MỘC CHÂU VÀ NHỮNG CUNG ĐƯỜNG KHÁM PHÁ
Kỳ 1: Cuộc hành trình thú vị nhưng
nhiều lỡ dở, tiếc nuối…
Rời
xứ Mường, tạm biệt những người bạn hiếu khách, ân cần, “hai thầy trò Đường
Tăng” chúng tôi tiếp tục bắt xe đi Mộc Châu. Sự nhiệt tình muốn đến Mộc Châu của
bạn đồng hành khiến tôi rất xúc động và có cảm giác yên tâm. Tiếc là chúng tôi
buộc phải bỏ qua Mai Châu vì thời gian còn quá ít mà những nơi muốn đến thì khá
nhiều. Xe chật, người đông nên chúng tôi không thể ngồi cạnh nhau, để cùng chỉ
trỏ, cùng trầm trồ trước cảnh vật ven đường qua khuôn cửa kính xe. Thi thoảng
đến chỗ nào đẹp, lạ, tôi buộc phải nhắc em, và em thì cố gắng nhìn qua những ô
cửa kính phía trên vì cái cửa gần em nhất bị rèm che kín vì ông khách ngồi cạnh
đó cần ngủ. Đi xe như thế cũng ít nhiều phần thú vị của những hành trình đi và
đến, những cuộc khao khát kiếm tìm, khám phá những vùng đất mới, khung cảnh
khác, con người đặc biệt. Nhưng chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, phải
đi, tranh thủ từng phút, để có thể đến nhiều nơi nhất, ở chỗ xa nhất có thể.
Hơn
3 năm trước, tôi đã lên Mộc Châu, vào những ngày hè để ăn cưới bạn. Lần quay
trở lại này, tôi đã liên lạc với bạn trước, để được hội ngộ, để biết sau hơn ba
năm, bạn sống như thế nào, cũng là có cơ sở thổ công thổ địa hướng dẫn chúng
tôi đi lại, thăm thú. Gặp lại cung đường cũ, những nét quen thuộc lại mở ra
theo từng chuyển động của chiếc xe. Núi điệp trùng tiếp nối núi. Nắng gay gắt
đầu xuân kèm thêm chút gió lào khô hanh, khác hẳn gió nồm của quê tôi những
ngày xuân. Thung lũng mở ra xanh mướt màu lá mận non. Xen kẽ thấp thoáng trong
những đồi, rừng, thung mận là những cây đào nở muộn, nụ hồng phớt, tạo nên một
cảnh tượng tuyệt mỹ. Cả hai chúng tôi chẳng thể nói thêm gì hơn ngoài việc trầm
trồ khen đẹp, một vẻ đẹp tự nhiên kiều diễm.
Xe
đi đường xa, đèo dốc quanh co nên dừng nghỉ nhiều. Hành trình nhiều lúc bị gián
đoạn, xen những tiếc nuối vì chúng tôi không thể chủ động dừng đỗ như đi phượt
bằng xe máy. Đó là cái giây phút chúng tôi nhìn thấy một đám trẻ người Mông mặc
váy áo dân tộc sặc sỡ ven đường. Những bộ trang phục dân tộc rực rỡ trong cái
nắng chói chang buổi trưa vùng cao làm nhói lên một vẻ đẹp thuần hậu, hồn
nhiên, trong trẻ miền sơn cước. Từng nét hoa văn, ánh mắt, gương mặt, cử chỉ
của các em khiến chúng tôi rung động sâu xa. Đến khi gặp bao người dân tộc Mông
khác, nhìn thấy những vẻ đẹp khác, chúng tôi vẫn cứ nhắc nhỏm đến khoảnh khắc
của cái đẹp bị bỏ lỡ kia. Trẻ em và thiên nhiên bao giờ cũng là những vẻ đẹp
khiến ta rung động sâu sắc nhất bởi chính sự thuần khiết, giản đơn, trong trẻo,
hồn nhiên. Khi mà cả hai nét đẹp ấy hòa quyện, thì còn gì hoàn hảo hơn?!
