HÀNH TRÌNH SÀI GÒN – ĐÀ LẠT: KHÁM PHÁ VÀ SẺ CHIA (Kỳ 4)



Kỳ 4: Thành phố Đà Lạt: Dốc, hoa, sương mù và ngàn thông
                             Về trên phố cao nguyên ngồi,
                             Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi,
                             Chợt như phố kia không người
                             Còn lại tôi bước hoài…
                                                        (“Lời thiên thu gọi” – Trịnh Công Sơn)                           Trước khi thực hiện chuyến đi khoảng vài tuần, tôi có một giấc mơ lạ: được tham gia cùng một nhóm phượt có những trải nghiệm đầy nguy hiểm, gây nên những cảm giác mạnh mẽ, có phần ghê rợn. Giấc mơ đó như một bộ phim hành động mà bản thân tôi gặp một người bạn dạng rất bụi, sống rất bất cần ở Sài Thành. Rồi cuộc đi có lúc bạn ấy phải quay lại cứu người yêu ở vách núi cheo leo. Hết đồ ăn thì leo lên tầng hai một nhà nào đó, thấp thấp trong rừng cây, đập cửa, nhậu nhẹt, chợt gặp người quen qua mạng bên hàng xóm. Rồi chúng tôi đi qua khu rừng thông, những nơi vách núi cheo leo, những chiếc xe trượt phóng như bay ở bìa rừng, nếu không nhanh tránh kịp tôi đã mất mạng… Đại loại là một giấc mơ rùng rợn và thú vị. Và cũng vì giấc mơ đó nên khi ngồi trên xe bus ra sân bay, hai bạn nữ cạnh mình bảo đi như thế nguy hiểm lắm, phải vượt đèo rất cao, sao không đặt vé xe Phương Trang mà đi?... vân vân. Mình cũng thấy hơi hoảng, và quyết định của mình là quá mạo hiểm. Song trên thực tế, chuyến đi của mình nhẹ nhàng, yên bình hơn nhiều và các bạn đồng hành hiền hòa, không có ai bợm chợn, bất cần, ngang tàng kiểu người gặp trong mơ. Cán đích, tôi đã có những ngày trọn vẹn ở thành phố mộng mơ, với những cảm nhận về những thứ rất quen mà cũng rất lạ, rất thú vị.
         
1. Cái lạnh ngọt ngào, âu yếm đặc trưng.
          Tôi là người xứ Bắc, đã rất quen với cái lạnh tái tê, cái giá buốt khi mùa đông đến. Đến Đà Lạt, tôi cũng bất ngờ khi gặp thời tiết lạnh đến thế. Dù đã chuẩn bị nhưng do chủ quan, tôi đã bỏ lại vài chiếc áo ấm ở Sài Gòn. Trên đường đến thành thành phố mù sương này, chúng tôi mặc hết những thứ áo ấm mình có mà vẫn thấy lạnh. Cho nên việc đầu tiên đến thành phố là đi tìm mua áo ấm, và mua một cái áo len sù to như cái chăn để khoác lên người. hihi.
          Cảm giác lạnh ban đầu qua đi. Ở lâu hơn, cảm nhận sâu hơn thấy cái rét của Đà Lạt có vị riêng, không giống như ở miền Bắc của chúng tôi. Đà Lạt chỉ tối mới lạnh và lạnh rất nhanh, càng đêm khuya lại càng lạnh lẽo hơn. Song buổi sáng, cái lạnh lại tan khá nhanh, thay vào đó là không khí se se, rất đẹp và dễ chịu. Và ngay bản thân những lúc rét nhất thì cũng không làm cho tôi thấy sợ như cái thời tiết mưa rét, ẩm ướt, buốt thót, cũng không có cái kiểu rét đậm, rét hại, sương giá, hanh khô khiến con người cảm giác như bị nứt ra như dưa, khô khốc như một bãi cát sa mạc của giá rét hanh hao của miền Bắc.
