HÀNH TRÌNH SÀI GÒN – ĐÀ LẠT: KHÁM PHÁ VÀ SẺ CHIA (Kỳ 2)

Kỳ 2: Những cung đường trải nghiệm, khám phá bất ngờ, thú vị.

Em đi qua chuyến đò thấy con trăng đang nằm ngủ
Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du
                                      (“Biết đâu nguồn cội” – Trịnh Công Sơn)



          Xin bắt đầu kỳ 2 bài viết về chuyến đi Đà Lạt đáng nhớ vừa qua bằng một lời ca của Trịnh Công Sơn trong ca khúc “Biết đâu nguồn cội” bởi chuyến đi này, một phần nào đó đã hiện thực hóa giấc mơ tuổi dại của tôi, mơ được đi như một kẻ lãng du, được tự do giữa những chân trời cao rộng, hát say sưa như một gã du ca. Giấc mơ đó được thắp lên từ những hình ảnh rất đẹp quay ở Tây Nguyên, đặc biệt là Đà Lạt trong phim “Em còn nhớ hay em đã quên”, bộ phim tôi xem từ khi cònquá nhỏ nhưng những hình ảnh lại in dấu ấn không phai: những đồi thông, chuyến xe ngựa chở nhân vật chính, chàng nghệ sĩ yêu say đắm và vác cây Tây Ban Cầm hát du ca… Vài ấn tượng nhưng cũng đủ để lại một ẩn ức, thành một tâm thức nào đó. Và trong bộ phim này, những ca từ của “Biết đâu nguồn cội” do ca sĩ Thùy Dung hát vang mãi trong tôi, trở nên là một ước mơ lâu dài, sâu thẳm. Hành trình qua cùng những cung đường chúng tôi đã trải một phần nào đó, dù rất nhỏcho tôi cảm giác được sống trong giấc mơ tuổi dại thuở nào.

          Từ Sài Gòn tới Đà Lạt, chúng tôi phải đi về trên một chặng đường khoảng 300 km chủ yếu qua hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, qua hai miền địa lý Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đoạn đường không quá dài nhưng cũng không hề ngắn, không phải quá nguy hiểm trong ranh giới mong manh sống – chết nhưng cũng không bằng phẳng, dễ dàng. Những cung đường chủ yếu ở địa hình khá cao, qua những bình nguyên rộng lớn, qua nhiều con dốc, những khúc quanh, những thị trấn, rừng cây, những quả đồi bát ngát cây xanh và cũng không ít con đèo, mà đáng kể nhất là hai con đèo BảoLộc và Prenn. Cuộc hành trình đó đã mở ra trước mắt chúng tôi, ít nhất là trước mắt tôi một miền không gian hoàn toàn mới lạ, một miền địa lý khác biệt. Một người như tôi, sống khá thuần với địa lý, khí hậu, phong tục, nếp sống, thậm chí cả suy nghĩ của Bắc kỳ thì những con đường, cùng cảnh vật xung quanh tôiqua là cả một thế giới khác.
          Thế giới đó mở ra trước hết là miền Đông đất đỏ với những rừng cao su đại ngàn. Đi mãi mới hết đất Đồng Nai và đâu đâu cũng thấy cao su, cũng thấy những dáng điều e lệ bên cánh rừng cao su ngút ngát. Nhiều loài cây lạ lùng mà chúng tôi không kịp hỏi, không kịp biết tên. Những hồ nước đột ngột xuất hiện giữa vùng đồi cao gây ra sự bất ngờ đặc biệt. Cảm giác đặc biệt nhất, say đắm và lạ lùng nhất là lúc đi qua đoạn đường cắt ngang rừng quốc gia Cát Tiên. Con đường hun hút ở giữa rừng cây lá rộng (mở ngoặc đơn là đến giờ tôi cũng chưa biết đó là giống cây gì, khi thấy mọi người đi quét, thu lá của nó, ai biết chỉ dùm) đem lại ấntượng đặc biệt về vẻ đẹp, sự thơ mộng, nét hoang sơ, huyền bí. Lúc về, chạy xe trong đêm qua đoạn đường này, tôi có cảm giác mình đang đi vào giữa một khu rừng trong cổ tích. Vầng trăng soi tỏa xuống những rừng cao su, hắt lên bóng sáng lòa nhòa, chiếu rọi khắp không gian bao la của thân cây thẳng tắp theo hàng thực sự là một cảnh rất mỹ lệ, khoáng đạt và không kém phần lãng mạn. Tôi yêu cái miếng đêm, cái không khí tối mờ mờ, bình yên của những khu rừng ấy từ sự trong veo, mênh mang, hồn nhiên, không chút vướng bận của lo lắng, bon chen thị thành. Đến khi xe chúng tôi chạm đến thành phố Biên Hòa, tôi nhận ngay ra sự khác biệt trong không khí của hai miền, hai vùng, hai không khí sống như hai đối cực âm dương.
