MỘC CHÂU VÀ NHỮNG CUNG ĐƯỜNG KHÁM PHÁ (Kỳ 3)

Kỳ 3: Những nẻo đường Mộc Châu: Thiên nhiên -  Cuộc sống – du lịch – bản sắc

Lần đầu tiên đến Mộc Châu, tôi ngồi nghe một cô người bản địa, cũng là một người họ hàng của bạn nói về đời sống của dân trên này khó khăn, về việc mận rẻ, đào rẻ và người ta đang chặt đào, chặt mận để trồng cây khác. Lúc đó, tôi chợt nhớ ra chiều hôm trước, khi đi trên đường, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy rất nhiều người dân tộc mặc váy (trang phục truyền thống). Trên con đường thiên lý gập ghềnh mà xe đi chậm như bò, lại bị công an túm vì thiếu lái, tôi thắt lòng nhìn những gương mặt bơ phờ, làn da xạm nắng, mời khách mua đào, mua mận trong tuyệt vọng. Tôi mua một cân đào, quá ngon mà giá rẻ như cho. Hồi đó chạnh lòng vì một vùng đất khí hậu tốt, đất đai khá phì nhiêu, ngô chè xanh mướt mà lại vẫn còn nhiều gieo neo thế. Tôi chỉ là khách qua đường, chưa hiểu và chưa đủ thời gian sống ở đây để hiểu, nên chưa kịp viết gì nhiều.
Năm nay, mận Mộc Châu nở, cư dân mạng sốt xình xịch vì cả một vùng đất đẹp như một thiên đường. Mận đã không bị chặt, không biến mất như nỗi lo của tôi. Lên nhà bạn, tôi thấy bạn đang thực hiện dự án vườn đào, đi đâu cũng thấy người người, nhà nhà trồng, giữ hoa, chăm lại những mảnh vườn đào, vườn mận. Dọc đường đi, những thung lũng mận xanh mướt xen với đào hồng tươi trong nắng khiến chúng tôi không khỏi trầm trồ. Các ngả đường trong thị trấn Mộc Châu, đi đâu cũng thấy những vuông đất trồng hoa, những khoảnh để những chậu hoa xinh xắn. Những ngôi nhà nằm trên những con đường uốn lượn, ngăn nắp, có dốc cao thấp, lại được trang điểm bởi bao sắc hoa. Nhìn khung cảnh này, tôi chợt nhớ đến Đà Lạt, những nẻo đường tôi đã đi qua, những con dốc lãng mạn, tình tứ, và hoa khắp nơi, đẹp mê hồn. Và giờ đây, ở Mộc Châu, tôi lại gặp những cung đường hoa.
Nhưng dẫu sao Mộc Châu vẫn rất khác Đà Lạt. Nếu đến Đà Lạt, bạt ngàn là thông reo vi vu, bát ngát những đồi, rừng thông xanh, đẹp, thơ mộng thì Mộc Châu là những quả đồi trọc, đến mùa xanh mướt ngô, xen với những thung lũng mận, đào, và ít rừng cây bụi. Mộc Châu duyên dáng với những nếp nhà sàn truyền thống, đôi khi rất hư thực khép nép dưới vườn mận trong sương thì Đà Lạt là những ngôi nhà gỗ, những biệt thự trang nhã. Đến Đà Lạt, ta có cảm giác được đến một thành phố chỉ dành cho du lịch, cho nghỉ dưỡng, cho những hoạt động, kể cả sản xuất nông nghiệp diễn ra rất chuyên nghiệp, bài bản thì đến Mộc Châu mọi thứ mới bắt đầu, vẫn còn khá nguyên sơ. Chính cái sự nguyên sơ, hoang dã, còn khá thuần túy đó tạo nên sức hấp dẫn của mảnh đất này. Dù thiên nhiên, rừng nguyên sinh rồi những vườn đào, mận cổ thụ cũng đã bị chặt hạ, vơi cạn nhưng ta vẫn thấy rất rõ là vẫn còn nhiều chỗ chưa có sự can thiệp thô bạo của bàn tay con người vào, dù là lý do du lịch. Nên, nếu cơ sở vật chất, đường xá, cách tổ chức, việc dân làm du lịch còn lâu nữa Mộc Châu mới đuổi kịp Đà Lạt nhưng ở đây, người ta lại có cảm giác đến với thiên nhiên, đến với cuộc sống của người bản địa gần hơn, có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trên các nẻo đường.
