"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ

                Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua

                       Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già…

                                                                                    - Xuân Diệu - 


Trên bước đường phiêu lãng của khách hồ hải, có những lúc dừng chân bên một vùng quê yên bình trong khung cảnh mùa xuân tươi mới, rực rỡ và thơ mộng, kẻ tha hương hốt nhiên chợt dâng trong lòng một nỗi niềm sực nhớ những hình ảnh xa, hình ảnh xưa của kỷ niệm dấu yêu. Dòng hoài cảm miên man của sực nhớ khiến tâm hồn người lữ khách rung lên, rồi cuộn trào những cảm xúc xốn xang trước vẻ mọng mòi, tươi mát, lộng lẫy của mùa xuân đang ở độ chín. Ngắm xuân sắc lòng ta rạo rực xuân tình. Cảm mùa xuân viên mãn trong vẻ đẹp chín mọng ta thấy hoài tiếc xuân qua và thoáng gợn chút âu lo về sự phôi pha của xuân thì, xuân sắc. Lòng ngập tràn cảm xúc vởi ngoại cảnh đã chuyển hóa thành tâm cảnh. Và lòng ta cũng như lòng khách hồ hải phiêu du kia gặp nỗi lòng của thi sĩ Hàn Mặc Tử trong thi phẩm “Mùa xuân chín”:


Mùa xuân chín – Hàn Mặc Tử


Trong làn nắng ửng khói mơ tan, 

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.

Sột soạt gió trêu tà áo biếc,

Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.


Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.

Bao cô thôn nữ hát trên đồi;

- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, 

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…


Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

Hổn hển như lời của nước mây…

Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,

Nghe ra ý vị và thơ ngây…


Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng.

- Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

         Ngay nhan đề “Mùa xuân chín” đã gợi những liên tưởng rất lạ, rất đẹp và rất mới về xuân sắc cũng như xuân tình trong thi phẩm. Thông thường nhắc đến mùa xuân ta thường nghĩ ngay mùa xuân xanh (Mùa xuân là cả một mùa xanh – Nguyễn Bính) hay mùa xuân thắm của muôn hoa, của lộc biếc, của chồi non, của sức sống căng tràn. Và cái động thái “chín” của cây trái khi kết hợp với danh từ mùa xuân mở ra nhiều kênh liên tưởng mới và lạ. Nó chính là mùa xuân đang ở độ chín, chín nục, chín thơm, tức là mang sức sống căng mọng nhất, vẻ đẹp viên mãn nhất, sắc màu rực rỡ nhất, xuân tình phơi phới nhất, khao khát mãnh liệt nhất… Thiên nhiên, tạo vật, trời đất, vũ trụ, con người với bao xúc cảm ngập tràn đang say nồng trong giấc xuân, đang phơi lộ tất cả nét đẹp ngời sáng, huy hoàng, trong khiết, nồng thắm, rạng rỡ của mình. Cái sắc điệu chín dẫn dụ mỗi người đọc lần tìm vào thế giới nghệ thuật của xuân sắc, xuân tình, xuân trẻ, xuân non, xuân tươi mới mà thi sĩ họ Hàn tạo dựng.

           Cho nên, vừa nhẹ chạm bước chân vào thế giới nghệ thuật của “Mùa xuân chín” ta đã bắt gặp một sắc vàng mơ, vàng xanh lơ lung linh, choán ngợp thị giác:

                    Trong làn nắng ửng khói mơ tan, 

                    Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.

