HÀNH TRÌNH LÀO CAI – Y TÝ: NHỮNG CỘT MỐC TRÊN ĐƯỜNG BIÊN GIỚI



          Khi lên kế hoạch cho chuyến đi, bản thân tôi chỉ mong muốn có một khám phá mới, tới một vùng đất mới, còn nguyên sơ, ít người tới bởi Sapa trong dịp nghỉ lễ quá đông, Sapa đã quá phổ biến và quen thuộc, mà việc leo Phanxipang thì nhóm bạn đồng hành cùng tôi không thể do không có sự chuẩn bị. Tham khảo ý kiến từ những người bạn ở bản địa, từ dân phượt đã đi và do chính cái lịch trình tiện lợi, chúng tôi quyết định đến Y Tý theo lộ trình:
Lào Cai ---> Bát Xát (11km) ---> Trình Tường (26km) ---> Lũng Pô (19km) ---> A Mú Sung (7km) ---> A Lù (7km) ---> Ngải Thầu (5km) ---> Y Tý (7km).
          Trước chuyến đi, dù tìm hiểu khá kỹ và dặn mọi người chuẩn bị chứng minh nhân dân đem đi nhưng cái chi tiết Y Tý là vùng biên giới không phải là ấn tượng đậm đà gì. Y Tý hấp dẫn tôi trước hết đó là xứ mây mù. Chuyến đi Tà Xùa không thể săn được mây khiến tôi nhen lên một hy vọng mong manh ở Y Tý, dù biết cuối tháng 4 đã hết mùa mây. Đặc biệt Y Tý vẫn còn những xóm làng của người dân tộc Hà Nhì với kiểu kiến trúc vô cùng độc đáo – nhà trình tường. Nhìn những bức ảnh trên Internet, tất cả chúng tôi đều xốn xang, hăm hở đến một miền đất hứa, một vẻ đẹp mới lạ, nguyên sơ của vùng sơn cước xa xôi.
          Cuộc hành trình của chúng tôi bắt đầu muộn hơn dự kiến do gặp cơn mưa bất chợt buối sáng ở thành phố Lào Cai. Kể cả những người bạn của chúng tôi ở Lào Cai, hầu như chưa có ai đi Y Tý. Tối hôm trước bạn gọi điện nói chuyện bảo đường đi tương đối khó. Chị thì nhắc nhở đi cẩn thận vì đường nhiều xe tải cỡ lớn chở hàng qua. Ngồi ăn phở, bạn của bạn đồng hành cũng nói là mưa này lên đó khó lắm. Nhìn mưa, tinh thần của mọi người có vẻ xuống bởi chúng tôi cũng đã không chuẩn bị chu đáo đồ đi trong trời mưa. Và ngay khi mưa ngớt, chúng tôi vẫn quyết liệt lao đi vì miền đất hứa đang đón đợi, lao đi cho những trải nghiệm trên đường, cho những háo hức của tuổi trẻ muốn được biết rằng ở đâu đó, xa, khác mình có gì và người ta sống như thế nào. Chúng tôi đi vì những điều không rõ ràng lắm, vì tiếc đã vượt qua cả một chặng đường xa mà chôn chân ở thành phố thì ngán ngẩm vô cùng. Cứ thế, chúng tôi đi trong mưa bụi, trong cảm giác hơi lạnh và có phần cũng khá liều.
           Trời tạnh mưa, bắt đầu hửng nắng, khá mát mẻ dù đường hơi trơn, còn ít nhiều nước vũng nước đọng. Cung đường dễ đi hơn chúng tôi hình dung và mọi người cảnh báo trước. Chúng tôi đi qua thị trấn Bát Xát mà không có cảm xúc nào đặc biệt bởi nó cũng giống như bao thị trấn khác mà chúng tôi đã đi qua, vừa vừa, nhà cửa chủ yếu là nhà ống tập trung hai bên đường, mọi thứ đều ở trạng thái lỡ cỡ, tranh chấp giữa phát triển và bảo tồn. Chúng tôi chỉ thực sự xúc động mạnh khi rời khỏi thị trấn, đến một chỗ thoáng, và nhìn ra trước mặt: cả một vùng núi non hùng vĩ với biển mây trắng chờn vờn khắp các thung lũng, nhưng xa. Cuộc hành trình như được tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm lớn lao để được sống trong biển mây Y Tý, cái đích cuối cùng của chúng tôi. Và chúng tôi lại lao đi, ham hở, mạnh mẽ, náo nức nhưng cũng đơn độc vì cả quãng đường chúng tôi qua hầu như chỉ thưa thớt dân bản địa, rất ít nhóm phượt nào lên đây cả. Song có lẽ vậy sẽ hay hơn, chúng tôi sẽ có không gian của tự do cảm nhận, quan sát, khám phá riêng.