Chúng tôi đến Mộc Châu trong thời điểm lỡ cỡ và không phải lúc đẹp nhất bởi hoa mận đã tàn mà hoa ban chưa kịp nở, mùa đào vào cuối vụ, gió lào bợt đi sắc thắm, sự tươi tắn trên mỗi cánh hoa, những nương/ đồi chè chưa kịp xanh mướt mà vẫn chỉ là những cây bị cắt cành, trơ trụi chuẩn bị cho mùa tới. Đồi núi cũng héo úa hiu hắt và những đám khói tỏa lan của việc đốt nương, chuẩn bị cho mùa mới, hoa cải cũng chỉ còn vài vạt, vài đồi mà không là đại ngàn hằng hà bất tận. Song chúng tôi vẫn thấy nơi đây đẹp, vẫn tiếc chưa thể đi tận cùng khắp nơi. Bởi những đồi chè, thung mận, những vườn đào, vườn cải, những thảm cỏ xanh tươi… dẫu không phải lúc phồn thịnh nhất vẫn cứ đẹp một nét riêng. Đi khắp nơi, chúng tôi đều gặp những hình ảnh mà không phải ở đâu cũng có: những cô gái Mèo vẫn mặc váy, áo dân tộc đi làm, đi xe máy, đi công việc của mình. Dẫu rằng để tiện lợi thì có khi chiếc váy đó được cách điệu rồi. Họ mặc quần Jean bên trong những chiếc váy xòe nhiều màu sắc kia cho tiện trong các hoạt động công việc. Nhưng cái sắc màu thổ cẩm, cái dáng áo, nét mặt, thần thái vẫn toát lên vẻ đẹp của núi rừng, của một cái gì thuần khiết mà hoang dại. Đâu cần phải những khu bảo tồn, làng du lịch hay những thứ đại loại thế, một sắc váy Mèo lấp lánh trong chiều cũng đủ tạo nên bản sắc. Sắc màu trang phục này có gì cũng giống như việc người Mường nói ngôn ngữ gốc của mình khi mà chính họ đang sống, hưởng thụ nhiều phương tiện của cuộc sống hiện đại.
Điều thú vị nhất khi đi du lịch ở những vùng núi là cưỡi lên một chiếc xe máy, tự đi, đến, tìm những điều thú vị trên những con đường chứa nhiều điều bất ngờ. Hai “thầy trò Đường Tăng” chúng tôi cũng làm điều đó, dù bạn tôi muốn đưa đi hoặc có khi ngại vì bận việc không đưa chúng tôi đi được. Song chúng tôi lại thích tự đi hơn, cứ đi rồi sẽ đến, rồi sẽ có cái để ngắm nhìn, để thưởng ngoạn, để phải dừng lại mà cảm, tìm hiểu. Chúng tôi đã đi đến cùng một con đường bất kỳ, đến một bản của người Thái – có lẽ là một bản tái định cư theo diện quy hoạch thủy điện bởi những ngôi nhà nơi đây xây cất bằng chất liệu bê tông, sơn hiện đại, lại rất giống nhau. Cái cảm giác đi trên những con đường nhỏ, quanh co, men theo sườn núi, dốc đèo liên tục thật thú vị. Thời điểm chiều buông càng khiến chúng tôi mang nhiều cảm xúc hơn trước làn khói bếp xa xa trong ánh chiều đang lụi tắt. Cái đồi hoa tim tím mở ra trước mắt khiến chúng tôi ngây ngất trước vẻ đẹp hoang dại, đìu hiu lại chính là cái đồi hoa mà dưới miền xuôi chúng tôi gọi là “hoa cứt lợn”. Dẫu thế, nó vẫn đẹp, đẹp nguyên sơ nguyên khối. Những người phụ nữ Thái giặt giũ, trò chuyện, chải tóc bên hiên nhà gợi khung cảnh yên bình, đầm ấm. Đứa trẻ chăn dê đuổi vọt đàn dê vào chuồng khiến chúng tôi chới với chưa kịp chụp một tấm hình. Bao nhiêu thứ bình dị đã hút hồn chúng tôi một cách tự nhiên như thế.