Cái lạnh của Đà Lạt tái tê nhưng không sắc buốt, khiến người ta run rẩy nhưng không đáng sợ. Nó không khô hanh mà lại dịu nhẹ, ngọt ngào. Chỉ cần mặc đủ ấm bạn sẽ thích đi ra ngoài đường, khoe vài thứ trang phục mùa đông yêu thích như áo, khăn, mũ mão. Cái lạnh đó như muốn níu giữ con người, để họ chầm chậm tản bộ, chầm chậm cảm nhận thật sâu không khí riêng của thành phố, của miền cao nguyên được bao bộc bởi thông reo vi vút. Cái lạnh ấy khiến con người không khỏi bâng khuâng, xao xuyến, nhớ lại những lúc ấm êm của hạnh phúc tay trong tay cùng cố nhân, nếu đi một mình. Nó cũng xui khiến con người xích lại gần nhau hơn, đem con người đến với nhau, quấn quýt để được tận hưởng cảm giác ấm áp, ngọt ngào, âu yếm trong tình yêu, sự sẻ chia, sự quan tâm, giao hòa, giao cảm. Không phải ngẫu nhiên, thành phố này được coi là thành phố lãng mạn, thành phố dành cho những cặp tình nhân.
2. Những con dốc và những cung đường gợi cảm
          Ở thành phố Đà Lạt, bạn sẽ khó tìm được một con đường dài và thẳng. Thành phố nằm trên đồi, núi và bản thân là một dạng địa hình thung lũng nên nhìn đâu cũng thấy những con dấu, hoặc cao cao, hoặc thoai thoải. Những con dốc đem đến hành trình hai chiều, một nhanh, một chậm, một thoáng qua, một muốn từ từ níu lại. Đứng ở đỉnh dốc mà nhìn, thấy bát ngát cả một vùng không gian của thành phố, núi rừng, rất kỳ vĩ. Ở đỉnh những con dốc cao, tầm nhìn xa, thoáng, ta có cảm nhận như thu vào trong mình cả một thế giới. Cho nên, ấn tượng mạnh nhất, đầu tiên của hai “thầy trò Đường Tăng” chúng tôi khi mới chạm thành phố ở đỉnh một con dốc là một khung cảnh lung linh, rực rỡ của tối Đà Lạt. Và ngay đêm đó, chúng tôi đã trở lại chính vị trí ấy, chụp ảnh, quan sát, cảm nhận nhưng cảm xúc cũ không trở lại. Đơn giản vì đêm khuya, thành phố đi ngủ, mang diện mạo khác lúc mới tối. Đúng là những khoảnh khắc của cái đẹp thật mong manh, một đi chẳng bao giờ trở lại.
          Những con dốc tạo nên những cung đường dài hun hút, uốn mình gợi cảm và duyên dáng bên những hàng thông hay rặng hoa. Nhìn những cung đường ấy, tôi luôn thấy một nét đẹp rất lãng mạn. Đường ở đây cũng ít phương tiện đi lại, không ồn ào mà tĩnh lặng nên nét mơ màng, trữ tình càng đậm nét. Từ ở dưới nhìn lên đỉnh dốc, tôi luôn thấy háo hức, như có cả một thế giới khác ở con dốc bên kia. Tất cả như hút hồn người, đưa họ vào những cung đường khám phá, trong tâm trạng đầy hứng khởi và háo hức ban đầu.
          Đi sâu vào những khu dân cư, tôi thấy có nhiều con dốc rất cao, gấp, đường nhỏ, khó đi. Chúng tôi đã phải dừng lại, chùn bước vì đêm khuya, sợ lạc, quay lại những cung đường lớn ban đầu trong buổi dạo đêm. Ở lâu mãi nơi này chắc người ta quen với dốc, dù con dốc đó có khi xe máy cũng khó khăn di chuyển lên xuống. Bởi dù thế nào thì đó cũng là nét riêng của thành phố, quê hương mình, mang cái hồn, tinh thần riêng của con người nơi đây. Những con dốc này, vô tình hay hữu ý lưu lại du khách và cả những con người ở nơi đây dừng lại lâu hơn tại điểm đầu hay cuối trước khi lên xuống.
