MỘC CHÂU VÀ NHỮNG CUNG ĐƯỜNG KHÁM PHÁ (Kỳ 2)



          Kỳ 2: Chén rượu mừng ngày hạnh ngộ…
                                               
          Trong bữa cơm tại nhà bạn ở Mộc Châu, mình bảo với bạn rằng, đây là lần thứ hai lên nhà bạn và cũng là lần thứ hai được uống chén rượu mừng cho bạn. Mà sự thực là như vậy: hơn 3 năm trước, lên uống chén rượu mừng hạnh phúc, còn lần này, uống mừng gia đình bạn ổn định, uống mừng cho một năm mới an lành, cho cuộc hạnh ngộ của những đứa bạn do địa lý xa xôi mà chẳng mấy khi có dịp gặp nhau. Và ngay cả đêm uống rượu ở xứ Mường cũng là chén rượu hạnh ngộ người bạn quen tình cờ qua bạn đồng hành tại Hà Nội. Nhưng cuộc gặp này cũng chỉ thấy một bạn, những bạn kia, rồi mai mốt có khi trở thành “những người muôn năm cũ/ hồn ở đâu bây giờ?”, bởi sự chuyển dịch, dời đổi, xa lìa.
 Mỗi lần quay lại phòng trọ cũ do có việc, nhìn căn phòng đối diện, nhớ các bạn ấy, những người trẻ, sẵn sàng làm tất cả, để bắt đầu lập nghiệp giữ một thành phố xa lạ, một nơi cạnh tranh khốc liệt. Lần đầu tiên qua chỗ các bạn chơi, mình nghẹn lại vì sự dấn thân, chịu đựng của các bạn ấy, để tiến tới một cuộc sống ổn định hơn, nói như người bạn đồng hành của tôi: “bọn em không còn cách nào khác, đâu có gì hơn nữa để lựa chọn”. Tôi thực sự trân trọng và cảm phục các bạn, và bao người trẻ khác. Các bạn ấy khiến tôi nhìn lại cuộc sống của mình, mọi thứ, tôi đã chọn theo những giải pháp an toàn, theo cách cầu toàn nhất, để không bị ném ra, trần trụi, va đập với đời, để không có lúc nào phải chơi vơi, lênh đênh trong cái mênh mông của vòng xoay cuộc sống. Kể cả thời sinh viên, những năm tháng trẻ tuổi, sôi nổi nhất thì cuộc sống của tôi vẫn trong một vòng an toàn, ồn định, chưa bao giờ nếm mùi đói khổ kiểu mì tôm trừ bữa hay đại loại thế. Bởi mọi thứ đều nằm trong vòng một tính toán hợp lý của những đứa trẻ nông thôn ra thành thị đã từng phải đối mặt với bao khó khăn, thiếu thốn.
Cho nên, khi tôi quyết định phá vỡ, kháng cự lại cái vỏ kén bọc an toàn trong nếp sống ổn định, không biến động ấy, tôi bỡ ngỡ, tôi run rẩy và đã sai lầm, phải trả cái giá rất đắt. Nhưng tất cả là do quyết định của tôi, tôi không hối hận. Mà hối hận cũng chẳng giải quyết được gì khi kết cục đã vậy. Điều quan trọng là phải sống, sống cho tốt, cho cái hiện tại để tự mình giải quyết mọi vấn đề của mình. Hồi trước, nhiều học sinh hay bạn bè hay hỏi tôi, rồi bảo tôi cho lời khuyên, tôi thực sự không biết nói với các bạn ấy điều gì, và những gì tôi nói hầu như là lý thuyết, dĩ nhiên chẳng bao giờ sai, song để thực hiện thì sẽ không dễ. Đơn giản là con người không bao giờ là một cái máy thực hiện chuẩn xác mọi thao tác, để làm ra sản phẩm tinh vi theo ý muốn. Ngược lại, con người mang trong mình biết bao nhiêu cái cá thể, cái của cảm xúc cảm tính, nên sai số quá lớn, vênh lệch rất nhiều. Đôi khi, tự tôi thành thực với những học sinh cũ của tôi một điều rằng: đừng có bảo thầy khuyên gì cả, bởi cuộc sống của thầy còn non nớt, đơn điệu, ít trải nghiệm hơn các em nhiều lần. Lắng nghe những câu chuyện, những vấn đề của mọi người, tự tôi học được rất nhiều điều. Và từ các em, tôi cũng tự khuyến khích mình sống quyết liệt, mạnh mẽ hơn, mạo hiểm hơn, bớt do dự, để được gần nhất là chính mình.
