“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và những thể nghiệm mới của nhà hát kịch Tuổi trẻ
“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong những tác phẩm xuất sắc của nhà
viết kịch Lưu Quang Vũ. Đã nhiều lần xem vở kịch này, bản thân cũng đã đọc hết
kịch bản gốc nhưng buổi diễn vừa qua của nhà hát Tuổi trẻ đã để lại trong lòng
mình nhiều ấn tượng. Bởi nhà hát tuổi trẻ đã có nhiều nỗ lực làm mới một vở
kịch kinh điển quen thuộc bằng một thứ ngôn ngữ khác đan xen với ngôn ngữ kịch
truyền thống – ngôn ngữ hình thể.
Đây không phải là vở diễn kịch hình thể đầu tiên của nhà hát
Tuổi trẻ. Bản thân vở “Hồn Trương Ba, da
hàng thịt” cũng không phải hoàn toàn dùng ngôn ngữ hình thể để thể hiện. Song
cái độc đáo, sự tìm tòi ở đâu là sự kết hợp ngôn ngữ hình thể với ngôn ngữ
thoại của kịch truyền thống, giữa vũ đạo với âm nhạc, giữa sân khấu với nghệ
thuật sắp đặt và nghe nhìn. Những kết hợp mới mẻ ấy tạo ra nhiều ấn tượng và
những cảm xúc, suy tư mới từ một tác phẩm quen thuộc.
Thực
sự, ấn tượng đầu tiên và mạnh nhất của tôi về vở kịch này khi xem trong chương
trình tổng duyệt vừa rồi không phải ở ngôn ngữ hình thể mà là ở ý tưởng sân
khấu, ở cách dàn dựng phông nền, tạo bối cảnh. Sân khấu của vở kịch có lẽ chịu
ảnh hưởng nhiều của nghệ thuật sắp đặt. Hai không gian trên trời và hạ giới
được kết nối qua những đường biên. Ý tưởng về hai vầng nhật, nguyệt tạo ra hai
mảng sáng – tối, âm – dương, sinh – tử theo diễn biến của xung đột kịch, của
cốt truyện kịch khá ấn tượng. Nó như một hình tượng biể trưng, thể hiện tư
tưởng, triết lý xuyên suốt của tác phẩm về sự sống và cái chết, về vấn đề tồn
tại của con người, về cái lẽ nhân sinh trong một cuộc đời thực sự có ý nghĩa –
cuộc đời được sống là chính mình, toàn vẹn cả thể xác và linh hồn.
Âm
nhạc cũng là một phần quan trọng tạo nên sức hấp dẫn, gây chú ý của tôi với vở
diễn. Những bản dân ca được phối theo lối dân gian đương đại đưa chúng ta về
một không gian, một không khí đặc thù của làng quê, của bối cảnh xã hội mà vở
kịch nói tới. Song nó lại gợi những dư ba về cái đương đại, để ta giật mình về
những hiện thực trong vở kịch, những số phận và những con người – vai diễn đang
trên sân khấu kia ta có thể bắt gặp đâu đó trên mỗi nẻo đường, trong cuộc sống
của ta hôm nay. Thêm vào đó, những lời cầu kinh, niệm phật đan xen và xuất hiện
ngay từ đầu cho người xem những cảm nghĩ mới. Nó cho thấy góc nhìn mới, khía
cạnh khai thác riêng của người đạo diễn về bi kịch của Trương Ba. Và đó cũng là
một cách lý giải để đi đến cái kết tưởng chừng như bi nhưng lại rất có hậu kia
– cái kết ít nhiều nhuốm màu sắc của Phật, của luân hồi, của sinh – tử, của
phận người – cát – bụi.