          Trước khi lên đường, ban đồng hành xem bản đồ bảo là mình sẽ đi dọc đường biên giới thầy ạ. Tôi thì lại cho rằng đường biên giới là một cái gì đó thiêng liêng lắm, một khu vực bị cấm kỵ nên chắc con đường mình đi cách một chút, song song với đường biên. Rút cục bạn đồng hành của tôi đã đúng. Bắt đầu nhìn thấy tấm biển đầu tiên bằng đã hay bê-tông gì đó cũng kỹ, rêu phong xám xịt ghi khu vực vành đai biên giới bằng hai thứ tiếng Việt, Trung, tôi có một cảm giác rất lạ, bồi hồi, ngỡ ngàng xen xúc động. Hóa ra chúng tôi đang ở trên đường biên giới thực, con đường để xác nhận chủ quyền, con đường tự mang trong nó cả một lịch sử, cả một quá trình tranh chấp với những xung đột, với những hy sinh, âm mưu, tham vọng… Con đường và cả một khu vực dân cư thưa thớt ấy, nhìn cũng bình yên như bao bản làng khác trên cái dải đất hình chữ “S” này nhưng ẩn ẩn sâu trong đó là bao sóng gió, bão táp, bao thăng trầm của lịch sử dân tộc.
          Qua thị trấn Trình Tường, những bản làng nối tiếp chỗ đông đúc chỗ thư vắng, chúng tôi đến con đường biên giới ven sông Hồng. Và kia, cột mốc biên giới đầu tiên chúng tôi nhìn thấy, cột mốc số 95. Mặc cho hai bạn kia phóng xe vụt lên trước, tôi và bạn đồng hành dừng lại chụp ảnh cột mốc, ngắm nhìn con sông Hồng kỳ vĩ, nhìn đôi bờ của bên này và bên kia, bên nước ta và bên nước bạn. Con sông đã trở thành cái ranh giới rất tự nhiên để chia tách chủ quyền của hai quốc gia, phân ra Bắc Nam, xác nhận diện mạo một dân tộc. Đứng bên cột mốc, nhìn dòng sông Hồng ngầu đỏ với bãi bồi lau lách. Bên kia là núi đồi và bên này cũng là đồi núi ngút ngát, điệp trùng, đan xen những khoảng rừng, cây trồng hoa màu, cây bụi và cả đồi trọc. Địa lý địa hình chẳng mấy khác nhau. Tựa lưng vào núi của nước Việt nhìn sang bên Trung cũng thấy núi đồi, và quay lại nhìn cũng là một dạng đồi núi. Cái câu hát như một khẩu hiệu tuyên truyền từ lâu lắm rồi chúng tôi hay nghe về “núi liền núi”, “sông liền sông” có lẽ được bắt nguồn từ sự tương đồng của địa hình vùng biên ải như thế này. Nhưng ngẫm lại câu hát ấy sai toét cả về thực tế địa lý lẫn thực tế tâm hồn, quan điểm. Sông là dòng chung, cứ chảy thế thôi để phân cách, để còn xâm lấn và tranh giành. Còn núi thì đâu có liên, chúng chạy song song, rong ruổi, và dù có liền thì cũng bị chặt ra từng khúc bởi những cột mốc kia. Địa lí tự nhiên là cả một khối nguyên vẹn nhưng lòng người thì chia cắt khi vẫn còn tham vọng bá quyền, khi vẫn còn bao mưu đồ chính trị thôn tính, khi người ta vẫn muốn sống theo đúng kiểu cá lớn nuốt cá bé, muốn lưu lại lịch sử bằng những chiến công kiểu đầy bản năng gốc của thú vật để mở rộng lãnh thổ bằng sức mạnh, bất chấp mạng người thì làm gì có chuyện liền núi, liền sông. Và khi con người có thể vượt qua mọi định kiến, sống trong thế giới đại đồng như mấy câu hát tuyên truyền, hô hào kia thì có lẽ những cột mốc sẽ chẳng cần thiết để tồn tại nữa.