Không hiểu sao khi quan sát những con dốc, nhất là ở những cung đường đẹp, thoai thoải, kéo dài tôi lại nghĩ đây là những con dốc tình, hẹn hò, cùng sánh đôi dạo bước của những kẻ yêu. Và dù sau này, có lỡ chia xa hay ly biệt, họ cũng ngoái lại, nhìn nhau lâu hơn một chút thay cho lời nói phân ly, hoặc trôi đi thật nhanh, không kịp ngoái lại nhìn lần cuối lúc chia xa, để rồi sau đó, ai kia trên đó, người nào dưới đây tự mang trong mình một khoảng trống bao la trong lòng, cảm giác bàng hoàng, ngẩn ngơ vì người ấy đã xa, xa khuất. Cho nên, nhìn những con dốc chiều ít nhiều mang những nỗi niềm hoài cảm, một chút se lòng chợt nhớ cố nhân. Và ta chợt nhớ ra rằng, cuộc đời ta đã gắng lên và tự để trôi tuột đi theo bao nhiêu con dốc, theo cái thường biến muôn thuở, để được, để mất, để ta chẳng còn là ta đích thực.
3. Quán cà phê Cung tơ chiều
          Trước chuyến đi, tôi có tìm hiểu về Đà Lạt qua bạn bè, qua mạng và ai cũng nói là đến Đà Lạt phải đi cà phê nhé. Vừa tới thành phố, lên mạng search về những quán cà phê đặc biệt, độc đáo thì ra hàng loạt quán, trong đó cà phê Cung tơ chiều gây nhiều chú ý. Đọc vài bài viết thì thấy nó kỳ bí, lạ lùng, huyền bí nên tôi rất hiếu kỳ. Khi mới nói tới quán, bạn đồng hành với tôi tỏ ra ngại ngần và bảo quyết sau. Rồi tôi bắt đầu thuyết phục bằng cách đọc bài viết cho họ nghe và mọi người quyết định tới quán. Và đây chính là địa điểm duy nhất tám người chúng tôi phân tách thành hai nhóm, như tôi đã viết trước đây.
          Thực ra, không biết có phải do cố ý PR hay cảm xúc thật mà tôi thấy vài bài viết và sự sẻ chia về quán này hơi phóng đại, có phần hư cấu. Có một bài viết kỹ nhất trên facebook chỉ dẫn đường khá chính xác đến quán. Sự thực thì đường đến quán khá dễ tìm và đúng là các bản đồ số đều ghi sai địa chỉ quán. Đúng là quán không có một lối lên rõ ràng và không có điện sáng trưng, nằm giữa một đồi thông thấp. Nhưng nó không u tịch, bí hiểm, huyền hoặc, hay rùng rợn như họ miêu tả, khiến tôi cứ nghĩ quán này nửa thực nửa hư, nửa ma nửa người. Có lẽ tôi là dân ở vùng trung du, quen với những nơi chẳng có đường, quen với bóng tối nên đi lên một chỗ như thế không có gì đáng sợ.
          Không gian quán là một ngôi biệt thự nằm trên một đồi thông thấp, cách đường lớn khoảng 200m, có chỗ để xe máy rất thoải mái. Từ quán có thể nhìn thấy thành phố phía dưới, rực rỡ ánh đèn, cũng không phải quá heo hút, đáng sợ, thậm chí tôi còn thấy đường vào quán này dễ tìm hơn quán Cà phê Cuối ngõ ở Hà Nội. Chỉ hiềm một nỗi là đường lên là lối mòn đi giữa đồi thông, quán không chỉ dẫn đường và không thắp điện sáng. Trong quán chỉ thắp điện tối, nến và ánh sáng nhấp nháy giữa rừng thông u tịch. Nó cũng không quá yên tĩnh và tách bạch để nghe được tiếng côn trùng, cảm được cái miếng đêm sâu thẳm của núi đồi cao nguyên, không có cái mộc mạc, chân chất ngẫu hứng đến mức như người ta được hát du ca giữa bạn bè, giữa núi đồi.
