HÀNH TRÌNH SÀI GÒN – ĐÀ LẠT: KHÁM PHÁ VÀ SẺ CHIA (Kỳ 3)


Kỳ 3: Hành trình tương trợ và sẻ chia

Ôm lòng đêm
 nhìn vầng trăng mới về
 nhớ chân giang hồ…
                             (“Phôi pha” – Trịnh Công Sơn)
          Đến Đà Lạt thì không thể không ghé những quán cà phê rất đặc trưng của thành phố sương mù. Nhưng cũng chính quán cà phê ở đây – quán Cung Tơ Chiều chúng tôi ghé qua, một quán rất đặc biệt, tạo nhiều dư luận hiếu kỳ - đã chia rẽ đoàn đi chúng tôi thành hai nhóm: 4 người quyết định vô quán dù phải leo đồi và hoàn toàn không có ánh điện, lối lên rõ ràng; 4 người còn lại quyết định thoái lui vì cảm giác u tối, rờn rợn hay ngại một cái gì đó. Về quán cà phê này có lẽ tôi sẽ viết vài dòng ngắn ở bài viết tới về Đà Lạt nhưng thú thực thì nó vẫn chưa đủ huyền bí, u tịch, ma mị như hình dung của tôi khi đọc người ta viết về nó. Khi rời quán, chúng tôi có hẹn bốn bạn kia đi ra hồ Xuân Hương cùng ngồi uống bia, nhâm nhi cùng gió núi, cùng cái lạnh sắc ngọt lịm của đêm phố núi. Các bạn đó đã không ra vì về khách sạn, và có lẽ họ ngại lạnh. Chính trong lúc chúng tôi tách nhau, chúng tôi mới nhận ra những giây phút đã gắn kết trước đó và sẽ luôn gắn kết trong suốt hành trình sau đó trở về.
          Hòa mình trong đêm vắng, lắng nghe ngàn thông vi vút cùng gió thốc, chúng tôi ngồi đây, những người tứ xứ, tâm tình, đồng cảm, dù chúng tôi không nói nhiều. Trên thực tế, nhiều điều không nói, cứ để tự cảm nhận sẽ hay hơn, thấm thía hơn. Vài lon bia cùng vài thức ăn nhanh đơn giản đủ làm nên một trải nghiệm rất thú vị và khác thường. Ngày mai, chúng tôi sẽ lên đường về. Và thời gian sau này nữa, có thể chúng tôi sẽ còn hạnh ngộ, sẽ trở thành những người bạn lâu dài, cũng có thể mãi mãi chẳng bao giờ gặp nhau. Cuộc gặp gỡ tình cờ và một hành trình ngẫu hứng giúp chúng tôi đồng cảm, có những khoảnh khắc yêu thương, giúp đỡ chân tình. Những chuyện tào lao và cả những chuyện đời, những tâm tình được hé lộ. Có những khoảng lắng cả bốn người dừng lại nhìn ra mặt hồ tĩnh lặng, để mặc cho gió lạnh hiu hắt táp vào mặt. Dường như lòng tôi đã trở thành một mặt hồ, thật bình yên, êm dịu, thư thái, bồng bềnh như chính không khí đêm Đà Lạt. Bạn nói đến âm nhạc, nói đến Trịnh, đến những quán cà phê, những chuyến đi và cả phận người. Tôi nhắc đến ca khúc “Phôi pha” và nói vài điều về cái tâm thức của bước chân giang hồ lỡ dở. Lạnh quá tôi không thể hát cho mọi người nghe những lời ca “phôi pha”, dù trước đó, ở quán cà phê tôi cũng có hát. Không biết với ba bạn đồng hành còn lại của tôi (Tuấn, Quang, Thuận) cùng ngồi bên hồ đêm đó có cảm giác như thế nào nhưng với tôi, đó là một trong những khoảng lặng vô cùng quý trong chuyến đi. Từ xa lạ, chúng tôi đã quen biết, và có thể, ở một lúc nào đó, đã rất quý mến nhau, đồng điệu, lắng nghe nhau. Tôi đã quên hết mọi ưu phiền, tâm hồn như được giải thoát khỏi những bức xúc trước đó. Và đến cuộc đi này, tôi càng thấm thía hơn cái lẽ là điều quan trọng là con người ta sống với nhau bằng sự chân tình, biết lắng nghe, yêu thương và chia sẻ, chẳng quan trọng xa hay gần. Sự tình cờ luôn mang đến những niềm vui bất ngờ, thú vị.
