MỘC CHÂU VÀ NHỮNG CUNG ĐƯỜNG KHÁM PHÁ (Kỳ 4 - kỳ cuối)
Kỳ 4 (Kỳ cuối): Bạn đồng hành
Khi
ngồi trên xe lên Hòa Bình, bạn đồng hành nói nhiều điều về dự định năm mới từ
một câu hỏi của tôi. Những chia sẻ rất chân tình đầu năm mang theo cả những mơ
ước, những khát khao của người trẻ. Tôi trân trọng điều đó và thực sự mong mỏi
cho bạn thuận buồm xuôi gió để thực hiện kế hoạch của mình, dù hơi xa. Cách đây
3 hôm, hai chúng tôi ngồi chat rất lâu, và tôi lại vỡ lẽ thêm nhiều điều. Bạn
đã nói với tôi nhiều điều mà ít nói với người khác, giống như một sự giãi bày
về mình, ở những góc cạnh khác, sâu xa, kín đáo. Tội lặng người đi lắng nghe và
thấy mình có vẻ vô tâm trước hoàn cảnh của những người đã và có khi sẽ gắn bó,
cùng đồng hành với mình trên nhiều chặng đường. Tôi chẳng biết nói gì ngoài
những lời động viên, mà nhiều phần chỉ
mang tính chất lý thuyết. Một lần nữa, dù có vẻ câu này rất sách vở
nhưng lại là thực tế: đừng nên nhìn bề ngoài, chỉ thấy cái trước mắt mà đánh
giá về người khác. Ẩn đằng sau đó là bao câu chuyện khác, để ta hiểu về họ, về
những người xung quanh họ, để ta biết bao dung và yêu thương nhiều hơn.
Bạn
đồng hành trong chuyến đi này của tôi, có lẽ tôi không cần phải giới thiệu bởi
ít nhất, trong bài viết về chuyến đi trước, tôi đã nói về em. Trước chuyến đi
Đà Lạt, chúng tôi giữ mối quan hệ khá thân theo kiểu thầy – trò cũ, cũng như
bao học sinh khác của tôi, dù đã ra trường, vẫn thân thiết. Tôi luôn coi các em
như những người bạn, bạn nhỏ tuổi hơn,
hoặc như những người em và học hỏi từ chính các em, nhiều điều về cuộc sống. Sau
chuyến đi Đà Lạt, chúng tôi gần gũi hơn, thấy nhiều điểm tương đồng, ít nhất là
những kẻ thích phiêu lưu, giang hồ, có khi liều lĩnh, bạt mạng lên đường, tìm
cái mới, cảm giác khác, để đến với cái đẹp. Cả hai đều yêu những cái đẹp, có
khi người khác không thấy nó đẹp, dù em nói chúng tôi có quá nhiều điểm khác
trong tính cách, nghề nghiệp, vân vân, nhưng chung điểm này là có thể đồng hành
cùng nhau. Chúng tôi luôn hăm hở trước những vùng đất mới, từ cái mục đích, sở
thích chung kia, và tôi vô tâm, ít tìm hiểu đến hoàn cảnh của bạn đồng hành.
Trong
quan hệ với mọi người, tôi luôn sống đúng theo quan niệm, tôn trọng người khác,
cuộc sống và con người riêng của họ. Mọi vấn đề riêng tư tôi không cố hỏi,
không cố tìm hiểu, mọi thứ để người khác tự nói với mình. Tôi lắng nghe, và nếu
có thể chia sẻ. Nhưng chính cái quan niệm đó, đôi khi nó biến tôi thành một kẻ
vô tâm, hơi ích kỷ, hoặc nhìn nhận người khác theo vị trí, hoàn cảnh của mình.