Nhìn hai con đường ven sông, bên Việt Nam là con đường mòn dọc biên giới, bên Trung Quốc là con đường cao tóc làm theo hình thức những cầu vượt ven sông, con đường trải nhựa phẳng lỳ như lụa bên dưới. Những ngọn đồi dù địa hình và khí hậu rất giống nhau nhưng những loại cây trồng cũng không có quá nhiều loài trùng khít trừ những vạt chuối mênh mang ở bãi bồi ven sông. Nhà cửa thì dĩ nhiên là quá khác rồi. Những khác biệt nhân tạo đó một phần cho thấy sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia nhưng mặt khác cũng là sự thể hiện một cách cố ý, làm sao cho rõ nhất cái khác, cái riêng của mỗi quốc gia, để phân biệt tôi với anh hay nói một cách dân dã là tao với mày. Cho nên, mọi cái cứ gọi là “liền” hay hữu hảo nào đó rút cục chỉ là những sáo ngữ đầy lý thuyết ngụy tạo của nhà cầm quyền để che giấu đi toan tính chính trị đằng sau.
Nhưng những cột mốc ấy vẫn tồn tại, và càng phải làm kiên cố, vững vàng càng tốt. Suốt dọc đường đi chúng tôi thấy khá nhiều cột mốc như thế. Với thời gian của một cuộc phượt ngắn ngủi, tôi chỉ kịp đến 4 cột mốc, trong đó có ba cái khá nổi tiếng: cột mốc số 95 – cột mốc đầu tiên chúng tôi gặp khi bắt ra con đường ven sông Hồng; cột mốc số 92 ở thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, nơi con sông Hồng bắt đầu chảy vào đất Việt; cột mốc số 87 – cầu Thiên Sinh cuối thôn Lao Chải, xã Y Tý – điểm giáp ranh hai nước cực gần; và cuối cùng, theo sự tư vấn của chị, tôi đến cả cột mốc số 101 ở khu vực cửa khẩu Hà Khẩu, thành phố Lào Cai. Ở mỗi cột mốc tôi có dịp ghé qua, lưu lại, đều để lại trong tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng.
Cột mốc số 95 – cột mốc đầu tiên chúng tôi nhìn thấy gắn với niềm xúc động thiêng liêng của một người lần đầu lên miền biên giới, gợi nhắc đến những lời ca, lời thơ học từ thuở thiếu thời về vùng biên cương gắn với hình ảnh người chiến sĩ biên phòng được mĩ lệ hóa. Đó cũng là lúc tôi quan sát và trải lòng ra để mà chạnh lòng vì những phân cách biên giới, của hành chính và của lòng người. Tôi lặng đi trước con sông huyền sử đem về phù sa cho bao cánh đồng tươi tốt phía hạ nguồn và hứng chịu bao cơn đau của bão táp lịch sử. Dường như con sông vặn mình chảy giữa những núi đồi quanh co kia đang thì thầm kể chuyện đời mình, đời giống tố trong biến thiên, xoay vần.
Cầu Thiên Sinh được tất cả đồn đại như một điểm thiêng, một nơi rất đẹp mà không thể bỏ qua khi đến Y Tý. Để đến được đó, chúng tôi phải hỏi đường qua rất nhiều người vì hầu hết những người dân tộc chúng tôi gặp không nói và hiểu tiếng kinh. Một chị, có vẻ là người Kinh hoặc đã bị/ được “Kinh hóa” bán xăng và chỉ đường cho chúng tôi cũng nói chỗ đó rất đẹp. Con đường ra cầu Thiên Sinh không quá xa nhưng không thể nói là dễ đi, dù phần lớn đã được làm mới, đổ bê-tông. Chúng tôi vượt qua mấy con dốc đèo khá cao, những khu đồng ruộng, rồi cả một đoạn đường giáp cầu đang thi công dở. Trên những đoạn đường bê-tông, có những đoạn xẻ rãnh bất ngờ, không được lấp để nước chảy khá nguy hiểm. Nếu đi xe không để ý kỹ rất có thể bị ngã hoặc ảnh hưởng đến bánh, vành. Đoạn cuối cùng vì đường đang làm nên toàn là bùn lầy. Hai người ngồi ôm phía sau, gồm có tôi, phải xuống xe và đi bộ ra cầu. Cây cầu rất nhỏ, chỉ tầm hơn 1m, bắc qua một khe suối cực hẹp, dốc đứng, và mỗi bên đặt trang trọng một cột mốc bằng đá hoa cương ghi số 87. Cây cầu này gắn liền với huyền thoại về một hòn đá thiêng nối liền hai bên con suối Lũng Pô, rồi qua thời gian bào mòn, địa chất biến đổi, nó nứt ra, làm thành một khe hẹp giữa nơi núi cao vót, dốc dựng đứng. Và cũng từ đó thành hai bờ rõ rệt của hai quốc gia một cách tự nhiên.
