Thế là nó đã ra đi...


Thế là nó đã ra đi, ra đi thanh thản như chìm vào giấc ngủ say. Nó đã quá già nên không thể gắng gượng tiếp, mà bệnh thì nhiều. Nhìn nó nằm đấy, lòng se thắt. Mình vẫn luôn nghĩ nó còn sống, vẫn quấn quýt bên mình, chỉ là ngủ say mà thôi.
          Những nỗ lực cuối cùng của mẹ đã không thành công như bao lần trước. Nhớ những lần nó ốm, mẹ chạy đôn chạy đáo mua thuốc, cho uống, tiêm, bón cho ăn, tưởng là chết, cuối cùng lại sống. Làn này thì… Mọi việc quá tầm tay của mẹ.
          Mấy ngày trước, sắp ăn cơm, mẹ vẫn còn nhao đi mua thuốc với hy vọng là thuốc khác sẽ có tác dụng. Tối qua, mình đi dạy về muộn, 10h đêm ăn cơm, vẫn thấy mẹ bơm từng xi lanh nước cơm cho nó, những nỗ lực cuối cùng đầy hy vọng cũng đầy tuyệt vọng. Mẹ bao giờ cũng thế, làm việc gì cũng kiên trì, cũng kiên quyết đến lúc không thể làm gì được thêm.
          Tối nay đi dạy về, chị bảo: “Con “Bà Tuýt” chắc không qua được, nó yếu lắm rồi, già quá mà”. Nghe những lời đó, đột nhiên mình thấy buồn vô hạn. Và cả cảm giác bất lực. Sự bất lực thể hiện rõ nhất là khi ta phải nhìn một sự sống nào đó, dù là sự sống của loài vật nuôi đang lịm dần như ngọn đèn cạn dầu, như bồng hoa héo tàn, mà không có cách nào thay đổi được. Đó là cái cảm giác nhìn cái chết đang từ từ lấy dần đi sự sống của một sinh thể đã gắn bó, để thấy hết cái mong manh của sự sống, cái sự yếu đuối của một – thằng – người.
          Nó và mình, và cả gia đình mình đã gắn bó hơn 9 năm, mà đúng hơn là có tới gần 10 năm rồi. Dẫu chỉ là một con vật, nhưng cũng là một hình ảnh sẽ còn đọng lại trong tâm thức của mỗi thành viên trong gia đình mình. Nó đặc biệt gắn bó với mình vì mình là người quyết định giữ nó nuôi, không bán. Nó gắn bó với mình vì được coi như của mình, do mình đặt tên cho. Nó đã kịp sinh ra mấy thế hệ con và nhà mình nuôi cả mấy thế hệ đó, coi như đó cũng là một gia đình.
          Lúc tối, nhìn và sờ nó, nó nằm đấy, cố mở mắt nhìn làm mình thấy xót xa, buồn bã. Chưa đầy tiếng sau nó lịm hẳn, nhẹ nhàng, thanh thản. Vẫn biết con người hay loài vật đều phải tuân theo cái quy luật tuần hoàn, nhưng sao mình vẫn thấy hoang mang. Nhìn thi thể nó, vẫn ấm nguyên, nhớ lại những câu chuyện sáng nay nghe mọi người nói, về những người bị ung thư, những người biết chắc cái chết đang đến, thấy bất an. Sự sống thật ngắn ngủi. Đời người có quá nhiều bất trắc khiến ta không khỏi lo âu, bàng hoàng.
          Và ngay cả mình nữa, một ngày nào đó, có thể không xa, mình cũng sẽ chẳng còn tồn tại. Hy vọng là lúc đó, mình được quyền lựa chọn thời điểm mình vĩnh viễn ra đi, để sắp xếp mọi việc cho người ở lại, để có cảm giác thanh thản, không ưu tư, dù biết rằng những người ở lại sẽ đau xót, buồn đắng. Bởi có sự mất mát nào có thể sánh được bằng sự mất mát của một con người, nhất là người đó là thân nhân của mình.
          Ngày mai, đi làm về, chỉ có hai chú chó ra đón mình, khuyết hẳn một chỗ, của nó, con mẹ. Khoảng trống ấy chắc phải một thời gian dài dài mới lấp đầy. Thôi thì, cũng như con người, nó đã hoàn thành xong một kiếp sống, đã gắn bó đến hơi thở cuối cùng với chủ thân yêu.
          Và cũng ngày mai, nhà mình lại chôn cất thêm một con vật nuôi trung thành, gắn bó, cùng với mẹ, anh cùng lứa với nó.
          Vĩnh biết nó, con chó yêu quý, con “Bà Tuýt”.
PS: Đọc những dòng này có thể ai đó coi mình cường điệu, hay diễn nọ kia thì mình cũng kệ thôi. Có thể ai đó nói rằng nhiều người mình còn chả viết hay có cảm xúc gì lại đi dư nước mắt khóc một con vật. Nhưng nói thực, những thứ, kể cả con người không gắn bó thì mình chả thể có cảm xúc mà viết. Còn kể cả con vật, đã đồng hành trọn đời của nó với mình, với gia đình mình thì, cũng đáng để cho mình viết vài dòng.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