Nên tôi vẫn thắc mắc mãi rằng: Nghỉ tết bao lâu thế, chỉ hẹn hò café cuối năm
một chút, bạn đồng hành của tôi cũng không thể đến. Tôi còn cho rằng bạn ấy tự
ôm vào mình một đống việc Tết chả phải của mình, cho gia đình. Trong khi đó,
tôi là một người đã ngoài ba mươi, Tết cứ mặc cho mẹ, chị sắm sửa, chuẩn bị,
còn bản thân thì làm vài thứ mình thích, dành thời gian nghỉ ngơi hoặc lượn lờ,
“ve vãn” với cuộc sống trong những ngày nhàn rất hiếm. Cho nên, khi nghe câu
chuyện tâm sự của em, tôi thấy mình thật nông cạn, thấy mình đã sống hơi bị ích
kỷ, yêu thương bản thân quá nhiều mà ít quan tâm người khác. Những trăn trở,
băn khoăn của em, những chuyến đi em đã thực hiện, và cả những dự định em hướng
tới một lần nữa làm tôi thấy cảm phục em và bao người trẻ khác.
Nhiều người bây giờ, nhất là người
già cứ than phiền, chê bai các bạn trẻ là nông nổi, là liều lĩnh, là sống hưởng
thụ, không có ý chí, vân vân và vân vân, còn tôi thi không cho như thế. Ít
nhất, các em hơn tôi, hoặc nói rộng ra là thế hệ tôi ở tinh thần sẵn sàng bươn
chải, ở thái độ quyết liệt dấn thân, sẵn sàng chấp nhận, chịu đựng nhiều thứ
khó khăn, sẵn sàng dấn thân mạo hiểm, để vươn tới một cái đích cao và xa, không
chọn giải pháp an toàn như chúng tôi. Họ mạnh mẽ hơn, luôn tận dụng mọi cơ hội
có thể để được sống là mình, được trải nghiệm nhiều nhất. Những sự bấp bênh,
những bất trắc không làm họ ngại ngùng, mà ngược lại, sẵn sàng dấn thân vào,
tìm cho mình những cơ hội trong cái sự bất ổn đó. Ngay cả cái gọi là trách
nhiệm với gia đình, với người thân em cũng ăn đứt tôi, qua những gì em trăn
trở, lo lắng cho mọi người. Tôi thì khác, trước tiên, và cuối cùng, có lẽ tôi
nghĩ đến mình nhiều nhất, yêu và lo cho bản thân nhiều nhất, làm mọi thứ theo ý
mình, thể hiện một cái Tôi của mình, đôi khi khác biệt với quan điểm của gia
đình, của đám đông xã hội này.
Đồng hành trong hai chuyến đi cùng em
và một số người bạn khác của em, tôi đã thay đổi rất nhiều, ít nhất là ở sự cộng
tác với người khác. Khi lên đường, cùng với một người nào đó, tôi đã chuẩn bị
sẵn một tinh thần cộng tác, nhưng đó chỉ là lý thuyết, hay những suy nghĩ của
cá nhân tôi. Đến thực tế, những lúc khó khăn, những biến cố, dù rất nhỏ như
kiểu lạc đường, như kiểu tìm địa điểm hay quyết định đến đâu, gặp ai, ăn gì…
mới làm cho tôi vỡ lẽ ra nhiều điều về cộng tác. Tôi luôn là người rất cở mở,
thoải mái và dân chủ trong quan hệ bạn bè, nhất là những người có một số điểm
chung với mình, mình đã biết ít nhiều về họ. Quan điểm của tôi về bạn đồng hành
là dù cách biệt thế nào về tuổi tác, địa vị xã hội cũng là những người đồng
đẳng vì cùng đi trên một chiếc xe, cùng trên một con đường, sẽ cùng chung hoạn
nạn. Nhưng đó là lý thuyết, hay nói đúng hơn là những suy nghĩ chưa có thực tế
kiểm nghiệm. Còn cái câu trả lời thực tế phải là từ bạn đồng hành của tôi, từ
những người bạn khác của em, qua hành động, cách ứng xử của họ. Có thể em và
các bạn ấy chẳng bao giờ nói ra, nhưng tự hành động của mọi người cho tôi thấy
tôi được trân trọng, được giúp đỡ, sẻ chia, được lắng nghe, được che chở, chăm
sóc trong suốt hành trình, dù dài, dù ngắn.