Trở lại với câu chuyện của bữa ăn sau hơn ba năm gặp lại, tôi và bạn cụng ly cùng ôn lại chuyện xưa. Cả một quãng đời với bao khó nhọc, vấp ngã, mất mát của bạn lướt qua nhẹ nhàng. Ít có người nói lại một thuở thanh xuân với tất cả dở dang, lỡ làng của học hành, tình yêu, gia đình, ước mơ một cách đơn giản, thanh thản như thế. Những đứa học văn chúng tôi thường hay hình dung, tưởng tượng, hoặc cường điều nhiều thứ theo lối sến sẩm. Bạn lại khác. Bạn bằng lòng với cuộc sống hiện tại, với gia đình, công việc, với nơi bạn sinh sống, với những gì bạn đã bươn chải, vất vả tạo ra. Kể cả khi nói về người xưa, bạn vẫn giữ một thái độ rất khoan hòa, bình thản với một nhận định: Không đến được với nhau lại tốt hơn cho cả hai. Điều này khác hẳn với tôi, với những người bạn khác nữa của tôi, dù đã có cuộc sống riêng, mới, nhưng hồi ức về cố nhân, về tình xưa vẫn cứ da diết, hoài vọng, vẫn cứ bi ai, day dứt. Nhưng để làm gì? Chính bạn đã làm tôi thay đổi suy nghĩ rất nhiều.
Tôi với bạn thực sự không hẳn là thân mật ngay từ đâu bởi chúng tôi biết nhau qua một người bạn khác. Nhưng giữa cái thời sinh viên khó khăn, đói khổ của những năm 2004, 2005 gì đó, tự chúng tôi đến gần với nhau. Sự chia sẻ từ những thứ rất rất nhỏ đã gắn kết chúng tôi lại. Để rồi, cuộc sống và những lý tưởng khác nhau lại tách ra, có khi hàng năm, vài năm chẳng thể liên lạc do bận rộn, do những mối quan hệ khác, do mất điện thoại thì cũng mất luôn số liên lạc. Mà lý do làm gì cho hoa lá cành, điều quan trọng với bạn, là tôi ở đây, tại cái đất Mộc Châu này, tại nhà bạn, để nhìn thấy nhau, để uống chén rượu mừng vì sau tất cả, bạn đã ổn, điều đó là mừng nhất. Chắc là trong cái nhóm bạn ngày đó, tôi sẽ vẫn là kẻ lêu bêu, đầy bất an, bất ổn cho đến hết đời.
Bạn nói nhiều về những dự định tương lai và tôi tin rằng bạn sẽ làm thành công. Tôi rất thích, rất quý và trọng cách bạn làm công việc hiện nay, mọi thứ gắn với hoa, với đất, với bàn tay lao động, nhất là với niềm đam mê và sở thích. Bản chất chúng tôi mang trong người cái máu nông dân nên yêu đất đai và những công việc liên quan đến nó, làm đẹp, làm giàu hơn cho đất chăng? Nghe những lời than về cây khô và héo, nhìn cách người vợ của bạn múc vội mấy gáo nước tưới cây (vì không thể tưới bằng hệ thống do cắt nước) khi vừa trải qua hành trình mệt nhoài hàng trăm cây số, tôi rất xúc động. Những lời nói chân tình của cô ấy, của bạn khiến tôi quên đi mình là một ông khách, một kẻ lữ hành mải vui ở miền xa lạ. Chúng tôi không phải là bạn quá thân hay chơi quá lâu, biết quá rõ về nhau nhưng chúng tôi có sự đồng cảm, có nhiều điểm tương đồng mà chẳng cần phải nói ra cũng cảm được, nên tôi được hưởng không khí ấm cúng, cái không gian của gia đình trong một chuyến đi xa, xê dịch liên tục.
Người bạn đồng hành của tôi đặc biệt thích ngôi nhà nhỏ và khu vườn trên núi của bạn. Tôi trêu bạn ấy rằng: sau này có vốn rồi, lên đây bảo ấy để lại cho ít đất, rồi trồng hoa, nuôi gà, đúng cái cuộc sống lãng mạn của anh thanh niên trong tác phẩm văn học ở phổ thông ngày nào đã học. Và tôi cũng đùa với bạn một câu rằng: sau này tớ học xong, sẽ treo tất cả các loại  bằng cấp xúng xính đã có ở chuồng gà, chuồng lợn nào đó, lên đây làm quán cà phê theo kiểu của mình, sống giữa núi rừng, giữa vườn đào bạt ngàn của bạn. Cái dự án vườn đào ấy, tôi tin rằng bạn sẽ thành công, khi hơn 3 năm nữa, tôi sẽ trở lại, mà tôi cũng có thể trở lại sớm hơn. Và những lời nói đùa hôm nay, biết đâu sau này lại thành hiện thực, khi tôi không còn đủ sức lang thang, không thể lao vào cái vòng cạnh tranh khốc liệt hay vòng quay siêu tốc của cuộc sống thị thành, tôi phải về núi, theo đúng ý của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm khi xưa “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ…”.
