Xin mặt trời ngủ yên



Một ngày ngày đã qua
Ôi một ngày ngày chóng qua
            Những lời ca đầu tiên của “Xin mặt trời ngủ yên” dẫn dụ người nghe vào thế giới của một cái tôi tự thấm mất mát, bằng con mắt đong đếm từng ngày qua đi, cuốn phăng tất cả (không còn gì) trong âm thầm tiếc nuối. Cái tôi ấy đang từ từ kể một câu chuyện tự thuật bằng những lời thật chậm, thật buồn và day dứt trên nền nhạc blue về sự nhỏ bé của phận người trước thời gian vô lượng. Ta như thấy một con người cô đơn, ngồi trong ngày võ vàng khói thuốc, nhìn mặt trời mọc rồi lặn, nhìn những tang thương của đất đai lở lói, những cánh đồng hoang vu, nhà cửa cháy rụi, xác người ngổn ngang... Từ góc tối căn phòng đìu hiu, tiếng nhạc vút lên những xót xa, nghẹn ngào:
Một chiều một ngày âm thầm đã
Đã trôi đi không còn gì
Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè
Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương
            Những lời ca chuyển đột ngột lên những note cao treo khiến người nghe có cảm giác như chói tai trong sự thức tỉnh đau đớn trước thực tại đất nước điêu linh, nhân loại lầm than. Chinh chiến đã mang đi bạn bè, còn ngựa hồng thì mỏi vó chết trên đồi quê hương. Còn nỗi đau nào nhức nhối hơn thế - mất đi bạn bè, người thân yêu, chứng kiến cái chết tang thương đầy bi tráng của đồng loại trên mảnh đất quê hương. Lời ca chùng lại như một tiếng than não nề của cái tôi tuyệt vọng trong nỗi cô liêu nhìn hoang cảnh nước mình. Câu hỏi còn có ai? đặt ra nhức nhối rồi tự trả lời: Không còn người. Nhưng nhân loại mặt trời và em thôi cũng đủ cho ta hy vọng về:
Này đôi môi xin thương người
Ôi nhân loại mặt trời trong tôi
            Chính Trịnh Công Sơn đã viết hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa. Mỗi ngày mặt trời lên là thắp lên một nguồn sáng hy vọng, một bông hoa tình yêu. Nhạc phản chiến của ông vì thế mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi ông nói lên nỗi đau không của riêng ai, là tiếng lòng của cả nhân loại, để cảnh tỉnh và thức tỉnh. Bởi một lẽ rất giản dị là Trịnh đứng ngoài mọi tham vọng chính trị, cất lên lời du ca về thân phận của cá nhân, của dân tộc và cả nhân loại trước cái vô thường cuộc đời, trước nghiệt ngã chiến tranh tàn bạo. Tất cả là mất, tan, diệt: những người tình, những bạn bè, quê hương, giấc mộng và cả tâm hồn người.
            Nhìn tổng thể ca từ Xin mặt trời ngủ yên được chia thành hai đoạn rõ rệt và không có đoạn chuyển, hình thành một kiểu kết cấu song trùng đối lập chinh chiến – sau chinh chiến, tuyệt vọng – hy vọng, mất mát – phục hồi... Giai điệu rất rõ, sắc nét trên nền nhạc blue vang lên những thanh âm buồn đau, uất nghẹn. Một ngày qua đi là từng ngày xót xa nhưng đã thấy tay người thả mây bay cho đường dài. Và cái nhìn chan chứa yêu thương, lạc quan về quê hương sau chinh chiến là một quê hương thần thoại, xanh ngời liêu trai như cái thuở hồng hoang trinh khiết, tinh khôi. Một sự khởi đầu của một mùa phục hồi. Để rồi khép lại vẫn là những lời than nhưng không ít tin tưởng:
Còn có ai trên cuộc đời
Ôi nhân loại còn người và tôi thôi
Rồi lang thang như mây trời
Ôi nhân loại còn người trong tôi
            Cái tôi nhìn thấy thân phận mình trong phận nhân loại (nhân loại còn người và tôi thôi), hòa trong nỗi đau tột cùng để phản chiến, để gieo mầm hy vọng một ngày sẽ được hát “đồng dao hòa bình”, để mặt trời ngủ yên trên một quê hương hạnh phúc cùng nụ cười thấp thoáng trên môi mẹ, môi em. Cùng với đó là một lời dặn dò tha thiết: Mặt trời đã ngủ yên/ xin mặt trời hãy ngủ yên/ người hãy nhớ mang theo hành trang qua khoang trời vắng chân mây địa đàng. Hành trang ấy không gì khác là tình thương, tình yêu của con người dành cho nhau? Vì thế người hãy nhớ hoài, hãy nhớ đời và đặc biệt hãy nhớ người. Điệp khúc ấy lặp lại nhiều lần nhức nhối như một lời tình day dứt bật lên từ con tim rỉ máu đau thương. Cùng cực tuyệt vọng mất mát, người nhạc sĩ tài hoa vẫn thắp lên hy vọng cho mặt trời ngủ yên trên quê hương bình yên. Bởi tiếng hát đã có thể cất lên nuôi lớn ước mơ (Kinh Việt Nam).


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