The voice Việt tìm giá trị gì?


1. Từ việc Hồng Nhung “loại” Hà Linh ở bán kết The Voice Việt 2013
          Khoảng một ngày nay, trên các báo, các phương tiện truyền thông, kể cả trang facebook cá nhân của nhiều người, sự kiện huấn luyện viên Hồng Nhung “loại” thẳng thành viên đội thi của mình – Hà Linh – trong đêm bán kết cuộc thi Giọng hát Việt (The voice) – được bàn tán sôi nổi. Có nhiều luồng dư luận, đa số tiếc cho Hà Linh và “ném đá” không thương tiếc Diva Hồng Nhung. Người ta nói nhiều về việc cô Bống (cách gọi thân mật ca sĩ Hồng Nhung) thiên vị và không tôn trọng khán giả, những bình chọn của khán giả qua hệ thống điện thoại. Đơn giản, cô đã chẳng cho Hà Linh một li, một lai phần trăm nhỏ nào trong quỹ điểm của mình. Như thế, Hà Linh bị loại một cách không thương tiếc, phũ phàng nhất từ chính huấn luyện viên của mình.
          Nhưng nhìn kỹ một chút, từ một góc nhìn khác, việc cho Hà Linh 0% hay n % nào đó cũng không có nhiều ý nghĩa khi kịch bản chương trình đã định sẵn. Cô Bống hoàng toàn có thể làm như Quốc Trung cho 70 – 30, Hà Linh vẫn rớt đẹp. Bản thân cô không phải hứng cả một “núi đá” từ dư luận, và dư luận có những lời lẽ chẳng dễ lọt tai chút nào. Nếu kịch bản chương trình, nếu bản thân HLV (huấn luyện viên) chủ ý không chọn thí sinh nào đó, hoàn toàn có thể dùng một tỷ lệ điểm đẹp để cho cô/ anh ta “out”. Và như thế, cho 0% hay n% đẹp nào đó thì những tin nhắn của khán giả cũng chỉ là một lời động viên có ý nghĩa tinh thần tương trưng cho thí sinh mà thôi. Chúng ta bị nhà tổ chức lừa, các HLV hay thí sinh chỉ là con rối, là những diễn viên hoàn thành kịch bản của họ một cách xuất sắc nhất có thể. Bởi càng có nhiều thị phi, càng nhiều dư luận thì lợi mà nhà tổ chức thu về càng lớn.
          The Voice là một cuộc chơi, đã là cuộc chơi thì luôn có luật, mà người tham gia phải chấp nhận luật chơi đó, dù nó nghiệt ngã. Nhìn vào cái luật chơi của chương trình này, cho đến tận bán kết, số phận của thí sinh vẫn có thể hoàn toàn do HLV quyết định. Chính cái format này khiến cho những kịch bản của nhà tổ chức càng dễ được thực hiện, và công chúng càng dễ rơi vào cái bẫy của họ. Chúng ta bị biến thành những con bò bị những con lừa dắt mũi. Các HLV, các thí sinh sẽ phải diễn tròn vai của mình để thu về những quyền lợi của mình, những quyền lợi không hề nhỏ một chút nào. Xét đến cùng, anh muốn có cái này thì phải mất cái khác, mọi thứ trong xã hội đang được thương mại hóa này, đều có giá của nó hết.
          Cho nên, việc Hồng Nhung loại thẳng Hà Linh trong đêm diễn 8/12 vừa qua là một lời nói rất thật. Trước khi đưa ra lựa chọn, cô đã nói rất rõ không muốn đưa học trò lên cân tiểu li để cân, và lựa chọn theo đúng tiêu chí của chương trình và của đội cô (mà tiêu chí của đội cô là một phương diện biểu hiện của chương trình). Với quyết định này, cô Bống mất nhiều hơn được, nếu xét về phương diện hình ảnh trong lòng công chúng đã, đang và sẽ yêu cô. Nhưng một người vốn được tiếng là khéo léo, thông minh như cô không làm việc ngu ngốc hay bốc đồng.Cái quyết đinh, theo tôi là rất thật kia chính là một gáo nước lạnh cảnh tỉnh tất cả chúng ta đang tin một trò chơi như The Voice hay những trò chơi khác, về một mục đích lớn lao, cao cả nhưng một số người lăng – xê cho họ và như cách họ tự lăng – xê mình phải thức tỉnh. Đừng ngây thơ tin rằng chúng ta – những khán giả, hay các HLV, thí sinh, có vai trò quyết định gì trong kịch bản này. Tất cả chỉ là những vai diễn, để thu một cái “lợi” nào đó cho bản thân, hoặc cho kẻ khác.
