THAY ĐỔI CÁCH RA ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN ĐI VỀ ĐÂU? (tiếp theo và hết)
Mọi
đổi mới hiện nay chúng ta thực hiện chỉ thiên về hình thức, hô hào kiểu phong
trào mà không có sự quản lý trong thực hiện. Do đó, đổi mới không tạo ra sự
chuyển biến về chất. Như trên đã đề cập, chúng ta không quản lý đầu ra, chúng
ta vì thành tích ảo, chúng ta chỉ thích hình thức màu mè, những kiểu khua
chiêng gõ trống rình rang mà ít để tâm đến cái cốt lõi.
3. Đổi mới môn Ngữ văn nói riêng và đổi mới giáo dục
nói chung chỉ là hớt ngọn, chưa đi vào gốc rễ, căn cốt của vấn đề.
Khi
nói đến đổi mới, chúng ta luôn miệng và thực tế đã thực hành đổi mới chương
trình sách giáo khoa, rồi phương pháp dạy học, sau đó là kiểm tra đánh giá.
Ngay việc đổi mới thi cử, mà cụ thể ở đây là thay đổi cấu trúc đề thi môn Ngữ
văn chúng ta cũng nặng về hình thức. Đánh giá học sinh hầu như chúng ta vẫn chỉ
đánh giá bằng những con điểm, qua một kỳ thi, đôi khi đầy may rủi. Chúng ta cứ
nói rằng đánh giá năng lực của học sinh nhưng qua một bài thi, chỉ kiểm tra qua
hai kỹ năng đọc – hiểu và viết bài trong thời gian vẻn vẹn có 120 phút thì cái
mục đích đặt ra chỉ là một ảo tưởng. Lâu nay, chúng ta đổi mới và đánh giá mọi
sản phẩm giáo dục chỉ là hớt ngọn, chỉ nhìn cái chung cục cuối cùng mà không
thấy gốc rễ vấn đề ở đâu.
Theo
cá nhân tôi, điều đầu tiên, cốt lõi nhất của mọi vấn đề trong đó có giáo dục là
một tư tưởng, quan niệm xuyên suốt, tiến bộ. Tư tưởng và quan niệm ấy phải được
xác định từ việc khảo sát nghiêm túc thực tế, dám nhìn thẳng vào thực trạng, đi
từ đối tượng giáo dục để xác định mục đích trước mắt, lâu dài với mỗi đối tượng
học tập. Từ đó, chúng ta mới có định hướng, phân luồng, đề ra những yêu cầu,
mức độ giáo dục ở mỗi cấp học, bậc học trên cơ sở kế thừa, nối tiếp, phát triển
và nâng cao. Tư tưởng, phương pháp, khả năng tư duy cho đến kiến thức của học
sinh phải được hình thành, rèn luyện từ nhỏ, rồi sau mới phát triển. Ở ta hiện
nay thì khác, tất cả những mũi nhọn đều hướng về phía phổ thông, mà chúng ta
không nhận thức rằng phổ thông chính là một phần kết quả giáo dục từ các bậc
thấp hơn như tiểu học, THCS, thậm chí cả mầm non. Chúng ta không thể lý tưởng học
sinh kết thúc chương trình học phổ thông là những học sinh có năng lực toàn
diện, tư duy sáng tạo, nhạy bén hay giàu cảm xúc khi mà ở các cấp học dưới học
sinh phải học thuộc, làm bài rập khuôn, những ý tưởng khác lạ bị dập vùi không
thương tiếc. Những bài văn lạ, bị cho điểm kém không thương tiếc lại không bao
giờ được nhìn từ khía cạnh tích cực, để uốn nắn.
