Ngày 17/2 và sự im lặng đáng sợ trước lịch sử…


         Chúng tôi là thế hệ sinh ra trong hòa bình, khi đất nước đã thống nhất. Hai từ “chiến tranh” hầu như không được biết đến trực tiếp. Ý niệm về chiến tranh, về sự tàn khốc cuả nó, về những đau thương mất mát, những bi kịch từ trong và sau chiến tranh, chúng tôi chỉ được biết qua những trang sách giáo khoa, qua lời giảng của thày, cô, qua phim ảnh, qua lời kể của cha, anh. Mặt trái của tấm huân chương, của hoa ngày chiến thắng, của đỉnh cao chói lọi huy hoàng những chiến công chúng tôi hầu như không mấy được nghe. Báo, đài, sách vở lúc nào cũng là cổ vũ, là ngợi ca, là tung hô cái vẻ vang chói lọi ấy.
          Ở trường, chúng tôi được học bài học lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước đáng tự hào với bao chiến công lẫy lừng hiển hách, với truyền thống yêu nước, ý chí quật cường chống ngoại xâm. Nhưng ai đã làm nên những chiến công ấy thì không có thày cô nào nói một điều thấu đáo. Lịch sử chúng tôi được học là lịch sử ghi công trên quan điểm của người chiến thắng. Chúng tôi chỉ biết những mảnh vụn, ghép vụng về của những trang chói lọi, của những vàng son mà đâu biết còn những thăng trầm, những bóng đen, những giai đoạn lịch sử đầy đau thương và nước mắt. Và cũng không ai nói cho chúng tôi những mặt trái của tấm huân chương chiến thắng kia. Nhiều sự kiện, nhiều biến cố đã bị bỏ quên hoặc cố tình bị sử sách, truyền thông bỏ quên, bị hệ thống giáo dục phổ thông bỏ quên. Sự kiện ngày 17/2/1979, Trung Quốc đem 60 vạn quân tấn công, tàn phá, giết chóc dân ta suốt dọc biên giới bị bỏ quên hoặc cố tình bỏ quên như thế.
          Tôi có may mắn hơn bạn bè và thế hệ sau một chút là được hai cô giáo dạy sử khá tận tình và kể cho chúng tôi nghe ngoài câu chuyện ngoài chính sử ghi trong sách giáo khoa. Tôi có biết về cuộc chiến này nhưng sự thực tính chất, mức độ, những mất mát, những thương vong như thế nào thì không được tường tận. Cho đến khi tôi lớn lên, mạng Internet phát triển, những trải nghiệm nhiều hơn, điều kiện học hành, mở rộng kiến thức tốt hơn, tôi mới có cái nhìn đa chiều về các cuộc chiến nói chung, về cuộc chiến ở biên giới Việt – Trung diễn ra hơn 1 tháng bắt đầu từ 17/2/1979 nói riêng. Những sự thực đó khiến tôi bàng hoàng. Bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh, hàng ngàn người dân bị thảm sát bằng những hình thức vô cùng dã man; những thị xã, làng mạc, xí nghiệp, nông, lâm trường ở các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng bị phá phách, san ph       ẳng, thậm chí là xóa sổ… Sự kiện này nếu xét về tính chất cũng đâu có thua kém những sự  kiện lớn như nạn đói năm 1945, thắng Pháp, thắng Mỹ, và bao cuộc chiến chống xâm lược từ phương Bắc trải dài suốt ngàn năm lịch sử thời trung đại.
Vậy mà, hầu như chưa bao giờ sự kiện được được vào sách giáo khoa lịch sử phổ thông. Các giáo trình lịch sử cũng chẳng viết là bao. Tôi cũng không thấy có năm nào được tổ chức kỷ niệm như một mốc son lịch sử về chiến thắng ngoại xâm; càng không có lễ dâng hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, bảo vệ từng tấc đất của cha ông để lại; và cũng không có nốt những giây phút mặc niệm dành cho những nạn nhân xấu số bị thảm sát… Tất cả, nếu theo những nghi lễ chính thống của Đảng, Nhà nước là con số “Không”.