Chúng tôi đến đây lúc chiều đang ngả dần về tối. Nhìn lên trước mắt, nếu đứng ở bên phía Việt Nam, là dãy núi sừng sững đang hắt ánh nắng chói lói. Ánh nắng chiều vàng nhuộm những mỏm núi gồm rêu và cây bụi một màu hổ phách. Bạn đồng hành chỉ con đường lưng chừng núi chúng tôi đã đi qua lúc sáng để vào đến Y Tý. Nhìn lại phía sau cũng là vách núi đá dựng đứng. Khe suối hẹp sâu thẳm thẳm tạo nên đô chênh rất lớn từ chỗ cầu so với chân suối bên dưới nên dù không quá nhiều nước vẫn nghe thấy nước đổ ào ào. Có một biển cảnh báo chỗ cây cầu “Nếu không có chứng tờ hữu hiệu thì cái đường chung của Trung Quốc và Việt Nam cấm thông qua” nên tôi cứ ngần ngại bước qua cây cầu đó. Các bạn đồng hành của tôi thì hồn nhiên bước qua, chụp ảnh đủ mọi góc. Chúng tôi gặp một người nông dân và một đôi trai gái người Trung Quốc ở cầu Thiên Sinh. Người nông dân ấy nói được tiếng Việt và ba hoa gì gì đó giới thiệu với các bạn tôi còn tôi thì chẳng quan tâm ông ấy nói gì cả. Mấy bạn tôi cũng đua nhau chụp ảnh cùng chàng trai người Tàu và chiếc xe của anh ta còn tôi thì chẳng mặn mà và thấy có gì đặc biệt ở cả chủ và chiếc xe to tổ bố, cồng kềnh, thô kệch không có gì đặc sắc made in China ấy. Tôi thích ngắm những chiếc xe phân khối lớn của Nhật và Tây hơn. Cuối cùng, để có những góc nhìn cận cảnh về cái khe suối cheo leo, nơi ranh giới mong manh giữa hai quốc gia này, tôi đã vượt qua cây cầu, đi sâu theo lối bậc xây ở phía bên kia của họ, xuống phía đài quan sát và sâu ở chân thác, để chụp hình. Để rồi khá hồi hộp, vụt lên đi về phía bên mình. Có lẽ tôi là người hơi cực đoan và mang nặng một tư tưởng cố hữu về đất nước, con người xứ Tàu nên tôi chỉ chụp ảnh ở tất cả những gì liên quan đến phía ta, bên này của cây cầu Thiên Sinh. Và một điều nữa, ở đây cũng như con đường biên dọc sông Hồng, ta sẽ nhìn thấy một đối cực giữa hai đầu cầu: bên Việt Nam con đường đang làm bùn lầy nhão nhoét, và dù có xong cũng nhỏ thó len lách giữa hai vách núi, bên kia thì là con đường trải nhựa phẳng lỳ, rộng lớn. Chỉ một khúc nhỏ của vách ngăn biên giới của đã đủ cho người ta quan sát, suy ngẫm thấy rõ đặc thù tâm lý, tư duy, ít nhất là của giới chức hai nước: một bên bành chướng, tỏ ra to lớn còn bên kia luôn mang mặc cảm nhược tiểu đến đáng thương.