          Nhiều người xung quanh thường nói tôi khó gần, hay khó chia sẻ, hay sống với cái tôi quá lớn, vân vân… Tôi không bao giờ vặc lại hay bác bỏ gì. Cuộc sống của tôi là do tôi lựa chọn và không phải ai cũng có thể hợp, có thể sẻ chia hay lắng nghe. Cho nên tôi tự giới hạn ở một chừng mực nào đó, theo một nguyên tắc của công việc hoặc xã giao. Bản thân tôi tự nhận thấy mình không phải là người khép kín, cũng chẳng bao giờ có ý nghĩ mình hơn người khác mà ứng xử khinh trọng, hay chê bai. Với tôi chỉ có hợp và không hợp. Hợp thì cùng sẻ chia, không hợp thì dừng lại ở xã giao, những thứ cần thiết nhất cho công việc. Trong nhiều chuyến đi chung, tôi cũng không thấy được xả hết cỡ, được thoải mái hoàn toàn, vẫn cứ thấy gờn gợn người này để ý người kia hay có những ý hướng không được hài hòa lắm. Cũng có thể do tôi, tôi thích những thứ khác, thích kiểu đi khác, đã gây khó chịu cho mọi người. Và trong tất cả mọi trường hợp, tôi im lặng và những lúc cần thì, theo đám đông. Còn lại, tranh thủ mọi thởi gian có thể để đi theo hướng khám phá của mình, theo sở thích của mình. Điều này tôi phải thừa nhận những đơn vị làm tour cũng khá tinh, khi họ dành những khoảng thời gian nhất định cho những đoàn khách tự do khám phá, bên cạnh lịch trình cố định.
          Tôi phải nói hơi dài dòng một chút như vậy để một lần nữa khẳng định ý nghĩa của chuyến đi này. Bản thân tôi và nhiều bạn tôi nói rất đúng, không nên đi du lịch theo một đoàn đông mà nên đi theo nhóm nhỏ, cùng sở thích, chí hướng sẽ thoải mái hơn. Dù tôi và 6 bạn đồng hành vừa qua lần đầu gặp nhau, lần đầu đi chung nhưng lại thấy rất tương hợp. Chẳng cần phải giới thiệu hay nói quá nhiều, chúng tôi, ngay từ khi tập hợp đầy đủ, khởi hành chính thức, đã coi nhau là một khối, một tập thể cố kết, cùng tương trợ, giúp đỡ, đồng hành với nhau trong suốt chặng đường dài. Ai cũng có cái tôi riêng, và trong các bạn trẻ đi cùng tôi đó, có người còn có cá tính rất mạnh. Song tất cả đã gạt qua một bên, bỏ lại mọi khó chịu hay những bực dọc với những gì không vừa ý mà người khác làm, để hướng tới cái đích chung, khám phá, an toàn, tương trợ. Các bạn đồng hành của tôi, những người trẻ, ở họ luôn có sự vô tư, cả cái khí chất rất thẳng thắn, sòng phẳng của người nam, có cả sự phóng khoáng và luôn tôn trọng kẻ khác. Điều đó, chính tôi đã phải học các bạn, và chính vì tinh thần ấy, chúng tôi có một chuyến đi trọn vẹn.
          Trong chuyến đi này, “hai thầy trò Đường Tăng” chúng tôi có lẽ là những gây ra nhiều phiền toái về thời gian, khiến mọi người phải chờ đợi rất nhiều, nhất là hành trình đi. Ít nhất có hai lần chúng tôi phóng trước, bị lạc đường tới vài cây số và làm chậm tiến độ của đoàn đi. Lần đầu là xe của chúng tôi với xe của Thanh + Tuyên, khi qua Dầu Giây, cứ phóng thẳng quốc lộ 1 mà không rẽ vào đường đi Lâm Đồng. Lần 2, hai chúng tôi nhìn theo biển chỉ dẫn, cứ thế phóng xe theo đường cao tốc để vào thành phố Đà Lạt. Kết cục là sau vài cây số, hết làn dành cho xe hai bánh và xuất hiện biển cấm xe hai bánh. Chúng tôi đã định liều rẽ vào một con đường mòn nhỏ vì tưởng rằng thành phố ngay bên dưới, nhưng cuối cùng là quay lại, trong khi mọi người phải đứng vêu ra chờ trong giá lạnh, trong sự muộn màng của hành trình. Không biết, nếu cứ theo cảm tính mà lao theo con dốc mòn đó thì chúng tôi sẽ đi đâu nữa? Chỉ biết rằng, lúc chúng tôi bắt kịp mọi người, tất cả đều bảo là: hai người không được đi trước, phải đi ở giữa.