          Những con đường đất đỏ bazan trải ra mênh mông trước mặt chúng tôi khi đi hết địa phận tỉnh Đồng Nai, đến với Lâm Đồng. Địa hình cao, những đoạn đường phẳng chạy giữa bình nguyên khiến chúng tôi quan sát được những khung cảnh kỳ vĩ, tráng lệ lạ thường. Ánh nắng chiều làm tất cả sáng bừng lên, lung linh là những vườn cà phê, những khu rừng chạy tít tắt đến tận chân trời. Tôi có cảm giác như thu vào tầm mắt cả vũ trụ mênh mang. Gió vi vút, mát và hơi lạnh. Nắng chan hòa. Những đồi/ rừng cây cứ trải ra mênh mang. Đến giờ tôi mới thấu cái câu hát “Em yêu cao nguyên, cao nguyên đầy gió”. Và đây đó, qua khu vực đông dân cư, những bạt cà phê, tiêu được phơi phong ra trước cửa nhà. Tự bản thân thiên nhiên và cuộc sống nơi đây mang đến một nét riêng, khác biệt cho một vùng miền. Nhìn những con người da ngăm đen, đeo gùi qua đường hoặc đi xe máy thấy cuộc sống sao mà phóng khoáng, bình yên. Điều đó hiện hữu trên nét mặt, ánh mắt, và cả sự cởi mở của họ. Có lẽ là do thiên nhiên, địa lý, đất đai, thổ nhưỡng ở đây ưu đãi con người – kiểu khí hậu khá ôn hòa - nên không ai khắt khe, không ai khắc nghiệt thì phải. Bởi khi chúng tôi qua Đồng Nai, khu đông dân cư, một bạn bị cảnh sát giao thông bắn tốc độ, xe tôi vọt qua đứng lại chờ ven rừng cao su, một chú đã dừng lại bảo đoạn đường này các cháu chạy xe từ 40km trở lại thôi, đến đoạn này, đoạn kia hãy chạy nhanh. Ở miền Bắc chẳng ai không dưng lại mách nước như thế cả, ít nhất là kinh nghiệm đi xe của tôi. Rồi những lúc hỏi đường, vào quán nước nghỉ, vân vân, gặp con người tôi đều thấy một thái độ ân cần, thoải mái, dễ mến tương tự. Bản thân tôi chẳng biết nói gì, miệng bật ra lời cảm ơn như một phản ứng vô điều kiện hoặc kiểu quán tính.
          Lần đầu tiên tham gia một hành trình có tính chất một cuộc phượt nên cái gì với tôi cũng mới, cũng gây ấn tượng, có khi rất mạnh mẽ. Nhưng cảm giác mạnh nhất, ấn tượng khắc sâu nhất là những lúc lên dốc, đổ đèo. Ở những cung đường này, tôichỉ làm xế lên một nửa con đèo mà thôi. Còn lại tôi ngồi đằng sau, đúng như vịtrí thỏa thuận ban đầu với bạn đồng hành, thực hiện chức năng của một “ôm”. Cả hai con đèo chúng tôi qua là đèo Bảo Lộc và Prenn đều dài đến hàng chục cây số. Lên đèo Bảo Lộc lúc khoảng 4h chiều. Dừng lại ngắm cảnh, chụp ảnh, tôi lặng đi vì vẻ đẹp, sự hoang vu, cái thuần khiết đến long lanh của khung cảnh. Hóa ra từ trước tới giờ tôi hiểu không chuẩn lắm về hình ảnh “nắng qua đèo” trong ca từ của Trịnh. Sự nguy hiểm, cái cheo leo, chông chênh của đèo dốc dạy tôi cách tập trung, cho tôi biết giá trị của sự sống, biết quý giá những sự cộng tác, chở che trong những lúc cùng đồng hành. Hai con người trên một chiếc xe cùng một cảm xúc, suy nghĩ và xung động con tim. Chẳng ai nói nhiều nhưng đều hết sức bình tĩnh, cẩn trọng và luôn luôn trang thủ ngắm nhìn những khung cảnh vẽ ra trước mặt.