Trên
thực tế, chúng ta không có một quan điểm cụ thể với hướng dẫn tường minh, hay
ít nhất những thứ đó giáo viên bình thường không được biết, về đổi mới và về
mục tiêu giáo dục. Ngay trong bộ môn thì quan niệm và những thang bậc đánh giá
mục tiêu cũng không thống nhất. Mặt khác chúng ta cũng không thực hiện triệt để
bất cứ một phương hướng nào dẫn đến tình trạng nhiều chủ trương thực hiện nửa
vời kiểu “đem con bỏ chợ”, hoặc những mục tiêu phân luồng, những ý tưởng đổi
mới rất tốt dẫn đến phá sản. Về vấn đề này, chỉ cần nhìn lại cái phong trào
“Hai không” và mục đích phân ban khi thay sách giáo khoa vừa rồi thì đủ rõ. Mỗi
khi có một chút trục trặc nhỏ nào thì ta vội vã thay đổi mà không tính đến
chuyện sự thay đổi đó sẽ đi đến đâu? đem lại điều gì? Hệ lụy của tất cả những
thay đổi đó học sinh và giáo viên là những người phải hứng chịu đầu tiên, nặng
nề nhất. Vì thế cứ mỗi lần nghe đến đổi mới, cải cách là học sinh, giáo viên
đều hoang mang, lo lắng và hoài nghi về tính chất thiết thực, hiệu quả của nó.
Mọi
đổi mới hiện nay chúng ta thực hiện chỉ thiên về hình thức, hô hào kiểu phong
trào mà không có sự quản lý trong thực hiện. Do đó, đổi mới không tạo ra sự
chuyển biến về chất. Như trên đã đề cập, chúng ta không quản lý đầu ra, chúng
ta vì thành tích ảo, chúng ta chỉ thích hình thức màu mè, những kiểu khua
chiêng gõ trống rình rang mà ít để tâm đến cái cốt lõi. Chúng ta muốn nâng cao
chất lượng nhưng lại sợ các chỉ tiêu không đạt yêu cầu. Vì thế, nên hạ thấp
chuẩn đánh giá. Việc thi cử buông lỏng để có tỷ lệ đỗ rất đẹp, để hoàn thành
phổ cập này, mức độ khác. Các trường đại học, cao đẳng mở thêm ồ ạt, gần như
mời học sinh vào học mà chẳng cần biết đầu vào, đầu ra thế nào. Người học bằng
cấp đầy mình mà kiến thức và kỹ năng không có/ không được nâng cao là mấy. Ngay
cái đề thi tốt nghiệp THPT qua nhiều lần thay đổi hình thức nhưng vẫn muôn đời
là sức sống tiềm tàng của cô Mị. Điều quan trọng không phải là hình thức nào mà
là ở mức độ ra sao và chúng ta có sẵn sàng thực hiện quyết liệt vấn đề hay
không? Nhìn lại cái đề thi, chất lượng không phải ở hình thức hỏi mà ở mức độ,
tính chất của hệ thống câu hỏi trong đó. Và một điều đặc biệt chúng ta phải lưu
tâm rằng, đánh giá học sinh sau cả một quá trình học, nhất là đánh giá năng lực
thì một kỳ thi, một bài thi đã đủ hay chưa?
Điểm
mấu chốt thứ hai và rất quan trọng trong việc đổi mới giáo dục cũng như trong
các hoạt động giáo dục là vấn đề con người. Ở đây, chúng tôi xin đề cập đến hai
vấn đề chính.
Thứ
nhất: Những người tham gia vào quá trình đổi mới bao gồm những người biên soạn
chương trình, ra đề kiểm tra đánh giá, đội ngũ các nhà quản lý, giáo viên trực
tiếp đứng lớp chưa thực sự phối hợp hài hòa. Người biên soạn theo hướng lý
tưởng hóa, chương trình, các phương pháp và hình thức dạy học đưa ra chưa phù
hợp với đối tượng mang tính vùng miền. Các nhà quản lý, đặc biệt là ở các cơ sở
thường không linh hoạt, hoặc lựa chọn những hình thức dễ nhất, không nhìn thẳng
vào thực tế, tìm cách đối phó để vì thành tích, hoặc duy trì thành tích thi cử.
Giáo viên, kể cả giáo viên trẻ chưa cập nhật tinh thần đổi mới, chưa bứt phá,
tạo ra những đột biến. Phần đông vẫn là chạy theo thi cử, thi gì dạy nấy, học
nấy, dẫn đến học sinh thiếu kỹ năng, không phát triển được các năng lực văn cần
thiết. Hoặc giả có một số ít người có sự đầu tư, muốn tạo ra cái mới thì luôn
luôn bị lạc lõng trong cái guồng máy chung. Do đó, người biên soạn và lãnh đạo
ở trên cứ theo một lý thuyết lý tưởng, những người thực thi thì ứng phó để có
kết quả thi tốt nhất, theo kiểu học vẹt. Kết quả đổi mới cuối cùng vẫn là những
hình thức mới, còn chất lượng thì vẫn là một câu hỏi treo lơ lửng.