          Quán này nổi tiếng với những quy định cổ quái: không được quay phim, chụp ảnh chủ quán, không được nói chuyện to, bàn tán khi chủ quán và người khác hát, không phục vụ đồ uống có đá, giá thì đồng loạt là 100k/ suất đồ uống, không uống cũng phải trả tiền. Không đáp ứng những quy tắc đó thì sẽ bị chủ quán đuổi. Nhưng tôi lại không có may mắn được chứng kiến chủ quán đuổi khác. Hehe. Lúc vào thì chỉ thấy hai bạn, cũng tầm trung tuổi, khoảng trên dưới 30 gì đó đi ra và lầm bầm than phiền cái quy định này. Không biết có phải bị đuổi hay không nữa? Còn đoàn tôi thì tôi biết đích xác quán, ở cổng gọi mọi người lên, rút cục chỉ có 3 người lên, học sinh đi cùng xe với tôi, hai bạn nữa. Còn lại, hai bạn leo lên lưng chừng lại quay xuống, tách ra, đi theo hướng riêng.
          Chúng tôi đến cũng khá sớm vì sợ tìm đường lâu nên phải chờ khoảng gần 1 tiếng bà chủ mới xuất hiện. Khi chúng tôi tới, quán đã khá đông và sau đó thì khách đến cực đông, không đủ chỗ ngồi. Không gian của quán khá đặc biệt, tạo cho người đến cảm giác ấm cúng, trang trọng. Có một bức tranh chân dung vẽ một nữa mặt, một nửa kia che bởi tóc được vẽ cách điệu bằng màu xanh đen như những con sóng biển gây ấn tượng mạnh cho tôi. Chúng tôi biết thông tin trước nên chúng tôi tuân thủ khá tốt quy định của quán. Mọi người cũng thế. Nên khi bà chủ chưa xuất hiện, tất cả đều nói chuyện êm êm, khiến cho mọi người như lặng đi, chìm vào cảm giác quên lãng thời gian, lắng mình theo âm nhạc. Đó là một đĩa nhạc của Khánh Ly, thu trước năm 1975, với giọng hơi khàn, đậm chất Liêu Trai, huyền hoặc. Có vẻ âm nhạc rất phù hợp, tạo nên một không gian, không khí riêng cho quán giữa đồi thông thâm u của đêm tối Đà Lạt.
          Nói thêm về cái quy định kia thì tôi thấy khá ổn. Nó cần thiết để tạo ra một không gian, không khí văn hóa, tập trung lắng nghe người hát. Cái này các quán khác không dám làm có lẽ sợ mất khách, chứ làm được sẽ tốt hơn, dần dần hình thành một nét văn minh quán cà phê ca nhạc, mà nhiều khi tôi thấy cực khó chịu khi vào một số quán khác ở Hà Nội. Còn đồ uống nóng kết cục lại hay. Nó hợp với cái lạnh của Đà Lạt, tạo cho người ta cảm giác quây quần, gần gũi, ấm áp tình cảm.
          Chờ mãi cuối cùng bà chủ cũng xuất hiện. Với tôi, đây là một người gây ấn tượng mạnh, có ấn tượng như người ta nói, có ấn tượng khác, và ấn tượng này cũng khó mà nói là thiện cảm hay ác cảm. Người đàn bà khoảng trên dưới 50 tuổi, hút thuốc khá kiểu cách, mặt  không rõ lắm vì ánh sáng nhập nhòa. Giọng hát khàn, mạnh mẽ, như người ta vẫn nói có sự pha trộn của giọng Khánh Ly, Lệ Thu, Lê Uyên Phương. Tôi không thấy ấn tượng nhiều với giọng hát lắm vì thiếu những khoảng lắng tinh tế. Cách nói năng, giao tiếp với mọi người hơi kiểu cách, có cái gì như kiêu bạc, đài các nhưng lại cố làm ra vẻ gần gũi. Nói tóm lại là tôi cảm giác không tự nhiên lắm và có  phần hơi tự cao theo kiểu khoa trương, ví dụ như khi có một người đùa một câu, bà chủ nói: “Tôi là người nghệ thuật, mỗi lời nói  phải cẩn trọng, tinh tế,..” gì gì đó. Duy có điều này làm tôi ấn tượng về con người bí ấn này, đó là cách hát của bà. Người đàn bà hát như rút lòng, rút ruột. Hát mà như nghe thấu tận những nỗi lòng sâu thẳm và không cần giấu giếm. Bà chỉ hát vài bài gắn với những cảm xúc tâm hồn, với những tình khổ, tình sầu. Một cái gì mãnh liệt và bạo liệt chất chứa trong đó. Tự cách hát và giọng hát như có lửa, mà cái bài “Giết người trong mộng” của Phạm Duy làm tôi ấn tượng mạnh nhất. Đằng sau giọng hát ấy phải chăng là cả một thế giới bí ẩn của một cuộc đời không bình lặng, của tâm hồn phức tạp, nếm trải nhiều thay đổi của cuộc đời?