Khi đến đèo Preen thì trời đã tối mịt mù. Con đèo cuối cùng để vào thành phố Đà Lạt cũng dài và nguy hiểm không kém đèo Bảo Lộc. Tôi lúc này hoàn toàn là một “ôm” đúng theo mọi nghĩa. Số mệnh của tôi trao gửi trọn vẹn cho bạn đồng hành. Vì xe chúng tôi lạc đường ở ngã rẽ chỗ lên cao tốc nên đi đến đèo này hơi muộn. Trời tối khá nhanh và cái lạnh ập đến bất ngờ. Dù đã chuẩn bị khá chu đáo song chúng tôi vẫn mang hơi ít áo ấm thì phải (vì Sài Gòn rất nóng). Có bao nhiêu áo ấm có thể mặc đều nhét hết vào người. Tất cả mọi người, trừ tôi, đều mặc luôn cả áo mưa trước khi đổ đèo vào thành phố. Tất cả chúng tôi đều dặn dò nhau là phải đi cẩn thận, bám sát nhau nhưng xe tôi vẫn cứ lao nhanh hơn. Ngồi sau xe, đi giữa rừng thông thâm u, tịch mịch, tôi ít để ý đến đường và cảnh bởi để ý cũng không nhìn thấy rõ. Tôi lặng đi để cảm cái không khí thơm tho, mát lành, có phần huyền hoặc của những rừng thông điệp trùng tiếp nối. Lần đầu tiên trong đời tôi được sống trong hương rừng đúng nghĩa, trong một cảm giác được chở che, trong lúc mà tâm hồn quên đi mọi thứ để mở ra cùng thiên nhiên, để cùng người đồng hành đến đích. Có thể gọi những giây phút như thế là tuyệt vời hạnh phúc của yêu thương, chia sẻ và đồng cảm.
Đích cuối cùng được chúng tôi cán vào khoảng 8h tối. Thành phố Đà Lạt mở ra trước mắt chúng tôi vô cùng đẹp. Tất cả đều ngỡ ngàng, say đắm và chỉ thốt lên một câu “quá đẹp!” và còn dự định kéo dài chuyến đi hơn. Thành  phố cao nguyên buổi tối, với hoa, với cái lạnh ngọt ngào se thắt, với những kiến trúc biệt thự mỹ lệ, với thông xanh, với không khí êm đềm, mơ mộng… đã làm xao động tất cả mọi trái tim. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi Đà Lạt là thành phố mộng mơ, là một Paris của Việt Nam. Không gian, cảnh vật, không khí, nhất là cái lạnh đặc trưng của đêm mang con người đến gần nhau, hòa quyện khăng khít với nhau. Vì thế, nên những đôi tình nhân đến đây có lẽ cũng được hưởng cảm giác trọn vẹn của yêu. Có lẽ không cưỡng được trước vẻ đẹp của thành phố với bao con dốc, với không khí lãng mạn, thơ mộng này nên 1h đêm, tôi và bạn đồng hành vẫn tiếp tục lên xe, tiếp tục phượt đêm thành phố trong cái lạnh táitê, sự tĩnh mịch, vắng lặng đến u huyền, rờn rợn. Tạm dừng lại ở đây để trở lại với những cung đường chúng tôi đã qua. Tôi sẽ dành riêng một bài viết cho thành phố hoa, thành phố của những con dốc tình này ở kỳ sau bởi đây chính là cái đích cuối cùng mà chúng tôi đến trên hành trình của mình.
Tôi mê Đà Lạt, tôi háo hức với Tây Nguyên vì có em Dã quỳ. Lúc mới vào Sài Gòn, Tuấn – bạn đồng hành của tôi – có nói rằng vẫn còn dã quỳ thầy ạ. Tôi mấp mỏng hy vọng sẽ được theo dấu dã quỳ, đi tới xứ mộng của sắc hoa hoàng kim trong ánh nắng rạng ngời Tây Nguyên. Nhưngcó lẽ tôi và em đã vô duyên với nhau. Những con đường dã quỳ không còn nữa. Hết mùa và em đã tàn tạ, hoa đã phôi pha, phai nhạt sắc đẹp lộng lẫy, hoàng kim. Những bông hoa nở muộn vẫn đẹp xinh trong vẻ đẹp hồn nhiên, hoang dại, trong sắc vàng kiêu kỳ, rực rỡ nhưng có gì lỡ làng, có gì như một sự níu kéo, vớt vát nhan sắc xuân thì đã một đi chẳng trở lại. Cung đường đi đến thác Pongour lúc trở về, tôi thấy cả những đoạn dài hàng cây số là dã quỳ, nhưng chỉ còn lại cành lá đen thủi, chỉ còn những cánh hoa đã khô héo, đã bào mòn hết sức sống chonhững mùa hoa lộng lẫy như con tằm rút hết ruột nhả những sợi tơ mềm, tơ tình. Thôi thì sẽ hẹn em trong dịp khác, dù không hữu duyên nhưng tôi sẽ cố tạo duyên, ít nhất là được nhìn ngắm em thôi, để cho thỏa nỗi tương tư của tơ tình còn vướng vấn, những sợ tơ tình muôn thuở sau những cuộc hạnh ngộ, những cung đường chúng ta đồng hành cùng nhau.
