Quê nhà thắm sắc hoa xoan…


Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy…
(Nguyễn Bính)



          Không biết tự bao giờ hoa xoan tím lại gắn bó bện quyện cùng mưa xuân trắng trời như vậy? Hoa xoan và mưa xuân bao đời nay kết đôi, giao cảm trong cái dầm dề, nát bươm, lỡ làng. Những cánh hoa tím mỏng manh rơi rụng tơi bời trong làn mưa giăng khiến ta nao lòng. Dường như hoa xoan rơi rụng, lấm bùn trong mưa dầm như một chứng nhân cho những phôi pha, tàn phai của cuộc sống. Cái sắc tím ngút ngát kia mang một nỗi buồn kín đáo của một tình duyên lỡ làng, suốt đời không bao giờ được trọn vẹn. Song ẩn trong nỗi buồn ấy là nét duyên, là một vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm mà yêu kiều, tình tứ của một cô thôn nữ chốn quê mùa  mộc mạc.
          Sau một mùa đông lạnh lẽo, tái tê, hanh hao, khô khắc, những cây cành trơ xương của xoan bắt đầu nhú lộc. Những búp lộc non tơ, mỡ màng bừng nở trong tiết xuân ấm áp. Rồi những đám lá xanh non, xòe tán trên thân cây đen thủi tạo nên một vẻ đẹp rạng ngời của sự bình dị, đơn sơ, của sức sống mãnh liệt xuân thì. Những cành cây không còn nét khẳng khiu, trơ trụi, khô khắc nữa mà trở nên mỡ màng, mềm mại trong đám lá xanh non. Những cây xoan, rặng xoan gắn với vườn nhà, với rơm rạ, với những kỷ niệm ấu thơ hạnh phúc. Mưa xuân lất phất như tiếp thêm sinh lực để cây cối đâm chồi, khoe hương, tỏa sắc.
          Chợt một ngày, những bông hoa xoan nở tím ngát trên vòm lá xanh. Ta bất ngờ nhận ra bao vẻ đẹp thân thiết quê nhà. Từng chùm hoa nở rộ tạo nên sắc tím ngợp trời trong cái tiết trời âm u, ẩm thấp ngày xuân. Có phải chăng vì thế mà hoa xoan thêm thắm, thêm đẹp, thêm ấm nồng chút tình quê, duyên quê đậm đà. Nhìn những rặng xoan hoa nở ngập tràn trên đường đê, trong ngõ xóm mà lòng bâng khuâng, ngây ngất. Hồn quê bao đời vẫn ẩn hiện, tình nghĩa thủy chung của làng xóm vẫn tím mãi, không tàn phai như màu tím hoa xoan. Cùng với hoa bưởi, hoa cam, hoa xoài, hoa xoan nép mình trên những vòm lá xanh ngời, cao vút, e ấp như một cô gái quê mới lớn. Cứ khiêm nhường, từ tâm như thế, hoa xoan tím ngát vườn quê, tím ngát ngõ quê, nhuồm đầy bầu trời quê một màu dân tộc, một sắc quê hương. Bình thường, đơn sơ mà đẹp tươi, mà thấm sâu trong tiềm thức mỗi đứa con quê hương. Để rồi, mỗi khi xuân về, lặng nhìn hoa xoan nở để nhớ lại cả vòm bầu trời kỷ niệm tuổi thơ vời vợi quê nhà.
          Mỗi bông hoa xoan rất nhỏ, li ti. Cánh hoa không đậm sắc mà nhạt nhòa, mong manh. Cái sắc tím ngát rợp trời là ấn tượng khi ta được chiêm ngưỡng cả một vòm hoa, một dãy hoa nối liền. Hoa xoan mang hương đậm đặc, cuốn trôi theo gió, phả khắp vườn nhà. Một ai đó khó chịu, một ai đó say sưa, một ai đó ấn tượng… nhưng hương hoa vẫn đậm, vẫn nồng, vẫn cứ quyện trong gió đông thành một thứ hương tình đằm sâu của nếp sống quê, của điệu hồn quê thuần Việt.