Bà chủ cũng kêu gọi khách đến quán đàn, hát nhưng lại cũng hay từ chối mọi người. Những yêu cầu bà hát bị từ chối thì cũng không sao nhưng cách từ chối khách muốn hát, mà chính mình khởi xướng làm tôi thấy không tế nhị và lịch sự. Đại loại ở đây có một cái gì đó như diễn, khiến tôi không thích, dù nhiều thứ, kể cả đồ uống khá ổn. Tóm lại là, nếu tôi là người ở Đà Lạt chắc thỉnh thoảng sẽ ghé lại qua quán nhưng  không thể thành khách quen của quán. Nó không tạo cho tôi không khí thoải mái, tự do, thành thật kiểu như ở quán Cà phê cuối ngõ, quán Du ca, rồi cà phê nhạc Trịnh ở Trung Kính Hà Nội. Nó cũng không có cái không khí hiện đại, kiểu hơi nổi loạn chút như không gian Cộng. Cái được nhất là không khí tĩnh lặng, mọi người chăm chú nghe nhạc, không nói chuyện to. Nếu không khí này có được trong một số quán tôi thích ở Hà Nội thì sẽ là sự kết hợp hoàn hảo. hihi.
4. Thành phố của ngàn thông và ngàn hoa
          Đến Đà Lạt, đâu đâu cũng gặp những đồi thông, rừng thông đại ngàn, xanh biếc. Thông bao bọc thành phố, tạo nên không gian mờ sương, tạo ra sự thơ mộng trong cái hoang vu, tự nhiên, huyền hoặc. Từ con đèo Prenn dẫn vào thành phố đến các ngả đường chúng tôi đi đều ngút ngàn thông reo vi vu. Những đồi mộng mơ, Langbiang, thung lũng vàng… đều ngợp thông. Những cây thông thẳng tắp, san sát, trùng điệp gợi một không gian mơ màng, lãng mạn. Đồi thông thoai thoải, thông thưa, cỏ mọc như một tấm thảm êm là những cảnh tượng đẹp mê hồn. Thông soi bóng xuống hồ nước xanh trong, nghiêng ngả trong sương sớm, bao bọc những cung đường đi theo những con dốc uốn lượn, quanh co.
          Tôi thích nhất là cảm giác lạc vào giữa rừng thông, đi giữa bạt ngàn thông. Uốn mình theo những con dốc, thông làm con đường thêm đẹp, thêm tình, thêm quyến rũ. Hương thông tỏa ngát, tạo nên cảm giác thơm tho, như được hòa mình trong thiên nhiên. Gió về ngăn ngắt và thông hắt hiu như đang thì thầm kể chuyện. Mỗi nơi đi qua, rừng thông nghiêng bóng, dẫn dụ vào những cung đường khác, đi xa hơn, muốn tìm hiểu cái ẩn chứa sâu thẳm đằng sau. Nhưng chuyến đi ngắn ngủi khiến chúng tôi dừng lại và chỉ ngắm nhìn tất cả ở bề ngoài. Khi lên đỉnh Langbiang, tôi đã cố tình đi trước mọi người, tự đi theo một vài người lên bằng con đường mòn giữa rừng để có những cảm nhận toàn vẹn, thỏa thuê nhất khi ở giữa ngàn thông xanh.
