HÀNH TRÌNH SÀI GÒN – ĐÀ LẠT: KHÁM PHÁ VÀ SẺ CHIA (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Những dư âm, dư ảnh thành mối tơ tình vương vấn
Một hôm bước qua thành phố lạ,
Thành phố đã đi ngủ trưa.
Đời ta có khi tựa lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do,
Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà
Từ những phố kia tôi về.
(“Đêm thấy ta là thác đổ” – Trịnh Công sơn)
Chuyến đi khép lại cách nay cũng 10
ngày rồi. Trở lại cuộc sống đời thường, mỗi người lại tiếp tục với muôn vàn bận
rộn, lo âu thường nhật. Song như dư âm của cuộc đi vẫn còn đâu đó, trong mình
và trong mọi người. Chiều tối qua, đang dạy thì một số lạ alo cho mình: “Alo.
Em Thuận đây. Anh còn nhớ em không? …”. Mới ngồi nhậu với nhau ở bên hồ Xuân
Hương cách có 9 ngày, và ở Sài Gòn 7 ngày thôi, sao không nhớ? Hihi. Có lẽ em
gặp một số người hay quên hoặc mình là một người nhớ ai đó, cái gì đó ấn tượng
khá lâu nên có thể nhận ra bằng vài chi tiết nhỏ. Thực ra, chuyện này là chuyện
rất nhỏ, chuyện rất bình thường và mình sẽ giữ lời hứa với em ấy về việc mời đi
cà phê ở Hà Nội, quán mình thích.
Cũng như rất nhiều người quen khác
của mình, thi thoảng lại alo hỏi mình về ở Hà Nội thì đi chỗ nào cà phê có
không gian tĩnh một chút, có thể chuyện trò tự nhiên, thoải mái riêng tư, Thuận
cũng hỏi mình điều đó, nhất là một quán cà phê nhạc Trịnh nào đó, kiểu như quán
hôm mấy anh em vào ở Đà Lạt, tức quán Cung Tơ Chiều. Chỉ cho em vài địa chỉ
mình hay đến, với mình là được, còn với người khác không biết thế nào. Bởi phàm
những thứ gì liên quan đến cảm thụ, thưởng thức gì gì đó nó mang tính cá nhân
nhiều lắm lắm. Và một điều nữa, ở Hà Nội, không gian dành cho thở còn tiết kiệm
huống chi không gian cho quán xá, nhất là trong nội đô, đâu có đất thênh thang,
và có bao đồi thông như Đà Lạt. Cái tĩnh, cái yên bình mà quán ở Hà Nội đem lại
khá tương đối, chỉ có thể đến theo giờ, những giờ có ít người đến, sẽ tĩnh, chứ
tối thì hầu hết quán đều đông và ồn ào, mà những quán này thì không quán nào có
đủ sự tự tin hay đồng bóng để đưa ra quy luật cổ quái như quán Cung Tơ Chiều
kia. Hehe.
Sự
nhắc nhớ của bạn đồng hành làm mình thấy ấm áp trong cái giá lạnh nhói buốt của
miền Bắc bởi không chỉ riêng mình, mọi người đều rất nhớ chuyến đi ấy, mà bạn
còn gọi là “chuyến đi để đời” kia mà. Những sự tình cờ, ngẫu nhiên đôi khi làm
nên những điều rất tuyệt vời và sự mạo hiểm là yếu tố rất cần trong cuộc sống.
Tiếc rằng khi mình dám mạo hiểm, chấp nhận mạo hiểm vì một điều gì đó thì đã
hơi muộn, nếu không muốn nói là quá muộn. Sự gặp gỡ, đồng hành, rồi sau này có
thể làm bạn lâu dài của chúng tôi có thể coi là hữu duyên. Cuộc sống này, dù
thế nào chăng nữa, cũng đẹp, theo cách riêng của nó, đem đến bao bất ngờ. Có
những người chỉ thoáng qua, chỉ cùng ta đi trên một đoạn đường nhưng sẽ nhớ
mãi. Bao người đã xa, thành cố nhân, thành một dư ảnh nhòe mờ, nhưng sẽ có bao
người khác đến, mang đến những cảm xúc khác. Đời sống vô thường mà. Chỉ có sự
thay đổi là mãi mãi không bao giờ đổi thay. Nhìn một cách tích cực nhất, cái
mất đi, cái rời bỏ, cái tan biến để lại nỗi nhớ tiếc, niềm hoài cảm, cũng chính
là một niềm hạnh phúc lớn trong đời. Còn gì hạnh phúc hơn khi con người được
sống và nếm trải tất cả, bằng những cảm xúc mãnh liệt nhất, được thể hiện trọn
vẹn chính con người mình, thành thực, hồn nhiên. Và còn gì buồn chán và vô
nghĩa hơn một đời sống nhòa nhạt, u ám, cả đời sống theo, sống bằng cái đầu của
kẻ khác, chẳng có một phút nào dám sống là mình, tồn tại và biểu hiện mình như
một cái khác/ kẻ khác.
