THAY ĐỔI CÁCH RA ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN ĐI VỀ ĐÂU?






        Quyết định thay đổi cấu trúc đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT khiến dư luận nóng lên từng ngày. Rất nhiều băn khoăn, khúc mắc, có cả niềm tin và những hoài nghi từ quyết định này. Những người trong cuộc, bao gồn học sinh, giáo viên và cả phụ huynh nơm nớp lo lắng, thậm chí cả hoang mang. Là một giáo viên trực tiếp đứng lớp suốt 8 năm qua, cũng là những năm gắn bó với học sinh lớp 12, với thi cử từ chương trình cũ đến chương trình đổi mới hiện nay, và còn những chương trình đổi mới tiếp sau, tôi nhận thấy một số vấn đề:
1.     Sự thay đổi vội vàng gây tâm lý hoang mang rộng rãi
Trong những kỳ thi trước, những lần đổi mới trước, mọi thứ đều được chuẩn bị kỹ càng, thông báo trước hàng năm, thậm chí cả một khóa học để những người làm giáo dục và học sinh chuẩn bị tâm lý, thay đổi phương pháp học, trang bị kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục. Nhưng lần này thì khác, quyết định thay đổi cấu trúc đề thi môn Ngữ văn, mà gần nhất là trong kỳ thi tốt nghiệp sắp diễn ra đầu tháng 6 tới được đưa ra nhanh chóng, hầu như không có sự trưng cầu ý kiến nào. Ở một thời điểm rất nhạy cảm, khi năm học sắp kết thúc, chương trình học cũng đi vào những bài cuối cùng ôn tập, thời gian để ôn luyện, trau dồi kiến thức vẻn vẹn còn chưa đầy hai tháng, liệu giáo viên, học sinh có kịp thích ứng với thay đổi mới này?
Mặt khác, một tuyên bố thứ hai chắc như đinh đóng cột được đưa ra, phần đọc – hiểu sẽ cho văn bản ngoài chương trình sách giáo khoa. Tuyên bố này khiến cho cả giáo viên, học sinh và những người quan tâm đến giáo dục thấy sốc, gây tâm lý hoang mang rộng rãi. Bởi từ trước đến giờ, chúng ta vẫn thường quen với quan niệm học gì thi nấy. Bây giờ thi những cái ở xa xôi, đâu đó thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào? Hơn nữa, thời gian hơn một tháng là khoảng thời gian quá ngắn để cho cả giáo viên và học sinh chuẩn bị mọi thứ, cả tâm lý, kiến thức và kỹ năng để thích ứng. Bởi học tập là cả một quá trình, kiến thức, kỹ năng hay những năng lực cũng cần phải tích lũy, rèn luyện. Khi tất cả những kỹ năng, những năng lực để đáp ứng chưa được hình thành và rèn luyện thì học sinh lấy gì để thi?
Thêm nữa, khi đưa ra quyết định thay đổi cấu trúc đề thi, cách hỏi theo hướng kiểm tra năng lực thì Bộ cũng không đính kèm bất cứ một hướng dẫn nào, càng không có một fomat đề chuẩn. Những năng lực, mức độ yêu cầu tối thiểu ở những năng lực đó với học sinh cũng không có. Vậy thì, giáo viên và học sinh lấy điểm tựa gì, chuẩn mực nào để dạy và học, để hình thành những năng lực Ngữ văn cần thiết cho thi cử.
Vài hôm trước, Thứ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Vinh Hiển có tuyên bố trên báo chí là sẽ không có fomat đề mà giáo viên phải bám vào ma trận ra đề để dạy học sinh. Mà theo như tôi được biết vì bản thân cũng được đi tập huấn về ra đề theo ma trận do Bộ tổ chức mấy năm trước, ma trận chỉ đưa ra các yêu cầu ở các mức độ khác nhau: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, sáng tạo... của một đề thi. Vậy chỉ nói ra đề theo ma trận chung chung không khác nào đưa giáo viên và học sinh vào một ma trận không lối ra, vô phương hướng, tự phải dò đường trong bóng tối mịt mù. Ít nhất trong cái ma trận mà Bộ đưa ra ấy phải đề rõ tỷ lệ phần trăm: bao nhiêu cho nhận biết, bao nhiêu cho thông hiểu, bao nhiêu cho vận dụng cấp độ thấp, bao nhiêu cho vận dụng cấp độ cao, kèm theo đó là những kỹ năng, năng lực cần thiết ở tất cả các phương diện văn bản văn học, tiếng Việt và làm văn.