Mặt
khác, chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên ở các trường sư phạm vẫn còn là một
vấn đề nan giải. Gần đây, tôi đọc được một định hướng đào tạo rõ ràng của một
trường Đại học sư phạm hàng đầu của cả nước mà không khỏi giật mình: "Nhiệm
vụ cơ bản của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là trường đào tạo nghề nghiệp, theo đó
phạm vi nội dung kiến thức được đưa vào giảng dạy ở Khoa Ngữ Văn chỉ nên bó hẹp
ở những kiến thức được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông". Cứ theo
đúng tôn chỉ đào tạo này thì nói không quá lời rằng, thế hệ nhà giáo tương lai
thực chất chỉ là những “con bò” nhai lại một phạm vi kiến thức phổ thông ở các
cấp học khác nhau. Đó là chưa kể đến cơ chế tuyển dụng giáo viên hiện nay nhiều
bất cập khiến sinh viên chủ yếu học theo kiểu mì ăn liền, lấy điểm cao. Đầu vào
các trường sư phạm ngày càng giảm vì xu thế ngành nghề xã hội, vì xin việc
ngành giáo dục quá khó khăn, mà sinh viên sư phạm không đi dạy thì không còn
biết làm gì khác. Tự do học thuật trong các trường đại học, nhất là đại học sư
phạm không được coi trọng. Tình trạng đạo văn diễn ra phổ biến, trong khi một
số cá nhân can đảm dấn thân bị “đánh” không còn đất để cống hiến, thể hiện. Tất
cả những cái nhìn khác, lạ, đều bị triệt tiêu. Đơn giản vì chúng ta chưa có tư
tưởng “đa nguyên”, chưa dám chấp nhận cái khác, cái đối lập với mình là một giá
trị. Một nền giáo dục từ tiểu học cho đến đại học hầu hết vẫn chờ vào văn mẫu,
không mở lòng chấp nhận tiếng nói phản biện, đa chiều thì liệu có đổi mới được?
Và bằng những sản phẩm đào tạo như thế, chúng ta có một lực lượng hùng hậu “vừa
hồng vừa chuyên” theo đúng lý tưởng xã hội chủ nghĩa để cải cách được không?
Thứ
hai: Chế độ, chính sách cho nhà giáo còn nhiều bất cập. Công tác quản lý, điều
hành ngành giáo dục vẫn theo hướng cào bằng, tất cả cùng vui. Những người có
khả năng vượt trội, đóng góp nhiều, nhất là ở phổ thông thì cũng không có nhiều
chính sách khuyến khích lương bổng như các lĩnh vực khác. Hệ quả là, hầu hết
giáo viên giỏi đều phải sống bằng việc dạy thêm, không thể dành toàn tâm toàn
lực cho các bài giảng trên lớp. Cách tổ chức, quản lý hiện tại của giáo dục làm
tất cả ì trệ, khuyến khích được những năng lực phát huy mình, nhiều giáo viên
lên lớp chỉ để dạy hết giờ, hết bài. Ngoài ra, giáo viên phải gánh vác quá
nhiều các loại hồ sơ, sổ sách hành chính, không liên quan đến chuyên môn, gây
ức chế và làm mất thời gian. Trong khi đó, vấn đề chính là chuyên môn nghiệp vụ
lại không được chú trọng phát huy, khích lệ, hay tạo áp lực buộc giáo viên phải
học hỏi, trau dồi, tự đổi mới. Trên thực tế, có giáo viên dạy Ngữ văn cả năm
không cập nhật sách mới, không đọc bất cứ sách gì ngoài những thứ trực tiếp
liên quan đến bài dạy ở trên lớp. Hiểu biết, tư duy và kiến giải nghèo nàn của
giáo viên khiến học sinh ngày càng chán, sợ môn Ngữ văn là vậy. Tất cả những
phong trào, hô khẩu hiệu thực chất không đem lại mấy kết quả thực tế.
Nói
tóm lại, chủ trương đổi mới và chương trình có thể đã thành hiện thực nhưng lực
lượng thực thi công cuộc đổi mới đó lại chưa sẵn sàng, không có đủ hành trang
và động lực đổi mới, vậy chúng ta lấy gì để đổi mới?
