Vu Lan viết cho mẹ
Tôi năm nay đã
29 tuổi tính theo tuổi hồ sơ và đã là 30 tính theo tuổi của dân gian, cách tính
mà mẹ hay nói tuổi của tôi. Ở cái tuổi ấy, không thể nói là đã trưởng thành
nhưng cũng không phải trẻ quá nữa. Nhìn lại thời gian đã qua, tự thấy mình hạnh
phúc, hạnh phúc vì được sinh ra ở gia đình của mình, hạnh phúc vì có một người
mẹ như thế - người mẹ đã ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn tất cả những người khác.
Nhưng trong khoảng thời gian sống vừa qua – khoảng thời gian mà tôi nhận thức
được về cuộc sống và con người – tôi vẫn chưa làm gì được nhiều cho mẹ, vẫn
chưa làm cho mẹ hết lo lắng cho mình và cho gia đình.
Mẹ, trong cảm xúc của tôi - cái cảm
xúc không hề sến súa hay văn chương gì – luôn luôn là người gắn với bao lo âu,
nhọc nhằn. Cái thời trẻ của mẹ luôn đọng lại trong tôi hình ảnh của gưởng mặt
đỏ nựng, vai áo đẫ mồ hồi, và lúc nào cũng xắn quần, bàn chân hình bàn chổi đen
xạm nắng. Gần như không mấy khi mẹ có giấc ngủ trưa vào những ngày hè nóng nực
chang chang. Cái thời khó khăn, nghèo khổ ấy, trưa nào mẹ cũng đi bắt cua, mò
hến, chỗ nào có thể tát té được chút kiếm tôm tép mẹ cũng đến. Bao khó khăn của
gia đình vai mẹ đều phải gánh. Sau này, những lúc nhà túng bấn, người đi vay
giật tiền cũng là mẹ, kể cả tiền cho tôi đi học. Có những lần không có, hoặc
không đủ tiền cho tôi mang đi, mẹ bần thân. Tôi cũng chỉ biết ngồi buồn héo hắt
trong cái nắng thu khô khắc mà lòng trống tênh. Rồi sau đó, tôi bắt đầu không
nghe lời gia đình, nhận dạy thêm để cả mấy năm học số tiền xin gia đình hàng
tháng vẫn giữ nguyên một mức, mặc mọi thứ đều tăng. Cho đến hôm nay, những nỗi
lo của mẹ cũng chưa hề vơi, lo cho bố, cho các chị, cho tôi, cho cháu… Con bé
lo kiểu bé, con lớn lo theo kiểu lớn. Dường như mẹ về nhà tôi là để lo toan, để
gánh vác và giải quyết mọi vấn đề thì phải?
Mẹ là người luôn nhận phần thiệt thòi,
luôn nhận những vất vả và hi sinh về mình. Mọi thứ khó khăn, những lúc bực dọc,
bố đều đổ cho mẹ, do lỗi của mẹ. Những việc nặng mẹ luôn giành làm. Cả miếng
ăn, cái mặc mẹ đều dè xẻn, dành cho các con. Chưa bao giờ mẹ được đi xa, chưa
bao giờ ra khỏi địa bàn tỉnh để đến những nơi hoa lệ, cũng chưa bao giờ mẹ tự
sắm cho mình những thứ đẹp đẽ. Ngày lễ hay những dịp nào đó, tôi có mua quà thì
mẹ hay gạt đi, cũng chẳng mấy khi mẹ sử dụng chúng.
Những
ấm ức, nhữn bức xúc thậm chí là cả những uất giận từ họ hàng, gia đình nhà
chồng mẹ là người im lặng chịu đựng. Bố sống quá thẳng, quá rộng rãi và bỏ qua
nhiều chuyện nên phần thiệt luôn thuộc về mẹ. Mẹ phải giải quyết những hậu quả,
những mất mát. Mẹ phải làm lại những thứ đó bằng lao động, bắt sự tiết kiệm,
bằng việc quản lý gia đình. Ngày bé, những chuyện đó mẹ kể, đôi khi tôi thấy
khó chịu. Nhưng lớn lên, tôi cũng phải lăn lộn kiếm sống, tôi mới hiểu nỗi lòng
của mẹ, những xót tiếc của mẹ.