Bạn đã dành một buổi sáng dẫn chúng tôi đi nhiều nơi quanh thị trấn và một số danh thắng ở gần đó. Tôi thấy người dân Mộc Châu đang cố làm du lịch, cố làm theo kiểu chuyên nghiệp là đằng khác. Những nhà vườn tổ chức đốt lửa trại trong không gian của vườn lan, vườn hoa, vườn dâu Tây. Những khu nghỉ dưỡng, những dự án du lịch cũng đang thi công để nơi này thành một huyện du lịch. Tuy nhiên, nếu muốn trở thành một huyện du lịch, một nơi chuyên làm du lịch kiểu như Đà Lạt thì Mộc Châu còn quá nhiều việc để làm. Chúng tôi đến thác Dải Yếm thì thác cạn khô, không một giọt nước mà chỉ còn dấu hiệu của cái mùa tràn trề nước trắng xóa đổ xuống trên những phiến đá nhạt rêu, còn hằn ngấn nước hóa thạch. Nếu làm du lịch chuyên nghiệp chắc chắn phải có cách cung cấp nước, để gọi là thác theo đúng nghĩa, dù biết nơi đây nước khá khan hiếm. Và những khu du lịch, làng du lịch tập trung kia không cho tôi cảm giác ở Mộc Châu chút nào. Có một cái gì đó như mất mát, như lệch lạc, teo tóp đi cái bản sắc, bản tính tự nhiên mạnh mẽ của các dân tộc, của thiên nhiên núi rừng, của đại ngàn thảo nguyên xanh trong khi cột mình trong những nơi ấy. Kể cả những vườn hoa cho thuê chụp ảnh chuyên nghiệp cũng không được xây dựng, thiết kế bắt mắt, đủ hấp dẫn mà quá manh mún, lẻ tẻ, ít ỏi.
Bạn đồng hành của tôi rất thích những cô gái ăn mặc trang phục xúng xính – một kiểu văn công bản làng đi giao lưu đầu năm về, dừng lại đồi chè chụp choẹt, hay một cô dạng hoa khôi gì đó, khoác lên mình bộ trang phục Mèo, thêm chiếc mũ mấn xinh xinh để làm sơn nữa lúc chiều buông. Tôi cũng có ấn tượng với sự rực rỡ ấy nhưng không cho đó là vẻ đẹp của dân tộc nơi đây. Cho nên, vườn nhìn thấy mấy cô người Thái rất bình thường ở ven hồ, cạnh dừng thông, tôi bảo em dừng lại chụp với họ. Tôi thích nét đẹp rất chân phương, không điệu đà kiểu cách, những lời nói quá vô tư với người lạ, không cần phải suy nghĩ quá nhiều, dẫu họ cũng là khách, những người khách từ Sông Mã xuống Mộc Châu. Tôi thích ngắm những người bán hàng ven đường, tóc tai hơi xù, nước da xạm đen vì nắng gió lào, ngồi xổm bán mấy thứ nông, lâm sản phẩm. Những nét đẹp đó, chẳng thể có khu du lịch, hay một cái làng văn hóa, chuyên du lịch nào có được. Bởi nếu chỉ cần nhìn trang phục, chỉ cần thấy sản phẩm, chúng tôi không cần lặn lội lên đây. Cái hồn, cái sắc, nét đẹp dân tộc là ở chính nét người, nếp sinh hoạt, ở những hoạt động rất tự nhiên, thường nhật, thậm chí kham khổ, thậm chí hoang dã ở người bản địa.