Hành trình của chúng tôi mất ít thời gian hơn dự tính nhưng lại rất khó đến hết những nơi dự định từ đầu bởi những nơi ấy ở các hướng đối lập nhau trên cung đường. Sáng mồng 1, chúng tôi trở dậy đi săn mây. Dù bị hơi muộn nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn thấy mây, vẫn được chiêm ngưỡng những mảng mây, khối mây, không nhiều lắm phun ra từ các thung lũng, rồi chuyển động lơ đãng, vờn những đỉnh núi. Không thẻ quay lại vì đã đi quá xa nên chúng tôi bỏ lại thôn Sim San và thôn Hồng Ngài, không đến được bản của người Mán Đỏ và người Mông. Bạn đồng hành của tôi tiếc hì hụi và cả tôi cũng thế. Lỡ đi quá xa, chúng tôi cũng không thể về theo hướng Mường Hum và đành quay lại con đường cũ, lại lênh đênh, trôi dốc, đèo suốt dọc biên giới. Điểm chốt còn lại trên con đường trở về chính là Lũng Pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, nơi chúng tôi đã bỏ qua trên đường đi, một điểm sáng vẫn còn le lói cuốn hút những người đi đã mệt mỏi, rệu rã vì chặng đường, vì thời tiết nắng nóng, và vì những lý do cá nhân nữa.
Đi vào sâu dọc bờ sông, rồi theo chỉ dẫn của một chị ở gần đó, chúng tôi theo một con đường mòn xuống chỗ cột mốc biên giới 92, nơi ngã ba sông, điểm đầu tiên của sông Hồng chảy vào đất Việt. Do không biết lối rẽ xuống đường ven kè bờ sông bạn đồng hành phải để xe máy ở một chỗ rồi đi bộ theo lối mòn đầy lau lách, xuống điểm mốc biên giới thiêng liêng. Sông Hồng mùa nước cạn nên chúng tôi có thể đi sâu xuống bãi sông, ngắm nhìn tận mắt hai nhánh đổ về Việt Nam với hai màu nước khác nhau, một đỏ ối, ngầu đục phù sa, một trong vắt nhưng vàng ệch long lanh trong nắng. Cái khúc sông giao hòa đầu tiên của hai nhánh ấy vẫn cứ bên đỏ bên vàng, bên trong bên đục, rồi sau thì tất cả bị cuốn theo một dòng duy nhất, chảy cuồn cuộn về xuôi. Đứng bên cột mốc, bên những biển hiệu đánh dấu chủ quyền ở đây, tôi có một cảm xúc đặc biệt hơn tất cả những cột mốc khác. Tôi xúc động, lặng đi để ngắm toàn cảnh vùng ngã ba sông, về bên mình, bên họ, về cái bờ sông mù mịt cây dại, về hai nhánh sông lặng lẽ đổ ra từ trong lòng những dãy núi trùng điệp. Phía xa xa kia là cây cầu nối liền hai bờ về hình thức trong sự cách biệt sâu xa về nhận thức. Tự dưng tôi cứ thấy nghèn nghẹn, chẳng rõ đó là cảm xúc vui hay buồn nữa.
Các bạn của tôi đều dừng lại ở cột mốc, rồi sang chỗ cái biển hiệu của thôn Lũng Pô, chụp ảnh cạnh cây sung. Tôi tranh thủ lội xuống con sông Hồng, vục những vốc nước đầu nguồn trong tay rửa mặt. Đây không phải thượng nguồn sông nhưng lại là điểm đầu nguồn khi nó chan hòa vào quê hương, xứ sở. Tôi ở chính cái chỗ ngã ba sông này, nhìn ngắm toàn cảnh con sông ở phía đầu nguồn và dòng trôi về hạ lưu. Lội trong nước dưới ánh nắng gay gắt, nhặt những viên đá sỏi trên sông, tự dưng tôi có cảm giác của một đứa con đi xa lâu ngày được trở về đất mẹ. Không phải ngẫu nhiên những dòng nước, con sông lại gắn bó với cuộc đời, với cả tâm thức, tình cảm của con người mãnh liệt như thế. Cho nên có một nhạc sĩ đã viết “Quá nửa đời phiêu bạt con lại về úp mặt vào sông quê”, cái cảm giác vốc từng vốc nước của con sông quê trên mặt thật đặc biệt, ấm áp, trong ngần. Tôi cũng không thể diễn ra rỏ hơn, chỉ biết nó quen thân, gần gũi, như chính tình cảm của người thân yêu dành cho nhau sau những chuyến đi xa, dù là đi hoang của lỗi lầm, của trốn chạy.