Trở
lại vấn đề chính – vấn đề ngôn ngữ thể hiện hành động và xung đột của vở kịch. Có
thể nói ngôn ngữ hình thể tạo ra một cách diễn đạt “lạ hóa” cốt truyện gần gũi,
thân quen. Những động tác, khuôn hình được tạo ra đều là những ký hiệu mang
tính biểu trưng, diễn tả những mâu thuẫn, xung đột và nội dung nào đó. Đôi khi
nó là ngôn ngữ ngoài lời, khơi gợi những ý nghĩa sâu sắc, tạo khoảng không cho
người xem suy tư từ những gì nhìn thấy. Cũng có lúc động tác hình thể cụ thể
hóa tâm trạng, thúc đẩy sự kiện, diễn tả trực quan xung đột kịch. Và những tình
tiết cao trào thì ngôn ngữ này đã thể hiện được rất rõ ưu điểm và lợi thế. Nó
tạo ra những ám gợi, một hình thức dụ ngôn cho nghệ thuật biểu diễn.
Tuy
nhiên, những lời thoại chính yếu vẫn được giữ lại. Ngôn ngữ của thoại kịch vẫn
được đẩy cao thể hiện chiều sau bi kịch của nhân vật và triết lý nhân sinh mà
tác giả muốn gửi gắm. Sự kết hợp giữa ngôn ngữ hình thể và ngôn ngữ thoại khiến
người xem có cảm giác vừa quen vừa lạ. Xung đột kịch do đó được dẫn dắt tự
nhiên, dần đến cao trào và đỉnh điểm. Những nút sự kiện được liên kết chặt chẽ,
logic, làm cho người xem dễ theo dõi. Song đây cũng là một nhược điểm khi ở
nhiều đoạn sự phối hợp lời và động tác múa, diễn không hòa hợp. Có nhiều động
tác rườm rà, khó hiểu, không hợp với tính cách nhân vật.
Một
điều nữa là lời thoại kịch cũng cần chú ý kỹ lưỡng và chuẩn xác hơn. Rất nhiều
lời thoại thừa, nhiều lời thoại của Lưu Quang Vũ đã bị cải biến theo ý của diễn
viên (đạo diễn?) mất đi tính triết lý, sự sắc sảo vốn có. Một ví dụ rất đơn
giản là màn đối thoại giữa Hồn và Xác. Ý tưởng dàn dựng rất hay là cho Hồn xuất
hiện bằng mặt còn Xác bằng thân xác. Nhưng lời thoại thì không được chuẩn. Cái
câu của Hồn “Tôi vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”
thì diễn viên chỉ nhớ được mỗi từ “nguyên vẹn” và phần còn lại thì mô-đi-phê.
Kết thúc cái màn này, đạo diễn cho nhân vật Hồn nói một hồi dài lê thê về hồn
hồn xác xác gì đó, về sống sống, chết chết gì đó. Những lời này hoàn toàn không
có trong kịch bản gốc. Theo quan điểm của bản thân tôi là quá thừa thãi và làm
mất đi cái sự súc tính, tính chất triết lý của ngôn ngữ thoại trong kịch Lưu
Quang Vũ. Bên cạnh đó, rất nhiều lời thoại bị cắt lửng hoặc bỏ qua một cách
đáng tiếc. Một trường hợp cụ thể là cái câu thoại then chốt bậc nhất của vở
kịch khi Hồn Trương Ba nói với Đế Thích là: “Không thể bên trong một đằng, bên
ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”, hay “Không thể sống với bất
cứ giá nào được, ông Đế Thích ạ! Có những cái giá đẳ quá, không thể trả
được...”.
Vẫn ở trong màn đối thoại
giữa Hồn và Xác, diễn viên trong vai Xác hàng thịt chưa chuyển tải hết những
ngữ điệu trong lời của nhân vật. Ngữ điệu ấy vừa có sự khiêu khích, vừa mỉa
mai, vừa chua chát, vừa hơi buồn rầu, lại vừa ngọt nhạt để lấn lướt, ép hồn
theo mình. Xem diễn viên diễn chỉ thấy cái sự thô lỗ, cục cằn vốn có của thân
xác bản năng mà thiếu cái lý sự, cái thâm sâu của lời thoại. Cho dù vậy, nhìn
một cách tổng thể thì diễn viên diễn xuất khá tốt, đặc biệt là những vai nữa
như Vợ Trương Ba, Vợ hàng thịt, hay chị con dâu của Trương Ba. Không chỉ diễn
tả qua ngôn ngữ thoại mà ngôn ngữ hình thể của các nhân vật này cũng khá tinh
tế và uyển chuyển, đặc biệt là của nhân vật Vợ hàng thịt. Nhiều đoạn, diễn viên
đưa người đọc qua nhiều cung bậc cảm xúc vừa có sự hài hước, vừa xót xa, vừa
xúc động. Cái bi cái hài hòa quyện khiến người xem cảm được thần thái và tính
chất riêng của vở kịch này.