          Hình ảnh đẹp nhất và ấn tượng nhất với chúng tôi gắn với thông là vẻ đẹp của đàn ngựa gặm cỏ ven hồ, cách rừng thông một quãng. Hồ thủy điện được ngăn lại mặt nước lặng tờ. Buổi chiều buông nhanh trong màu mờ xám của đông. Thông xanh trở nên thâm nghiêm hơn, lặng lẽ hơn, đổ bóng xuống mặt nước phẳng lặng tờ. Đàn ngựa cúi đầu gặm cỏ, ven hồ tạo nên vẻ nên thơ, đưa lại một cảm giác bình yên cực điểm. Không ai phản đối, tất cả chúng tôi qua bãi cỏ để được hưởng cái cảm giác yên bình, thư thái của thiên nhiên, cuộc sống thuần phác. Đúng là về với thiên nhiên, bao giờ tâm hồn cũng như được thanh lọc, trong trẻo, hồn nhiên, phóng khoáng và luôn thấy an toàn, yên tâm, xua đi những nỗi ưu phiền, bất an, bất ổn của đời sống bon chen, thị phi tôi vừa trải qua.
          Với mỗi người, khi nghe nói đền Đà Lạt, ai cũng nghĩ ngay đến thành phố của hoa, đâu đâu cũng thấy hoa. Lúc mới đến, trời tối, tôi hơi thất vọng vì nhìn thấy ít hoa quá. Nhưng tôi đã nhầm vì sáng sau, trên những chặng đường chúng tôi đi ở thành  phố, đâu đâu cũng thấy hoa, hoa rất đẹp, phong phú mà nhiều nhất là hồng và cẩm tú cầu. Mờ sáng, ở bên đường, trụ sở ngân hàng ngoại thương tại Đà Lạt đã thấy một người tưới hoa rất cẩn thận. Có lẽ, thành phố này có biết bao người như thế nên chỗ  nào hoa cũng đẹp, cũng tươi và không thấy bị ngắt lá, bẻ cành hay lấy trộm. Khí hậu ôn hòa cùng ý thức văn mình của con người tạo nên nét đẹp cho phố phường với biết bao hoa. Chợt tôi chạnh lòng nhớ tới lễ hội hoa bị giẫm đạp tan tác, cảnh lấy trộm, hôi hoa quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm vài năm về trước.
          Vườn hoa thành phố là thiên đường của các loại hoa. Tất cả đều là hoa thật, được trồng, chăm sóc chu đáo, luôn tươi mới, với nhiều loài lạ lùng. Ở đây, mỗi ngày đón hàng nghìn khách thăm quan nhưng hoa rất ít bị làm nát, bị ngắt. Tất cả các loài hoa đều khoe sắc, rực rỡ, thậm chí lớn hơn, đậm sắc hơn so với kinh nghiệm mà tôi biết, nhất là hoa cẩm tú cầu và hồng môn. Chợ hoa trong đó cũng khá hay, bán các loại hoa thường và giá khá mềm. Không biết chất lượng cây giống thế nào nhưng mà giá thì cực rẻ, rẻ đến bất ngờ. Vì đường xa, đi máy bay nên tôi tiếc nghi ngút đã không mua được vài gốc hồng về trồng, đành mua vài gói hạt hoa giống.
          Và khắp nơi trên đường chúng tôi đi, chúng tôi đều thấy hoa. Hoa trồng ở mỗi nhà dân, trước cửa, bên nhà. Những vườn hoa, ruộng hoa, nhà bóng, nhà kính đan xen với những vườn, ruộng, nhà rau. Hơi tiếc vì chúng tôi không đủ thời gian rẽ qua một vườn hoa, vườn rau nào đó, tận mắt xem người Đà Lạt trồng, chăm sóc như thế nào. Một nỗi tiếc nuối nữa là chúng tôi đến nơi đây đã hết mùa dã quỳ, chỉ được thấy những bông hoa thưa thớt cuối mùa, không được thưởng ngoạn thiên đường hoa. Người ta gọi Đà Lạt là xứ hoa anh đào nhưng chúng tôi cũng chưa kịp tìm hiểu xem chỗ nào có hoa anh đào, hoặc không đúng mùa nên chẳng thể tới. Hẹn Đà Lạt những mùa hoa khác, trong chuyến đi khác như một sự hồi cố vậy.