Với con cháu, mẹ là người nghiêm khắc
nhưng cũng rất yêu thương. Bố có tiếng là nóng nảy, ương ngạnh nhưng hầu như
không bao giờ đánh con. Song mẹ thì khác, bà sẵn sàng dùng roi vọt. Đó cũng là
chuyện rất thường. Có lẽ vì thế, mà chúng tôi, dù có lớn như thế nào chăng nữa,
vẫn sống theo nếp mẹ rèn từ nhỏ đến giờ. Và những gì mẹ dạy chúng tôi, hoàn
toàn kinh nghiệm song không phải là không sâu sắc và nhân văn. Mẹ luôn dành cho
con cái – dù phạm lỗi gì chăng nữa – một đường quay về. Cái sự phân định rạch
ròi thưởng phạt, những răn đe và lòng yêu thương thực sự có ý nghĩa. Không chỉ
với con cháu, cả người ngoài mẹ cũng luôn bao dung và yêu thương. Đôi lúc, tôi
thấy mẹ quá nể nang, không dứt điểm trong xử lý một số chuyện song nghĩ lại,
tôi thấy mình ích kỷ và có vẻ sống theo một tư duy quá sòng phẳng. Ở làng quê,
có những thứ, đôi khi, cần nhận thiệt về mình, để giữ tình làng nghĩa xóm. Dù
không được học nhiều, nhưng sự bình tĩnh và cách cư xử rất tình, rất nghĩa của
mẹ thì chúng tôi vẫn phải theo xa mới kịp.
Tôi học được từ mẹ nếp nghĩ và nếp
sống hài hòa, phải chăng. Nếu bố quá bộc trực, thẳng thắn đến nỗi làm mếch lòng
nhiều người thì mẹ lại dịu dàng, dung hòa mâu thuẫn. Nếu chị luôn nhìn mọi việc
cường điệu, theo chủ quan thì mẹ là người lẳng lặng nhẫn nhịn, để sau khi, mọi
người nguôi giận mới xoa dịu, phân trần đúng sai. Mẹ không hay bộc lộ suy nghĩ
thành những ý kiến gay gắt mà thay vào đó mẹ lặng lẽ làm. Mẹ không tranh cãi mà
mẹ tạo ra kết quả. Tôi học mẹ những điều đó. Dĩ nhiên đôi khi cũng là cực đoan
nhưng tôi nghĩ không cần thiết làm lớn chuyện. Điều quan trọng là làm được, làm
cho ra một kết quả nào đó.
Mẹ biết nghĩ cho mình và cho người. Mẹ
hiểu giá trị những thứ mình làm ra và ứng biến linh hoạt. Cho nên, mỗi khi đi
chợ, bán nông sản thì mẹ và chị luôn luôn mâu thuẫn quan điểm. Song thực tế cho
thấy, mẹ luôn luôn là người đem đến ưu điểm, giải quyết vấn đề nhanh hơn, từ
việc bán hết gáng rau đang kỳ thừa thãi, rẻ mạt chống ế, đến những việc khác
trong nhà. Hầu như mẹ chưa bao giờ nhìn cái gì cực đoan, nhất quyết phải là
thế. Ảnh hưởng từ mẹ nên có thể tôi đã không cương quyết lắm trong cuộc sống,
cũng không phải là người liều lĩnh, không dám mạo hiểm bao giờ. Đó cũng có thể
là nhược điểm của tôi để chẳng bao giờ đến được cái đích mình muốn hay một số
người muốn.
Vì yêu thương, vì lo lắng, vì hy sinh,
vì bao dung nên mẹ luôn là người chăm sóc cho cả gia đình. Mỗi lần đi làm về,
thấy mẹ vừa tất bật nấu cơm, vừa chạy vội vàng ra mở cổng (Bởi cổng không thể
mở từ bên ngoài) làm tôi thấy nghẹn ngào. Chăm con, rồi chăm cháu, đời mẹ chưa
nghĩ cho mình bao giờ. Đến hôm nay, đôi lúc mẹ vẫn mặc những quần áo vá rách,
dù gia đình đã khá giả, bởi lý do đơn giản là nó thích hợp với công việc lấm
lem bùn đất ruộng đồng. Cứ như thế, mẹ chi chút, chăm lo cho gia đình gần hết
cả đời mình. Mẹ vẫn nguyên vẹn tâm hồn một người phụ nữ nông dân chất phác, căn
cơ, lam lũ. Nhiều khi rớt nước mắt khi bản thân tiêu xài lãng phí mà mẹ tích
góp, nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ trong mùa bán rau rớt giá, khi thấy mẹ tính
toán chi li từng khoản trong nhà.
Mẹ, một dáng hình gầy guộc nhưng khỏe
khoắn và không bao giờ đầu hàng, có mong manh nhưng lại rất mạnh mẽ. Cái mạnh
mẽ của mẹ từ từ bên trong, từ khả năng chịu đựng đến khắc khổ để lo toan và
gáng vác. Đôi bàn tay mẹ chai sần, xạm đi vì nắng, vì làm việc vất vả nhưng lại
là đôi bàn tay khéo léo. Tất cả mọi thứ mẹ làm đều nhanh, gọn gàng. Mẹ chưa bao
giờ than thở điều gì trong khi chúng tôi lại hay than thở trước những khó khăn.