2... đến những kịch bản của The Voice.
          Cả hai kỳ của chương trình Giọng hát Việt, chúng ta đều thấy họ là những người rất giỏi dùng các chiêu trò, làm cho kịch bản của họ thêm hấp dẫn, kịch tính. Khi tất cả đang lắng xuống, họ sẽ tạo ra một cú sốc hay một scandal nào đó, thu hút sự chú ý của dư luận. Giới truyền thông tát nước theo mưa. Khán giả u mê chạy theo những luồng dư luận và cố xem hết chương trình xem kịch bản sẽ diễn tiến và hạ màn thế nào. Vô tình hay có ý thức, chính khán giả giúp họ hoàn thành kịch bản một cách hoàn hảo. Mục đích của nhà tổ chức đã đạt được. Còn cái giá trị mà họ hướng đến, họ đặt ra thì cứ để thời gian sẽ có câu trả lời. Nhưng với nhà tổ chức, họ đã đạt được mục đích, nếu khán giả quay lưng, họ sẽ nghĩ ra những trò mới để... tiếp tục kinh doanh và thu lời.
          Trở lại với The Voice năm nay, ca sĩ Hồng Nhung hôm qua đã hoàn thành vai diễn ác của mình theo đúng kịch bản của nhà tổ chức, cũng là hoàn thành một ý tình riêng của cô. Trước Hà Linh là Hoàng Yến. Trước Hoàng Yến cũng có một số thí sinh bị loại đáng tiếc và khó hiểu. Đêm chung kết năm nay sẽ như thế nào với phần trình diễn của Cát Tường, Hoàng Tôn, Thảo My và Hà My? Họ như thế nào thì tự mỗi khán giả đã thấy, dĩ nhiên không phải tất cả, nhưng cũng khá rõ trong suốt cả thời gian vừa qua. Với những gương mặt này, đêm chung kết The Voice có phải đêm tôn vinh giá trị âm nhạc đích thực, hay đi tìm một tài năng/ nhân tố/ xu hướng mới cho âm nhạc Việt Nam? Những mĩ từ to tát, đẹp đẽ, sang trọng đó như chiếc áo quá rộng với một chương trình thực tế, giải trí mang tính thương mại như The Voice.
          Theo ý kiến của cá nhân tôi, có thể xảy ra hai kịch bản cho đêm chung kết The Voice năm nay.
          Khả năng thứ nhất, Thảo My sẽ thành quán quân theo đúng kịch bản và ý tưởng của nhà tổ chức. Bởi rất đơn giản, những đối thủ mạnh nhất của các đội đã không còn, nếu theo đúng tiêu chí âm nhạc chính thống. The Voice sẽ lại được truyền thông và ngay bản thân họ sẽ tự vỗ ngực, tung hôm tung hoa mình là tìm ra một tài năng xuất chúng, một xu hướng mới cho âm nhạc Việt Nam. Một cô bé 17 tuổi, chưa qua trường lớp nào, đã chinh phục hàng vạn khán giả. Thực sự là một phát hiện đáng quý! Và như thế, The Voice đã cống hiến hết mình cho nền âm nhạc Việt Nam.
          Khả năng thứ hai, Hoàng Tôn sẽ đăng quang bởi thí sinh này luôn nhận được số lượng bình chọn khá lớn từ khán giả. Nếu kết quả như vậy, tôi cũng không hiểu The Voice đi tìm giá trị gì? Tôn vinh vẻ đẹp gì trong âm nhạc?
          Những thí sinh còn lại ư? Khả năng của họ không phải là không có, nhưng kể cả họ đăng quang vô địch, thì ấn tượng cũng chỉ là những triển vọng đang loay hoay tìm đường đi cho sự nghiệp ca hát của mình.