                    Sột soạt gió trêu tà áo biếc,

                    Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

Khổ thơ được mở ra với những hình ảnh đẹp, tươi mới, trong trẻo. Nó tạo một ấn tượng thị giác mạnh mẽ về màu sắc. Làn nắng ửng – nắng mới – vàng ươm, trong ngần hòa quyện trong làn khói mơ tan – phiêu lãng, rơi rắc, bảng lảng. Trong thứ ánh sáng tinh khôi, lung linh ấy, đôi mái nhà tranh cũng sáng bừng lên như đượt dát vàng. Động từ “lấm tấm” tạo nên sắc thái động cho tạo vật. Nó vừa gợi lên sự phân bố rải rác của những hạt vàng lấm tấm trên mái nhà, lại vừa tạo ấn tượng thị giác về những hạt vàng như đang được rắc từ từ trên mái nhà tranh. Cái sắc vàng ấy ánh lên lung linh khiến cho mái nhà và khung cảnh tạo vật quen thuộc mang một diện mạo mới, một sắc điệu mới của xuân chín. Hình ảnh mái nhà tranh đưa ta về với không gian quen thuộc của quê hương xứ Việt muôn đời của:

                    - Năm gian nhà cỏ thấp le te 

                                            (Nguyễn Khuyến)

                    - Mơ mơ mấy xóm tranh chìm trong mây 

                                               (Tố Hữu)

                    - Mái gianh ơi hỡi mái gianh

            Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương

                                                                        (Trần Đăng Khoa)

Song cái mái gianh lấm tấm vàng của Hàn Mặc tử không hẳn mộc mạc như năm gian nhà cỏ thấp le te của Nguyễn Khuyến, cũng không chìm lấp trong cõi đời tăm tối thời cũ của Tố Hữu, và không nhọc nhằn, cơ cực, lam lũ như mái gianh quê hương của Trần Đăng Khoa. Đó là cái mái gianh vàng ửng, mơ phai, bồng bềnh, lãng mạn, mộng mơ. Tự nó như đang khởi phát những xuân tình rạo rực, những cảm xúc đắm say của một cái tôi lãng mạn, yêu đời, say tình xuân, cảm mến sắc xuân. Cho nên, mái tranh ấy đẹp hơn, thơ hơn, tình hơn và lấm tấm hạt vàng của tình say đắm, của cảnh lung linh.

Xuân tươi, xuân thắm của “Mùa xuân chín” không chỉ mang màu vàng đặc trưng của nắng ửng, của khói mơ, của mái nhà tranh lấm tấm vàng mà xuân còn chín trong sắc xanh muôn đời của mình. Đó là màu xanh xủa giàn thiên lý xuân. Giàn thiên lý ấy soi mình duyên dáng trong nắng, trong khói như một tà áo biếc của xuân thì. Cả hình bóng mùa xuân như soi mình, kết tụ nơi giàn thiên lý thềm nhà đơn sơ. Cái sắc xanh được nhuộm đầy nắng vàng mang một màu lơ, sáng, ngời lên sức sống thanh tân, vẻ non tơ, óng ả, đầy quyến rũ và khêu gợi của nàng xuân. Những nét mỹ miều mang độ chín ấy đã hớp hồn bao kẻ đa tình. Bởi xuân sắc là sự biểu hiện, thăng hoa của xuân tình dồn ứa, căng tràn. 

        Sự quyến rũ nồng nàn của xuân tình khiến làn gió không thể kìm lòng, cất tiếng khẽ khàng trêu tà áo biếc nơi giàn thiên lý tạo nên cái âm ba sột soạt. Câu thơ “Sột soạt gió trêu tà áo biếc” thật gợi hình, gợi cảm. Chỉ một từ “sột soạt” mà tác giả đã tả được cái chuyển động của gió, cái âm vang từ tà áo, cái rạo rực của lòng người. Cách miêu tả ấy khiến cơn gió xuân hiện lên thật phong tình, và cũng là đang say tình. Xuân thì mang xuân tình ứa đầy phát lộ từ bên trong ra. Tình xuân lai láng khắp không gian, hiển hiện trên mỗi cảnh, mỗi sắc, mỗi vật. Những hình ảnh thơ vừa tinh tế, mơ màng, lại vừa táo bạo, tình tứ. Thời điểm xuân chín cũng là tình chín, là lúc sức sống căng, ái tình mọng. Bởi chính thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng đã có lần từng viết:

                                Vui thay cảnh sáng trăng

                                Ái tình bắt đầu căng

                                Hoa thơm thì nín lặng

                                Hương thơm thì bay lan

                                Em tôi thì hổn hển

                                Áo xiêm lấm tấm vàng

                                Em tôi đã hiểu chưa?