Buổi chiều cuối cùng ở thành phố Lào Cai, dù ở nhà chị ra đi thống nhất nhưng 4 người chúng tôi vẫn cứ bị tách ra làm hai ngả. Tôi và bạn đồng hành ra bờ sông Hồng chảy qua thành phố, tranh thủ ngồi café, ngắm nhìn thành phố, nhìn cái cửa khẩu bên kia sông, nhìn một ngã ba sông khác mà ở đó “bên ni bên nớ” đôi bờ là của hai nước mình và họ. Chiều muộn, nắng nhạt dần và dịu dàng. Tinh thần chúng tôi chùng xuống trong những suy tư riêng. Chúng tôi ngồi đối diện, chụp ảnh quang cảnh đôi bờ Việt – Trung, nói chuyện ít hơn, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Chợt tôi nghiệm ra một điều rằng, trong đời sống này, có những lúc chúng ta rất gần nhau nhưng lại rất xa nhau. Luôn tồn tại một biên giới giữa những tâm hồn bởi mỗi con người là một thế giới riêng. Nhưng có lẽ, chính vì có sự khác nhau, ở trên một cái ranh giới nhất định đó mà con người đến được với nhau, đồng hành cùng nhau, không chỉ trên một cung đường. Tôi và bạn đồng hành của tôi có lẽ là như vậy, thân thiết, có nhiều điểm đồng điệu và có thể đi cùng nhau ở mọi cung đường nhưng luôn tự đặt ra, tự xác nhận một biên giới của một khoảng cách giữa những tâm hồn, những những cuộc sống khác biệt.
Bạn chở tôi sang bên cửa khẩu Hà Khẩu để thăm cái cột mốc cuối cùng tôi muốn đến – cột mốc 101 bên bờ sông, ngay trước cửa khẩu thông quan. Chúng tôi không có hộ chiếu, chẳng kịp làm giấy tờ để sang bên kia, mà có làm kịp cũng không có thời gian ở lại để sang bên họ nữa nên đành thôi. Cái cột mốc này lại nằm ở phần đất mà phải có giấy tờ mới vào được. Lượn vòng quan sát một lúc, tôi thấy có chỗ cửa bốc dỡ hàng ở bãi gửi xe. Bạn đứng ngoài chờ còn tôi len vội vào chụp ảnh, quan sát một lát phải quay ra. Ở đây, điểm nhìn hơn hẳn bên quán café chúng tôi ngồi, thấy được cả cửa khẩu, những hàng người nối nhau đi về hai phía, thấy được cả bờ bên kia, những dãy nhà úp xúp của thành phố Lào Cai và cả những dãy nhà đang xây dựng, vươn cao dần của họ soi bóng xuống dòng sông phủ đầy ánh nắng chiều chói gắt. Không chỉ ở vùng núi rừng xa xôi, ở cả nơi phồn hoa thì vẫn một màu như thế, sự khác biệt và cách biệt quá lớn.
Ngay từ tối hôm 29/4, khi ba chị em ngồi café nhìn sang chỗ ngã ba sông cửa khẩu, chị nói rất nhiều về quy hoạch, về sự phát triển của nước họ. Chị nhìn lại bên mình thấy một cái gì tủn mủn, bát nháo, khập khiễng. Bạn trên suốt dọc đường biên giới ven sông Hồng cũng không ngớt ngợi ca họ, mơ bên mình cũng có những con đường cao tốc như thế, mình được phóng xe trên những con đường mềm mịn như nhung ở bên kia. Rồi những khu dân cư dọc biên giới hiện ra đối chọi choang choang: một bên là những khu định cư kiên cố theo một mẫu có sẵn, trăm nghìn như một treo cờ hiệu còn bên kia là những nhà tranh vách đất, những ngôi nhà truyền thống của người dân tộc địa phương. Bạn nói nhiều, khen nhiều quá về họ khiến tôi, đôi lúc thấy hơi khó chịu và chạnh lòng. Không thể phủ nhận một thực tế là ta nghèo, kém phát triển, dân cư vùng biên ải vẫn còn khó khăn, thiếu thốn, chật vật quá. Tôi cũng không thể ngoảnh mặt trước một thực tế là ta đã không đầu tư đúng mức, đích đáng cho sự phát triển của cái miền biên thùy này. Song nhìn lại, tôi có thêm một suy nghĩ khác, ta sẽ có gì, còn gì nếu tất cả dân cư bản địa vùng biên cương sống trong