hơn thì phải. Có lẽ do tâm lý chung ai cũng muốn cái cũ, cái không hoàn thiện qua đi và đón một điều mới tốt hơn, đẹp hơn, hoàn thiện hơn đến với mình và mọi người. Bởi xét cho cùng, phàm là con người bình thường, ai cũng có lòng hướng thiện mà thôi. Lá luôn rụng về cội là như vậy. Con người dù đi đâu, dù làm gì thì trong những thời điểm cuối mình trải qua, sẽ luôn hướng về cái cội rễ của mình là gia đình, là quê hương, là tình thương yêu.
          Giao thừa năm nay lạnh buốt nhưng không vì thế mà sự náo nức, rạo rực của lòng người giảm đi. Người người vẫn đi chơi, vẫn nô nức ra đường đón giao thừa, hái một nhành lộc non đem may mắn, tài lộc về cho năm mới. Riêng mình, mình thường thích đón giao thừa ở nhà, cùng tất cả người thân ngồi chờ nồi bánh chưng. Bao nhiêu năm nay, cái cảm giác vớt bánh chưng đúng giao thừa vẫn làm xao xuyến lòng ta. Một chút dư vị tết xưa vẫn còn ở ngay trong gia đình ta. Ta lại được tắm mình trong cảm giác bé bỏng hoa niên ngày nào, dù chỉ trong một làn khói thời gian hoài niệm. Những lúc thế này, ta luôn thấy mẹ thật đẹp, thật cao cả và tuyệt vời! Mẹ không chỉ là người gói bánh chưng, giữ lại nếp nhà với những sinh hoạt quen thuộc. Mẹ còn giống như một sợi dây tình cảm vô hình kết nối tất cả mọi người trong gia đình lại. Mẹ không chỉ giữ lửa truyền thống mà mẹ còn là người truyền lửa để đám con cháu sau này biết mà giữ gìn. Tổ ấm của gia đình ta sẽ không thể trọn vẹn khi thiếu vắng mẹ, nhất là trong những ngày tết lành. Nồi bánh chưng của mẹ trong đêm giao thừa sẽ theo con mãi mãi trong cuộc đời như một biểu tượng thiêng liêng của gia đình.
          Đồng hồ điểm 12 giờ đêm (cũng à 0 giờ sáng). Giao thừa đã điểm. Bầu trời tối đen như mực được bừng sáng bằng đèn, bằng rất nhiều pháo hoa, pháo nổ giòn giã. Mấy năm nay ở quê ta, giao thừa nhiều pháo khủng khiếp. Dường như nghị định cấm đốt pháo không hiện hữu ở đây. Cả xóm chỉ có duy nhất nhà mình không đốt pháo. Nhìn thấy pháo sáng, nghe pháo nổ giòn giã thậm chí đinh tai mà ta không khỏi suy ngẫm đôi  điều trong phút giao thừa vốn dĩ xúc động, thiêng liêng. Thứ nhất ta thấy vui vì đời sống dân tình nhà ta khấm khá, vui vì mọi người đều phấn khởi, vui vì lòng lạc quan chờ đợi một năm mới của những người dân quê dẫu sao vẫn rất chân chất. Với họ, tết vẫn có một ý nghĩa tinh thần quan trọng. Nhưng qua những cái niềm vui đó, ta cũng thấy thấp thoáng chút buồn, một chút mỉa mai, nghịch lý. Ở một quốc gia mà phép vua luôn thua lệ làng, lệnh cấm cứ cấm, người đốt cứ đốt, từ quan đến dân. Đúng là sự thật bi hài! Điều nữa là, không phải ai cũng có kinh tế khá giả  mua pháo. Mỗi nhà cứ trung bình khoảng ngót 1 triệu tiền pháo. Họ đốt quá nhiều cũng không khác nào đốt tiền mua vui trong thoáng chốc. Nhiều gia đình kinh tế khó khăn, có khi quần áo mới cho con còn chẳng may nhưng vẫn cố mua vài bánh pháo để đốt. Dân quê sống theo kiểu con gà tức nhau tiếng gáy nhiều khi cũng để lại nhiều hệ lụy dở khóc, dở cười. Đó còn chưa kể đến những nguy hiểm do pháo gây ra. Thực tế ở quê ta đã có người chết hoặc trọng thương do đốt pháo. Và nữa, sau cái đêm giao thừa này, bao nhiêu nhà phải đi tìm những chú vật nuôi cưng của mình do sợ pháo. Riêng với ta, tết ta vẫn thích có tiếng pháo nổ và xác pháo hồng nhưng chỉ là một chút để đem lại may mắn, để vang lên những âm vang của điều mới, của sự phấn chấn và lòng lạc quan năm mới. Không biết bao giờ người dân quê mình mới có ý thức để xây dựng một nếp sống văn hóa thực sự, để mình có những khoảnh khắc giao thừa thực sự lắng lòng?