Tôi
biết tất cả mọi người đều hết mình, ít nhất là trong khoảng thời gian hành
trình. Hôm nay, sau một quãng thời gian đủ xa nhìn lại, thấy mình cũng hết
mình, thậm chí hơi bạt mạng chút. Sức khỏe thế mà đi thế, lại còn ham đi, ham
chơi mà ngủ cực kỳ ít nữa. Đêm đầu đến có khi chỉ ngủ được 4 tiếng, rồi những
hôm ở Đà Lạt cũng chẳng nhiều hơn là bao. Kỷ lục là trước hôm bay về hình như
mình chỉ chợp mắt được hơn 1 tiếng. Ngủ sâu sợ dậy trễ, lỡ chuyến bay. Và tôi
cũng không ngờ là đêm hôm về tới Sài Gòn, mọi người còn kéo nhau đi nhậu, nhậu
cực khuya nữa. Sau một hành trình dài và ham hố, ai cũng như bị vắt kiệt sức
nên không có chuyện uống tới bến hay “xõa tẹt ga” như một số người vẫn làm. Bản
thân tôi uống cầm chừng ly bia và chủ yếu lắng nghe mọi người. Con ngõ nhỏ
trong đêm Sài Gòn cũng vắng chẳng khác nào những con ngõ của Hà Nội. Cả thành
phố đã ngủ, còn vài đứa chúng tôi và vài người nhậu bàn bên. Một bác ngó sang
bảo: có 9 thằng thì 6 thằng đeo kính còn làm ăn gì? Hihi. Giữa thành phố lạ,
lần đầu tiên tôi có cảm giác bình yên, an tâm đến thế! Giữa những người vài
ngày trước còn lạ, tôi lại thấy gần gũi đến thế, dù biết rằng, sẽ có người, cả
cuộc đời sẽ không bao giờ gặp lại nữa.
Dường
như với tôi là số phận, có biết bao cuộc gặp gỡ và chia ly như thế đã qua cuộc
đời mình. Học hành, công tác, rồi những cuộc làm quen qua mạng, tất cả tạo ra
rất nhiều cảm xúc, trải nghiệm thú vị. Và dường như, ở môi trường nào, ở việc
gì, tôi cũng gặp được những người bạn, ít nhất trong một số dịp, đi với nhau
thoải mái, vô tư, có thể trút bỏ mọi vẻ đạo mạo, những lo lắng, đề phòng để cởi
mở tấm lòng với nhau. Đến ngay cả cái lớp NCS tôi đang theo, cũng có 4,5 anh,
chị, em có lúc tự thưởng cho mình những khoảng thời gian vui vẻ, thoải mái, đôi
khi cũng khá bột phát, ngẫu hứng. Mỗi người có một quan niệm sống riêng, những
âu lo, vất vả, những hạnh phúc và ưu thế riêng, nhưng riêng với tôi, nhất là
trong thời gian gần đây, tôi luôn quan niệm sống làm sao phải vui và thoải mái.
Còn những điều khác là do sự lựa chọn riêng của mỗi người, tôi tôn trọng sự lựa
chọn ấy và cũng mong mọi người tôn trọng sự lựa chọn của mình. Tôi rất sợ cái
cung cách của đa số người Việt, có thể trước mặt vẫn tỏ ra bình thường, thân
thiện, nhưng kỳ thực ở đâu đó, lại thì thầm, xì xèo, hoặc mỉa mai về những cái
khác, người khác.