4. Muốn đổi mới phải giải quyết
đồng bộ nhiều vấn đề một cách mạnh mẽ và quyết liệt.
Điều
đầu tiên và cấp bách, chúng ta phải làm ngay là cần có một thái độ trung thực,
thẳng thắn khi làm giáo dục. Chúng ta phải nhìn nhận thẳng vào thực trạng giáo
dục hiện nay với vấn đề nan giải là thành tích theo số lượng mà không có chất
lượng. Chúng ta phải chấp nhận một con số không mấy dễ chịu để có chất lượng
bằng những yêu cầu thực sự, bằng đánh giá khách quan, trung thực, bằng sự quản
lý chặt chẽ thi cử và đầu ra. Nếu chúng ta vẫn chạy theo thành tích phổ cập, tỷ
lệ cử nhân trên số dân thì chúng ta sẽ không đạt được bất cứ mục tiêu đổi mới
hay nâng cao chất lượng nào.
Tiếp
đến, chúng ta cần một quan điểm toàn diện trong đổi mới: từ hoạch định chính
sách, tư tưởng và quan niệm giáo dục, đến cách thức điều hành quản lý, sau đó
là đào tạo con người, rồi mới đến chương trình, phương pháp dạy học, cách thức
kiểm tra, đánh giá và hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ dạy và học. Tất
cả các khâu, các mặt này cần được đặt dưới một cái nhìn toàn diện, thống nhất.
Để từ đó, chúng ta phân cấp, chia theo các mục tiêu theo một hệ thống thang bậc
giá trị, tiêu chí đánh giá, để quá trình giáo dục luôn là quá trình kế thừa và
tiếp nối. Những năng lực của học sinh, do đó, cũng sẽ được hình thành, bồi
dưỡng, phát triển trong suốt một quá trình, chứ không phải chỉ riêng ở cấp phổ
thông.
Thứ
nữa, đổi mới hay bất cứ sự thay đổi, cải cách nào cũng cần phải theo một lộ
trình, tính toán đường đi nước bước cụ thể. Lộ trình đó giúp cho cả người quản
lý và thực thi, cả giáo viên và học sinh sẽ phải trang bị cho mình những hành
trang cần thiết, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cao nhất. Một điều quan trọng không
kém trong lộ trình đổi mới là phải có mục tiêu, các mức độ, chuẩn mực cụ thể,
phù hợp, theo từng giai đoạn, từng cấp học, tránh chồng chéo, trùng lặp, hoặc
hạ thấp các tiêu chí đánh giá, khiến cả giáo viên và học sinh không thấy nhu
cầu phải học hỏi, trau dồi. Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT của chúng ta hiện
nay đang trong tình trạng đó.
Cuối cùng, chúng ta phải giải quyết thỏa đáng
vấn đề thất nghiệp của sinh viên ra trường. Thực chất vấn đề này liên quan đến
việc phân luồng, tư vấn giáo dục nghề nghiệp, khâu chúng ta hiện làm rất yếu.
Mặt khác, vấn đề này còn là vấn đề chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo sau
phổ thông không đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Đồng thời nó cũng liên quan
đến việc quản lý đào tạo cao đẳng, đại học quá buông lỏng khiến quy mô phình
to, dẫn đến “lạm phát” về
bằng cấp. Giải quyết việc làm không phải vấn đề riêng của giáo dục nhưng chất
lượng đào tạo thì là vấn đề giáo dục phải làm, phải thay đổi. Khi trong xã hội,
những người được đào tạo đại học thất nghiệp tràn lan, còn học sinh thì chỉ cần
tốt nghiệp phổ thông có thể đi làm nhanh chóng những công việc cần lao động phổ
thông, thì sẽ không thể khuyến khích xã hội học tập. Trong bối cảnh như vậy, ta
cứ chạy theo những con số thành tích ảo mà thả nổi chất lượng thì giáo dục
không biết sẽ đi về đâu, dù có hàng chục, hàng trăm cuộc đổi mới. Và nếu một xã
hội chỉ trông chờ vào lao động phổ thông, gia công sản phẩm thì không biết đến
bao giờ những mục tiêu phát triển mới thành hiện thực?
Nhận xét
Đăng nhận xét