những nhà hộp, nhà ống như thế kia? Những con đường cứ lớn lao, thẳng tắp nhưng chẳng để làm gì khi không có khu kinh tế, thương mại, quân sự nào ở đây. Bên họ phát triển vì, như chị nói, thì đó cũng là một con đường huyết mạch nối những điểm trung tâm để phát triển kinh tế. Tôi yêu và thấy quá nhiều vẻ đẹp ở cung đường biên giới này bởi chính cái sự mộc mạc, thưa thớt, bởi cái còn lại của một cuộc sống bình yên, nguyên sơ, của những bản sắc văn hóa dân tộc vẫn chưa bị mai một nhiều. Ở một nơi mà trăm nhà như một, ngàn người vang lên một giọng đại đồng thì còn gì đặc sắc đây? Chợt tôi nhớ tới hình ảnh của một bản Thái hồi tết Âm lịch lên Mộc Châu hai chúng tôi ghé qua, một bản tái định cư cũng được xây dựng kiểu như những xóm làng biên giới phía họ. Hai chúng tôi đến đó lúc chiều buông, khi khói lam chiều chờn vờn trên những nóc nhà nhưng tôi lại không có bất cứ một xúc động nào như khi vào các bản làng dân tộc trước đó và sau này. Vẫn những con người, nếp sống, sinh hoạt ấy thôi nhưng dường như ở một nơi khác, trong một thứ kiến trúc khác, thì cái tổng thể vẻ đẹp văn hóa dân tộc cũng mất đi khá nhiều. Do đó, tôi thường không thích vào những khu du lịch sinh thái dựng lại, mô phỏng đời sống, sinh hoạt của các dân tộc. Đơn giản mọi thứ luôn tạo cho tôi cảm giác giả, hay ít nhất là gượng, một thứ hình thứ quá lớn so với cái nội dung bé tý bên trong.
Con đường biên giới từ Lũng Pô đi lên A Mú Sung rồi xuống Ngải Thầu, A Lù, và điểm cuối là Y Tý vẫn khá dễ đi. Dĩ nhiên đường nguy hiểm hơn nhiều vì đèo núi cao, quanh co. Chúng tôi vượt qua một loạt những con đèo, rừng già, bản làng. Đâu đâu cũng thấy nương rẫy, ruộng bậc thang mùa đổ nước loang loáng, xanh xanh những cây lúa mới mọc. Đứng ở đỉnh đèo, nhìn mây quần tụ đỉnh núi chúng tôi thấy rõ cái sự cách sông trở núi giữa hai nước từ đường biên này. Tôi cũng không biết đi đến đâu sẽ có núi liền núi nữa nhưng chắc tôi không có ý định đó. Chúng tôi cũng thấy xuất hiện một số đồn biên phòng ở lưng chừng núi chênh vênh. Nhìn những đồn biên phòng ấy một lần nữa trong tôi trỗi lên những cảm xúc lãng mạn về bộ đội biên phòng, thầm lặng hy sinh rất vĩ đại bảo vệ biên cương.
 Trước chuyến đi, anh bạn tôi nói nên xin ở đồn biên phòng Y Tý. Trong lúc ăn cơm ở gần chợ Y Tý, chị cũng nhắn tin trên facebook nói rằng có anh họ làm ở đó, và xin số nhưng cuối cùng không được. Đầu giờ chiều, chúng tôi lên đồn biên phòng Y Tý trình diện theo đúng thủ tục thì được tiếp đón lạnh nhạt, theo đúng nguyên tắc của một cán bộ ở phòng tiếp dân. Mọi ý tưởng và ý muốn xin ở lại đồn, được trải nghiệm một chút cuộc sống của các anh bộ đội tiêu tan ngay tắp lự khi anh cán bộ gán cho chúng tôi ở một nhà trọ trong xã, những cái tên đã quen với tôi từ trước khi tôi tới đây. Tôi không hề tiếc vài chục ngàn hoặc một trăm ngàn ngủ trọ, chỉ là muốn được ở cùng bộ đội biên phòng, để được tự cảm nhận, để được biết nhiều hơn về cuộc sống của họ và của người dân biên cương, biết về những vấn đề biên giới, để biết rõ thực tế như thế nào vì sách vở, truyền thông làm tôi mất niềm tin đi nhiều vì cái nhìn lý tưởng hóa, hô hào, tuyên truyền cực lố. Nhưng có lẽ tôi vô duyên với bộ đội biên phòng và viết ra tất cả những gì tôi trực cảm, quan sát và suy luận theo cái nhìn cá nhân vậy.