Bên cạnh đó, mỗi kỳ thi có một tính chất, mức độ yêu cầu khác nhau. Vì vậy những chuẩn kiến thức, kỹ năng, những năng lực cần đánh giá cũng phải thay đổi. Cứ tuyên bố mội thứ chung chung thế này chẳng khác nào biến tất cả những người làm giáo dục rơi vào tình cảnh như thầy bói mù đi xem voi. Nhìn rộng ra các kỳ thi của nước ngoài, mà gần gũi nhất với người học Việt Nam là các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh quốc tế như Toefl, Ielts, Toeic, B, C theo khung chuẩn Châu Âu..., chúng ta đều thấy họ xây dưng một khung chuẩn các kỹ năng và năng lực ngôn ngữ để người học, thi tiếp cận, rèn luyện đáp ứng. Còn với kỳ thi sắp tới, với môn Ngữ văn, trong đó có một yêu cầu cơ bản kiểm tra về năng lực ngôn ngữ tiếng Việt, thì lại không thấy một cái chuẩn nào đưa ra. Cách làm như thế khác gì tung hỏa mù, khiến cho những học sinh vốn đang rất căng thẳng, lo lắng cho những kỳ thi kết thúc suốt 12 năm học, quyết định tương lai, càng thêm bất an, hoảng loạn.
2.     Đổi mới đề thi liệu chất lượng bộ môn có được cải thiện?
Vài năm gần đây, dư luận luôn xôn xao rằng học sinh chán học các môn xã hội, trong đó có môn Ngữ văn, rồi những năng lực Ngữ văn của học sinh rất kém. Cực đoan hơn, mấy ngày trước tiến sĩ Chu Văn Sơn, Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư Phạm Hà Nội cho rằng nếu được lựa chọn, học sinh chọn thi môn Ngữ văn còn ít hơn môn lịch sử. Nhiều học sinh giỏi văn trong các kỳ thi, nhất là kỳ thi cấp quốc gia không theo văn, học văn. Vậy lý do thực chất là do đâu? Có phải chỉ do chương trình và thi cử?
Xin trả lời rằng lý do chất lượng bộ môn, tình trạng học sinh quay lưng với môn Ngữ văn không phải chỉ do thi cử và chương trình học. Ở giai đoạn trước, khi sách giáo khoa chưa thay đổi, rất nhiều người, đặc biệt là những người giờ đã thành danh, thậm chí làm việc trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn đều thấy sợ văn, hoặc nhìn rõ sự vô nghĩa của một số bài học trong chương trình. Thi cử thì hầu như chưa bao giờ chú trọng đến năng lực tư duy, sự sáng tạo, khả năng phản biện của học trò. Tất cả chấm theo barem đáp án, theo một tư tưởng mặc định. Việc dạy văn cũng là vấn đề cần quan tâm khi chúng ta quen theo một kiểu dạy du dương, bình tán, và cho như thế mới là hay.
Do đó, mấu chốt của vấn đề không phải ở cái đề thi, không ở chương trình mà là ở quan niệm bộ môn, là những thang bậc, hình thức đánh giá, là các chuẩn năng lực cần hướng tới. Như trên đã đề cập, khi chúng ta chưa có tất cả những điều đó thì chúng ta không thể có đề văn hay, không thể có người dạy văn mới, và không thể làm học sinh yêu văn, nâng cao năng lực về Ngữ và Văn được.
Đến đây, vấn đề thiết thân nhất, gần gũi nhất được đặt ra là chúng ta sẽ ra đề như thế nào để kiểm tra được năng lực Ngữ văn của học sinh, từ đó điều chỉnh phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng? Vấn đề này sẽ liên quan đến một vấn đề nữa là đặc trưng và mục đích của môn Ngữ văn trong trường phổ thông.
Thứ nhất về đề thi và cách ra đề: Khi Bộ đưa ra quyết định và một số bài báo có minh họa một cái đề thi có thể coi là định hướng cho đề thi thật thì tôi không khỏi băn khoăn. Nếu việc đọc – hiểu một văn bản, nhất là văn bản văn học thuần túy mà chẻ nhỏ, đong đếm những đơn vị từ ngữ, nội dung, hình thức mang tính định lượng hơn định tính như thế thì còn gì là môn Ngữ văn? Tính chất chỉnh thể của văn bản, của hình tượng, của những cảm xúc toàn vẹn bị chặt vụn thành những câu hỏi manh mún. Với cách hỏi dạng như thế, chúng ta sẽ hình thành năng lực gì cho học sinh? Và chất lượng môn Ngữ văn sẽ đi về đâu? Người Việt có thể ngày càng xa rời tiếng Việt, không biết và không thành thạo việc sử dụng tiếng Việt. Và nếu không khéo léo, chúng ta sẽ biến những bài đọc – hiểu trong đề thi môn Ngữ văn thành dạng đọc – hiểu kiểu thi Toel, Ielts, hay B, C gì đó bằng tiếng Việt, cho người Việt.