Đến rừng thông, lặng ngồi ven hồ ngắm mặt trời khuất núi, nhìn những ánh sáng cuối cùng lung linh rơi xuống mặt nước hồ, chúng tôi chợt nghe một giai điệu sáo Mèo vang lên từ cái quán bên kia hồ. Nếu là tiếng sáo vang vọng từ đầu núi thì còn hay hơn nữa nhưng trong không gian, không khí này, thứ âm nhạc, giai điệu đó cũng khiến chúng tôi lặng đi, mơ màng, thả hồn lơ lửng theo những gợn sương trên cành cây, ngọn núi. Nhưng cái giây phút mơ màng đó chỉ được vài phút ngắn ngủi. Điệu nhạc kết thúc, liền đó là một giọng ca gào lên những ca từ mùa xuân của ca sĩ thời thượng mà mọi người hay anh ta tự xưng là ông hoàng này nọ. Những đổi thay trong cuộc sống, những sản phẩm du lịch, những khu du lịch đang xây và cách xử lý âm nhạc của cái quán – nhà sàn kia khiến tôi suy tư. Cái bài toán du lịch với bản sắc, giữ môi trường nguyên vẹn với phát triển kinh tế, giữa truyền thống với hiện đại, giữa gìn giữ với thỏa hiệp, để chiều lòng khách một lần nữa đặt ra nhức nhối. Không phải tôi là người đầu tiên nói vấn đề này, trước đây bao người đã nói. Nhưng sau bao sai lầm, bao mất mát vì làm du lịch, vì cái nhìn tiểu ngạch, ngắn hạn, vì sở thích ăn sổi thì vẫn còn đó những mai một, những mất mát tiếp theo, giống y hệt cái trước.
Chúng tôi chưa đi đến được những cung đường thú vị nhất, chưa mạo hiểm phóng xe xa hơn, chênh vênh trên những con đường mòn mà cảm giác như đang bò lưng chừng núi. Chúng tôi cũng chưa đủ thời gian để leo lên đỉnh Pha Luông chất ngất, để nhìn ngắm và cảm trực tiếp câu thơ của người lính Tây Tiến - Quang Dũng thuở trước: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Nhưng chừng ấy thứ chúng tôi được ngắm nhìn, thưởng thức, cảm nhận và trải nghiệm cũng đủ cho một chuyến đi quá vội đầu năm. Tôi yêu và muốn trở lại nơi đây vì chính những cung đường nguyên sơ, hiu hắt, vì những nếp nhà sàn lè tè dưới rặng đào vườn mận, vì những bát ngát chè xanh, hay trắng xóa một dải hoa cải, và nhất là được ngắm nhìn những gương mặt con người, những sắc váy Mèo sặc sỡ. Nhưng liệu vài năm nữa, khi ngành công nghiệp không khói phát triển như vũ bão, tôi lên đây, liệu có bắt gặp lại những hình ảnh này không? Mộc Châu sẽ còn gì nếu tất cả quy thành các bản này, bản kia, làm du lịch chỉ như một thứ bảo tàng trưng bầy với những hiện – vật – người chỉ là cái xác không hồn, chỉ là sự - tồn – tại – sống chứ không phải sự sống tự nhiên, muôn màu.
