SA PA VÀ GIẤC MƠ VỀ MỘT VẺ ĐẸP NGUYÊN SƠ, BẢN SẮC THUẦN HẬU

           Trước khi tới Sapa, gọi điện cho chị chị bảo là “cứ lên đi em, Sapa đẹp lắm, em sẽ có nhiều góc chụp ảnh tuyệt vời và ngay cả những cây hoa dại ven đường Sapa cũng mang một nét đẹp riêng. Nhưng em lên dịp nghỉ lễ này thì đông lắm, không cảm nhận được cái đẹp lặng lẽ, yên bình, thanh tĩnh của Sapa”. Dẫu gặp quá nhiều trắc trở, các phương án đi liên tục bị thay đổi nhưng chúng tôi vẫn háo hức, bởi chính cái tên Sapa tự nó mang một sức hút riêng của vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, phong tục. Chỉ cái tên này thôi cũng đủ thôi thúc chúng tôi xách ba lô lên và đi, để được đến một vùng đất lạ, tìm kiếm một cảm xúc, cảm giác khác, thỏa mãn khao khát xê dịch.
           Sau 6 tiếng đi xe giường nằm, chúng tôi bắt đầu tới địa phận huyện Sapa. Qua khuôn cửa kính xe, tôi phát thốt lên thành lời trước vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây và đánh thức bạn đồng hành dậy. Dãy Hoàng Liên sừng sững với những vạt rừng xanh ngắt. Những thung lũng trả dài bất tận cùng ruộng bậc thang, nương ngô đang trổ lá xanh. Ven đường, lát và thông nối tiếp. Những ngôi nhà san sát dần hiện ra theo đường xe chạy kéo đến những dãy đào, hoa hồng leo rực rỡ. Ánh nắng chiều làm cho con đèo trải ra mênh mông cùng không gian kỳ vĩ, khoáng đạt, lung linh. Tôi lặng người trước vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây và thấy nhiều góc nhìn, điểm nhìn cực đẹp để ngắm cảnh, để dừng lại cảm, hưởng nét đẹp lộng lẫy ấy. Tôi và bạn đồng hành đã lên một kế hoạch lúc đi từ Sapa ra thành phố Lào Cai bằng xe máy sẽ cố đi sớm, dừng lại để chụp lấy vài khuôn hình quá đẹp vừa lướt qua ngoài khuôn cửa.
          Hai ngày rong ruổi trên xe máy, chúng tôi đã đi hầu khắp những điểm chính ở Sapa và vẫn không ngớt lời khen về vẻ đẹp nơi đây. Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất này quá nhiều từ khí hậu, sông suối, núi rừng đến những sản vật phong phú. Đỉnh Phanxipang cùng khu sinh quyển núi Hoàng Liên vẫn là điểm chinh phục hấp dẫn, hứa hẹn với bao người đam mê leo núi, khám phá, muốn tận hưởng cảm giác ở trong một môi trường thiên nhiên nguyên sơ. Đèo Ô Quy Hồ mênh mang trong nắng chiều làm nức lòng bất cứ một khách giang hồ nào đam mê những khung cảnh kỳ vĩ, hoành tráng. Thung lũng Mường Hoa chồng xếp bao ruộng bậc thang loang loáng ánh nắng chênh chao mùa nước đổ trong buổi hoàng hôn rực rỡ. Đứng ở đỉnh núi Hàm Rồng, bạn có thể quan sát toàn cảnh thị trấn để cảm nhận được cái mênh mang của đất trời. Những địa danh như Cầu Mây, Thác Bạc, Bã đá cổ, Suối Vàng, Thác Tình Yêu, Tả Phìn… gắn liền với Sapa, gợi lên những nét đẹp riêng có của vùng sơn cước thơ mộng, hoang sơ mà kỳ vĩ. Và ngay thị trấn mờ sương, đứng ở điểm cao lặng nhìn mây vờn đỉnh núi, trôi qua đèo cũng thấy một kiệt tác của thiên nhiên rồi. Có lẽ bao năm nay, du khách đến với Sapa, say đắm với vẻ đẹp nơi đây cũng chính từ những vẻ đẹp hồn nhiên, nguyên sơ, lung linh ấy.
          Đến Đà Lạt, bạn đồng hành của tôi cứ đi tìm bản làng dân tộc nhưng không thể gặp. Đà Lạt hoàn toàn là thành phố hiện đại, nếp sống và mọi hoạt động đều thep nhịp điệu của đô thị phương Tây, văn minh, lịch sự, lãng mạn, trang trọng. Ngay cả cách làm nông nghiệp ở đây cũng rất chuyên nghiệp. Bạn bảo là ở Sapa đi đâu cũng gặp người dân tộc trong trang phục truyền thống, đi bán những sản vật núi rừng. Đây có lẽ cũng là một đặc ân mà Sapa được hưởng từ cuộc sống thuần phác với bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo của nhiều dân tộc như Mông, Dao, Giáy… Những sắc màu văn hóa, phong tục, nếp sống, ngôn ngữ… của các bản làng dân tộc đem đến sắc màu riêng, linh hồn riêng cho Sapa mà không một thành phố du lịch hiện đại nào có được. Ở Sapa, chỉ cần đi vài cây số, bạn có thể vào bất cứ một bản làng nào và được trải nghiệm cuộc sống cùng những người dân tộc, được thưởng thức chính những đặc sản, hương sắc vùng cao Tây Bắc. Những cái tên như bản Cát Cát, bản Hồ, Tả Van, Tả Phìn… luôn luôn được đánh dấu như những điểm nhấn trang trọng trong bản đồ du lịch Sapa.
