Cho những cảm xúc không phải là lần đầu
Cho những tháng năm đã xa, những kỷ niệm, những người thầy, cô, những người bạn và học trò đã gắn bó...
Chiều
nay, mình tham dự buổi tổng duyệt cho chương trình bế giảng và chia tay học
sinh 12 vào sáng mai, thấy học sinh rất hào hứng. Dường như em nào cũng muốn
nói nhiều điều qua mỗi lời hát, muốn được một lần thể hiện những tình cảm của
bản thân, của lớp với các bạn, với thầy, cô và mái trường đã gắn bó suốt mấy
năm. Nhưng trong cái buổi chiều oi nồng, nóng rực vì cái kiểu thời tiết ganh
mưa mà chả mưa nổi, trong không khí thoải mái, để học sinh 12 được thể hiện hết
mình trong cái ngày chính thức cuối cùng của các em ở dưới mái trường, một hành
động rất nhỏ mình quan sát được để lại nỗi xúc động lớn, gợi lên nhiều bâng
khuâng, hoài cảm trong lòng.
Khi buổi tổng duyệt gần kết thúc,
những tiết mục của tập thể đã xong/ coi thế là xong, nhìn ra cổng trường học
sinh nô nức ra về. Khác với thường lệ, hôm nay học sinh được thoải mái đạp xe
từ nhà để xe ra đến cổng mà chẳng bị bảo vệ nào bắt, bởi có mấy học sinh đâu,
mà cũng bắt làm gì khi các em sắp rời trường rồi. Nhưng chợt nhận ra một em học
sinh nam quen thuộc, vẫn từ tốn dắt xe ra đến cổng trường. Dường như những bước
đi cố chậm lại, cố níu giữ cái gì đó, để cho cái khoảng ngắn ngủi từ nhà xe ra
đến cổng trường xa hơn, để được đi lâu hơn trong cái sân trường quen thuộc.
Những cử chỉ rất nhỏ nhưng lại chứa trong mình bao nỗi lưu luyến, buồn vương
của những người ý thức được mình sắp xa một phần đời rất đẹp, rất ngon của
mình, để một vài ngày nữa, mình sẽ bước sang một chặng đường khác, và tất cả
những cái của hôm nay mãi mãi là quá khư, là kỷ niệm của một mùa phượng nhớ,
phượng buồn.
Cái dáng đi của em học sinh ấy chợt
làm dâng lên trong mình lời bài hát quen thuộc “Ai cũng hiểu chỉ một người
không hiểu...”, làm mình nhớ những ngày đã xa, rất xa, những lần chia ly của
mình và của học trò với những gì thân thương, gắn bó trong suốt quãng thời gian
cắp sách đến trường. Những kỷ niệm và ký ức có khi vẫn còn hiện hữu trong những
hiện vật tặng lại cho nhau, có khi là vài dòng lưu bút viết vội vàng, có khi
chỉ là những ấn tượng chẳng thể phai mờ về một thời mình đã sống, đã vui chơi,
đã học tập, và có khi đã yêu hết mình.
Mình nhớ se thắt cái buổi chia tay
lớp 12 của mình, không phải là ngày bế giảng. Thực sự mình chẳng còn ấn tượng
gì về lễ bế giảng của khóa mình 12 năm trước ngoài ký ức mù mờ rằng hôm đó rất
nắng và nóng, sân trường hồi đó còn là sân đất và chẳng có bóng cây cối nào cả.
Nỗi nhớ quay quắt của mình hiện hữu trong buổi liên hoan chia tay lớp sau khi
đã thi xong tốt nghiệp. Ai cũng vui vì hình như làm được bài rất tốt, nhưng kết
cục thì lớp vẫn có hai bạn rớt. Cả ngày ăn uống, ngồi nói chuyện tâm sự và
không ai dám hé răng nói đến hai từ “Chia tay”. Thầy, cô đến tham dự khá đông
đủ vì các bạn nam rất chu đáo, đi đến tận nhà đón. Mình còn nhớ như in câu nói
của mình với cô chủ nhiệm dạy Vật lý: “Nếu vật lý em được 7 thì em sẽ được bằng
giỏi” bởi môn đó mình làm bài cực tồi tệ. Kết cục mình chẳng được bằng giỏi vì
toán được có 6 hay 6,5 gì đó, trong khi Vật lý được những 7,5. Tiếc hùi hụi vì
bao cố gắng không được như ý, vì mất cơ hội được cộng điểm trực tiếp thi đại
học (hồi đó bằng TN giỏi còn được cộng điểm thi đại học).
Đến tối, sau khi ăn uống tưng bừng,
khi các thầy, cô đã về, tự dưng một bạn gái nói một câu: “Chẳng biết bao giờ
lớp mình được gặp nhau đầy đủ nữa?”, thế là một loạt những tiếc khóc nức nở.
Những giọt nước mắt buồn bã biệt ly, những giọt nước mắt đầy nuối tiếc, những
giọt nước mắt của xúc cảm chẳng thể kìm nén được. Ba năm ngắn ngủi, đi từ những
người xa lạ, ban đầu còn nhiều định kiến, kiêng dè, để rồi gắn bó, thân thiết,
cho đến tận bây giờ vẫn thân thiết với nhau. Ngày mai, và hiện tại, sau 12 năm
kiểm chứng, có những người không một lần gặp lại, không một dòng tin tức chính
thức liên lạc. Có lẽ, bằng trực cảm chứ không phải bằng những trải nghiệm hay
hiểu biết gì, các bạn đã nhận ra giây phút ấy là lúc chấm dứt rất nhiều thứ, là
lúc ta mất đi nhiều thứ. Để hôm nay, đôi lúc mấy người ngồi với nhau, ôn lại
chuyện xưa một chút, hơi ngậm ngùi và xót xa phải nói đến chuyện chẳng hay chút
nào: có bạn học cùng cấp 3, con chung một trường, gặp nhau chào mà chẳng đáp
lời, coi như những kẻ xa lạ. Và cũng không phải một người, một lần, mình nhắn
tin cho mọi người họp lớp, đáp lại mình là sự im lặng lạnh lùng đến phát sợ.
Một tin từ chối xã giao để xác nhận sự tồn tại trong nhau của những người cùng
lớp, đã có lúc rất rất thân cũng không có nốt. Không chỉ là ngâm ngùi, mình còn
thấy rất xót xa, rất tủi.
Cũng có không ít những điều bất ngờ
xảy ra trong những lần chia tay một khóa học, một cấp học của mình. Chính cái
buổi tối chia tay cấp ba, một bạn trai dúi vào tay mình một món quà được gói
rất cẩn thận và rất đẹp. Mình hoàn toàn bất ngờ vì hồi đó hai đứa không thân
nhau, mà phải nói thực lúc mới lên lớp 10 mình còn ngại chơi với các bạn ở thị
trấn Kép. Về nhà mở ra mình mới biết đó là cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài
Thanh, Hoài Chân, cuốn sách đã có lần mình mượn của bạn ấy về đọc, ghi lại vài
lời bình để thi. Mình bất ngờ và xúc động vì sự tinh tế của bạn ấy. Cuốn sách
không có lời đề tặng nên mình chua vào đó hai câu thơ lãng xẹt để ghi nhớ. Cho
đến bây giờ, dù biết cuốn sách ấy là sách in lậu và không ít lỗi, mình vẫn giữ,
vẫn sử dụng mỗi khi cần và không mua bản “Thi nhân Việt Nam” nào khác. Mình cũng không rõ
bạn còn nhớ đã tặng sách mình hay không nữa vì cuộc sống có quá nhiều biến
động, hai người vẫn liên lạc, nhưng để nhớ một sự việc cỏn con như thế là cũng
rất khó, trước nỗi lo cho cuộc sống thường nhật.
Mình còn nhớ mãi tiết học cuối cùng
là tiết toán, mình đã hát “Phượng hồng” cho cô và các bạn nghe. Không biết cảm
giác của mình hồi đó thế nào nữa nhưng thi thoảng gặp cô, dù cô đã nghỉ hưu
rồi, vẫn nhắc nhớ cái câu “Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu...”. Cả cô chủ
nhiệm nữa, có khi gần chục năm rồi không gặp cô, dù chẳng xa xôi lắm. Cuộc sống
tất bật làm người ta vô tình vô tâm. Cho nên, trong cuộc đời, có những thứ một
đi không bao giờ trở lại, có những người mình luôn nhớ, luôn khắc ghi mà chẳng
làm sao gặp gỡ, đền đáp, chẳng làm sao nói được một lời tri ân. Có một câu mà
có thể nhiều học sinh và rất nhiều bạn chê là sáo nhưng nó là thực, thực tâm
mình nói với tư cách của một ông thầy: Nhớ đến nhau đã là cả một sự tri ân rồi.
Dĩ nhiên làm người dạy học, ai chẳng muốn học sinh quay lại, để xác nhận rằng,
việc mình làm có một ý nghĩa và giá trị nào đó.
Rồi lên đại học, dù lớp chẳng gắn
kết như thời cấp 3 nhưng cũng khá vui vẻ, hay ít nhất mình rất vô tư khi vui
vẻ, hòa đồng với tất cả mọi người. Sau tất cả những sự nỗ lực cho năm học cuối,
cho khóa luận, cho những thử thách phía trước là việc làm hay thất nghiệp, bạn
chở mình đi mua quà tặng cuối khóa. Hồi ấy mình chẳng biết đi xe máy nên đi đâu
bạn cũng đèo, dù là bạn nữ. Hai đứa như hình với bóng, thế mà chẳng thể yêu,
cũng có thể quá thân nên không yêu, đến nay vẫn gọi nhau bằng những biệt danh thưở
trước. Bạn đã dành cả hơn một tháng học bổng hiếm hoi giành được trong 4 năm
mua tặng mình cái áo hiệu Nhà Bè. Chiếc áo dù cũ, mình đã không mặc nữa nhưng
vẫn treo trong tủ. Rồi hôm nhận bằng, chia tay K52, mình bị/ được gọi lên hát
cái bài quen thuộc mình vẫn hay hát, rồi được nhắc tên bằng ấn tượng của bạn
đại diện cho khóa đọc bài cảm tưởng. Tự thấy mình chẳng có gì đặc biệt, học
hành cũng không nổi bật mà mọi người ấn tượng quá. Thấy hạnh phúc. Thấy mấy năm
đại học, ngoài cái khóa luận làm tương đối tử tế, do thầy quá tận tình chỉ bảo,
sửa chữa, thì mình có một cái gì đó, thực sự rất sinh viên, trong trẻo trong sự
trưởng thành dần. Rồi facebook giúp mình kết nối lại với nhiều bạn cũ, biết
phần nào đó cuộc sống, số phận của bạn xưa, mình ao ước một nơi nào đó thời
gian ngừng lại, hay có một phép màu cho mình trở lại những năm tháng cũ.
Đến ngay bậc học tưởng chừng chẳng
có chút tình cảm, sự gắn kết nào là cao học thì mình cũng cảm nhận được rất
nhiều chân tình của các anh, chị, các bạn và các em. Ngày chia tay ai cũng như
cố níu lại điều gì, dù chỉ là một nhóm hay chơi với nhau. Anh, chị em, những
người bạn vẫn cố lưu lại vài hình ảnh vô tư nhất, tạm gác lại nỗi lo trăm bề
của công việc, cơm áo, gia đình. Tách cafe cũng vội vàng uống. Cuốn sách tặng nhau
cũng viết vội vàng vài lời nguệch ngoạc. Hứa hẹn đến thăm nhau mà xếp hàng năm
không có thời gian, nhớ chỉ điện thoại. Những lúc buồn vui, biết và hiểu thì
chỉ có lên facebook hay gọi điện. Xét cho cùng thì con người, dù xấu đến đâu,
vẫn luôn luôn có cảm xúc, luôn có nhu cầu muốn chia sẻ và gắn kết, vẫn dành
tình cảm cho một đối tượng đặc biệt nào đó, theo cảm nhận của cá nhân. Và đôi
khi, những cuộc gặp gỡ tưởng như tình cờ lại là một nhân duyên tốt đẹp, cho một
tình cảm trân quý. Mở rộng hơn trái tim và tâm hồn đến nhiều người ở những
vùng/ nền văn hóa khác nhau ta học thêm được nhiều điều, hay ít nhất là nhìn rõ
hơn, hiểu hơn, một cách trung thực về chính bản thân ta.
Cuộc đời biến động không ngừng. Nó
rất vô thường nên mình chẳng thể hình dung ra bây giờ mình và các bạn lại thế
này hay thế kia, khi cùng nhau đi học, cùng nhau cố gắng cho những điểm số này,
hay bằng cấp kia. Và biết bao số phận khác, từ những khóa học sinh ra trường
của mình. 8 năm đi dạy, mình cũng kịp tiễn 8 khóa học sinh, dù có năm mình chỉ
dạy một nhóm hay học sinh đội tuyển mà thôi. Vì thế, mình vẫn tâm sự với các em
rằng: Bước ra khỏi cổng trường Phổ thông là thế giới khác, các em sẽ phải tự đi
trên con đường của mình, sẽ có nhiều ngã rẽ cuộc đời tạo nên những thân phận
khác nhau. Hãy trân quý những giây phút đẹp và mơ mộng nhất của cuộc đời. Mình
luôn mong các em sống hết mình và nỗ lực hết sức, cháy hết mình cho một đời
sống chẳng thể tìm lại lần hai. Có học sinh hiểu, có những học sinh bỏ ngoài
tai, nhiều học sinh sau nhiều năm liên lạc mới thấy thấm. Thôi thì như thế cũng
là một nguồn an ủi, vì đã có học sinh không giẫm lên vết xe đổ của thế hệ mình,
có những học sinh tự ngộ ra bằng trải nghiệm, bằng chính cuộc đời mình. Người
ta thường không biết giá trị thực của bất cứ cái gì, trừ phi mất đi, trừ phi
nhìn thấy nguy cơ nó sẽ vĩnh viễn không còn.
Ở cuộc đời này, chân tình khó kiếm,
những tình cảm trong sáng, phi vụ lợi kiểu học trò phổ thông càng khó có được,
khi các con người phải sống cạnh tranh, phải tự lập, tự lo cho đời sống của
mình và người thân. Những ánh mắt trong veo và sáng ngời dần mờ đục, thêm nhiều
u uẩn. Những nụ cười trong trẻo cũng khan hiếm như nước trên sa mạc. Những
khoảng thời gian dư thừa để có thể ngồi với nhau, để có thể phí phạm chơi bời,
nô đùa cũng mất nốt. Trong một lúc tĩnh tâm, được bình yên ngoảnh lại, thấy tất
cả khoảnh khắc học trò trong trắng, tinh khôi cũng mong manh như chính tà áo
trắng.
Trong hành trình đời của mình, để có
một kết quả hay tạo ra một giá trị, ý nghĩa mong muốn, ai cũng phải trả một cái
giá nào đó. Nhìn theo trục thời gian, con người là sự mất mát dần những vẻ đẹp
hồn nhiên, bản thể. Mùa vẫn tiếp mùa theo sự luân chuyển không ngừng, người vẫn
tiếp người đi tới, thay thế nhau, nhưng chẳng ai tìm lại được, sống lại được
phút giây đã qua, cũng như mùa hoa phượng vẫn nở đều đặn trong hè, nhưng có ai
tìm lại được mùa phượng năm xưa ở hiện tại hay không?
Mình rất mừng vì đã có những học
sinh nhạy cảm, biết bước chậm một chút, để có thêm một phút tuổi học trò, để
đứng lâu hơn trong không gian quen thuộc, mà ngày mai thôi sẽ vĩnh viễn chẳng
là của mình, mà một học trò cách đây 1 năm vẫn đứng đó, năm sau đã ngại ngần
không dám vào. Nó chỉ còn là không gian kỷ niệm. Cảnh vẫn đó những bạn bè đã đi
xa. Hôm nay em vẫn đến trường, vẫn gặp thầy cô nhưng em không còn là học sinh
lớp 12 nữa. Mình vô cùng xúc động vì những tị hiềm, những hiểu lầm, những cái
tôi đã bị gạt sang một bên, để tất cả học sinh trong lớp tìm được sự đồng cảm
chung, để thể hiện cảm xúc của chính mình trong một vài giây phút thiêng liêng,
chia tat mái trường, thầy, cô, bạn bè, và chia tay chính một phần đời, một kiếp
sống của mình. Nhiều em đã biết sống hết mình, để kịp biết rằng, thời gian của
cái thời đẹp nhất, đã không bị phí, dù nhìn theo cách nào chăng nữa.
Một lời nói rất đơn giản của một
người thầy cho những học sinh ngày mai rời xa lớp học, ngày kia bước trên đường
đời: hãy cứ sống là mình, hết mình cho những điều mình coi là quan trọng, là
cái đích hướng tới. Hãy biết tự hào về mình, biết chấp nhận để đi tới, để hiểu
mình và chế ngự bản thân, để ít nhất, sống trong đời, mình là một người tử tế.
Trước thềm ngày chia
tay khóa 2011 - 2014, 26/5
Vừa đọc đoạn đầu note trên facebook của thầy, em nghĩ ngay học sinh nam ấy là Nghĩa - một chàng trai có tâm hồn đẹp và đa cảm, em nhắn tin cho Nghĩa. Nhưng em đã không dám đọc hết những dòng thầy viết, bởi hôm đó trường em cũng tổng kết và chia tay học sinh 12. Em sợ phải đón nhận giây phút chia tay sớm, sợ những giọt nước mắt rơi. Ngày hôm ấy, chúng em chia tay trong những tiếng cười rộn rã và không có nước mắt. Dường như tất cả đều muốn giây phút ít ỏi còn lại bên nhau là những tiếng cười, những khuôn mặt rạng rỡ để điều cuối cùng đọng lại của tuổi thần tiên này là những niềm vui thay cho nước mắt !
Trả lờiXóaCó những học trò như các em là một hạnh phúc lớn của người làm nghề dạy học như mình. Đến những ngày tháng này, bao thế hệ những người từng qua thời cắp sách đến trường, vượt qua mọi rào cản và khoảng cách, đồng cảm trong tâm trạng duy nhất, lưu luyến, tiếc nuối trong tình cảm chân thành. Mong rằng, các em sẽ có những kỷ niệm đẹp, biết trân quý nó và bước đi xa hơn thế hệ thầy. Chúc em sẽ thành công trên con đường sắp tới.
XóaEm cảm ơn thầy ạ ! :)
Trả lờiXóa