ĐẦU XUÂN ĐẾN XỨ MƯỜNG...


Tiếng gà gáy râm ran báo tôi thức dậy sau một cơn say. Lần đầu đến nơi đây, say trong men rượu và tình cảm chân thành của gia đình bạn và mọi người. Một trải nghiệm rất khác, cho tôi cảm giác về một nơi chất phác, ban sơ và hồn nhiên.
          Ánh sáng mờ mờ chiếu vào khung cửa ngôi nhà sàn đơn sơ. Ngay từ giây phút đầu tiên đến đây, tôi thích vô cùng những khuôn cửa nhà sàn, ngồi tựa lưng vào đó, nhìn ra xung quanh, thung lũng, núi đồi, cánh đồng mía bát ngát ngợp  nắng chiều... Tất cả cho tôi một cảm giác bình yên, tạm lãng quên đi những muộn phiên, nói cho đúng thì đó là cảm giác an lạc đầu năm.
          Lặng ngồi hiên nhà, tôi có cảm giác thời gian như ngưng lại. Buổi sáng tĩnh lặng, sương giăng mờ ảo, phảng phất quanh những ngôi nhà sàn nhỏ, thấp thoáng đâu đó trên đồi mía. Bếp lửa được đốt lên ấm áp ở gian bếp. Ánh lửa hồng đó, tình cảm và sự chăm sóc của mọi người dành cho tôi, một người hoàn toàn lần đầu tới đây khiến tôi quên mình là kẻ lữ hành. Tôi có cảm giác như ở nhà của chính mình, có những giây phút thư thái, chuẩn bị cho một năm mới, đầy ắp những công việc, trách nhiệm, dự định.
          Ngồi uống rượu trên ngôi nhà sàn bập bùng ánh lửa có lẽ là trải nghiệm quá thú vị. Tấtcả mọi  người đều hết mình, tạm gác lại những lo lắng cho cuộc sống, để sống với niềm hân hoan đầu xuân. Âm sắc, giọng nói, thổ âm người Mường xen lẫn tiếng Việt. Thông thường, tôi luôn có cảm giác khó chịu khi người đang giao tiếp với mình lại nói với một người khác bằng  ngôn ngữ khác mà mình lại chẳng hiểu mô têgì, nhưng đến đây tôi hoàn toàn không còn cảm giác ấy nữa. Thái độ, cách biểu cảm của họ khiến tôi hiểu rằng họ hoàn toàn tế nhị trong giao tiếp và không nói điều gì không hay về mình. Xét trên một phương diện khác, tôi trân trọng ý thức gìn giữ ngôn ngữ dân tộc của mọi người, dùcuộc sống có hiện đại đến mấy chăng nữa. Gìn giữ ngôn ngữ, tạo một thói quen sử dụng ngôn ngữ dân tộc cũng là gìn giữ bản sắc, giữ lại cái hồn riêng của dân tộc mình.
          Món ăn ở đây cũng là một điều làm tôi bất ngờ. Cá đồ măng chua, rau rừng, hay đơn giản là những thứ cây nhà lá vườn nuôi được như ngan, gà. Hình như trên các miền quê hương Việt Nam, luôn có một hằng số chung của các món ăn của gia đình, của lao động, nuôi trồng. Từ trong bản chất của mình, người Việt xét đến cùng vẫn là những người nông dân, mang tư duy của người nông dân từ trong bản chất, kể cả việc ăn uống. Kể cả ở các thành phố, thị trấn, nhiều người vẫn  muốn tự trồng rau, nuôi gà cho gia đình. Thực tế, một lý do quan trọng là do an toàn thực phẩm, nhưng lý do khác là họ vui vì được thưởng thức chính thành quả lao động của mình. Và việc trồng rau, nuôi gà cũng là một thú vui, một công việc đem lại sự thanh thản, chờ đợi, hy vọng haycũng có thất vọng riêng. Khách đến nhà, gia chủ luôn luôn tự hào và thết đãi tận tình, đầy trang trọng vì chính cái đặc sản tự sản xuất đó.