Con đường Thảo Nguyên xa tít với mênh mông đồi chè hai bên được phủ một làn sương mỏng, soi bóng trăng huyền ảo. Bạn đồng hành và cả tôi tiếc không được ngắm nhìn cái không gian thảo nguyên đích thực này lúc bình minh nắng nhẹ hay hoàng hôn chói gắt. Không khí se lạnh của thị trấn Nông trường Mộc Châu khiến chúng tôi cảm được nhiều hơn dư vị thiên nhiên, cuộc sống nơi đây. Đến tận khi lên xe, nằm trên chiếc giường sát cửa sổ, nhìn mảng trời lấp lánh sao khi chiếc xe chạy bon bon trên những đoạn đường gập ghềnh, tôi chập chờn mơ tỉnh về những hình ảnh xếp chồng của bao cung đường Mộc Châu qua hai lần đến, lướt qua ngắm nhìn. Bạn tôi, nhất là mẹ của bạn nói nhiều về chính trị, về cán cân quyền lực nơi đây, người thái làm trưởng nhưng quan sư quạt mo, hoặc phó Kinh mới là người điều khiển. Rồi có những bản người Mông giàu có, sung túc từ buôn ma túy, thuốc phiện, nếu ấm ớ đến có thể bị “thịt” như chơi. Những nỗ lực rất lớn của người dân Mộc Châu để làm du lịch, tạo môi trường, quang cảnh đẹp khiến tôi xúc động. Thị trấn này, cư dân tranh chấp, chính trị tranh chấp, và chính sự  phát triển của nó cũng đang xảy ra tranh chấp giữa nâng cao đời sống và gìn giữ thiên nhiên, bản sắc, giữa an phận với cuộc sống hoang dã núi rừng với vươn lên bằng mọi giá để thoát nghèo, giữa thỏa hiệp để du lịch hay cực đoan giữ văn hóa, giữa môi trường, thiên nhiên khắc nghiệt với duy trì cuộc sống ổn định, làm ăn… Tôi rất hy vọng những nỗ lực, dù rất tự phát của người dân sẽ thành công chứ không phải kiểu chính sách xây dựng công nghiệp du lịch kiểu ào ạt, húp lớp mỡ váng, làm mất đi mọi nét đẹp còn sót lại nơi đây, cái kiểu thẩm mỹ, nhu cầu bầy đàn, công cộng, mậu dịch cộng sản át đi cái hồn hậu, chất phác, mà tinh tế, sâu sắc từ trong một nét trang phục hay một kiểu hoa văn trang trí nấm mồ của người Mông.
 Những cung đường còn tiếp tục mở ra và tôi tiếp tục đi. Nhưng với những thứ hạn hẹp và ít ỏi tôi thấy qua những nơi đã đi quá khiến tôi chạnh lòng, xót xa. Bao giờ người Việt mới hết tinh thần “tự sướng”, mới thôi “thủ dâm tinh thần” để nhìn thẳng vào sự thật, để thấy nước mình từ giàu có đã thành nghèo nàn đến mức nào, nếu xét trên phương diện thiên nhiên và văn hóa truyền thống. Làm du lịch để cải thiện cuộc sống là một giải pháp nhưng liệu đó đã phải là giải pháp tốt nhất, hay giải pháp duy nhất để giữ những tài sản thiên nhiên, văn hóa còn sót lại, hay chính nó phá nhanh hơn,  làm biến mất chóng vánh và triệt để hơn những tài sản ấy? Và bao giờ chính người dân mới được làm chủ thể của dự án cho mình, vì mình, giữ lại những cái của mình sáng tạo ra? Bao giờ mới có những chiến lược thực sự, vì môi trường sống cho con người phát triển lâu bền chứ không phải trước mắt, làm vì cái đẹp bản thể chứ không phải theo phong trào, tư duy độc lập, độc đáo chứ không phải ăn theo, nói leo tiếng nói bầy đàn.
Bạn nói 4, 5 năm sau lên nhà bạn sẽ có vườn đào rực rỡ hàng nghìn gốc lưng chừng núi ngay giữa thị trấn sầm uất này. Tôi nghĩ khả năng đó sẽ rất dễ thành công vì bạn đã làm được rất nhiều. Nhưng tôi mông lung và có phần hơi run rẩy, rờn rợn nghĩ đến khoảng thời gian đó trở lại nơi đây, cái vườn đào nhà bạn là của quý, của hiếm còn sót lại ở một nơi nổi tiếng là xứ đào rừng. Bởi những cành đào, cây đào đẹp nhất bạn mang về không còn là của đất Mộc Châu nữa, mà tất cả là sản phẩm của nước bạn Lào, qua cả một chặng đường dài chu du mới về được đến đây.
                           Lại một bài viết trong đêm mưa phùn rả rích 05/3/15

                    

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