5. Hồ Xuân Hương mờ sương sớm.
          Thông, hoa, dốc và sương mù là sản phẩm đặc trưng của thành phố cao nguyên này. Dĩ nhiên, như nhiều phóng sự phản ánh thì Đà Lạt giờ ít sương hơn hẳn ngày trước do diện tích thông ba lá bị chặt hạ nhiều. Dù rất mệt và ngủ muộn nhưng buổi sáng cuối cùng ở đây, chúng tôi vẫn cố dậy thật sớm để ngắm sương trên hồ Xuân Hương. Nói là dậy sớm nhưng chúng tôi đi cũng không được sớm lắm, ra hồ khi mặt trời lấp ló lên. Nhưng vẫn còn một ít sương, vẫn được càm cái lạnh buổi sớm trong không khí mờ mờ của mặt nước hồ bình tĩnh.
Buổi sáng thật bình yên trong sương, trong nhịp sống chậm, nhẹ. Có những đoạn hồ hầu như không có người qua lại. Và tôi cũng hầu như không thấy không khí tập thể dục nô nức quanh hồ với đủ các bộ môn, bật các thể loại nhạc như ở Hà Nội. Hồ như được trả về cho thiên nhiên. Sương phả trên mặt nước. Mặt phẳng lặng lẽ của nước hồ soi bóng thông, bóng những công trình kiến trúc từ trên cao, những biệt thự thấp thoáng sau ngàn thông, đâu đó trên con dốc. Những ánh nắng đầu tiên của buổi sớm hắt chiếu lấp loáng trên mặt hồ. Ngồi lặng ngắm bình minh trên hồ Xuân Hương như đưa ta vào một cuộc sống khác, một cõi quên, để thưởng thức cuộc sống. Song chúng tôi, những người vốn sống xô bồ đã không đủ thời gian để ghé vô một quán cà phê ven hồ, nhâm nhi hương vị cà phê nóng, trôi theo cảm xúc bồng bềnh như sương. Chúng tôi cũng không đủ thời gian để bình tĩnh đi bộ, dạo một đoạn hồ chìm trong sương sớm, để biết thực sự thế nào là sống vô ưu. Nói chung, chúng tôi vẫn còn mang nhiều ham muốn được đi, đi nhiều nên chưa thể tĩnh lại, để sống như một làn sương, tự tại, thoáng trôi trên mặt nước trong ngần.
Đà Lạt vốn là một thành phố được người Pháp khai hóa, xây dựng văn minh. Ở đây, những dấu ấn văn hóa Pháp còn khá nhiều, từ kiến trúc, nhà ở, món ăn, đến cả cung cách sinh hoạt. Có lần, rất lâu rồi, tôi có xem một phóng sự, nói những cơm mưa bất chợt đổ xuống Đà Lạt, người đi bộ, hay đi xe, dù không mang mũ nón, áo mưa cũng cứ bình tĩnh đi dưới mưa, như bình thường. Chúng tôi đến Đà Lạt trong những ngày không mưa nên không thể kiểm chứng được điều đó. Song cơn mưa bóng mây lây rây bất chợt khi nắng sớm đang lên tạo ra một cảnh kỳ thú. Cầu vồng xuất hiện trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Chúng tôi mải mốt chụp hình, lặng nhìn cái vừng trời bình minh đẹp long lanh ấy. Có lẽ, chúng tôi phải ở đây lâu, lâu lắm mới cảm được hết, mới thưởng được hết cái đẹp và không khí rất êm đềm, mơ mộng của thành phố này.