          Giao thừa, ta mở toang cánh cửa ngôi nhà đón một không khí mới. Ta bước ra giữa khoảng sân rộng rãi để cảm nhận hết tất cả sự giao hòa của đất trời, của vạn vật, của không – thời gian, của lòng ta trong phút chuyển giao. Cái lạnh buốt của đêm như ta biến. Ta thấy lòng thanh tĩnh và như cảm nghe được tất cả không gian, thời gian, cũng như sự vận động của tạo vật. Tất cả đang phôi thai trong mình những biến đổi, một sức sống để ngày mai xuân ấm áp bung nở những mầm non khỏe khoắn, những bông hoa tươi tắn. Trời trong hơn một chút. Mặt đất cũng bình yên hơn. Tất cả như lặng đi để sẵn sàng cởi bỏ lớp vỏ xù xì, cũ kỹ, những phiền muộn, âu lo, những mất mát cho một mùa xuân tươi. Không biết ngày mai thế nào nhưng ai ai cũng hừng hực một khí thế, một hy vọng. Có lẽ cái cảm xúc, cái tâm niệm ấy là bản thể muôn đời của con người nhân loại. Nhờ nó mà loài người không bao giờ gục ngà mà luôn luôn vươn lên, dù có lúc sự vươn lên ấy tạm thời bị trì hoãn, bị kìm nén lại.
          Giao thừa, ta mở lòng ra để thâu nhận tất cả những tinh khôi, bình lặng. Ta soi mình vào mọi người, soi mình với chính mình để sống lạc quan hơn, tin tưởng hơn, chân thiện, yêu thương và bao dung hơn. Những du khúc xuân vang lên cộng hưởng với tiếng đời, với tiếng cựa mình trở dậy đầy sinh lực của tạo vật đang thôi thúc ta. Ta không thể sống lạnh lùng và ngủ quên trong nắm tro tàn nguội lạnh của quá khứ, của những mất mát để đánh mất mình, phụ tấm lòng của người thân yêu. Năm mới, ta cũng phải sửa soạn cho những điều mới và cũng phải dám vứt bỏ một số u uất, bi thường. Tiếng phảo nổ đùng để tan tác lớp vỏ thành xác pháo. Nhưng nó dám trả giá để sống trọn đời của một quá pháo đúng nghĩa. Vậy tại sao ta không sống hết mình cho một điều gì đó để ít nhất ta trọn vẹn là ta trên một phương diện nào đó?!
          Trên bàn thờ gia tiên, mâm cỗ cúng giao thừa đã được đặt lên tề chính. Bố thắp ba nén nhang thơm và khấn ông bà tổ tiên có linh thiêng cùng về ăn tết với con cháu. Hương trầm quyện lại như đặc sánh trong giây phút thời gian, không gian và lòng người ngưng đọng. Trong cái phút giây thành kính này, quá khứ và hiện tại, những người đã khuất và những người bây giờ, linh hồn và thể phách cùng đồng hiện, giao hòa. Nếp nhà muôn đời của người Việt vẫn được duy trì và phát huy một cách giản dị như thế này. Cái phút giây trang trong, thành tâm này liệu ai dám sống dối lòng mình. Tình và cảnh, con người và vạn vật, thế giới ngoại vật và thế giới tâm linh, người đã khuất và người đương thời giao cảm xoắn xuýt. Đúng là với mỗi con người “thác là thể phác còn là tinh anh”.
          Dù tết hiện đại mất đi nhiều không khí thiêng liêng, trang trọng, nhiều lễ nghinhipj nhàng của tết xưa nhưng cái khoảng khắc giao thừa thì bao giờ vẫn làm ta xao xuyến, rung động những tình cảm vẹn nguyên, ban sơ. Nhiều khi ta cực đoan nói với bạn bè rằng: tết bây giờ chả còn chút không khí và hương vị tết. Có chăng chỉ là không khí ngóng vọng, chờ đợi và những cảm xúc nôn nao khi chờ đợi và tắm mình trong không khí giao thừa. Cái khoảnh khắc ấy qua nhanh nhưng nó để lại bao dư vị, dư vang, bao tình cảm cho mỗi người. Từ thiên nhiên vạn vật đến không khí, từ sinh hoạt đến phong tục, từ tình cảm gia đình đến tình cảm xã hội, từ sự chuẩn bị vật chất cho tết đến tinh thần đón tết, chờ tết của mỗi người… đều toát lên một điệu hồn sâu thẳm, đặc trưng, ngời sáng của văn hiến đất Việt. Ở những làng quê, với những con người quê về căn cốt vẫn mộc mạc chân chất như quê ta thì cái điệu hồn kia, cái thần thái kia, cái nét đẹp ban sơ của Tết Việt, nhất là trong khoảnh khắc giao thừa vẫn còn mãi mãi.
          Hoa đào nở rực rỡ. Cây bắt đầu nhú mầm non thay lá già. Giao thừa qua đi và năm mới, xuân mới lại đến. Cái lạnh rơi rớt, dù nó tái tê vẫn không ngăn được sức xuân, sức sống và niềm hy vọng của lòng người. Cũng như bao biến động của thời thế, bao xoay vần của cuộc sống vẫn không bao giờ làm tan biến được những hằng số giá trị văn hóa, những hằng số giá trị người thiêng liêng trong phút giao thừa ngày tết. Trong cái khoảng lặng, trong phút giây trong ngần của tâm hồn ấy, lòng thiện, mầm hy vọng, hoa lạc quan và sức sống của văn hóa gia đình truyền thống luôn luôn thăng hoa rực rỡ như những bông pháo hoa lung linh làm sáng cả bầu trời đêm tịch mịch kia.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