          Tuy nhiên, khi ở lâu, đi nhiều một chút, cảm nhận của bản thân tôi có nhiều băn khoăn bởi tôi thấy mọi vẻ đẹp của Sapa, nguyên sơ, thuần khiết đang trong tình trạng chông chênh, đang bên mép vực của mai một và mất mát. Những vẻ đẹp, cả thiên nhiên và văn hóa nơi đây đang trong tình cảnh như người đi thăng bằng trên dây vì thị trấn ấy đang chứa một xung đột gay gắt, tạo nên những đối cực có khả năng hủy hoại tất cả những nét đẹp thuần khiết mà bao lâu nay chúng ta ca ngợi về mảnh đất này. Đó là xung đột giữa việc gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, nếp sống, sinh hoạt truyền thống để làm du lịch lâu dài với nhu cầu phát triển nhanh, đô thị hóa mạnh, hiện đại hóa tức thời, làm du lịch trước mắt để thu về lợi nhuận cho một số ít người. Số phận của người dân tộc ở đây, do đó, cũng chênh chao, mong manh như chính những con suối, con thác, như những khu rừng đang có nguy cơ bị tận diệt, đến một ngày mất đi vĩnh viễn. Cho nên, khi đến Đà Lạt, tôi nuối tiếc và chắc chắn như đinh đóng cột là một ngày kia sẽ trở lại thành phố mộng mơ; còn với Sapa, tôi ra về mà lòng đầy băn khoăn, luôn có cảm giác không thỏa, luôn tiếc nuối những nơi chưa kịp đến. Bởi một lẽ rất đơn giản là, lúc mình quay lại, chắc gì đã còn những khung cảnh mình đã chụp ngày hôm nay, đã còn những vạt rừng xanh mướt, đã còn những khu ruộng bậc thang ngút ngát, đã còn những bước chân của người dân tộc trên khắp các nẻo đường, đã còn gặp những ánh mắt, nụ cười trong veo hiếm hoi, ngay cả với ngày hôm nay.
          Khi di chuyển bằng xe máy từ Sapa ra thành phố Lào Cai, chúng tôi đã từ bỏ ý định dừng lại chụp ảnh và quan sát ở một số khung cảnh. Vẫn cung đường ấy nhưng khi nhìn cận cảnh, nó không còn sức hấp dẫn như ấn tượng ban đầu. Có thể do chúng tôi đã thấy, được đi qua những nơi đẹp hơn, hùng vĩ hơn, bát ngát hơn nhưng điều quan trọng là tôi nhận thấy mọi thứ không còn nguyên vẹn nét tự nhiên nữa. Tôi ứa nước mắt xúc động trước một cảnh tượng bình dị mà lâu lắm mới thấy: những đứa trẻ tắm dưới con suối trong vắt và bên cạnh đó, vài người lớn đem cả xe máy ra giữa suối để rửa. Nhưng ở đoạn trước và đoạn sau, vài công trình thủy điện đang thi công. Đồi bị cào bới loang lổ. Đất đá vung vãi khắp nơi. Những ngọn đồi bị san bằng, suối bị ngăn dòng. Không biết là cảnh tượng chúng tôi vừa thấy trong buổi chiều yên bình này sẽ còn tồn tại bao lâu khi những công trình thủy điện kia hoàn thành và đi vào hoạt động.
Trong quá trình viết bài này, tôi có lên mạng và đọc được khá nhiều bài báo cách đây dăm năm nói về việc xây dựng thủy điện bừa bãi làm mất cảnh quan, phá vở vẻ đẹp nguyên sơ, đe dọa cuộc sống của người dân tộc ở Sapa, nhất là ở khu vực xã Lao Chải, Trung Chải khu vực thung lũng Mường Hoa. Lúc trưa, khi tôi hỏi về tên công trình thủy điện đang xây dựng trên đường chúng tôi qua, bạn đồng hành của tôi có lên mạng search và lo lắng rồi đến một lúc Sapa chẳng còn suối, chẳng còn ruộng bậc thang nữa. Tôi nghĩ sẽ không đến mức như vậy nhưng sẽ chẳng còn đâu nét đẹp tự nhiên, hoang sơ của Sapa nữa. Bây giờ đến thung lũng Mường Hoa, bãi đá cổ, đến bản Hồ, chúng tôi cũng thấy nhiều thứ rạn nứt, nhiều mất mát, đổi thay so với những gì chúng tôi tìm hiểu được về vẻ đẹp trước đây. Những con suối không còn trong vắt và đầy ăm ắp nước nữa. Ruộng bậc thang phụ thuộc nhiều vào nước trời và dù giữa mùa đổ nước thì cũng còn đâu đó nhiều khu ruộng khô khốc. Rừng ngày một thưa vắng mà chỉ toàn thấy đồi cây bụi hoặc trơ khấc nâu đỏ, trọc lốc vì chưa đến mùa nương rẫy. Thị trấn Sapa giờ cũng chẳng còn là thành phố trong sương mù nữa vì không có rừng thông bao quanh. Buổi trưa, nắng nóng cũng thiêu đốt chứ không hoàn toàn mát mẻ, trong lành như bao người tưởng tượng. Tìm được một thoáng yên bình ở thị trấn đúng mùa cao điểm du lịch thực sự khó như lên trời. Phương cách cuối cùng của tôi và bạn đồng hành là chọn đi ngủ muộn, cùng dạo một vòng hồ vào buổi khuya, để tận hưởng một chút không khí tĩnh lặng, êm ái, bình yên, hoang sơ của thị trấn miền sơn lâm.