Cho đến ngày hôm nay, 17/2/2013, sau 34 năm diễn ra cuộc tiến công của quân Trung Quốc vào biên giới nước ta, tôi thực sự bàng hoàng vì sự im lặng đến lạnh lùng vô cảm của các cơ quan truyền thông chính thống. Duy có tờ Thanh Niên đăng bài phỏng vấn một vị tướng về cuộc chiến này. Phải chăng tất cả đã quên? Hay người ta cố tình quên? Hay ai đó bắt báo chí phải quên? Và do đó, làm cho nhân dân quên? Tôi càng giật mình hoảng hốt khi những học sinh của mình, có học sinh đã qua bậc học phổ thông và bước lên bậc học cao hơn nữa như cao đẳng, đại học lại không có một ý niệm gì về sự kiện này. Đây không còn là nỗi buồn mà là nỗi đau, là sự xót xa đến ngậm ngùi cay đắng. Lỗi không phải ở các em, lỗi ở một hệ thống, trong đó giáo dục bị chi phối, từ cắt xén chương trình, đến dạy lịch sử và viết chương trình lịch sử theo ý muốn của một hay một nhóm người nào đó. Thế hệ chúng tôi còn lỗ mỗ, chẳng biết mấy cụ thể huống chi thế hệ 9x, khi mà những cái chính thống các em tiếp xúc thì không có bất cứ dấu hiệu nào cho biết sự kiện này.
Tôi không biết vì lý do gì mà báo đài, mà các cơ quan ngôn luận đã quên hoặc cố quên đi sự kiện bi thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng này. Nhưng sự im lặng này, xét từ góc độ một công dân của Việt Nam, từ góc độ một con người tôi thấy đáng sợ, tôi thấy rùng mình. Người ta cố tình quên lịch sử, quên đi những xương máu của cha anh mình đổ xuống, quên đi những nỗi đau của dân mình tức là phủ nhận quá khứ, phủ nhận cha anh, là một sự phản bội hèn hạ và vô đạo đức. Có thể biện mình lý do chính trị chính em gì đó nhưng đó chỉ là ngụy biện. Những sự thật phải được nói ra, không cần phải đao to búa lớn nhưng chúng ta phải lên tiếng. Bao linh hồn chiến sĩ và nhân dân nằm lại biên cương chắc không thể ngủ yên trước thái độ lạnh lùng vô cảm như thế. Không một lời tưởng niệm, không một nén hương thăm viếng, không một sự ghi danh chính thức nào trước quảng đại công chúng trong nước và quốc tế. Chẳng lẽ xương máu của họ chỉ là bùn đất,  không có ý nghĩa gì? Và liệu sự im lặng này có giúp ta hòa bình mãi mãi với một người láng giềng nguy hiểm, xảo trá, tham lam vô độ không hay chỉ tỏ ra ta yếu hèn, nhu nhược và quy phục?
Chúng ta im lặng không chỉ có lỗi với người đã khuất, với lịch sử, với đất nước mà còn với con cháu muôn đời sau. Họ sẽ còn biết gì về cuộc chiến này? Đến thời điểm này, nhiều người trẻ, thậm chí là học sinh trí thức còn không có ý niệm huống chi những người khác. Tước đi một sự thật hiển nhiên như thế là làm mất đi lòng tự tôn dân tộc, làm bào mòn ý thức về chủ quyền của thế hệ trẻ, làm mất khả năng tự vệ cần có trước một người láng giềng luôn chơi trò hai mặt với ta. Nhưng nguy hại nhất, là khi ta giấu giếm cũng chính là ta đang lừa dối chính con cháu chúng ta. Trong hệ thống giáo dục phổ thông bây giờ, chúng ta đang dạy cho con em mình nói dối. Tất cả tín điều chúng ta dạy, những bài học về lịch sử của các em trong sách giáo khoa chỉ là cái nhìn một chiều, theo quan điểm người chiến thắng, phục vụ cho một ý đồ đã định hướng từ trước. Và sau này, khi có điều kiện học tập, tiếp xúc thông tin sâu rộng hơn các em sẽ vỡ ra nhiều điều. Nguy hại nhất là khi đó, con cháu ta hoang mang, mất đi niềm tin, không còn biết cái gì mới là sự thật cuối cùng. Như thế cũng có nghĩa là chính quyền đánh mất lòng dân. Liệu một quốc gia, dân tộc có vững bền, thịnh vượng trước một thể chế chính trị mà không có gốc rễ hay không?