          Và với cái nhìn ấy, tôi vẫn tha thiết cảm động mỗi lúc nhìn thấy, đứng cạnh một cột mốc biên cương. Chúng không chỉ là chứng cứ pháp lý xác định chủ quyền lãnh thổ như một kiểu giấy tờ hành chính mà chúng có lịch sử, có một đời sống và kể cho chúng ta bao câu chuyện về đời sống nơi đây. Những cột mốc chúng tôi thấy ngày hôm nay được cắm năm 2001, vậy những năm trước chúng ở đâu. Trong hàng nghìn năm lịch sử với một loạt những cuộc chiến tranh lớn nhỏ giữa hai nước, những cái mốc biên giới chắc chắn không phải là một thứ bất di bất dịch. Và số phận của những người dân biên cương, những con người bảo vệ biên cương, những câu chuyện đời, chuyện tình, chuyện chiến đấu của họ có thể chồng chất, viết nên những trang vô tận như chính dòng sông Hồng mênh mông, xa tắp kia. Và đằng sau những cột mốc kia, những con đường biên giới này, là bao sự kiện, bao điều bí ẩn mà chẳng bao giờ chúng ta có thể vén lá màn lên giữa thanh thiên bạch nhật.
          Chúng tôi trở về với hình ảnh rất đẹp của một người nông phu đi chăn dê, lùa đàn dê lớn qua đường. Tiếng kêu của dê, của nhạc chuông đem đến cảm giác thanh bình, yên ả, ấm áp. Bạn dừng lại chụp cảnh này trong niềm vui trọn vẹn cuối cùng trước khi cái mệt và cơn buồn ngủ cuốn phăng bạn đi. Con đường biên giới vắng tanh và những cột mốc vẫn chơ vơ trong nắng gay gắt. Gần gũi tấc gang nhưng lại chia cách không ngừng vì sự khác biệt. Cái ranh giới ngắn ngủi, mong manh đó lại bền vững, chắc chắn vô cùng. Nhưng điều đó luôn là cần thiết để mỗi con người, mỗi dân tộc sống với cái phần bản sắc riêng, với sự khác biệt của mình. Ý tưởng về một sự đại đồng, về tình anh em, về sự nối liền của những kẻ khác thật nực cười và phi lý biết bao. Điều quan trong nhất, với mỗi con người, và dân tộc, là cần có một văn hóa sống, có thái độ ứng xử văn minh, tôn trọng sự khác biệt để chúng ta có hòa bình, chúng ta vẫn thấy lấp lánh vẻ đẹp của những màu sắc văn hóa riêng biệt, dù cuộc sống còn nghèo khó, còn vất vả thiếu thốn hay lạc hậu. văn minh vật chất không phải thước đo cao cả nhất để đánh giá một con người, một dân tộc, quốc gia. Để rồi, biết đâu đó, vài năm nữa, tôi có dịp quay lại con đường biên giới, tôi vẫn có thể nhìn thấy những đứa trẻ chạy nô đùa trước cửa, vẫn thấy những đứa trẻ tắm trong những vũng nước trong vắt từ suối rừng chảy ra ven đường, vẫn được nhìn những người dân tộc cuốc nương hay nhào đất làm tường, vẫn được nghe tiếng dê kêu, tiếng mõ của đàn trâu thong thả bước, vẫn được ngậm cái hương rừng thoang thoảng khi đi dưới những tán cây ken kín cả con đường đèo…
          Tôi ước mơ vậy thôi, được sống, được đi, được thả hồn mình trên những cung đường của đất nước, để biết rằng mình tồn tại như một phần trong đó, và nhìn thấy bản thể của mình trong mỗi nụ cười, ánh mắt, nếp sinh hoạt, hay một dáng hình bắt gặp trên đường. Tôi yêu tất cả vì những nét đẹp giản dị, đơn sơ, mộc mạc, trong cái tinh thần ban sơ như thế mà thôi.

                                                                                                                   14/5/2015

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