Bạn
đồng hành của tôi luôn bảo bạn ấy khô khan, mà bạn ấy cũng không nói nhiều. Đôi
khi bạn ấy hơi ngại vì không được như những kẻ văn chương chúng tôi, đọc nhiều,
rồi chém gió, ba hoa. Hihi. Nhưng tôi lại thấy, ở em và các bạn khác từng đi
với tôi, dẫu còn trẻ, nhiều điều chưa biết, đọc chẳng nhiều bằng tôi, luôn có
cái sự sâu sắc, thâm trầm. Trong khi đó, đôi khi tôi thấy mình hơi bị vô tư thái
quá, hơi bị cực đoan, hơi bị thiếu hụt nhiều thực tế. Lời nói, trong một số
trường hợp, có tác dụng vì nó chỉ cần một mớ lý thuyết logic, hay ho, song khi
vào thực tế, cần một thứ có tác dụng trực tiếp, thậm chí đến sinh tồn thì điều
quan trọng là cách hành xử, là những hành động đem lại hiệu quả. Vì thế, cái
thu được trong những chuyến đi không chỉ là cái tôi được nhìn mãn nhãn những
cảnh đẹp ở xứ lạ, phương xa, không chỉ là những hiểu biết hay kinh nghiệm mới
từ nơi tôi đến, những người tôi gặp, những tình cảm tôi được dành cho, mà ngay
người bạn đồng hành, từ những gì ưu điểm và những khiếm khuyết của họ, từ những
sự sẻ chia thực tế mà họ dành cho tôi, hoặc đơn giản từ chính câu chuyện đời và
cách xử lý của họ để viết nên câu chuyện đời của mình.
Trải
qua phân nửa cuộc đời, hầu hết những hành trình của tôi là độc hành, đặc biệt
những cuộc hành trình để tôi được sống, thể hiện cái bản thể của chính mình với
những đam mê, khát vọng, với sở thích khác thường, có thể đôi khi được ngược
dòng quan niệm đám đông. Trên hành trình độc hành dài dặc đó, ở một số đoạn
đường, tôi cũng có bạn đồng hành, hiểu tôi phần nào đó, cảm thông và chia sẻ
cùng tôi, và ở mức độ nào đó, lắng nghe, che chở, giúp tôi hoàn thành chặng
đường đó thật tốt đẹp. Bạn đồng hành trong chuyến đi này của tôi cũng thế. Dù
hai chúng tôi chỉ cùng nhau đi trên một đoạn đường ngắn, dù có thể những cung
đường khám phá chưa bao giờ được như ý của cả hai, nhưng sự đồng hành ấy thực
sự đáng quý, đem đến cho tôi niềm hạnh phúc rất lớn. Ở đời khó mà tìm được một
người đồng hành trên suốt chặng đường dài từ điểm xuất phát đến cái đích cuối
cùng, cho dù đó là bạn đời, nên mỗi bạn đồng hành trên một hoặc một vài chặng
nào đó, đều là những gì đáng trân quý đặc biệt trong cuộc đời. Sau cuộc hành
trình đã qua, tôi cảm nhận được sự đồng điệu và cảm thông từ bạn đồng hành, dù
em không hề nói nửa lời. Chính điều đó giúp chúng tôi gần nhau hơn, sẽ tiếp tục
đồng hành trong những chặng đường nữa, bỏ qua rất nhiều sự khác biệt ai cũng
thấy.
Điều
tôi sợ nhất ở mỗi chuyến đi là sự kết thúc, là lúc trở về, là cảnh biệt ly.