3. Vậy The Voice Việt đi tìm giá trị gì?
          Trước khi tham gia The Voice, nhiều thí sinh, nhất là Hà Linh đã khẳng định được mình trong âm nhạc. Bản thân cô đã là một giá trị vì cô giành giải nhất Sao Mai năm 2007 dòng nhạc nhẹ. Cô cũng đã tạo dựng cho mình một hình ảnh Hà Linh rất riêng với những ca khúc của Lê Minh Sơn, Ngọc Đại. Đến với The Voice năm nay, theo nhiều người, cô tham gia với tư cách một nghệ sĩ chứ không phải một thí sinh. Nhưng cô đã được đón nhận thế nào? Vòng Giấu mặt, những HLV kỳ cựu trong nghề như Quốc Trung, Mỹ Linh không nhận ra cô. Vòng đo ván, cô bị Đàm Vĩnh Hưng khước từ, để cơ hội cho Hồng Nhung cứu về đội mình. Rồi vào bán kết, thể hiện một “Cô đơn” mang diện mạo của Hà Linh, tràn đầy cảm xúc nồng nàn, khắc khoải, rất quyến rũ về phương diện nhìn, cô vẫn bị loại không thương tiếc. Khán giản biết đến cô, nếu xem chương trình từ đầu sẽ đi từ thất vọng đến hoài nghi rồi tiếc nuối. Những sản phẩm của Hà Linh, nhất là những tiết mục xuất sắc, điêu luyện, kết cục vẫn bị gạt ra bên lề của The Voice. Cô, một nghệ sĩ, vẫn là một linh hồn cô đơn trên sân khấu cái cuộc thi này, như chính ca khúc cuối cùng cô thể hiện trong đêm bán kết, với tư cách của một người thi, giành giật vinh quang.
          Trên trang facebook cá nhân của mình, Hà Linh đã tâm sự sau khi cô bị loại, là cô không buồn vì kết quả. Bởi cô đến với The Voice để lấy lại cảm xúc, cảm giác với âm nhạc, và nhất là “cưa cẩm” khán giả. Nếu như vậy, mục đích của cô đã được thực hiện, và cô đã có một điểm dừng rất tốt, rất đẹp, để người ta nhớ đến một người nghệ sĩ “cô đơn” như thế. Và cách HLV Hồng Nhung từ chối cô, sẽ là một sự thật, dù không dễ chấp nhận để chúng ta nhìn rõ hơn thực chất The Voice nói riêng, và những chương trình truyền hình thực tế nói chung hướng đến giá trị gì.
          Xin đừng có ảo tưởng rằng những chương trình như The Voice hay những chương trình mang cái mác đi tìm tài năng sẽ tìm cho chúng ta những tài năng thực sự, tôn vinh những giá trị đích thực, hướng đến cái hay, cái đẹp, cái có giá trị lâu bền, trường cửu. Nếu họ đúng như những lời mĩ tự họ dương ra cho thiên hạ trầm trồ thì những thiên tài âm nhạc họ phát hiện đã làm được gì? Số phận giờ ra sao? Mỗi năm Việt Nam có đến vài cuộc thi hát hò, âm nhạc, nếu mà tài năng nhiều thế thì sao nền âm nhạc Việt Nam chỉ được đến thế này mà thôi? Những người có nhiều đóng góp, có ảnh hưởng lớn, tạo ra những xu thế thực sự cho âm nhạc, tôi điểm danh, thì hầu như vắng bóng những thiên tài đã được tung hô, tung hoa của The Voice và của những chương trình tương tự. Trong khi đó, những lình xình scandal về họ thì vô số.
          Đã không có tài năng  thực sự và nhiều đến mức như nấm sau mưa thì chương trình không thể hấp dẫn bằng cái hay, cái đẹp. Mà đã không có cái hay cái đẹp thực thì họ phải tạo ra những cái giống như cái hay, hoặc tạo ra chiêu trò câu khách. Và như thế, mục đích của The Voice và của nhiều chương trình thực tế khác, là không tôn vinh bất cứ một giá trị hay cái đẹp thực sự nào. Cái họ tôn vinh là cái thu hút sự chú ý của mọi người vào họ, cái cái mà đám đông đang xô theo trong thời điểm hiện tại. Tất cả hướng về một cái “gu” chung theo kiểu rất “bầy đàn” thời thượng, theo một lối tư duy “ăn sổi ở thì”.
          Cái đẹp và những giá trị đích thực luôn có sức sống và có khả năng tự tỏa sáng. Sớm hay muộn nó sẽ tìm đến được với công chúng. Bởi đôi khi, những giá trị ấy không hề dễ dàng để có thể hiểu, cảm được ngay, nhất là với đám đông chạy theo thói thời thượng và ngày càng dễ dãi, dễ bị đánh lừa bởi nhưng chiêu trò hấp dẫn, mầu mè bề ngoài. Chính vì thế, chúng ta đừng gắn cho những chương trình thực tế vốn mang tính giải trí và thương mại như những cái cao sang, thiêng liêng để tự lừa mình, tự đánh tráo và làm lẫn lộn những hệ giá trị sống. Hãy xem nó như xem một trò chơi hay một vở kịch. Và do đó, chúng ta đừng vội vã phán xét nhân cách những con người tham gia trò diễn đó, mà hãy phán xét những vai diễn họ đang đảm nhận.

                                                                                  9/12/2013

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