Đối lập với sự im lặng của báo chí, truyền thông, của nhà chức trách, của cơ quan đoàn thể là tiếng nói của nhân dân. Chỉ lướt qua diễn đàn của mạng xã hội facebook chúng ta có thể gặp bao bài viết, câu chuyện, hay những dòng suy nghĩ ngắn gọn về sự kiện 17/2/1979. Rất nhiều người đã thay hình ảnh hiển thị trang cá nhân của mình bằng hình ảnh hoa sim biên giới để tưởng nhớ sự kiện này, để tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Nhà chức trách, cả một hệ thống chính trị có thể quên, báo chí chính thống phớt lờ nhưng nhân dân mãi mãi không quên. Đây chính là một niềm an ủi, một tín hiệu đáng mừng. Từng người khắc sâu và lan tỏa thì toàn dân sẽ không quên, sẽ khắc ghi để tri ân người đã khuất và chuẩn bị những trang bị tốt nhất vì chủ quyền dân tộc.
Tôi không phải người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi nhưng con người sống cần có quá khứ mới biết trân trọng hiện tại, hướng tới tương lai. Có người đã nói đại ý rằng: Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ nã bạn bằng đại bác. Hy vọng rằng chúng ta sẽ cảnh tỉnh để không bắn vào quá khứ bằng những viên đạn của sự im lặng, lãng quên lạnh lùng, hoặc cố tình lãng quên. Chúng ta cần xây dựng một nền hòa bình, hướng tới hợp tác và phát triển bền vững nhưng cũng đừng ảo tưởng từ sự viện trợ bên ngoài, đừng ảo tưởng ai cũng tốt với ta. Sự cảnh giác là không bao giờ thừa. Và trên hết, hai tin điều quan trọng nhất mà một chính quyền cần phải làm là tất cả vì chủ quyền dân tộc, vì lợi ích quốc gia. Khi những thứ đó bị xem nhẹ, bị đặt dưới lợi ích của một hoặc một số người nào đó thì thực sự nguy hiểm.
Và việc quan trọng trước hết chúng ta cần làm là đưa ra ánh sáng những sự thật vì những người đã ngã xuống, vì lịch sử, vì thế hệ sau, vì đất nước. Sẽ chẳng có một đất nước cường thịnh khi lòng tự tôn dân tộc, khi lợi ích quốc gia, khi chủ quyền bị xâm hại. Sẽ không có một thể chế nào tồn tại mà không dựa vào dân. Lòng dân, trong sự kiện 17/2 này và nhiều sự kiện khác đã rõ, tại sao chính quyền vẫn lặng im? Tôi thực sự sợ hãi những sự lặng im này và những hành động chà đạp thô bạo ý kiến của dân kéo dài như nhiều sự vụ đã qua. Tất cả những điều này tích tụ, kéo dài rồi sẽ có ngày… Thực sự tôi không bao giờ dám nghĩ sẽ có cái ngày đó trong hiện thực.


Nhận xét

  1. https://youtu.be/8gLiI0PNom8
    Cần thêm thời gian để có đủ đạo đức , nghị lực đã mới dám !
    Nhờ bạn nghiên cứu kỹ về thầy Trần Việt Quân và các trường TUỆ ĐỨC, BKE...xem có ổn ko nhé , định cho bọn nhóc đi học ở đó

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