ĐỪNG ĐỔ LỖI CHO CON SỐ 7



Mấy ngày nay, trên facebook và cả bên ngoài, rất nhiều bạn nói về con số 7 với một ý nghĩa xấu, là con số xui, con số của điềm gở, gây chết chóc. Bla bla đủ thứ. Nhưng có lẽ, đó là cái ý nghĩa mà người hiện đại gán cho nó, nhất là sau những tai nạn máy bay thảm khốc của năm 2014 này mà thôi.
Mình tìm cuốn "Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới" của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant đọc, thấy giải thích rất rõ ràng, đến gần 5 trang giấy in khổ lớn (từ giữa trang 69 đến đầu trang 75, theo ấn bản mình có do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2002) về con số này. 


Nhìn từ góc độ văn hóa, từ trong phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo, các tác giả cuốn sách trên đều cho rằng số 7 là số đẹp, một con số của sự toàn thiện. Nó thường được coi là một con số thiêng, con số đặc trưng cho tục thờ cúng thần Apollon, là biểu hiện của Đức Phật. “Số bẩy chỉ chiều hướng của một sự thay đổi sau một chu kỳ đã hoàn thành và của một sự đổi mới tích cực”. Nó thường thể hiện quan niệm về sự toàn hảo... Nó chỉ mang một ý nghĩa xấu duy nhất là “chứa đựng một nỗi lo âu vì nó chỉ sự chuyển từ cái đã biết sang cái chưa biết: một chu kỳ hoàn thành, chu kỳ sau sẽ ra sao?” (Các bạn có thể tìm đọc cụ thể trong cuốn sách rất thú vị).


Trở lại cái nhìn hiện tại của một số bạn, mình thấy không hẳn không có căn cứ nhưng có lẽ đó là những ý nghĩa mới, ý nghĩa phái sinh của thời đương đại mà người ta thấy ở con số 7 chăng? Còn việc máy bay rơi, khiến cho bao sinh linh vô tội thiệt mạng đâu có phải là một tai ương do lực lượng thiên nhiên hay siêu nhiên gây ra. Hầu hết là do con người: Những sai lầm, thiếu sót, những âm mưu, thủ đoạn, những tham vọng bá vương dẫn đến tội ác, bạo tàn khiến con người bất chấp tất cả, cả mạng sống của đồng loại để đạt được mục đích. Vậy người ta cứ gán những ý nghĩa tiêu cực cho con số này đâu có cơ sở gì.

Mặt khác, trong cuộc sống này, chúng ta thấy tồn tại hàng ngàn, hàng triệu những biểu tượng khác nhau, với những ý nghĩa đa dạng, phong phú, đôi khi là phức tạp và thần bí. Tất cả mọi thứ đều do con người nghĩ ra, gán cho chúng, ứng với những quan sát, chiêm nghiệm nào đó, thể hiện quan niệm riêng về vũ trụ và nhân sinh. Cho nên, theo thời gian, không gian, ý nghĩa của những biểu tượng cũng thay đổi theo quan niệm và chiêm nghiệm của con người. Bản thân tất cả chúng, kể cả nhưng con số, không có ý nghĩa tự thân như vậy.
Và ngày nay, chúng ta đang tạo ra vô vàn những biểu tượng mới, cũng như gia tăng thêm rất rất nhiều ý nghĩa cho những biểu tượng cổ xưa. Dĩ nhiên là vẫn có một sợi dây nối kết các khía cạnh ý nghĩa ấy từ xưa cổ nhất đến hiện đại, xuất phát từ những cái mà các nhà nghiên cứu gọi là “mẫu gốc” (Siêu mẫu). Với tính chất như vậy, biết đâu, con số 7 gắn với những tai ương thảm khốc vừa rồi chính là dấu hiệu kết thúc một chu trình đã hoàn thiện của thế giới này, để mở ra một chu trình mới cho nhân loại? Chưa biết chu trình tiếp theo sẽ ra sao nhưng chắc sẽ khác và có nhiều điều mới mẻ. Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta mong muốn một chu kỳ mới cho đất nước, thế giới này, một sự lột xác để hướng tới những điều tốt đẹp, nhân văn hơn.
Và như thế, một số nhà tiên tri khi nói đến ngày tận thế không phải là không có cơ sở? Vấn đề là sẽ là năm nào? Bao nhiêu lâu nữa? Và ai có thể đoán chính xác, hoặc gần chính xác cái ngày đó?


Từ thực tế quy luật vận động của tự nhiên và xã hội chúng ta thấy thiên địa tuần hoàn, đời sống vốn vô thường. Không có gì là vĩnh hằng bất tử cả. Cho nên, một xã hội, thậm chí cả một thế giới, nhân loại này đến ngày diệt vong đâu có lạ gì. Như thế, tại sao chúng ta cứ phải nơm nớp lo âu, rồi gán những thứ tai họa, chết chóc cho một tạo vật gì đó ở bên ngoài, ở đâu đó, và né tránh chúng. Tất cả những hiểm họa đều do con người tạo ra bằng cách vô tình hay hữu ý, nó là “quả” của những cái “nhân” mà loài người đã gieo trong suốt quá trình tồn tại. Ở trong một thế giới đầy bất an, bất ổn và bất công này, chúng ta thấy một hiện thực phổ biến là rất nhiều người hiền lành, sống cả đời lương thiện, trong đó có cả bản thân chúng ta, đã phải lánh những hậu quả là những tai họa thảm khốc từ lòng tham, lợi ích ích kỷ của một cá nhân, hay một nhóm người có tư tưởng độc tài, sẵn sàng xâm hại, nhằm mưu lợi, duy trì quyền thống trị.
Vì vậy, thay vì đổ lỗi hay sợ hãi, chúng ta hãy đối mặt với chính mình, để biết rằng chúng ta đang trả giá cho việc của mình, của những người trước mình đã làm, dù đó không phải là tất cả. Căn bệnh phổ biến của loài người là sự giả dối, hèn nhát, sống rất AQ. Họ chẳng bao giờ dám trung thực nhìn thẳng vào mình mà luôn ngụy biện, tìm cách đổ lỗi cho kẻ khác, cho những lực lượng siêu nhiên gì đó. Cho nên, họ tự lừa mình và tìm mọi thủ đoạn lừa bịp người khác, gây tai họa, làm u mê, tạo ra tư tưởng nô lệ trong hiệu ứng kiểu bầy đàn. Và thực tế những suy nghĩ về con số 7 của một số người vừa qua, về cái xã hội ta đang sống với hằng hà sa số những hiện tượng đau lòng đầy nghịch lý, thậm chí phi lý là minh chứng rất rõ ràng.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