Dẫu biết nghệ thuật là
lĩnh vực của sự sáng tạo, của những nỗ lực làm mới, tạo ra những rung động và
cảm nhận khác, một góc cạnh nhìn nữa về tác phẩm nhưng bản thân tôi vẫn cứ băn
khoăn một chút về diễn tiến xung đột và cốt truyện kịch. Thứ nhất, màn đối
thoại Trương Ba và những người thân bị cắt, tổng gộp với các lớp kịch trước đó.
Dĩ nhiên ý tình không bị sứt mẻ đi mấy song sự biểu cảm và quá trình phát triển
của xung đột kịch lại bị nhạt, ít nhiều thiếu tính liên tục. Cuộc đối thoại
này, với những sắc thái cảm xúc khác nhau của những người thân đã giúp Trương
Ba tỉnh ngộ, không còn ảo tưởng về mình, để đưa ra lựa chọn cuối cùng. Những
biểu cảm buồn rầu rồi quyết định bỏ đi của người vợ, sự thông cảm nhưng đầy xót
xa, tiếc nuối của chị con dâu, phản ứng gay gắt, có phần hơi thái quá của cái
Gái... Tất cả đã không được thể hiện trọn vẹn, và do đó, cũng mất luôn đi cái
lời độc thoại của Hồn Trương Ba khi thừa nhận về bản thân và thách thức hoàn
cảnh. Trong khi đó, màn kết kéo quá dài và nói quá nhiều, như thuyết minh cho
tư tưởng vở kịch. Điều này không cần thiết. Chỉ cần xây dựng vài lời thoại và
kết hợp với động tác hình thể, với âm thanh và tạo bối cảnh. Sau đó hạn màn để
người xem tự ngấm, tự rút ra cho mình những nhận thức và bài học triết lý nhân
sinh. Người xem thông minh và am hiểu sẽ không muốn mình bị dẫn dắt hay bị áp
vào những lời chỉ dẫn mang tính luận đề có sẵn.
Nhìn một cách tổng quát
và khách quan, bản thân tôi ghi nhận những cố gắng của đạo diễn và anh em diễn
viên, cũng là của toàn ê-kip dàn dựng vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” có
những ý tưởng, có những thể nghiệm mới mẻ, có nhiều tìm tòi độc đáo trong cách
thể hiện một tác phẩm quen thuộc và kinh điển. Những thể nghiệm ấy cho người
xem cảm xúc, suy nghĩ mới, một cách nhìn khác về những gì quen thuộc, tưởng như
mặc nhiên nó thế. Đây là một xu hướng làm mới sân khấu kịch có nhiều triển
vọng. Song để đạt được hiệu quả nghệ thuật như mong muốn và thuyết phục người
xem thì cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng kịch bản, tiết chế ngôn ngữ thể hiện, tạo
những hình thức và phương tiện manng tính dụ ngôn, giàu sức gợi, mang tính ám
chỉ cao. Những yếu tố của ngôn ngữ thoại, ngôn ngữ hình thể, âm nhạc, vũ đạo,
hóa trang, sân khấu... cần được tính toán kỹ lưỡng, phối hợp hài hòa hơn. Khi
đó, chúng ta thực sự được xem kịch hiện đại, được thể hiện bằng ngôn ngữ hiện
đại và nói lên những vấn đề của đương đại, của mỗi con người và toàn xã hội.
Nhận xét
Đăng nhận xét