Giật mình chợt nghe… “Bên đời hiu quạnh”



Một lần chợt  nghe quê quán tôi xưa
Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ.

Rồi một lần kia khăn gói đi xa
Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ.

Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua
Đường vào tình tôi có nắng rất la đà.
Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ
Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ.

Đường nào dìu tôi đi đến cơn say
Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời
Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy
Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi.

Trong ca khúc “Bên đời hiu quạnh”, từ “Giật mình” điệp lại bốn lần trong những ca từ kết thúc một nhịp hát, giống như những câu thơ khép lại một khổ thơ:
- Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ.
- Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ.
- Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ.
- Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi.
          Những câu hát này lặp lại như một điệp khúc của sự thức nhận trong tâm kẻ lữ hành khi tựu đốn ngộ. “Giật mình” để nhận ra chính mình, nhận ra cuộc đời và hành trình trôi dạt mình đang trải. Nó tạo nên một sự đối lập với tâm thức, trạng huống tình cảm của chủ thể vẫn nghĩ về mình, đủ để tạo nên cả sự bàng hoàng, thảng thốt của phản tỉnh. “Giật mình” để biết bên đời là hiu quạnh, hành trình lãng du là hư vô, sự trôi dạt là miên viễn.
Ca từ, giai điệu của bài hát cho ta biết chủ thể của những phản tỉnh tự ý thức trong ca khúc này là một nghệ sĩ du ca, tự do lãng tử. Song anh ta lại đang ở trên những hành trình nghịch chiều: hành trình của một kẻ giang hồ xê dịch, lòng nhẹ tênh, thoát khỏi mọi phiền lụy, quên đi mọi ái, ố, hỉ, nộ, để đi, để sống trong bình yên và hành trình của những cảm xúc, cảm giác, đem anh ta trở lại với mọi tỉnh cảm của một kiếp lữ hành, tự “giật mình tỉnh ra” trong nhớ, trong buồn, trong nỗi cô đơn, trống vắng và cảm giác xa lạ, lạc loài.
Hành trình càng xa, càng dài, những cung đường mới mở ra càng nhiều, thì những va đập đời càng lớn. Con người phiêu dạt trong cõi đời và chỉ có một mình “tôi về với tôi”. Những thanh âm, những hình ảnh, những con đường, hay một giấc mơ đưa anh trở lại với chính bản thể, với tâm tình của mình. Cho nên hành trình đi xa cũng chính là hành trình trở về, hành trình tìm quên cũng chính là hành trình để nhớ; cho nên lòng tưởng “thật bình yên” nhưng lại “buồn thế”, người tưởng say nhưng lại tỉnh, đường vào tình yêu lại là con đường cô đơn, đến chốn xa lạ… Và giây phút “giật mình” đã đem anh trở lại thực tại, về với cuộc sống, trong tỉnh nhớ, biết mình “đang ngồi hát”, “ngồi khóc”, biết mình đang ở “phố xa lạ”, biết “nắng đã lên rồi”…
Những chiều đông mờ xám, vắng lặng, đìu hiu, nghe ca khúc này thật thấm. Bởi bản thân nó là những đối cực lưỡng phân, vừa tạo cảm giác nhẹ bẫng, bình yên, chìm trong quên lãng, phiêu du lại vừa nặng trĩu lo âu, sầu nhớ, hoang hoải, cô liêu. Hành trình của kẻ tìm quên chính là hành trình sống thật với hồn mình, chấp nhận kiếp nhận sinh vô thường nhẹ bẫng “một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời”. Có đau khổ, có mất mát, rơi lệ nhưng không buồn mấy. Vì tỉnh ra thì “nắng đã lên rồi”. Đời vẫn đẹp và tràn đầy màu sắc. Ánh nắng vẫn lung linh chiếu rọi suốt hành trình dài đi để về của kiếp người.
Xét cho cùng thì cuộc đời con người là kiếp trôi dạt, là những cuộc du hành bất tận. Người ta lạc lối ngay trong cảm xúc, trong tư duy của mình. Thời gian trôi đi và mọi thứ sẽ phai màu. Con người cũng thế. Phiêu linh vô phương hướng và nhìn thấu những phôi pha, mất mát. Cho nên, ra đi hay trở về cũng xa lạ, cũng lạc lối, cũng chẳng thấy mặt mình, mặt người một thuở xưa quen. Quên để nhớ, say để tỉnh, buồn bã để nhận ra lẽ yêu đời…
Dù thế nào, mỗi con người cũng phải trải cái hành trình phiêu dạt, để biết bên đời quạnh hiu, để có lúc “giật mình” nhìn lại chính mình và hành trình đi về một cõi của kiếp đời cát bụi. Giây phút ấy thức tỉnh cho con người về sự hiện hữu hư vô, thấy rõ cái bản thể cô đơn và sự trống rỗng đến cùng cực mỗi lúc độc hành nghe “giọng người gọi tên nghe tiếng rất nhu mì”. Và quan trọng hơn, “giật mình” để chấp nhận tất cả như một lẽ tất yếu, tìm lại cái hồn nhiên, trong trẻo đẹp trên một cung đường dạt trôi, trong trí nghĩ nhỏ nhoi còn lại.

Trong cái vô thường đầy mất mát của đời, trong hành trình trôi dạt của kiếp sống, cá nhân người trở nên nhỏ nhoi, mong manh.  Họ luôn cố bấu víu, khát tìm nương tựa đến một điểm cố định, vững vàng, bất biến. Tiếng nói của quê hương, những hoài vọng quá vãng, dù đầy tiếc nuối, tuyệt vọng lại vang lên nhức nhối. Để rồi ít nhất một lần mỗi con người biết vẫn còn nắng lên, vẫn còn nhiều điều trân quý của tình yêu mến, của những khóc cười, của nhưng quen thân, dù tất cả chỉ là khoảnh khắc, sẽ tan biến, phôi pha, nhạt phai sắc màu.                                                                     
                                                                                      Chiều đông, 11/ 2014

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