Chút xuân Sài Gòn trong “Thành phố mùa xuân”


“Sài Gòn mùa xuân còn thoáng lá vàng bay
Có mùa thu nào đang ở lại
Mặt đường nằm im hiền ngoan như con suối
Kết hoa vàng cho lộng lẫy đời”


          Lần đầu tiên nghe những ca từ và giai điệu của bài hát “Thành phố mùa xuân” vang lên mình thực sự rung động, cảm xúc. Mình nhận thấy một mùa xuân thật Sài Gòn, thật đẹp, trong sáng, rực rỡ và tĩnh lặng. Có lẽ Trịnh Công Sơn đã “Chộp” được khoảnh khắc đẹp nhất, tươi nhất, lắng đọng nhất của xuân Sài Gòn để những sợi dây đàn của tâm hồn mình rung lên, ngân vang những lời thơ ý nhạc. Một cảnh xuân Sài Gòn có sự giao thoa của Xuân – thu, mùa xuân và lá vàng. Không gian ấy mang nét gợi hình, gợi cảm rất riêng, rất đặc trưng. Dường như bước chân phiêu lãng của người nghệ sĩ đã dừng đúng lúc vắng vẻ, trong tĩnh nhất của đường phố Sài Gòn để thưởng ngoạn một vẻ tuyệt sắc của mùa xuân – hoa vàng. Mặt đường dài vắng, hiền ngoan như con suối để “kết hoa vàng cho lộng lẫy đời”. Ngôn từ của Trịnh vừa giản dị, trong sáng, vừa được “lạ hóa” qua cách so sánh, đảo ngữ, đem đến cho người đọc nhiều rung cảm thú vị, một cái nhìn khám phá mới về xuân Sài Gòn. Đó là một thành phố mùa xuân dịu dàng, êm ru, tĩnh vắng, trong veo và lãng mạn. Cả không gian phố xuân ấy mang chút dư hoài hơi man mác buồn mà vẫn trẻ trung gợi cảm. Phải chăng đây là duyên, là hồn, là thần thái của một Sài Gòn khác – Sài Gòn nội tâm hơn đằng sau vẻ hào nhoáng và tấp nập, ồn ã.
          Mình chưa bao giờ được đến Sài Gòn và cũng luôn muốn đến khám phá những mảng, những phần khác nhau của thành phố và con người nơi đây. Năm ngoái bỏ mất một cơ hội đi cùng một anh bạn vào trong đó cũng hơi tiếc. Nhưng vào Google tra tìm hình ảnh thì thấy khó tìm một Sài Gòn mùa xuân như ca từ của Trịnh quá. Chỗ nào cũng chỉ thấy một Sài Gòn năng động, hoạt náo mà thôi. Có lẽ những khoảng không gian và thời gian của “Thành phố mùa xuân” nay đã thành xưa mất rồi. Hoặc giả đó là những góc riêng rất hiếm mà chỉ có người yêu Sài Gòn, nặng lòng thực sự với thành phố trẻ này mới khám phá ra. Nét đẹp ấy cũng khó tìm chẳng khác nào đi tìm một HN phố trong nhạc Phú Quang ở cuộc sống hiện đại này. Và quả tình, nghe những ca từ này, mình thấy như được gặp một chút HN ở SG xuân nhưng chỉ là một chút thôi. Chứ HN xuân làm gì có hoa vàng, có lá vàng đâu! Nhẹ nhàng, lan tỏa, “Thành phố màu xuân” cứ thấm dần, len nhẹ vào tâm trí người nghe nét duyên Sài Thành xuân. Tâm hồn ta như đang lắng lọc dần, trở nên thanh tân cùng nét xuân và sức xuân. Để rồi, cái không gian Sài Gòn phố xuân lại thêm sinh động, gợi cảm hơn với vẻ đẹp của con người:
“Sài Gòn mùa xuân về giữa những hàng cây
Có nhiều tiếng cười như trẻ lại
Ngày vội vàng lên bình minh thay đêm tối
Nắng phai từ lâu chiều vẫn dài”
          Ở đoạn ca từ này, cảnh sắc không tĩnh, hiền ngoan nữa mà trở nên động, mang trong mình sự giao hòa, cộng hưởng tạo nên một bức tranh hài hòa, đồng điệu. Đó là sự giao cảm của thiên nhiên/ con người, của âm thanh/ hình ảnh, không gian/ thời gian, ánh sáng/ bóng tối, bình mình/ đêm tối… Những đối cực này không triệt tiêu nhau mà như cùng đồng hiện, cùng phô bày tạo nên vẻ ngồn ngộn, phong phú cho mùa xuân. Thành phố vào xuân được nhìn ở nhiều chiều, đa góc độ, bằng mọi giác quan, cả cảnh và tình. Mùa xuân không chỉ mang đến vẻ đẹp cho đất trời, thiên nhiên tạo vật mà nó còn làm cho lòng người thêm sức sống, niềm vui. Cảm quan trỗi nhất của đoạn ca từ này vẫn là những cảm nhận về thời gian luân chuyển, chảy trôi quen thuộc trong nhạc Trịnh nhưng sự chảy trôi đó không đến hư vô, không làm phôi pha, phai nhạt cái đẹp. Cái điệu vận động của thời gian kéo theo sự biến chuyển tích cực của thiên nhiên, con người. Tất cả đều hướng tới bình minh, ánh sáng, niềm vui, cái đẹp nõn nường, măng tơ, hướng tới một cái mới mẻ, khoáng đạt. Nhưng cái tài hoa của Trịnh là bắt đúng mạch thời gian tự nhiên đặc trưng của xuân Sài Gòn: ngày dài đêm ngắn. Xuân của miền nhiệt đới nên nó cũng đầy nhiệt năng của ánh sáng, của cái đẹp, của nhựa sống tràn trề. Nó không có cái cựa mình chuyển màu đầy khó nhọc, trăn trở lạnh – ấm như xuân Bắc Việt. Âu đó cũng là một điều kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta bao sắc xuân, bao điệu xuân.