Ở
Đà Lạt, có một hình ảnh nhỏ, rất nhỏ thôi nhưng vẫn ám ảnh tôi, vẫn đọng lại
trong tôi, mà ở kỳ trước tôi không biết nhét vào đâu được. Đó là hình ảnh của
bà cụ ăn xin, ngồi khép nép ở một chỗ không phải hoàn toàn kín, nhưng cũng
không phải ở giữa lối vào như một số nơi tôi qua. Sẽ có nhiều người nhìn thấy,
sẽ có nhiều người không để ý cũng chẳng thấy. Nhìn bà cụ, không hề chìa tay xin
mà chỉ ngồi nhìn một số ánh mắt hướng về mình thấy xót xót, nghèn nghẹn làm sao
đó. Có thể đây là một chi tiết, một điểm duy nhất tạo ra một gợn đen đối lập
với cái không gian tươi đẹp, bình yên, thơ mộng của thành phố ngàn hoa này.
Trong đêm lạnh, sau khi cho bà một chút, bước đi đến những gian hàng của chợ
đêm, tôi thấy có một chút trống trải trong lòng. Bà cụ bơ xờ, phơi mình trong
cái lạnh, trơ vơ trong gió núi hoang vu với mấy đồng tiền lẻ trong tay.
Đúng là cuộc sống này như một bức
tranh gồm nhiều mảng sáng, tối, như một tấm thảm dày mà đâu đó có sợi chỉ đứt,
có lỗ thủng nhỏ, nếu không để ý sẽ chẳng thể biết. Ngồi viết về hình ảnh bà cụ
ăn xin như một dư ảnh buồn, một chấm đen trên bức tranh thơ mộng, tôi nhớ đến truyện
ngắn “Truyện không tên” trong cuốn “Người chăn kiến” của Bùi Ngọc Tấn. Trong
tác phẩm ấy, tôi mãi bị ám ảnh về những con người khốn cùng trong xã hội, đặc
biệt là bà cụ ăn xin – Bà Mít. Bà đi ăn xin để nuôi hai đứa cháu ở quê và khi
tin tưởng được, bà đã gửi tất cả số tiền xin được cho chị Sợi và gửi luôn cả
những vỏ bao xi măng và những túi ni lông đựng bánh kẹo được giặt sạch, phơi
khô làm vải liệm cho bà khi bà qua đời. Để rồi, bà ra đi mãi mãi, không bao giờ
quay lại nhà chị Sợi nữa. Người đàn bàn khốn khổ này đã thực hiện nguyện ước
cuối cùng của bà cụ, mang tiền, mua quần áo cho hai đứa trẻ mồ côi và mang luôn
thứ “vải liệm” mà bà cụ tự chuẩn bị cho mình theo, dù chưa biết đích xác địa
chỉ phải đến.
Mỗi chuyến đi cùng bao điều mới mở ra. Dù
chúng tôi chỉ lướt qua nhưng một phần rất nhỏ nào đó, đã giúp tôi hiểu, biết và
cảm được nhiều hơn về cuộc sống, dạy cho tôi biết sống, biết trân trọng những
gì quý giá của mình, nhất là tình cảm. Hình ảnh người đồng hành với tôi – người
học trò – còn mãi sự tận tình và tận tâm. 2h đêm lặn lội đón tôi ở sân bay, rồi
suốt hành trình tự nhận về mình những cung đường hiểm nguy, đêm về lại Sài Gòn
cũng chỉ ngủ hơn 1 tiếng rồi đưa tôi ra sân bay. Không chỉ có một mà còn khá
nhiều em học sinh khác, đã xa mái trường phổ thông, có em tôi cũng chẳng dạy
trực tiếp bao nhiêu, luôn luôn sẵn sàng đón tiếp, giúp đỡ tôi. Các em đã, đang
và có lẽ sẽ phải đối mặt với nhiều vất vả, với cuộc mưu sinh, với lo toan và
gánh nặng, nhưng đã luôn dành cho tôi quá nhiều ưu ái. Gần gũi, có khi chỉ là
nói một vài câu thôi nhưng tôi hiểu được tất cả điều đó, những gì các em đã
phải trải, đang phải nỗ lực, để có thể có một cuộc sống ổn định. Đây mới là giá
trị đích thực, lớn nhất mà công việc của tôi đã làm được, hơn mọi cái danh và
những giấy/ bằng khen tôi xếp chồng ở một khoang giá sách.