Dẫu sao thì hồ Xuân Hương vẫn là nơi ghi dấu kỷ niệm của chúng tôi. Sớm và tối, và cả đêm, chúng tôi đều đã có những khoảnh khắc rất tuyệt vời. Chiếc hồ của thành phố như trung tâm điểm để thu hút du khách vì tầm nhìn, góc nhìn rất phong phú nó tạo ra. Ở mỗi góc, mỗi điểm nhìn tính từ bờ hồ, trong mỗi thời điểm khác nhau lại cho thấy một vẻ đẹp riêng của thành phố. Chúng tôi lặng lẽ rời xa thành phố, rời xa Đà Lạt trong tiếc nuối. Thành phố này đã nối kết chúng tôi, đem đến cho chúng tôi những cảm xúc, cảm giác đáng nhớ và tuyệt vời. Sau chuyến đi, tất cả đều có chung một nhận định: chuyến đi nhớ đời. hihi. Chẳng biết nhớ bao nhiêu lâu nhưng ảnh thì up mãi lên face không hết. Còn cái không khí Đà Lạt bao gồm cái lạnh, những cuộc đi dạo, những lúc ngồi bên nhau đến hôm nay vẫn làm nức lòng tôi.
Tôi trêu mọi người là cố làm việc, tích lũy lấy một khoản tiền, mua mảnh đất, xây căn nhà hai tầng xinh xắn, có trồng hoa, ở trên đỉnh hay cuối một con dốc nào đó tại thành phố này là đời như mơ. Và đó mãi là giấc mơ lãng mạn mà chuyến đi, vẻ đẹp của Đà Lạt đem lại. Những cảm xúc lãng mạn, những rung động đẹp và tình cảm thực, dù chỉ là tạm thời, dù chỉ diễn ra trong khoảng ngắn ngủi của đời, đủ làm cho chúng tôi thấy hạnh phúc, thấy ý nghĩa và giá trị sự sống. Không biết các bạn đồng hành của tôi thế nào, riêng với tôi thì Đà Lạt đã giúp tôi quên, giúp tôi quay lưng với mọi tỵ hiềm, mọi bon chen, mọi phiền toái, để sống là chính mình. Để rồi, từ đây, tôi trở  về và học được cách sống bình thản hơn, tĩnh tâm hơn, bao dung hơn, đặc biệt có thể ngoảnh mặt, quay lưng lúc cần thiết, sống bình yên, không dây dính nhiều vào những chuyện tham, sân, si. Dĩ nhiên hành trình đạt tới sự bình an, tự tại còn rất dài nhưng điều quan trọng nhất là tôi thấy mình sẽ làm được. Bởi ở đời này, mọi thứ chỉ là phù vân, hư ảo, nhất là những thứ ngoài thân như tiền tài, danh vọng. Mọi thứ qua đi, còn lại đó là những chân tình, từ bạn bè và người thân. Tôi sẽ yêu, sẽ trân trọng tất cả những chân tình ấy.

Và đến lúc này, hơn 3h đêm, vừa gõ máy tính vừa lạnh tê cứng tay, tôi vẫn lảm nhảm viết những điều, có thể chính những người đồng hành với tôi cũng thấy nó quá lan man, ngớ ngẩn nhưng nó là lời hứa, tôi sẽ thực hiện cho hết, ít nhất là cho bản thân tôi, để tôi tự biết làm thăng bằng mình, để không bột phát, không tự làm khó, làm cho mình dây dính vào những chuyện không đâu, giảm đi niềm vui và tuổi trẻ như vừa qua. Chợt những lời hát của Trịnh Công Sơn lại vang vọng, và hôm nay tôi có thêm niềm tin sống: “Còn lại gì sáng mai đây, thôi ta còn bạn bè”. Chính là những người bạn, cùng tình cảm thành thực của họ đã khiến tôi luôn vui vẻ, yêu đời và tích cực đến hôm nay, dù đã có quá nhiều con người khiến tôi run sợ, hoang mang, thậm chí kinh hãi, ghê tởm. Đúng là đời này cần dành mọi tình cảm, cảm xúc đúng lúc, đúng chỗ!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