                                Đó là khúc tình ca

                                Nẩy theo hơi thở nhẹ

                                Ở trên làn dây tơ

                                Của lòng em rộn rã…

                                                                    (Sáng trăng)

        Xuân thắm tươi, tình lai láng, cảnh chín và tình chín hòa vào nhau tỏa ra bất tận theo chiều rộng không gian. Không gian “Mùa xuân chín” được mở ra mênh mông. Tình xuân thắm thiết, rạo rực theo đó cũng mở ra vô cùng theo mọi chiều kích:

                            Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.

                            Bao cô thôn nữ hát trên đồi;

                            - Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, 

                            Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

        Theo ánh mắt dõi nhìn, theo tấm lòng cảm của khách đường xa, không gian xuân thành một không gian xanh của sóng cỏ. Câu thơ “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời” cho người đọc những cảm nhận bất tận về sắc xanh ngút ngát của cỏ cũng là sức sống, vẻ đẹp phồn thịnh của xuân chín, xuân thì. Màu xanh ấy như cân bằng lại, cộng hưởng với sắc vàng ở khổ thơ trên tạo nên sắc điệu non tơ, trinh khiết, mới mẻ riêng của mùa xuân trong thơ Hàn Mặc Tử. Đọc câu thơ này, ta bắt gặp một sự đồng điệu nhất định của Hàn với cụ Nguyễn Du thuở xưa khi rung cảm với cảnh xuân, sắc xuân:

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

                                                                            (Truyện Kiều)

        Tuy nhiên, những câu Kiều của Tố Như chủ yếu nhằm làm nổi bật sắc xanh của cỏ non trải rộng đến tận chân trời. Còn câu thơ của Hàn Mặc Tử lại chủ yếu nhấn vào cái sóng cỏ đang gợn – tức là nhấn vào động thái bên trong của sự vật chứ không chỉ thuần tả sắc màu sự vật. Cái động thái “gợn” của sóng cỏ chính là sự rung động bên trong của cỏ trước vẻ đẹp mướt mà, toàn thiện của xuân – tức xuân tình. Những rung động đó khởi phát tự thân, từ bên trong thôi thúc mà ra rồi vươn lên cao tới trời. Sóng cỏ đó cũng là sóng lòng, là sóng tình của con người trước xuân sắc, xuân thì, xuân tươi, xuân non tơ. Cảnh xuân tràn trề, sức xuân ứa tràn làm lòng người lai láng tình yêu đời, chứa chan bao nỗi niềm, bao cảm xúc rưng rưng. Tình và cảnh đã chuyển hóa, hòa quyện, cùng tôn nhau lên, cùng đẩy tính chất lên đến cạn cùng. Cái nhìn của nhà thơ đã xuyên thấm vào tận đáy sâu của chân tâm sự vật để cảm nghe tất cả từ bên trong. Và từ đó soi ngắm thêm bên ngoài. Xuân ngoại cành và xuân tâm cành hòa làm một trong những rung động tha thiết tận đáy lòng.

        Và xuân tình đã chuyển hóa, hay nói đúng hơn đã được cụ thể hóa, hữu hình hóa thành âm thanh, thành hình ảnh, thành xuân thì của người gái xuân. Hình ảnh “Bao cô thôn nữ hát trên đồi” như một nét vẽ để hoàn thiện bức tranh “Mùa xuân chín”. Đồng thời, tiếng hát thôn nữ ấy cũng là sự biểu lộ rõ ràng nhất, tha thiết nhất của tình xuân trong sắc xuân. Âm vang của lời hát vọng mãi trong không gian tạo vật bởi sức ngân vang, bởi sự trong trẻo, bởi sức sống và bao khao khát trong tiếng hát ấy. Tiếng hát của bao cô gái xuân mang cái rạo rực muôn đời của vẻ đẹp, của sức sống, của khao khát tình yêu, của lòng ham sống mãnh liệt. Bởi mùa xuân luôn là mùa đẹp nhất của năm và tuổi trẻ là phần ngon nhất của cuộc đời. Do đó, hình ảnh cô gái xuân đi vào thơ ca như một hình ảnh biểu trưng cho vẻ đẹp, sức sống và tình yêu mùa xuân. Hãy đọc những vần thơ của Nguyễn Bính để ta có thêm những cảm nhận rõ hơn về hình ảnh gái xuân – cũng là xuân thì, xuân tình:

                            Em như cô gái hãy còn xuân, 

                            Trong trắng thân chưa lấm bụi trần, 

                            Xuân đến, hoa mơ, hoa mận nở. 

                            Gái xuân giũ lụa trên sông Vân. 

                                    (Nguyễn Bính – Gái xuân)

        Thế nhưng chính lúc con người say đắm với xuân thắm, xuân tươi cũng là lúc cảm nhận được từng bước xuân qua; khi con người đang ở xuân thì, đang sống trong men say tình ái thì cũng là thời điểm họ nhận ra tuổi đời hư hao, xuân thì mong manh, xuân tình chóng tàn. Giống như bao cái Tôi thơ mới khác, Hàn Mặc Tử cũng tiếc xuân thì ngay chính khi xuân chín, thương xuân rụng khi xuân đang tươi. Đọc kỹ câu thơ “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…” ta thấy một giọng nghẹn ngào, buồn vương, tiếc nuối thanh sắc, xuân sắc của thời tươi. Bởi “đỉnh điểm cũng là giao điểm. Xuân chín cũng là xuân mãn” (Chu Văn Sơn). Sắc xuân phai tàn theo thời gian trổi chảy. Tình xuân phôi pha theo sự héo úa tuổi đời. Cái ngày xuân chín cũng là dấu hiệu bắt đầu của xuân thì rơi rụng. Cái hay và sự tinh tế của Hàn là mượn cái quy luật của đời người để nói quy luật của tình cảm, của tạo vật: Khi người thiếu nữ theo chồng cũng chính là lúc kết thúc xuân thì, chấm hết đời con gái. Cô bỏ cuộc chơi và bỏ xuân tình đời mình lại. Tuổi xuân của cô cũng hết. Cái ngày cô ca bài ca tình ái bất tận về xuân chín cũng là lúc cô chuẩn bị ca khúc xuân tàn cho đời con gái của mình. Và từ đây, mạc thơ, cảm xúc thơ chuyển sang tiếc xuân thì, lo xuân rụng. Cảm xúc của thi sĩ họ Hàn cũng gần với quan niệm dân gian:

Chơi xuân kẻo hết xuân đi

Cái già sồng sộc nó thì theo sau

                                                   (Ca dao)

 Hay quan niệm của Nguyễn Bính trong Lỡ bước sang ngang:

Tuổi xuân má đỏ môi hồng

Bước chân về đến nhà chồng là thôi    

Đồng thời cảm xúc này cũng rất đồng điệu với những cảm thức thời gian thường trực ám ảnh trong thơ Xuân Diệu, khi nhà thơ “mới nhất trong những nhà Thơ mới” này giục giã người ta:

                    Mau lên chứ vội vàng lên với chứ!

                    Em! Em ơi! Tình non đã già rồi

                    Con chim hồng trái tim nhỏ của tôi

                    Mau với chứ thời gian không đứng đợi

                    Tình thổi gió màu yêu lên phấp phới

                    Nhưng đôi ngày tình mới đã thành xưa

                    Nắng mọc chưa tin hoa rụng không ngờ

                    Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết

                    Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt

                    Những vườn xưa nay đoạn tuyệt dấu hài…

                                                                                         (Giục giã)

Và: 

                    Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua

                    Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

                    Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất…

                                                                                        (Vội vàng)