Mẹ bao giờ cũng nhìn ra hướng tích cực và kiên nhẫn giải quyết vấn đề, kiên
nhẫn bảo vệ sức lao động để đến thành quả nào đấy. Tôi thực sự khâm phục điều
đó ở mẹ, và cũng học ở mẹ điều đó – không bao giờ bỏ cuộc.
Mẹ chẳng có nhiều hiểu biết và kiến
thức hiện đại, cũng không thể là người dạy cho tôi và định hướng con đường đi
hay nghề nghiệp gì cả. Cả bố cũng thế. Mọi thứ tôi tự do quyết định và tự phải
thực hiện. Gần như bốn năm học đại học, bố mẹ không hề ra thăm và cũng không hề
biết tôi ở đâu, nếu không có một trục trặc nhỏ hồi lấy bằng tốt nghiệp, khiến bố
phải tức tốc mang giấy tờ ra. Cũng có thể tôi đã tạo cho bố mẹ một sự yên tâm
nào đó.
Có
những lức, tôi đã nghĩ rằng, nếu mình sinh ra trong một gia đình mà có điều
kiện kinh tế tốt hơn, bố mẹ hiểu biết hơn, có thể phát hiện và định hướng cho
mình thì cuộc đời đã khác, có thể tốt hơn, có thể có một vị trí ổn hơn. Nhưng
nghĩ lại thì không ai có thể chọn cho mình xuất thân, và biết đâu, có những thứ
mà nếu sinh ra từ một gia đình khác, do một người mẹ khác dưỡng dục, ở một khía
cạnh nào đó, tôi không được như bây giờ? Và mẹ đã cho tôi một bài học vô cùng
quan trọng là mọi thứ phải tự mình, tự mình làm mọi thứ mới bền lâu, dù bài học
ấy bà chưa bao giờ phát biểu thành lời. Có thể vì suy nghĩ như thế, vì cứ tự
mình như thế nên tôi cũng thua thiệt, cũng mất đi những cơ hội để vào vị trí A,
B, C nào đó. Nhưng, tôi luôn trân trọng mẹ, những gì mẹ làm, và trân trọng
những gì mình đã làm được, dù nó cũng chẳng có gì lớn lao, to tát.
Mẹ
lúc nào cũng là người nhân từ, độ lượng bở mẹ tin đời này có nhân, có quả. Các
cụ thường nói “Phúc đức tại mẫu”, và chính nhờ mẹ, nên chúng tôi có được sự
bình yên qua nhiều biến cố. Với tôi, ngôi nhà, mẹ luôn là nơi đem đến cho tôi
sự bình yên, làm tan đi mọi lo lắng, căng thẳng. Mỗi khi có chuyện gì, tôi rất
muốn về nhà gặp mẹ, dù tôi có nói mẹ cũng không thể hiểu và giải quyết cho
được. Nhưng tình cảm của mẹ, không khí gia đình giúp tôi tĩnh tâm lại, để sẵn
sàng đương đầu, vượt qua.
Hôm
nay đã là ngày Vu Lan, bản thân tự thấy mình chưa báo hiếu cho mẹ được gì
nhiều. Những nỗi lo của mẹ dành cho tôi cũng chưa lúc nào hết. Và có thể, có
những cái hiếu suốt đời tôi không báo đáp được hết cho mẹ, cha. Và có thể, ngày
mai đây hay tương lai, mẹ sẽ lại phải lo lắng nhiều hơn vì tôi, cho tôi. Cuộc
sống này có quá nhiều bất ngờ và chuyện gì cũng có thể xảy ra. Tôi cũng không
thể dùng những lời mình có để nói hết về mẹ, về một người mẹ thực sự như chính
cuộc sống của mẹ được. Vài lời dông dài trong cảm xúc để gửi lời tạ ơn, tri ân
cũng là lời xin lỗi của một người con với mẹ. Bởi một tấm hình tôi cũng chưa
chụp chính thức cho mẹ. Tôi muốn giữ một hình ảnh của mẹ trong cảm xúc, trong
tâm hồn mình – một người mẹ suốt đời oằn mình sống để cho chứ chẳng nhận về
mình là bao. Tôi chỉ cầu mong bình yên sẽ đến với gia đình và đến với tuổi già
của mẹ. Những lo lắng, suy tư cũng thưa bớt đi. Tất cả những điều đó sẽ được
khởi đầu từ chúng tôi – những đứa con – biết sống trách nhiệm với bản thân và
với gia đình.
Nhận xét
Đăng nhận xét