Như
mọi nẻo đường khác của Tây Bắc, đến Mộc Châu phải qua nhiều đèo dốc, núi non
chất ngất. Nhưng chính địa hình núi non, đèo vực đó lại tạo nên những thung lũng
đẹp đến bất ngờ. Ven hai bên đường, biết bao thung lũng mở ra với đào, mận,
những nếp nhà sàn nép mình trong màu xanh, sắc hồng của lá, hoa, nắng giao
thoa, phản chiếu. Hơn ba năm quay lại đây, cảnh vật ít nhiều đã thay đổi, nhiều
ngôi nhà sàn gỗ đơn sơ, thấp lè tè, chìm trong mưa ngày trước đã được thay thế
bằng những ngôi nhà tầng xây kiểu biệt thự, hoặc những ngôi nhà sàn sang trọng,
gỗ sơn bóng loáng, lấp lánh trong nắng. Bạn đồng hành có hỏi tôi: “Ở Đà Lạt, dã
quỳ là loài hoa dại đặc trưng thì lên đây, hoa gì là loài đặc trưng?” Tôi ngẩn
người chẳng biết trả lời ra sao thì nhìn thấy một đồi hoa dại mà dưới xuôi vẫn
cứ gọi là “hoa cứt lợn”. Tôi vừa cười vừa trả lời rằng là “Hoa cứt lợn”. hihi.
Tuy nhiên đó chỉ là câu nói đùa. Suốt
chặng đường đi, kể từ Hòa Bình, giờ lên Mộc Châu hay trong một số chuyến đi
khác lên miền núi cao, nhất là Tây Bắc thì hoa lau luôn làm tôi ấn tượng, gợi
nhiều cảm xúc hơn cả. Không hẳn lau đi vào thơ ca, nhất là cái “hồn lau nẻo bến
bờ” năm nào của Quang Dũng nhớ về Tây Tiến, nhớ cái buổi chiều biệt ly, có lẽ
rời Mai Châu để lên Châu Mộc (Mộc Châu), mà bản thân nó mang điệu hồn buồn.
Những nhành lau trắng xám, phơ phất, chơ vơ trong nắng, gió, khói, bụi, trong
thân phận vô danh khiến người ta nhìn mà
nao lòng. Tự nó đã mang vẻ đìu hiu, quạnh quẽ, xa vắng, buồn rười rượi khiến ta
ngẩn ngơ hoang mang. Lau biên giới lại càng tịch mịch, hiu hắt. Bắt gặp lau,
hoa dại, mận, đào, những rừng tre, vầu, cây bụi, thông… nghĩa là ta bắt đầu gặp
được cái hồn riêng, nét đặc sắc riêng của đất, cảnh Mộc Châu nói riêng và Tây
Bắc nói chung.
Lần đầu tiên lên Mộc Châu về, tôi
luôn khoe với bố mẹ là địa hình thật đẹp, đất đai rất tốt, ngô xanh mướt phủ
đầy cái dãy núi, đồi ven đường. Nhìn khắp nơi là thảo nguyên xanh, thung lũng
xanh, núi đồi xanh… Màu xanh ngút ngàn, quyến rũ lòng người ít được đi, ít được
làm kẻ lữ hành là tôi thuở đó. Lần này, cũng con đường ấy, những dãy đồi ấy,
chỉ thấy trơ ra là đất trống, cây lơ thơ, nắng hanh, khô nóng và đâu đó khói
đốt nương lởn vởn bay lên chuẩn bị cho mùa gieo hạt mới. Tôi nói với em rằng,
chúng ta hình như đi vào cái mùa ít đẹp nhất của Mộc Châu thì phải: mùa hoa mận
đã qua, hoa đào đương hết, ngô lúa thì chửa lên. Mọi thứ toát lên màu hoang vu,
vẻ trơ trụi, nhất là những ngọn đồi bị biến thành nương. Vẫn biết rằng cái mảnh
đất này phì nhiêu, tươi tốt đấy, còn quá nhiều bí ẩn, thậm chí hiểm nguy với
bất cứ ai, nhưng nó mất đi nhiều sự hùng vĩ, huyền hoặc, xa ngái của rừng hoang
núi thẳm. Chẳng còn đâu rừng nguyên sinh nữa, chẳng còn đâu cái cảm giác rờn
rợn đi giữa núi rừng xanh biếc, ngăn ngắt, ngút ngát của rừng. Lên miền núi cao
mà không có cảm giác được vào rừng thì cũng hơi hụt hẫng, tiếc nuối đôi phần.