Bản thân Hàn Mặc Tử cũng có nhiều mặc cảm với việc đi lấy chồng của người con gái. Với ông, khi tiễn người con gái đi lấy chồng là kết thúc tất cả, là một mất mát không gì sánh được, là dấu chấm hết cho xuân sắc, xuân thì, xuân tình, xuân tươi. Em đi lấy chồng để lại một sự hụt hẫng, một nỗi trống vắng lớn lao. Tất cả sẽ thành vô nghĩa. Đọng lại chỉ còn là mất mát, bi sầu – nàng mất ước mơ, tôi mất hồn thơ:

Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ

Em lấy chồng rồi hết ước mơ

Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng

Ngồi lên để thả cái hồn thơ

        (Em lấy chồng)

Như thế là ở giữa mùa xuân chín mọng, giữa lúc vẻ đẹp viên mãn, lúc tiếng ca ngất ngây, rạo rực, nhà thơ đã thấy trước cái tương lai buồn, tàn, úa. Đây là một dự báo se sót, mang chút thảng thốt sầu não về mai hậu của xuân chín. Đó là cái nhìn của con người hiện thời về cái kết cục không thể khác ở tương lai. Nhưng cái tôi Hàn Mặc Tử không thiết tha, rạo rực, băn khoăn hay bồng bột như cái Tôi Xuân Diệu tự giục giã mình, giục giã người sống vội vàng để tận hưởng và tận hiến. Cái Tôi Hàn Mặc Tử lắng lại, thu vào trong thành những u uẩn, nuối tiếc pha chút xót xa. Cho nên “Gặp xuân chín mà tiếc xuân thì, nghe xuân ca mà buồn xuân mãn” (Chu Văn Sơn). 

Mặc dầu vậy, cái buồn của Hàn không phải cái buồn của người trong vị trí của kẻ khách xa phải từ bỏ cuộc chơi giữa xuân chín. Nỗi buồn của niềm tiếc xuân thì kia sâu sắc hơn, mang tính phổ quát hơn. Nó là nỗi buồn của cái tôi nhưng cũng là nỗi sầu nhân thế. Nó mang tâm thế buồn của kẻ du ca đi qua cuộc đời này để cảm nhận được xuân sắc, xuân tình trong “Mùa xuân chín”, để hát vang ca ngợi cuộc sống đẹp viên mãn, cũng lầ để tấu lên những linh cảm về cái đẹp hư hao, hạnh phúc phù du, tuổi trẻ nhanh tàn giữa cõi đời vô thường, vô tận. Có phải vì thế chăng mà tiếng ca cành cất cao, càng ngân vang thì càng não nề, càng se sót và nhiều u uẩn đến u uất:

                                Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

                                Hổn hển như lời của nước mây…

                                Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,

                                Nghe ra ý vị và thơ ngây…

Khổ thơ giống như một sự cụ thể hóa cho những hoài tiếc về một xuân chín, xuân thì. Tất cả vẻ đẹp, sức sống và độ chín của mùa xuân được thể hiện qua tiếng hát. Tiếng hát trong trẻo của những cô gái xuân xanh vắt vẻo lưng chừng núi. Cách dùng động từ “vắt vẻo” rất độc đáo khiến câu thơ giàu chất tạo hình. Tiếng hát xuân thì hiện ra như có hình, có sắc, đang vắt vẻo lưng chừng núi, lan vào không gian làm say đắm, ngất ngây lòng người. Dường như lời ca ấy tự nó mang trong mình một sức quyến rũ không sao cưỡng lại được của xuân thì. Đây là cách miêu tả và cảm nhận rất quen thuộc trong thơ Hàn Mặc Tử - mỗi sự vật đều ánh lên màu sắc dục trong vầng hào quang của xuân sắc, xuân thì. Trong bài thơ “Bẽn lẽn”, thi nhân cũng đã viết:

Trăng nằm sõng soải trên cành liễu

                  Đợi gió đông về để lả lơi

Cảm nhận như vậy cũng đúng thôi bởi xuân tình dào dạt, rực cháy bên trong sẽ thôi thúc con người tìm đến với nhau trong mối giao hòa, giao cảm, trong cảm giác ái ân, tình tự. Vì thế, nhà thơ đã sử dụng hình ảnh so sánh rất gợi tiếng ca “hổn hển như lời của nước mây”. Âm thanh “hổn hển” mang trong mình cái say đắm, thỏa thuê, mãn nguyện của mối tình đã vào độ chín. Nó là tình yêu và sự giao hòa hoàn toàn của thân thể và tâm thể. Và giống như thi sĩ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử cũng nhìn cả vũ trụ, thiên nhiên như đang ở trong một cuộc giao hòa lớn, trong cảm giác ân ái mặn nồng. Bởi tiếng ca kia là của cô thôn nữ, cũng là lởi của nước mây, lời của mùa xuân chín hôm nay và cũng là lời của muôn đời. Vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân mãi mãi là bản tình ca bất diệt thêu dệt cho con người những ước mơ, những khát vọng để con người tận hưởng, tận hiến ngay trong cuộc đời trần thế - cuộc đời đẹp như vườn địa đàng, cuộc đời hiện ra như chốn thiên đường ở ngay trên mặt đất như cách cảm của Xuân Diệu:

                            Của ong bướm này đây tuần tháng mật

                            Này đây hoa của đồng nội xanh rì

                            Này đây lá của cành tơ phơ phất

                            Của yến anh này đây khúc tình si

                            Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

                            Mỗi buổi sớm thần vui thầm gõ cửa

                            Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần

                                                                                (Vội vàng)

Để rồi tiếng ca ấy thành lời tình tự, lời tỏ tình với cuộc đời: 

                            Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc

                            Nghe ra ý vị và thơ ngây

        Cái tình ở đây là tình xuân lai láng, là tình chín nhưng lời tỏ tình cũng chỉ là thầm thĩ – nhẹ nhàng, với người tình nhân ngồi dưới trúc – kín đáo. Nó vẫn là cái tình ngây thơ, e ấp, trinh khiết quen thuộc trong thơ Hàn Mặc Tử. Trong cái thân mật, trong cái viễn mãn vẫn còn cái tình tứ, tinh tế, hồn nhiên. Chút ngây thơ ấy là nét duyên quê đặc trưng của những mỗi tình quê, của những cô thôn nữ “má đỏ môi hồng”. Dù chỉ là khách đường xa gặp mùa xuân chín nhưng thi nhân đã bắt được cái mạch nguồn, cái hồn riêng của xuân quê, xuân thôn dã. Lời tỏ tình của ai đó hay chính là lời tỏ tình của nhà thơ với cuộc đời, với con người xinh tươi, đẹp rạng ngời xuân chín. Bởi tất cả ngày mai chỉ còn lại là kỷ niệm. Bởi xuân chín cũng là xuân tàn, xuân lạc khiến lòng người se sót, hoài tiếc, hoài thương. 

        Những sợi dây cảm xúc đã căng đầy, con người đã “sống toàn thân và thức nhọn giác quan” với mùa xuân chín để vươn tới đỉnh điểm cuộc chơi, để được thỏa thuê trong cảm xúc của ái ân. Nhưng chính lúc người ta sống trên đỉnh của hiện tại ấy, tâm hồn lại xao động để sực nhớ về một hình bóng xa. Và khác đường xa gặp mùa xuân chín cũng trả qua những phút giây rạo rực để rồi sực nhớ như thế:

                            Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,

                            Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng.

                            - Chị ấy năm nay còn gánh thóc

                            Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

Đứng tại mùa xuân nay để lo lắng cho ngày mai và cũng là lúc kẻ tha hương hoài nhớ ngày xưa. Cái rạo rực, ngấy ngây trong lời ca hổn hển của hiện tại thoắt chuyển sang cái bâng khuâng, xao xuyến khi nhớ làng, nhớ về mái nhà xưa, nhớ về một cố nhân xa. Điểm sáng chói lòa bừng lên trong nỗi niềm bâng khuâng sực nhớ ấy là hình ảnh của:

