Hành trình “Thang máy Sài Gòn” của Thuận



Câu chuyện được bắt đầu từ mùa hè năm 2004, một người mẹ đã chết một cách rất khó hiểu trong một vụ tai nạn mà lúc ấy người ta còn chưa biết gọi tên là gì – chết trong tai nạn thang máy cá nhân giữa Sài Gòn. Người phụ nữ trẻ, con của bà từ Pháp trở về chịu tang mẹ tại Sài Gòn. Không hiểu sao, sau khi dự xong đám tang mà người anh trai dàn dưng như một bộ phim kiểu Hollywood, cô gái tin rằng chính mẹ cô chọn cái chết, và diễn vai diễn cả đời mình – vai diễn của người chết sau khi đã chết. Tình cờ phát hiện ra bức ảnh cũ của một người đàn ông tên là Paul Polotski giữa hai lớp bìa của cuốn sổ cũ, cô gái bước vào cuộc kiếm tìm người đàn ông đó, lật mở những bí mật về cuộc tình cách đây mấy chục năm, dường như đã bị lãng quên của mẹ cô với ông ta trong nhà tù Hỏa Lò. Hành trình tìm kiếm đó xuyên qua các khoảng cách thời gian của hiện tại và quá khứ, của các khoảng không gian Hà Nội – Sài Gòn – Paris trong suốt 6 tháng vừa ly kỳ, vừa hài hước, vừa chua chát, lại xen một chút tuyệt vọng, đầy nghi hoặc... Câu chuyện trên chính là hành trình mà Thuận đưa người đọc vào trong “Thang máy Sài Gòn”.
Mỗi lần đọc Thuận tôi lại thấy một sự bất ngờ nho nhỏ, kể từ “Chinatown”. "Thang máy Sài Gòn" cũng là một bất ngờ khi một cuốn tiểu thuyết khá mỏng nhưng lại dung hợp/ đan cài trong nó rất nhiều yếu tố: Các mảng không gian của Hà Nội - Sài Gòn - Paris, các khoảng thời gian hiện tại và quá khứ, cái thực đã diễn ra và những khả năng suy đoán, cái hiện hữu và những cái đã bị lãng quên, niềm tin và nỗi hoang mang, lịch sử với tình yêu... Để rồi, khi tất cả đã rõ ràng, khi mọi thứ được làm sáng tỏ, chúng ta vỡ ra một điều là cuộc sống là một cuốn phim hay một vở diễn mà mỗi chúng ta diễn tròn vai của mình, có khi là vai diễn để đời được chuẩn bị chu đáo từ lâu.
Sự thật về Paul Polotski cuối cùng đã được tìm thấy nhưng bao câu hỏi khác lại được đặt ra và vĩnh viễn nhân vật cũng không thể có câu trả lời. Bởi không thể có một sự thật cuối cùng nào cả. Tất cả gieo vào lòng ta những hoang mang, một chút hoài nghi về những thứ ta vẫn tin – là - thế, những thứ ta vẫn đang kiếm tìm. Mọi việc chỉ là những khả năng, đôi khi rất mơ hồ theo những phán đoán. Những sự việc ở hiện tại đã chồng chất, khiến nhiều sự thật trong quá khứ bị lãng quên, và có thể là mãi mãi. Có vài ảo tưởng nào đó khiến ta cứ hy vọng vào một sự thực xác tín nào đó. Cuộc sống và những con người mang trong mình bao sự bí mật, và có khi chẳng bao giờ ta biết được về chính người rất gần với mình. Ta chỉ tiếp xúc với vai diễn của họ trong đời mà thôi.
Với kiểu cốt truyện mang đậm màu sắc trinh thám, tạo ra những bất ngờ với những sự việc khác thường, đôi khi kịch tính, đôi khi hài hước, đôi khi triết lý, đôi khi trữ tình..., “Thang máy Sài Gòn” hấp dẫn đặc biệt với cuộc hành trình cùng bao bí ẩn ở phía trước. Việc lắp ghép những mảng không, thời gian trong trần thuật, xóa đi những ranh giới của thời gian, tạo ra rất nhiều bất ngờ, bởi tính chát hư thực, mơ hồ của những câu chuyện kể, bởi những điều chưa biết mà ai cũng muốn theo tận cùng để tìm đến một lời giải đáp thỏa đáng nhất.
Hành trình ấy đôi khi là hành trình tuyệt vọng, đôi khi là hành trình vô bổ và có khi rất phi lý để người ta hối tiếc. Kết cục thì ta buộc phải chấp nhận những cái gì ta biết, như cô gái chấp nhận về cái chết bất thường của người mẹ trong tháng máy tơi từ tầng thượng xuống tầng trệt, mà “cô không thể không nghĩ rằng chính mẹ đã chọn cho mình cái chết”. Bởi cuộc sống này vốn – là - thế, chỉ là những gì ta tri nhận được bằng giác quan và phán đoán của não bộ.
          Có nhiều sự thật sẽ bị lãng quên, nhiều điều, kể cả tình yêu và tình cảm gia đình sẽ chỉ còn lại ảo ảnh trong ký ức. Những câu hỏi của cuộc đời mãi mãi vẫn treo lơ lửng đó. Để sau một hành trình tìm kiếm sự thật nào đó, ta ngoái nhìn lại và nhận về mình một cảm giác hư vô, sẽ biết ta mất gì, còn gì, sẽ thấy rõ hơn trò diễn của cuộc đời mà mỗi người đã/ đang trải qua. Những ảo tưởng và cả những cố chấp trong nhận thức và tình cảm của mỗi người đôi khi sẽ dẫn ta vào một mê cung, trước khi nhận ra sự thật chỉ là những khả năng của nhận thức và cảm giác cá nhân...

                                                                                                          13/12/13

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