Tuy nhiên, cung đường đến thác Pongour này đã cho chúng tôi chiêm ngưỡng hết những nét đặc trưng của những con đường Tây Nguyên. Trởi xanh ngắt. mây trắng như bông. Con đường hun hút ngợp nắng và gió. Những ngọn đồi mở ra thung sâu và đâu đó dòng sông lấp lóa trong nắng trưa. Bao đồi cà phê nhấp nhô nối liền tạo ra những hình khối sắc nét, nổi bật. Thi thoảng, ở đâu đó, vài ngôi nhà nho nhỏ thấp thoáng trong màu xanh đậmcủa cà phê, cây cối khiến tôi không khỏi liên tưởng đến không gian của “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”. Tây Nguyên quả là đẹp, đẹp cái hùng vĩ, phóng khoáng, hoang dại và cả ma mị nữa.
Có một đặc điểm nổi bật trên hành trình với những con đường chính chúng tôi qua là suốt dọc hai bên đường, từ Đồng Nai đến Đả Lạt là những xứ đạo liên tiếp, san sát cạnh nhau. Chúng tôi đi trong thời gian của mùa vọng Giáng Sinh, đón mừng năm mới nên ở nhà thờ nào, xứ đạo nào cũng thấy những hoạt cảnh dựng lại tích Chúa giáng sinh. Những nhà thờ, đủ quy mô, kiểu kiến trúc, vẻ đẹp liên tiếp hiện ra khiến chúng tôi sững sờ. Trong kiến trúc của nhà thờ ở đây, có thể nhận ra điểm nổi bật là những cây thánh giá ở đỉnh mái được cách điệu theo hình ngôi sao và thiết kế mang những điểm truyền thống của kiến trúc bản địa: mái dài, dốc. Trên hành trình trở về, những xứ đạo lại khiến tôi ngỡ ngàng thêm một lần nữa bởi những dây đèn giăng kết, thắp sáng lung linh. Những nhà thờ luôn nổi bật trong màn đêm. Có đoạn đường hàng cây số là những đèn dây nối liền cùng những cây thông nhấp nháy đèn màu ở trước mỗigia đình. Không khí ở xứ đạo, nhất là ở trong nhà thờ khi làm lễ luôn trang trọng, tôn nghiêm và thiêng liêng. Vì chính tôi cũng từng được tham gia buổi lễ Noel ở một xứ đạo nổi tiếng miền Bắc – xứ Bùi Chu – cách đây 3 năm. Tôi chưa có thời gian để tìm hiểu về con đường này cùng lịch sử của nó nhưng tôi có nói với bạn đồng hành là: đây ngày trước chính là con đường truyền giáo, con đường mà người Pháp khai phá Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Họ đi đến đâu sẽ mang theo đạo, gieo niềm tin kính Chúa cùng văn hóa của họ tới dân bản địa. Đó chỉ là những phỏng đoán của tôi, còn xác thực thì có lẽ các bạn, và nhất là tôi phải đọc,tìm hiểu thêm nhiều dữ liệu khác.
Những cung đường còn có thêm nhiều ngã rẽ khác, với những trải nghiệm và khám phá kỳ thú khác nữa mà bản thân ngôn từ khó mà diễn tả hết. Tôi sẽ tiếp tục viết về những trải nghiệm ấy trong kỳ sau của chuyến đi này với những cảm xúc của cá nhân mình. Song có một điều chắc chắn rằng, những cung đường đầu tiên đưa tôi tới cao nguyên sẽ còn đưa tôi trở lại khi tôi có thời gian và vẫn còn sức khỏe, vẫn có những bạn đồng hành tuyệt vời như vừa rồi. Hình ảnh về những đồi thông ngút ngàn, bình nguyên xa vắng, mặt trời cuối đèo, cảm giác tê lạnh trong cái gió rét, không gian hùng tráng của núi đồi như đang đồng hiện trước mắt khi tôi viết những dòng này. Những cung đường, bao giờ cũng thế, luôn luôn đem đến những khám phá kỳ thú, những rung động mới mẻ, những dư tình sâu sắc, những thấu hiểu về quê hương, đất nước, về con người và về chính mình. Nó thôi thúc ta tiếp tục đi và cũng luôn hướng ta biết trở về. Nó kết nối những tâm hồn, để chúng ta đồng cảm với nhau trong những khoảnh khắc nào đó, để chúng ta biết trân quý và trân trọng nhau trong những giờ phút cùng đồng hành.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