Chúng tôi chẳng phải là sinh ly tử biệt, cũng chẳng có ái tình sướt mướt gì,
lại là những gã trai thích phiêu bạt và có vẻ bất cần nhưng bản thân tôi luôn
buồn rũ mỗi lúc chia tay bạn. Đó chính là lúc cái phần yếu đuối nhất của mình
được thể hiện ra. Tự trong lòng thấy một cảm giác trống trải mênh mang, một sự
đứt gãy cảm xúc, một nỗi tiếc nuối vô bờ, dù biết chúng tôi vẫn còn gặp lại,
vẫn còn đi trên nhiều cung đường nữa. Cảm xúc ấy đơn giản do sự mất mát nhanh
chóng và bất ngờ một thứ quan trọng nhất – sự đồng cảm của người hiểu mình, sẵn
sàng sẻ chia, sẵn sàng cùng mình đi, để quên mọi thứ hỗn tạp trong đời sống.
Đơn giản là những chuyến đi kia là cả một sự thoát ly một mớ trách nhiệm, một
gánh những áp lực, những sự ràng buộc, để chúng tôi được sống là chính mình,
theo một ý thích nào đó của mình. Vì thế, dẫu tôi xót xa, nghẹn ngào vì sự quay
gót chia ly rất nhanh của bạn, thì giờ ngồi viết những dòng này, mới hiểu đó là
hành động đúng đắn và cần thiết, tránh những hiểu lầm không đáng có.
Lúc
ở xứ Mường, cô chủ nhà, mẹ của người bạn thắc mắc khi tôi có hành động chăm sóc
bạn đồng hành trong lúc bạn ấy quá say rượu vì tôi là ông thầy lại phải chăm
sóc trò. Nhiều lúc đi dạy, tôi mệt mỏi với cái quan niệm ông thầy cứ phải đứng
trên cao, lồng lộng như một bức tượng đài, một mẫu hình lý tưởng, làm tấm gương
gì đó cho học trò noi theo. Tôi không nghĩ như thế. Trong trường học, tư tưởng
bảo thủ kia có thể nhìn từ góc nào đó, theo tâm lý của đám đông, theo quan điểm
cố hữu của một bầy đàn, tôi chấp nhận vì không thể thoát ra khỏi hệ thống đó.
Nhưng lúc lên đường, người bạn đường cùng đồng hành với mình, dù có thế nào
chăng nữa, có cách biệt về nhiều phương diện đi nữa, sẽ luôn là bạn, phải luôn
đối xử bình đẳng với nhau, cùng nhau chia sẻ, nâng đỡ để đi đến cái đích cuối
cùng an toàn, theo thế mạnh riêng của mỗi người. Tôi thích tinh thần đối thoại,
cởi mở, cùng cộng tác của những chuyến đi, và tôi làm giáo dục với tinh thần
đó. Bởi bản thân ông thầy, trên bục giảng hay trong đời sống, cũng là một con
người, sống với mọi góc cạnh bản thể của một con người. Và ông thầy, ở một giai
đoạn nào đó, là người đi trước, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Dạy học, cũng
như đi, sẽ luôn phải là quá trình cộng tác, thấu hiểu, sẻ chia, để đến một cái
đích, xây dựng mối quan hệ thân hữu tốt đẹp dựa trên sự tương tác và đối thoại
đồng đẳng. Cho nên ai chăm sóc ai, ai học hỏi ai, ai che chở, bảo vệ cho ai, ai
hỗ trợ ai không phải là vấn đề, mà vấn đề ở đây chính là mọi người nhận được
tất cả những điều đó từ trong chuyến đi của mình.
Cảm
ơn người bạn đồng hành trong chuyến đi qua và bao bạn đồng hành khác, có khi
không phải là trong chuyến đi nào hết, mà chỉ là trong những suy nghĩ, tâm tư,
đã cho tôi tất cả những cảm xúc tuyệt vời trên, dù sau mỗi cuộc hành trình, tôi
lại một mình trở về với chính tôi, đôi khi là rất nhiều hoang hoải, ngậm ngùi,
trống vắng đến xót xa.
Kỳ
cuối cùng vẫn viết trong đêm tháng Giêng mưa xuân nặng hạt 06/3/15
Nhận xét
Đăng nhận xét