          Trong chuyến đi này, tôi rất may mắn được đến nhà bạn ở Mường Bi, cộng đồng lớn nhất của người Mường, thuộc huyện Tân Lạc, Hòa Bình, nơi vẫn còn giữ được nhiều nét đặc trưng của người Mường. Nghe cô chú chủ nhà kể thì ở đây còn giữ lễ hội Khai Hạ, vẫn có thi hoa khôi các xứ Mường. Ở đó, những làn điệu dân ca, điệu vũ, và nhiều phong tục khác vẫn được lưu giữ, trình diễn. Trong lễ Khai Hạ, tất cả những sản vật của người Mường được đem bán, từ rượu ngô, sắn đến thú rừng, thịt quay, măng, rau rừng... Thật tiếc chúng tôi lại phải tiếp tục hành trình, không thể dự lễ Khai Hạ được nhưng chắc có lần nào đó, chúng tôi sẽ trở lại, giống như trở lại cung đường lên Mộc Châu sau hơn 3 năm của tôi, hành trình mà những hình ảnh của nó chập chờn trong vài giấc mơ xa tôi thi thoảng còn thấy.
          Xứ Mường giờ đời sống kinh tế khá phát triển nhờ trồng mía, theo đó cuộc sống cũnghiện đại hơn. Bạn chủ nhà nói một câu nửa đùa nửa thật rằng: Người Mường giờ nhà nào cũng có xe máy, ti vi, người nào cũng có smartphone. Trừ những người già thì tôi không thấy cô thiếu nữ nào mặc váy truyền thống nữa. Những toan lo cho cuộc sống, cho sự mưu sinh cũng len lỏi vào suy nghĩ, cách hành xử của con người. Nhiều người nơi đây cũng phải xa xứ đi làm ăn, vật lộn với cuộc sống. Sự hồn nhiên, chân chất cũng không còn như thuở ban đầu, theo những ý tưởng lãng mạn của con người. Mà đâu chỉ có người Mường, xứ Mường, ở đâu cũng vậy thôi, ngay cả quê tôi có khác gì. Hành trình sống của mỗi con người, sự thay đổi, theo cái nhìn tích cực là phát triển luôn có nhiều mặt, đồng hành với cái được, cái sự tăng trưởng vật chất là những mất mát khác, có khi còn lớn lao hơn được. Cho nên, xét cho cùng hành trình sống của chúng ta là hành trình trải nghiệm những mất mát, mất mát của cá nhân và mấy mát của cộng đồng.
Mọi sự vật, con người đều biến đổi. Một dân tộc cũng thế. Ai cũng phải thích nghi để tồn tại, phát triển, vì thế hệ sau, vì những điều họ trân quý, cho những hy vọng mới. Đời sống vô thường nên cũng  không thể đòi hỏi sư hoàn bị, nguyên vẹn của bất cứ một điều gì được. Điều cốt lõi nhất là tâm hồn, cảm xúc,  là những suy nghĩ, ứng xử văn hóa vẫn gìn giữ được là quý giá lắm rồi. Sống cho những gì tốt đẹp ở hiện tại, tận dụng những khoảnh khắc sống mới là điều quan trọng nhất. Hôm nay còn khai hội, còn được ngồi bên khung cửa nhà sàn nhỏ giữa thung lũng, giữa núi rừng đại ngàn thì ít nhiều cũng là nhịp sống, ít nhiều cũng đã được tự cảm cái nếp sống, nhịp sống của  người Mường, của bản Mường thực sự.
Ánh nắng đã xé toạc những sương mờ, và cuộc sống vẫn vận hành bất tận. Người chăn bò lùa đàn bò lướt qua trước khuôn cửa, đúng tầm nhìn của tôi. Tự nhiên thấy se thắt vì cái đẹp của sự giản dị, đơn sơ. Tiếng mõ của đàn bò vang xa dần dần như những dư âm còn vương mãi chuyến đi này. Đó cũng là cái thanh âm của tâm hồn con người và cuộc sống nơi đây. Tạm gác vài dòng tản mạn đầu năm để đi hội làng, rồi tiếp tục lên Mộc Châu. Đầu năm, tiếp tục đi, tiếp tục cho những trải nghiệm của đời sống ngắn ngủi mà quá nhiều đam mê cùng trách nhiệm.
PS: Bài viết vội coi như khai phím đầu xuân,  khai phím nhờ máy của bạn, ở nhà của bạn, ngôi  nhà sàn xứ Mường làm mê đắm tâm hồn tôi, từ cái khuôn cửa nhìn ra thung mía bạt ngàn nắng.
                                                                                                                                       
                                                         Tân Lạc, ngày mồng 6 Tết Ất Mùi


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