Cuộc gặp gỡ này gợi lại bao không gian, bao gương mặt, bao sự kiện, bao thời gian đã xa. Những nơi ta đã qua, đã ở, đã gắn bó, hoặc chỉ lướt đi đều trôi mãi không ngừng, lần lượt diễu hành trước mắt. Những người xưa cũng chỉ còn tàn tích dư ảnh. Có phải chăng cuộc đời là những chuyến diễu hành trước mắt những cái qua đi mà chẳng bao giờ lấy lại, những người đã xa chẳng bao giờ thấy lại hình ảnh cũ, những nơi đã đến có khi không một lần ngoái nhìn. Chén rượu nồng hôm nay ngày mai sẽ nhạt mất hương. Cứ thản nhiên như bạn lại là một thái độ sống tốt nhất cho nỗi còn mất trên đời.
Mỗi con người trải qua một cuộc sống giống như một tập bài trên tay xếp theo hình nan quạt. Không gian, thời gian, sự kiện, con người, cảm xúc, trải nghiệm xếp chồng, giao thoa, mở rộng, lặp lại, phát triển… Mỗi không gian hôm nay đều mang ít nhiều dáng dấp của không gian hôm qua. Mỗi thời gian thực tại đang chồng lên và nối tiếp quá khứ. Gương mặt này vọng về từ gương mặt kia. Cảm xúc của giây phút đang diễn ra có khi sẽ lặp lại đâu đó vào một ngày không xa. Có thể nói một cách hình tượng là cuộc đời của một con người chính là “một liên văn bản rộng lớn nhất, sống động nhất”. Những văn bản lớn được tạo ra từ văn bản nhỏ, từ việc viết mới, xóa cũ, hay viết bổ sung, chằng chịt, bằng tất cả những trải nghiệm cá nhân hay ý thức bầy đàn. Cho nên, tự bản thân mình, đâu đã đọc hết được cuốn sách cuộc đời chính mình, thậm chí còn bỏ trang hay quên lãng, đọc lại bất ngờ với chính trang viết của mình ngày hôm qua.
Dòng chảy thời gian xô cuốn liên tục, xô chúng tôi văng ra theo bao hướng của cuộc đời. Nhưng vòng quay của trái đất lại đưa chúng tôi về với nhau, trong thiếu hụt hoặc bổ sung. Có những cung đường sẽ còn gặp lại, trong một lần tình cờ hay sự sắp xếp có chủ đích, cũng có những cung đường chẳng bao giờ kịp đặt chân lại một lần. Con người ra đi, để sống một hành trình theo vòng tròn nhưng chưa chắc đã kịp trở về. Cố hương còn mịt mờ nói chi là những trạm dừng chân trong cuộc đời lữ thứ. Song dù có bị văng vật thế nào, bị cuốn đi đâu thì mỗi người cũng phải sống, phải viết chính những trang đời của mình, gạch xóa, chồng chất, đứt nối, mất rồi tạo sinh, hạnh ngộ rồi lại biệt ly, đi rồi lại về…
Quỹ đạo đời sống khác nhau xoay chuyển chúng tôi theo chiều hướng cũng khác. Nhưng có một ngày nào, vô tình chúng giao thoa, để chúng tôi hội ngộ, để những tâm hồn, những trái tim trần trụi, với không ít tàn tích, tang thương được vá víu, được chắp liền trong một ít dư vị an ủi của niềm vui, hạnh phúc, nhất là chân tình bạn bè. Với tôi, những cuộc hội ngộ cùng những ân tình như một điểm trũng, như cái đáy để chúng tôi được chạm vào nhau, nâng đỡ nhau, cùng ngoi lên một cái mặt cao hơn, sáng hơn, bứt ra khỏi những mất mát, đổ vỡ. Chúng tôi vẫn phải chuyển động trong quỹ đạo riêng của mình, vẫn phải độc hành, viết tiếp những trang đời còn dang dở, hoàn thành cuốn tiểu thuyết chẳng bao giờ có thể hoàn thành. Và biết đâu đấy, trong một ngày nào đấy, chúng tôi lại cùng bị hút vào một từ trường, để biết mình đang tồn tại, chuyển động khi thấy sự chuyển động của người khác, thấy đời mình trong đời của người khác.
Sứ mệnh của những chuyến đi, của những hành trình sống, của những quỹ đạo đời phải chăng là sự kiếm tìm, khẳng định một hiện hữu, một bản thể sống qua những chuyển động của quỹ đạo khác, qua bản thể khác bằng những liên – văn – bản – đời.

                                                          Viết trong đêm mưa phùn, 3/3/15

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