          Tuy nhiên, cái đẹp, cái hồn, cái duyên của “Thành phố mùa xuân” phải đến đoạn điệp khúc mới nở hết mình, mới ứa tràn, phơi phang và phát lộ toàn diện:
“Ngọn gió rung cành khi chiều chưa hết nắng
Đường phố em về tóc cùng hoa quyến luyến
Chồi lá khoe mầm cho đời biết tên
Mùa xuân thay lá mùa đông
Để cho chim hót chuyện tình.”
          Dưới khí xuân, sắc xuân, nét đẹp xuân sang, vạn vật cùng con người như đang hòa ca, phơi lộ tất cả cái đẹp để dâng cho đời. Ngọn gió rung cành khi chiều chưa hết nắng để nắng đùa cùng gió, để cành óng chuốt, nhẹ đưa cùng nắng và gió. Hình ảnh nảy khiến mình bất chợt nhớ tới những hình ảnh rất đẹp qua cái nhìn “xanh non”, “biếc rờn” của hoàng tử thơ tình Xuân Diệu: “Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu/ Lả lả cành hoang nắng trở chiều”. Cả gió, nắng và cành đều cố rung lên khẳng định cái đẹp ở độ phồn thịnh, tươi rói, khẳng định sự hiện hữu đẹp của mình. Và đẹp hơn nữa khi con đường không im vắng mà rộn ràng bước chân em qua. Hình ảnh “đường phố em về tóc cùng hoa quyến luyến” làm nao lòng mình về cái đẹp, về nét duyên, về sức trẻ, chút tình. Em về tóc cùng hoa quyến luyến mang hương thơm tỏa ngát bay xa. Tóc cùng hoa quyến luyến như vương vấn một mối tình, nặng lòng một khát khao tình yêu. Như một hiệu ứng mang tính dây chuyền, chồi lá đến đây cũng khoe mầm cho đời biết tên của chồi, của lá, của xuân. Vạn vật và con người được đặt trong không gian xuân, không gian xanh, không gian đẹp cùng giao hòa, giao cảm, xoắn xuýt, bện quyện. Tất cả ứa tràn, giương ra, phơi phang tất cả để cho thấy sự hiện hữu, để đời biết tên đời sống của nó. Tất cả là những đổi thay, những sự tiếp nối, thế vị tích cực, đem đến cho đời chút ơn của cái đẹp và xinh:
“Mùa xuân thay lá màu đông
Để cho chim hót chuyện tình”
          Hai câu ca từ cuối vang lên và được lặp lại hai lần như một điểm nhấn kết tụ tinh túy của cảnh sắc đẹp và tâm hồn tinh tế. Cũng như mùa xuân thay lá mùa đông, chim hót chuyện tình là quy luật tất yếu khi xuân về. Mùa xuân không chỉ đẹp mà còn tình, không chỉ kết thúc cái cũ mà còn mở ra nhiều cái mới sáng trong. Không gian của “Thành phố mùa xuân” đến điểm kết đã tự hoàn thiện mình thành một khu vườn tình ái. Vạn vật và con người giao tình, khoe sắc, tỏa hương để tình yêu lên tiếng, tình yêu nảy nở thêm thắm tươi. Tình yêu ấy sẽ đem đến cho đời cái đẹp và sức sống. Bởi hương sắc tuyệt diệu nhất của mùa xuân, của thế gian này chính là tình yêu. Có lẽ vậy mà Xuân Diệu mới so sánh “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần” và chính Trịnh cũng luôn hối thúc mỗi người “hãy yêu nhau đi”, sống mỗi ngày “chọn một niềm vui”. Cái nhìn lãng mạn, trẻ trung, yêu đời đã tạo nên những lời ca, giai điệu thật dịu dàng, trong sáng, tinh khôi cho ca khúc. Nó cũng là những lời tâm sự đầy tình cảm của nhạc sĩ với đời, với con người, với Sài Gòn thân yêu. Bởi dù “em còn nhớ hay em đã quyên” thì anh vẫn luôn “nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng…”. Một Sài Gòn rất Sài Gòn, rất Trịnh luôn luôn hiện hữu trong một số ca khúc của ông, để người nghe suy ngẫm, cảm thụ, rung động một gương mặt Sài Gòn, một điệu hồn Sài Gòn – “Thành phố mùa xuân”

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