          Cây xoan vườn nhà gắn với bao ký ức tuổi thơ ngây. Những ngày bẻ cành, chơi hoa. Nhiều khi chờ mùa quả để hái những chùm nặng trĩu chơi bán hàng, hay chỉ đơn giản là khoe mình có nhiều trái hơn. Bao thời gian đã gội đầy tán lá, đã làm phôi pha những mùa hoa, đã in dấu trên thân cây xù xì, đen thủi. Ta đi về nơi cổng làng, nơi ngõ quê trên con đường quen thuộc. Ta bước về mái nhà quê tìm một bóng mát hoa xoan trong cảm giác tâm hồn được thanh lọc, trong một sự bình yên, trong nỗi niềm xốn xang dâng trào. Ngôi nhà, khu vườn, những cây cành quen thuộc và mùa hoa xoan yêu dấu như chốn nương náu, như một điểm tựa tinh thần vững chắc, như một biển trời tình yêu thương để ta dừng chân sau mỗi chặng đường dài mệt nhoài của cõi đời tất bật, vần xoay. Màu tím ngát, hương nồng đậm quyện trong gió đông, trong không khí ấm áp, trong bao tình thân yêu, bao sự gắn bó của gia đình, quê hương.
          Nhưng xuân qua, hoa xoan rụng tơi bời cả một góc vườn, ngập đầy lối đi. Trong cái phông trắng xóa của mưa dầm dề, cánh xoan mỏng manh ướt cả một đời buồn truyền kiếp. Nhìn cánh hoa rơi mong manh, dập nát trong mưa, trong bụi đất lòng ta se sắt một nỗi thương cảm cho đời sống của hoa, cho kiếp mong manh, hư ảo của sự vật hữu hạn. Nhìn kiếp hoa tàn, tan, rữa ta không khỏi xao xuyến cho kiếp người mong manh vô thường. Những vẻ đẹp, niềm vui, hạnh phúc, sum vầy thật ngắn ngủi. Tất cả chỉ thoáng qua như giấc chiêm bao. Cảm giác bình yên, tịnh tâm cũng chỉ là tạm thời. Ta lại bị ném trả về dòng đời muôn ngả, trong cái quay cuồng, tất bật của bon chen, của mưu sinh. Mọi thứ trên đời, kể cả con người cũng chỉ hiện hữu trong một thời gian ngắn ngủi như mùa hoa xoan tím. Ngẫm thấy, cảm thấy mà lòng rượi buồn, nặng trĩu ưu tư.
          Hoa xoan tím gắn liền với không gian làng cảnh, với hương đồng gió nội. Cơn gió mơn man của đồng lúa xanh khiến những chùm xoan thêm rười rượi sức sống thanh tân. Những hội hè tưng bừng cũng tàn theo mùa xoan nở. Bao cuộc hẹn hò kết thúc. Bao nỗi niềm chờ đợi như kéo dài triền miên. Không biết vô tình hay hữu ý mà màu hoa xoan tím gắn liền với tình nhớ, tình chờ, với những khắc khoải ngóng trông của kẻ ở lại quê nhà. Cái sắc hoa nhợt nhạt trong mưa, trong gió, trong héo tàn như mang một định mệnh chia lìa, cách xa, như mang sẵn trong nó mầm ly biệt và bi kịch lỡ làng. Lỡ làng để tiếc nuối, để nhớ thương, để hoài vọng, để sống mãi trong cái tình hờ muôn thuở của sự trinh khiết, thơ ngây, hồn nhiên chân quê.
          Mùa vẫn đi. Mưa vẫn giăng. Và hoa vẫn cứ rơi. Hoa rơi tím ngát một màu nhớ thương và những nỗi đau lỡ làng. Hoa xoan là thế, là vẻ đẹp của cảnh quê, của hồn quê, của tình quê, của duyên quê đằm thắm. Sắc tím hoa xoan mãi mãi ngời lên một màu thủy chung của tình nghĩa quê nhà. Nó là một mảnh đời của ta, của bao thế hệ đã đi về trên con đường quê quen thuộc này, đã bước qua cái cánh cổng làng cũ kỹ, hằn in nước phủ thời gian. Một trời hoa xoan tím là cả một trời kỷ niệm, một cõi bình yên cho ta nương náu. Chợt mùa hoa đến, rồi chợt mùa hoa đi bỏ lại lòng ta một cảm giác bâng khuâng nhớ tiếc. Hình như có một khoảng trống vô hình trong lòng ta mãi mãi không thể lấp đầy, mãi mãi nới rộng ra bởi những mùa hoa không bao giờ trở lại, bởi những phần đời đã qua mãi mãi trôi vào quá vãng tít tắp, mịt mù mưa xuân. Ta đi về trong mùa hoa xoan, đi về trong miền ký ức, đi về trong nỗi hoang hoải để xót tiếc, để ngậm ngùi về cái kiếp đời mong manh, hư ảo.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