Đi Mộc Châu chuyến này, cả hai thầy
trò chúng tôi đều rất ham hố khám phá nên cứ tìm những chỗ mà cư dân trên mạng
tung hô, tung hoa sốt sình sịch lên vì nó đẹp, độc, lạ. Cho nên, chúng tôi, đặc
biệt chủ yếu là tôi quyết định xuống chỗ nga ba Vườn Đào, đường vào thị trấn
Nông trường Mộc Châu, tự thuê xe, đi khám phá trước khi vào nhà bạn. Lý do nữa
là bạn tôi vì bận việc nên về hơi trễ, chỉ có phụ huynh ở nhà nên tôi cũng
ngại, không đến ngay. Cái thói nghĩ nhiều, hay câu nệ, khách sáo đã khiến chúng
tôi lỡ dở nhiều cung đường khám phá, rước lấy cảm giác mệt mỏi và tiếc nuối.
Phần nữa là chúng tôi nghĩ đơn giản rằng, nơi đây nổi tiếng thế, dịch vụ cho
thuê xe sẽ sẵn sàng như Đà Lạt nên cũng chẳng tính toán trước sau. Cho nên lúc
xuống nơi đã định, nhìn thấy những con đường xa ngắt, nắng chói chang, cây rung
tít, người thì đói và mệt nên hơi bị hoang hoải, nhưng vẫn cứ háo hức. Quyết
định đi xe ôm vào đồi chè trái tim, nơi các bạn trẻ đi Mộc Châu luôn tìm đến
chụp choẹt, up lên face khoe hàng. Đến nơi, dù đồi chè có đẹp nhưng vẫn không
làm chúng tôi hài lòng. Bởi mọi thứ chỉ có thế, mỗi đồi chè, đồi này nối tiếp
đồi kia, cũng không phải mênh mông, bát ngát thảo nguyên nên chụp một lát,
chúng tôi mệt lừ, thấy muốn đi mà chẳng có phương tiện, muốn quay ra đường lớn
về nhà bạn nhìn đường thì quá xa. Chè ở đây đang mùa cắt ngọn để cho búp mùa
sau cũng kém xanh tốt, kém đẹp. Trái tim thì cây chè ở trung tâm bị giày xéo
chụp ảnh, chết đơ ra, mất đi cái phần lãng mạn. Mấy cô gái mặc trang phục Thái
đi chụp ảnh lòe loẹt kiểu văn công khiến tôi chẳng mấy ấn tượng, dù em lại rất
muốn chụp ảnh với họ.
Chặng đường đi xa, trời nắng, bụng
đói đã làm giảm quá nhiều nhiệt tình và tinh thần của bạn đồng hành. Sau khi đi
vài chỗ, em quyết định dừng lại, ra quán cóc uống nước chè. Tôi thì tiếp tục đi
sâu hơn, vào những chỗ xa hơn để tiếp tục chụp, tiếp tục tìm kiếm xem có cây
đào nào vương sót lại không. Kết cục vẫn không thấy cái cần tìm, điện thoại
smartphone thì hết pin nên đành bỏ cuộc, quay ra với bạn đồng hành. Hai chúng
tôi ngồi uống nước chè tươi, ăn sữa chua, bàn tính. Có lẽ trong hai chuyến đi,
đây là lần duy nhất chúng tôi không tìm được tiếng nói chung, mất tinh thần đi
và tìm kiếm đến vậy. Tôi hơi áy náy vì cái quyết định của mình, không chỉ với
em, bạn đồng hành, mà còn với cả bạn cũ, rất chân thành, nhiệt tình, luôn dành
tất cả cho chúng tôi ở Mộc Châu. Đó cũng là một bài học, để mình bớt khách khí
hơn, ít câu nệ hơn, nhất là với những người đã có lúc sống với nhau trong những
bữa cơm sinh viên thiếu thốn, có gì chia sẻ hết cho nhau. Quyết định cuối cùng
là thuê taxi về nhà bạn tôi ở Mộc Châu, gặp phụ huynh bạn, rồi tiếp tục đi hay
nghỉ thì tính tiếp. Và quả thực đến nơi, nhất là khi lên ngôi nhà nhỏ trên núi
nhìn xuống thị trấn của bác phụ huynh, vườn đào của bạn tôi thì bạn đồng hành
của tôi mới hết ỉu, hết chán, lấy lại tinh thần hồ hởi. Mọi thứ lại có vẻ tốt
đẹp, vui vẻ, háo hức như ban đầu. Cùng với đó, những câu chuyện ngày hội ngộ
cùng tình cảm của gia đình bạn đã làm cho chuyến đi đầu năm thật ý nghĩa. Xin
để dành câu chuyện đó cho kỳ sau của bài viết.
27/2/2015
Nhận xét
Đăng nhận xét