                            - Chị ấy năm nay còn gánh thóc

                           Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

Có lẽ đây là những câu thơ xuất thần và hay nhất trong bài thơ. Bao năm nay tôi vẫn ấn tượng mạnh mẽ với cái sắc trắng nắng chang chang ấy! Bao năm nay hình ảnh người chị gánh thóc trên bờ sông trắng nắng chang chang vẫn hằn in lên tâm hồn tôi một hình ảnh thật đẹp và mộng mơ. Tất cả cảnh và người đều mơ, đều mộng trong màu hoài niệm huyền diệu. Sắc trắng tinh khôi của nắng mới bao trọn không gian, tỏa khắp bờ sông, phủ lên hình ảnh người chị gánh thóc một màu sắc lãng mạn của cái đẹp huyền ảo, lung linh trong cõi nhớ. Đó là sự tỏa sáng của cái đẹp hài hòa, đan quyện phả ra từ xuân sắc, xuân tình, từ tạo vật và con người khi ở độ xuân chín. 

Tuy nhiên, tất cả xuân sắc, xuân thì đẹp huy hoàng ấy chỉ là một ánh chớp kỷ niệm thoáng qua mà thôi. Đó là cái ký ức về xuân thì của “chị ấy” của ngày xa xưa. Cho nên, ở hiện tại, người khách xa sực nhớ cũng là để ngậm ngùi, tiếc thương – tiếc thương cho cái đẹp không biết bây giờ có còn không – chị ấy năm nay có còn gánh thóc dọc bờ sông trắng nắng chang chang không? – chị ấy giờ này có còn như xưa nữa không? Nỗi lòng ấy là chút bất an, một nỗi niềm thảng thốt, lo âu cho hiện tại từ những dĩ vãng dội về. Vì cái phút chín, cái xuân thì của xuân, của đời đâu có là vĩnh viễn. Tất cả hằng thường, hữu hạn, mong manh trong đời sống vô thường, bất biến. Nó là cái bâng khuâng, nhớ tiếc, pha chút xót xa của con người khi ý thức về sự trôi chảy của thời gian, về sự hữu hạn của cuộc đời, về những vô thường của đời sống thế nhân. Sau này, người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã cảm nhận rõ nỗi mất mát của xuân sắc, xuân thì cũng là xuân lòng trong dòng chảy thời gian vô tận:

                            Mười năm xưa đứng bên bờ dậu

                            Đường xanh hoa muối bay rì rào

                            Có người lòng như khăn mới thêu

                            Mười năm sau áo bay đường chiều

                            Bàn chân trên phố xa lạ nhiều

                            Có người lòng như nắng qua đèo

                                                    (Có một dòng sông đã qua đời)

Thế đấy! Bước vào thế giới nghệ thuật của “Mùa xuân chín” là ta bước vào thế giới của mọi vẻ đẹp đang ở độ chín. Cảnh đi từ chớm chín đến chín nục, chín muồi, chín mẩy, chín mòng mọng… Và cái chín mọng mòi của cảnh ấy là hình sắc thể hiện bên ngoài của tình chín, của xuân thì thắm tươi. Đó là cái khao khát tình tự, ái ân muôn đời của bài ca xanh bất tận, trong leo lẻo của xuân lòng. Nhà thi sĩ như khách hồ hải đi ngang qua một bến xuân quê để rung động, để cảm nhớ, để hoài thương trong một nỗi lòng đầy u uẩn. Cảm xuân chín, thưởng xuân sắc, thấu xuân tình để tiếc xuân thì, thương xuân tàn, tuổi mãn. Đó là cái mạch cảm xúc sâu xa, xuyên suốt dọc bài thơ trong một tứ thơ tưởng như đầu ngô mình sở. Cái chín của xuân sắc, xuân thì trong bài thơ cũng là sự biểu hiện rạng rỡ nhất của tài năng thơ đang độ chín, của cảm xúc chín trong lòng thi nhân với cuộc đời, với con người.

                                                                        Tết Nguyên Đán 2012


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô