Năm lý do không thể lồng ghép kỳ thi tuyển sinh đại học trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông


         Sau kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, rất nhiều báo đăng chủ trương mới của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về cơ chế tuyển sinh mới, có thể áp dụng ngay trong năm 2015. Đó là việc sáp nhập hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng vào làm một, lấy kết quả thi tốt nghiệp làm cơ sở để xét tuyển vào đại học. Các trường đại học, tùy theo kế hoạch đào tạo và đặc thù đào tạo ngành nghề, có thể tổ chức sát hạch lại theo hình thức riêng. Theo cá nhân tôi hiểu, cách làm này là chỉ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, xóa bỏ kỳ thi đại học theo hình thức ba chung hiện nay, để các trường đại học, cao đẳng tự quyết hình thức tuyển sinh dựa vào kết quả tốt nghiệp và kết quả học tập ở  phổ thông của học sinh.
          Từ thực tế những năm dạy học ở phổ thông, từ những quan sát về các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cũng như tuyển sinh đại học, cao đẳng, tôi nhận thấy đây là một chủ trương lãng mạn theo kiểu ảo tưởng, phi thực tế. Dưới đây, tôi xin nêu ra một số lý do chính khiến giáo dục Việt Nam không thể sáp nhập, hòa trộn kỳ thi tốt nghiệp với tuyển sinh đại học, cao đẳng như một số nước đã làm.
          Thứ nhất: Kết quả và chất lượng giáo dục bậc trung học phổ thông vẫn còn là một câu hỏi lớn.
          Suốt 8 năm qua, ngành giáo dục đẩy mạnh phong trào nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục mà thường gọi tắt là “Hai không” nhưng bệnh thành tích vẫn cứ tràn lan. Việc đánh giá các trường học vẫn là những chỉ tiêu, con số, tỷ lệ. Và có không biết bao nhiêu là thành tích ảo, là con số ma. Thực chất chất lượng giáo dục, những năng lực, kỹ năng và tri thức của học sinh không được nâng cao lên là bao nhiêu. Đó còn là chưa kể đến việc không có một thang bậc nào đánh giá thống nhất, chuẩn mực cho cấp học này. Mỗi địa phương, trường học đánh giá một cách, tùy thuộc vào thực tế. Con điểm nằm trong tay giáo viên nên mức độ cũng rất tương đối. Điều này chỉ cần làm một phép thử đơn giản giữa một học sinh giỏi ở thành thị với một học sinh giỏi ở vùng núi qua những bài test thì sẽ thấy rất rõ. Khi vẫn tồn tại kiểu nâng điểm để lấy thành tích, chỉ tiêu, khi không có một thang đánh giá thống nhất, khi chất lượng giáo dục vùng miền, các hình thức đào tạo ở phổ thông khác nhau thì cái kết quả học của học sinh đem ra để làm cơ sở tuyển sinh cho bậc cao hơn liệu có chính xác, công bằng?
          Thứ hai: Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không thực chất, không đánh giá chính xác năng lực của học sinh.
          Xin trả lời là chưa thực chất và không sát với trình độ, năng lực thực của học sinh. Có những vấn đề thực tế của kỳ thi tốt nghiệp THPT mà sau mấy năm “Hai không” báo chí ít nhắc đến cho đến khi vụ việc ở hội đồng thi THPT Dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang bị phanh phui. Đó là việc coi thi chưa thể hoàn toàn nghiêm túc. Vẫn giáo viên của địa phương coi thi học sinh tỉnh mình thì không tránh khỏi nương tay. Hiện tượng giáo viên giải bài, hoặc học sinh làm náo loạn phòng thi có thể ít gặp nhưng hiện tượng quay cóp bằng phao, học sinh chép bài của nhau thì diễn ra phổ biến. Như một luật bất thành văn, giám thị coi thi tốt nghiệp thường “bật đèn xanh” để “tạo điều kiện” cho học sinh có thể làm bài, để các em có cái bằng tốt nghiệp, đi làm công nhân hoặc học nghề. Vì thế cái tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ngất ngưởng 99%, 100% là một tỷ lệ “đẹp”, có thể làm vừa lòng tất cả, nhưng không phải là tỷ lệ của chất lượng.
          Bên cạnh đó, việc chấm thi tốt nghiệp, đặc biệt là chấm theo tỉnh cũng có nhiều vấn đề. Thông thường, giám khảo luôn luôn được quán triệt tinh thần là “chấm có lợi cho học sinh”, và có lợi cho học sinh có nghĩa là chấm rộng, chấm lới, chấm phóng tay để tạo điều kiện tối đa cho học sinh có điểm tốt nhất so với bài làm. Điển hình nhất cho tinh thần làm việc này chính là vụ việc sửa đáp án, chấm theo chỉ đạo riêng của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ở môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2011.
          Một thực tế không thể phủ nhận là đề thi tốt nghiệp trong những năm qua không mang tính phân loại rõ rệt, dường như hạ thấp chuẩn đánh giá với học sinh. Đề thi có thể phân loại giữa học sinh trung bình và khá, giỏi nhưng không phân loại được học sinh khá và giỏi. Đôi khi học sinh giỏi kết quả còn thấp hơn học sinh khá chỉ vì sơ suất một chút trong trình bày, hoặc chữ viết không bắt mắt. Tất cả các môn hầu như ít hoặc không có ý hỏi nâng cao, mang tính tư duy cao, đòi hỏi những khả năng và kỹ năng đặc biệt.
          Với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như hiện nay mà lấy kết quả đó để tuyển sinh vào đại học thì liệu chúng ta đã tuyển sinh được những học sinh có năng lực thực sự chưa?
          Thứ ba: Những trường đại học lớn, có chất lượng sẽ tuyển sinh riêng, một chính sách ban ra chỉ có lợi cho một nhóm trường ngoi ngóp giẫy chết
          Điều này sẽ là chắc chắn nếu chủ trương lấy kết quả thi tốt nghiệp để xét đại học bởi không có trường đại học nào chú trọng chất lượng đào tạo cả đầu vào và đầu ra lại ngây thơ tin tưởng vào kết quả thi tốt nghiệp hiện nay ở bậc phổ thông. Như thế, chính sách thi hai trong một để giảm chi phí, giảm áp lực cho học sinh sẽ phá sản. Bởi nếu học sinh muốn học những trường tốt, buộc phải thi thêm một kỳ thi do trường đó tự tổ chức, cũng là một cách thi hai kỳ thi độc lập. Các trường đại học vẫn vất vả, học sinh vẫn nhọc nhằn đi thi, kinh phí bỏ ra vẫn khá tốn kém.
          Cho nên, cách tổ chức thi như vậy chỉ thuận lợi cho các trường đại học, cao đẳng hiện nay không thể tuyển sinh được, năm nào cũng than vãn mức điểm sàn quá cao, khó tuyển (mà thực tế điểm sàn những năm qua không hề cao so với mức độ đề thi), đang ngoi ngóp giẫy chết tuyển được học sinh và tiếp tục sống. Lý do các trường này không tuyển sinh được thì chúng ta đều biết, miễn bàn. Vấn đề này sẽ dẫn đến một hệ lụy là một chính sách chỉ phục vụ lợi ích nhóm cho một số lượng trường chất lượng thấp, đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, hậu quả của những năm phát triển ồ ạt đào tạo bậc đại học, cao đẳng.
          Và một vấn đề nữa lại tiếp tục nóng, đó là tình trạng thất nghiệp tràn lan của những cử nhân, thậm chí cả thạc sĩ. Tình trạng thừa thầy thiếu thợ vẫn diễn ra dai dẳng. Chất lượng đào tạo đầu ra không được quản lý. Việc tuyển dụng của khối nhà nước có nhiều bất cập. Xã hội sẽ ngập tràn những người xúng xính bằng cấp mà không có kỹ năng nghề nghiệp. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng “loạn” những thang bậc đánh giá và tạo ra những sự bất bình đẳng trong việc đánh giá, tuyển dụng nhân lực. Cho nên, một số tỉnh hiện nay không tuyển bằng đại học tại chức không phải không có lý. Giáo dục cứ cuốn theo chiều gió của thành tích, của những ảo tưởng cải cách trong khi quản lý yếu kém thì mãi ở trong cái vòng luẩn quẩn “hữu danh vô thực”, của bằng cấp giả, có lượng mà thiếu chất.
          Thứ tư: Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện nay vẫn là một trong những kỳ thi nghiêm túc và đánh giá tương đối sát năng lực học sinh xét từ phương diện kiểm tra, thi cử.
          Tất cả các khâu trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện nay đều được làm rất nghiêm túc, mang tính phân loại cao: từ nộp hồ sơ, ra đề, coi thi đến chấm, công bố điểm thi, điểm chuẩn. Sở dĩ kỳ thi này làm được nghiêm túc vì các trường đại học khá độc lập với khối phổ thông và họ không bị bất cứ sức ép nào về chỉ tiêu hay thành tích. Việc tuyển sinh đầu để đào tạo là một khâu rất quan trọng, góp phần quyết định chất lượng đầu ra nên các trường làm nghiêm túc là tất yếu. Chấm thi cũng khách quan bởi không bị chi phối bởi học sinh tỉnh mình, nhà mình... Đề thi tuyển nên mức độ phân loại cũng tương đối tốt.
          Với một kỳ thi mà suốt hơn 10 năm qua (kể từ năm 2002 bắt đầu phương án thi chung) hầu hết các trường đại học, cao đẳng và cả giáo viên, học sinh, phụ huynh đều thừa nhận mức độ nghiêm túc, chính xác, tại sao chúng ta lại bỏ? Nếu có những hạn chế thì chúng ta nên sửa đổi, cải tổ, đa dạng hóa hình thức thi chứ không xóa sổ một cách dễ dàng như thế.
          Thứ năm: Mức độ, tính chất của kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng là hoàn toàn khác nhau.
          Hai kỳ thi nhằm hai mục đích, có những yêu cầu gần như khác nhau hoàn toàn mà gộp làm một thì khá khôi hài. Một kỳ thi lấy mặt bằng kiến thức chuẩn, mang tính phổ thông để xác nhận học sinh đã học hết một bậc học; một kỳ thi cần tuyển những học sinh khá, giỏi, có những năng lực tư duy, sáng tạo, có khả năng đặc biệt để đi xa hơn, nghiên cứu, ứng dụng... Vậy nếu dung hòa vào thì đề thi sẽ ra sao? Nghiêng theo hướng nào cũng sẽ là bất cập, gây khó cho học sinh và cả hệ thống giáo dục phổ thông. Chúng ta cần phân định rõ ràng để có một chiến lược giáo dục, có phương pháp và cách làm phù hợp với các mục đích khác nhau, đừng biến giáo dục thành một món lẩu thập cẩm, mà người chịu thiệt thòi nhiều nhất lại chính là học sinh.
          Từ thực tế thi cử của ta trong những năm qua, nếu có xóa bỏ kỳ thi nào thì nên xóa bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, còn lại kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học. Bởi thi hay xét thì tỷ lệ đỗ vẫn cứ là 99% với 100%. Việc thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo ba chung hay tổ chức riêng theo từng trường thì nên để các trường đại học tự lên phương án phù hợp. Thời gian qua, học sinh đã quá hoang mang, mệt mỏi vì những thay đổi kiểu “đồng bóng” của Bộ Giáo dục liên quan đến thi cử, chương trình. Xin hãy để cho giáo viên, học sinh yên tâm dạy và học, nỗ lực nâng cao chất lượng bằng những chính sách dài hơi, bằng một nền giáo dục trung thực, bằng sự quản lý chặt chẽ, vì chất lượng chứ không phải vì thành tích ảo và danh hão đổi mới, vừa tốn kém, vừa không hiệu quả.
                                                                                                          22/7/2014

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