Chúng tôi đi đường gặp một vụ tai nạn. Hai bạn đi trước chúng tôi phải cố ý đi chậm lại nhắc Tuấn điều khiển xe cẩn thận. Rồi chúng tôi lại chờ nhau, để cùng 4 người phía sau vượt đèo Prenn vào thành phố. Tôi và Tuấn lại đi trước, để lại hai bạn chờ 4 bạn kia ở ngã rẽ trước. Đến ngã ba đường rẽ vào đèo Prenn, chúng tôi đứng lại chờ tất cả mọi người. Trời càng tối càng lạnh tái tê. Mấy chị, mấy cô ở gần đường còn nói là vài hôm trước Đà Lạt lạnh đột ngột, đêm nằm không thể ngủ được. Dù có bao nhiêu áo ấm có thể mặc hết nhưng hai chúng tôi vẫn vừa chờ vừa run. Khi mọi người bắt kịp thì Thế Anh và Linh đã mua cho mỗi người một chiếc áo mưa, vừa để phòng mưa lúc lên đèo, vừa để bớt lạnh. Sự quan tâm và tính cẩn thận, chu đáo ấy khiến chúng tôi bình tâm hơn, tiếp tục vững bước vượt đèo trong đêm tối, sương mù. Mọi sự chờ đợi trên hành trình mọi người đều chấp nhận, đều vui vẻ sẻ chia, không một lời phàn nàn. Đó cũng là một điều tôi cần phải rèn, phải tập cho bản thân mình, để có thể bình tĩnh, sáng suốt và thực sự thoải mái trong mọi trường hợp. Chỉ những điều nhỏ như thế thôi nhưng khiến bản thân tôi thấy được đồng cảm, chia sẻ khá nhiều.
          Nhóm 8 người đi, ở nhiều lứa tuổi và tính cách, số lượng đủ làm dậy lên nhiều chuyện, có thể vui, có thể không hẳn vui. Tuy thế, tôi có cảm giác mọi người cố nói ít, hoặc cố không nói chạm đến những nhược điểm, lỗi lầm của nhau thì phải. Cuộc đi không có tiếng cười vang, râm ran nhưng cũng không có những chuyện trách móc, mỉa mai hay bóng gió này nọ, những thứ tôi hay được/ phải nghe, kể cả trong những chuyến đi chơi cùng đồng nghiệp. Tôi quý tinh thần ấy của tất cả mọi người trong nhóm vì ai ai cũng hướng tới cái điều tốt đẹp ở nhau, muốn tìm để sự thoải  mái, vui vẻ nhất. Những câu chuyện cứ trôi nhanh, và hầu như không bị nhắc lại. Và rõ ràng mỗi người chúng tôi đều hy sinh cái sở thích riêng Tây vì cái chung. Bản thân tôi, và tôi biết các bạn cũng muốn đến nơi này, nơi khác nữa nhưng kết cục lại không được. Sự tự do, bột phát và ngẫu hứng lại đưa chúng tôi đến một địa điểm bất thường nào đó trên đường. Nói không tiếc thì không hẳn nhưng cái tiếc đó thì để trong lòng, ai cũng như muốn gặp lại Đà Lạt để thực hiện hành trình đến những nơi đã bỏ lỡ đó, mà rõ ràng nhất là chúng tôi đã không kịp đi cáp treo qua Thiền viện và đến dinh 3 của Bảo Đại. Thay vào đó, chúng tôi lại đi rất xa đến làng Cù Lần, để rồi có một bữa ăn đồ rừng nướng không thể ngon hơn, để rồi ngẫu hứng tiếp đi ra triền bãi ven hồ chụp hình với ngựa, cùng cảm nhận không khí trong trẻo, bình yên. Có thể ban đầu, với một vài bạn thì đi để cùng mọi người, vì cái chung, nhưng kết cục thì ai cũng vui, cũng thấy ý nghĩa và tìm được sự thư thái, tìm được vẻ đẹp cho mình.
          Con đường trở về có vẻ gian nan hơn, dù đi nhanh hơn do đổ đèo hầu như chỉ là trôi dốc, bởi một lý do rất chính đáng là nó mất đi cái háo hức của sự chinh phục đích đến, thay vào đó là những vương vấn, nhớ tiếc. Chính trên quãng đường về, tôi cảm nhận được rõ nhất sự đồng hành, tương trợ và chia sẻ của mọi người cho nhau. Thay nhau làm xế là chuyện đương nhiên. Song điều tôi đặc biệt xúc động, thấy rất trân trọng tình cảm của mọi người là chia sẻ hiểm nguy, luôn luôn bám sát nhau, nhất là ở những đoạn đường nguy hiểm. Trời tối khá nhanh và thị lực của tôi đi trời tối quả là một thảm họa. Xe thì đèn rất tối và không thể chiếu sáng tầm xa. Song tôi vẫn làm xế được vì luôn đi ở giữa, bám sát các bạn trước tôi. Một đoạn đường không dài, chỉ khoảng 40km tôi làm xế lúc tối trời, và nhiều nơi hoàn toàn không đèn, nếu không có các bạn thì tôi không thể đi được. Sức ép lại đè lên người đồng hành trên một xe. Các bạn đi trước giống như hoa tiêu chỉ đường, dẫn lối cho tôi đi và việc của tôi là giữ tốc độ để bám sát các bạn. Đi như thế, tôi chạnh lòng thấy hơi nhói buốt trong một vài lần, đã lâu rồi, hồi tôi mới đi làm, mới đi xe, đã bị bỏ lại phía sau độc hành. Và cũng đã từ rất lâu rồi, lần này tôi mới có cảm giác mình không phải kẻ độc hành trên một cuộc đi, dù ngắn hay dài. Chắc chắn rằng tôi sẽ còn ghi nhớ rất lâu, rất sâu cái cảm giác và cảm xúc ấy.