Ngồi nhớ lại chuyến đi lòng lại bồi
hồi. Cảm xúc vẫn như nguyên vẹn, nhất là những điều rất mới, rất khác của miền
Tây Nguyên, còn đâu đó trong mắt, trong mường tượng. Nắng, gió, dốc đèo, những
đồi, những núi bạt ngàn cao su, cà phê, chè, cây cỏ tươi tốt. Đâu đâu trên miền
cao nguyên ấy, tôi cũng thấy một sự kỳ vĩ và phóng khoáng. Tôi sẽ còn đi, tiếp tục
nhiều cuộc hành trình nữa cho đến lúc kết thúc cuộc đời quá ngắn ngủi này vì
tôi biết thời gian của tôi cũng không còn quá nhiều. Hy vọng rằng, tôi sẽ hiểu,
cảm được nhiều hơn từ sự thâm nhập sâu sắc vào đời sống, vào những phận người.
Và trong một thời gian ngắn đó, tôi vẫn sẽ làm được những việc nho nhỏ, có ích
cho những người thân thích và cả những người liên quan đến tôi. Để trong một
hành trình sống không dài, tôi đã không hối tiếc khi có những phút giây được
sống là mình, được biểu hiện chính con người mình, tìm ra ý nghĩa đích thực
trong đời sống, để biết rằng, ở mức nào đó mình cũng có thể mạo hiểm, mình cũng
có thể làm được nhiều thứ, mình cũng có thể nhẹ tênh vứt bỏ nhiều thứ phù vân
để dấn thân, để sống thanh thản trong bình yên.
Những cuộc hành trình đọng lại không
chỉ là dư ảnh, dư âm của giọng nói, dáng hình, nét cảnh, mà quan trọng nhất là
những dư tình, là những tình cảm và sẻ chia dành cho nhau. Và dư tình đó được
khởi nguồn từ chính cái tình của nơi thân quen, của người gần gũi. Buổi chiều
trước khi ra sân bay, tôi ghé qua Hà Nội, tìm đến phố sách, gặp cô bán sách
quen, để trò chuyện, để mua cuốn sách cuối cùng của một năm. Cô đi mua bánh mì
xúc xích đãi, hai cô cháu cùng ăn và nói vài câu chuyện của năm cũ, của sách
vở, về vài người quen thân, hay những chuyện thú vị khác của đời sống – những
câu chuyện như thế không phải có nhiều người có thể chia sẻ cùng tôi, nhất là ở
môi trường tôi đang sống và làm việc, đặc biệt là câu chuyện về sách. Chợt xâu
chuỗi lại thì thấy bản thân mình đã được rất nhiều những sự chia sẻ như thế
trong suốt bao năm qua. Đôi khi chỉ một cuộc điện thoại, chỉ một sự lắng nghe
đủ cho mình vượt qua nhiều việc khó khăn, căng thẳng.
Năm qua, tôi đã nhận được rất nhiều
tin dữ về bản thân mình nhưng tôi vui vẻ chấp nhận, sống mạnh khỏe và tử tế
nhất có thể, trong khoảng đời của mình. Và năm nay, với một khởi đầu như thế,
cũng có thể nói là khá tuyệt vời. Ra đi rồi trở về, tiếp tục hết mình với cuộc
sống và công việc hiện tại, cho những gì là thật, là ý nghĩa, theo quan điểm
của mình. Và những lời cuối của bài viết này, xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất
đến tất cả những người đã đồng hành với tôi, không chỉ là mấy người của chuyến
đi, mà hơn hết là những người đã cùng tôi chia sẻ trong suốt hành trình sống 30
năm qua. Đó là những người thân, là thầy, cô, bạn bè, là cả những học trò đương
thời và đã ra trường. Hy vọng, trong thời gian tới, tôi vẫn còn những bạn đồng
hành tuyệt vời như vậy trong hành trình, có lẽ cũng chẳng dài lắm, vì đời là vô
thường mà. Tôi cũng hy vọng rằng, trong cảm nhận của những bạn đồng hành kia,
tôi không đến mức là một người đồng hành tồi. hihi. Để từ đây, tôi có thể tiếp
tục tự tin, làm bạn đồng hành của nhiều người, trong nhiều cuộc hành trình khác
của đời sống bất tận đang mở ra.
Nhận xét
Đăng nhận xét