Một điều nữa cũng rất quan trọng với đề thi là mức độ yêu cầu của đề và hướng dẫn chấm thi. Với quan điểm như thi tốt nghiệp THPT những năm qua thì tôi hoàn toàn hoài nghi về việc nâng cao chất lượng môn học từ việc đổi mới đề thi. Bởi rất đơn giản, đề thi giảm nhẹ mức độ, yêu cầu, những câu hỏi thường rất đơn giản, gần như không có câu hỏi tư duy hay sáng tạo. Thêm vào đó, yêu cầu chuấm thi cũng dưới mức trung bình, và được các hội đồng chấm tiếp tục giảm xuống đến mức phi lý. Tôi còn nhớ năm 2011, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, có hẳn một hiện tượng thay đổi đáp án, thay đổi thang điểm đánh giá ở các tỉnh phía Nam để đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu. Không riêng gì môn Ngữ văn, các môn thi khác ở kỳ thi tốt nghiệp cũng đều trong tình trạng thế. Đi coi thi, ví dụ môn toán, học sinh học giỏi làm khoảng 60 phút  là hoàn thành cái đề 150 phút, đảm bảo điểm 10. Thời gian còn lại ngồi chơi, và tình trạng phổ biến là tạo điều kiện cho các học sinh kém chép trong khi giám thị bật đèn xanh.
Vì thế, học sinh không chọn thi môn Lịch sử và cả môn Ngữ văn, nếu được lựa chọn, không phải chỉ do học sinh chán ghét, không có năng lực ở môn đó, mà còn vì lý do khác, học sinh không chép được bài của bạn hoặc không khoanh được trắc nghiệm theo hình thức hên xui. Nếu chúng ta tiếp tục tổ chức thi và chấm thi như hiện nay, sẽ không thể có bất cứ một sự cải biến nào trong chất lượng dạy học, dù hình thức đề có thay đổi 180 độ. Khi mà đề thi cho mở còn đáp án đóng, khi mà giáo dục vẫn cào bằng tất cả các vùng miền vào một mặt, khi mà đánh giá một trường vẫn là các chỉ số tỷ lệ học sinh đỗ/ trượt thì không thể có sự cải thiện chất lượng. Bởi một nền giáo dục không kiểm soát và quản lý đầu ra, một đề thi không có tính phân loại triệt để, tất cả tư tưởng hướng đến cái dĩ hòa vi quý, vì thành tích ảo thì khó nói đến chuyện chất lượng. Và vô hình chung, những đổi mới của chúng ta những năm qua, và cả những thay đổi mang tính cách mạng, theo những người chỉ đạo gọi như vậy, chỉ là một kiểu “thay thang không đổi thuốc”, một cái hình thức mới cho đẹp kiểu “bình mới rượu cũ”, là hành động của con kiến leo cành đào, rồi sẽ leo vào leo ra, leo ra lại leo vào.
Thứ hai về chương trình Ngữ văn: Như tôi được biết, ở nước ngoài người ta tách bạch rất rõ hai môn: môn học ngôn ngữ quốc gia bắt buộc và môn văn học là môn tự chọn cho học sinh có năng khiếu và đam mê. Do đó, khi tổ chức thi cử, kiểm tra đánh giá, những yêu cầu cũng rất rõ ràng. Ở ta thì hai trong một và do đó, sách giáo khoa, đề thi cũng phải hoàn thành cái tính chất lồng ghép ấy. Chính vì vậy, để ra một cái đề vừa rộng vừa sâu, vừa kiểm tra được kiến thức và vừa đánh giá được năng lực, ở cả hai phương diện Ngữ và Văn là điều không tưởng. Không những thế, sách giáo khoa cũng viết manh mún, thiên lệch, văn thì nhiều mà ngữ thì ít, và những thứ thuộc về Ngữ thì cũng hơi xa vời, không mấy gắn bó, thiết thực với đời sống, vận dụng trong công việc. Giữa các cấp học, kiến thức cũng như kỹ năng chồng chéo, học đi học lại mà không có gì nâng cao lên. Đặc biệt, trong sách giáo khoa mới, các phần tiếng Việt, văn bản và làm văn đan xen, khiến việc học sinh có cái nhìn toàn diện, hệ thống hóa kiến thức rất khó khăn. Cho nên, nhiều đề kiểm tra phần Ngữ ở THPT cũng không có gì khác so với bậc THCS. Đề thi như thế, chương trình như thế thì chất lượng sẽ nâng được bao nhiêu?

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