          Ý tưởng ban đầu của cái bài viết này của tôi sẽ có một đoạn dài dài viết về người học trò, người bạn đồng hành suốt trong mấy ngày rong ruổi, cùng cưỡi một con ngựa sắt, chia sẻ những hiểm nguy, niềm vui và rung động trước vẻ đẹp được thưởng ngoạn. Nhưng có lẽ viết ra là hơi thừa bởi chẳng cần nói hay viết nhiều thì chúng tôi có lẽ cũng hiểu nhau khá nhiều. Có nhiều điều để cảm hay hơn là nói ra một cách minh bạch, rõ ràng. Tôi chỉ muốn nói một lời cảm ơn em vì lời mời quá tha thiết, thậm chí giục giã khiến tôi lay động, thay đổi quyết định phút cuối, để có hành trình quá tuyệt này. Tôi cũng không biết và không cần phải biết cái lý do em tha thiết, thậm chí cả khiêu khích tôi vào Sài Gòn đi chuyến này là gì. Bởi cái quan trọng nhất là kết quả, là bản thân chuyến đi tôi được hưởng rồi. Em đã luôn giành về mình những cung đường khó khăn, hiểm nguy nhất. Em cũng luôn cố chiều ý tôi và đưa tôi đến những nơi tôi thích, để có thể biết được nhiều nhất có thể. Và trong những lần như vậy, tôi thấy rất vui vì những thứ tôi thích đã làm em vui, có ấn tượng mạnh, thậm chí theo hướng khác hẳn của tôi. Em cũng chính là người luôn để ý đến cảm xúc của tôi trong những nơi chúng tôi đến, lưu lại bằng rất rất nhiều bức ảnh độc đáo. Đó sẽ là những  kỷ niệm khó phai.
          Một chuyến đi dù không dài nhưng sự tương trợ và sẻ chia đã cho tôi không chỉ niềm vui, những khám phá kỳ thú, sự thanh thản và thoải mái, mà còn là cảm giác hạnh phúc. Bởi lâu lắm rồi tôi mới được nhận về mình, hoàn toàn cái cảm giác được chở che, được nâng đỡ, có được một điểm tựa cho những chông chênh của tâm hồn và cuộc sống. Tôi là một người sống khá độc lập, nếu nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ yếu đuối, mong manh nhưng kỳ thực thì không hẳn như thế, thậm chí còn là mạnh mẽ, quyết liệt. Tuy nhiên, đời sống ai cũng vậy, đều có nhu cầu được đồng cảm, sẻ chia, che chở, để có một vài khoảnh khắc bình yên tuyệt đối. Cám ơn tất cả các bạn của tôi, đặc biệt là người cùng đồng hành trên con ngựa sắt với tôi đã cho tôi những khoảnh khắc đó trong cuộc “du lãng” vừa qua.
Ngồi một lát, lắng lại một lát, thấy bao học trò, nhất là học trò cũ đã luôn nhớ, dành tình cảm và sự ưu ái cho mình, dù có khi mình đã và sẽ chẳng làm gì được cho chúng, dù mình cũng chưa đi dạy được bao lâu. Chợt thấy quý cái nghề của mình, thấy những việc làm của mình bao năm qua có một giá trị nào đó. Từ Tuân và bao học sinh khác, tôi thấy các em thực sự đã trưởng thành, có lối nghĩ và sống khá văn hóa. Đã có lúc tôi nghĩ tôi phải sống khác đi, không có thực thà hay thẳng thắn quá, để an toàn cho mình nhưng có lẽ tôi đã lầm. Có thể tôi sẽ sống khác đi, với ai đó, nhưng với tất cả học trò của mình, tôi sẽ luôn phải là người chân thành. Đúng là cuộc đời sẽ cho chúng ta những câu trả lời xác đáng nhất về những gì chúng ta đã làm. Tôi sẽ còn tiếp tục trên nhiều hành trình và chắc chắn sẽ còn đồng hành với các em, những học sinh của tôi, không chỉ với tư cách là một “ông lái đò” mà còn với tư cách là một người đồng hành đích thực, bình đẳng, để cùng sẻ chia những cung đường khám phá, và biết đâu là một vài đoạn đường đời.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