Vào facebook của bạn Ngô Huy Hòa – một người có nhiều trải nghiệm phượt rất độc đáo, tôi tình cờ đọc được một đoạn ghi chép rất thú vị như thế này:
“Leo núi cũng giống như xếp hình với người tình vậy
Quá trình lên đỉnh càng gian nan, qua nhiều dạng địa hình cũng giống như bạn xếp hình nhiều tư thế vậy. Càng nhiều càng thú, trải nghiệm hơn và hạnh phúc nhân lên gấp bội. 
=> Hạnh phúc là quá trình chứ không phải lên đỉnh.
=> Lên chậm thôi, nhanh quá mất hứng, mất vui :))”
          Và hành trình leo Fanxipang vẫn là hành trình thử thách với bao hứa hẹn chinh phục của các bạn trẻ, những người muốn khám phá thực sự. Nhưng giờ cả Fanxipang cũng sắp hoàn thàn cáp treo thì không biết Sapa còn gì nguyên vẹn, trong trắng. Có thể vì nhiều mục đích khác nhau, nhất là kinh tế, nhưng tôi thấy thật nghịch lý và nực cười ở một xứ phát triển du lịch sinh thái, văn hóa lại luôn dùng cáp treo. Những người bỏ ra một khoản tiền để lên đỉnh Fan bằng cáp treo sẽ có cảm giác như thế nào nhỉ? Họ chỉ là một lũ hợm hĩnh chụp vài tấm ảnh khoe khoang mình đứng ở đỉnh nóc nhà Đông Dương. Họ đâu biết được niềm hạnh phúc, đam mê, sung sướng cực điểm của những người đi cả một quá trình chinh phục chứ không phải lên đến đỉnh. Những kẻ đó, theo cái nhìn của mình, chẳng khác nào những kẻ nhiều tiền, thích gái đẹp và đi theo kiểu “tàu nhanh”, “bóc bánh trả tiền” khoe thành tích chinh phục giả mạo. Còn nhà tổ chức thì không khác gì mụ tú bà chỉ khác thác cái vốn có của người đẹp, để mua vui cho triệu triệu khách làng chơi thượng vàng hạ cám mà chẳng hề đếm xỉa đến danh dự, vẻ đẹp bản thể của nàng Hoàng Liên. Số phận nàng có vẻ sắp giống số phận cô  Kiều ý nhỉ? Hoặc giả, lạc quan hơn thì nàng sẽ giống công chúa ngủ trong rừng, mãi mãi chờ hoàng tử đến đánh thức, để biết nàng đẹp lỗng lẫy như thế nào? Tại sao thay vì những dự án kiểu ăn xổi như thế lại không đầu tư cho những thứ thiết thực hơn: đường giao thông vào các bản làng, địa điểm tham quan, du lịch. Đi đến những điểm du lịch ở Sapa tôi thực sự choáng vì đường vào quá xấu, lở lói, xóc như rung lò xo, khiến bạn đồng hành của tôi làm rơi mất cả chìa khóa con wave anpha lúc nào không hay.
          Cùng số phận với thiên nhiên, những bản làng dân tộc ở quanh thị trấn Sapa có làm du lịch đang phải đối mặt với tình cảnh đánh mất linh hồn, bản sắc. Ở bài viết trước, tôi có nói đến những đứa trẻ đi bán hàng rong, chèo kéo, sống bi kịch của trẻ đường phố, và còn không biết bao nhiêu người dân tộc khác bán mặt cho đường, cho bụi, cho thị phi để bán hàng dọc đường, làm nên tình trạng hỗn loạn thật giả, vàng thau của hàng hóa, sản vật. Thay vì đeo bám, nài nỉ khách, những đứa trẻ hoàn toàn có thể làm được một việc gây thiện cảm rất lớn: dẫn đường, chỉ đường cho khách vào bản, thậm chí dẫn khách về nhà, giới thiệu về quê hương, xứ sở của mình. Có thể chúng tôi đi vào dịp lễ nên không gặp được những con người như thế, nhưng nếu thực sự làm chuyên nghiệp, mang theo sự hiếu khách thì chắc chắn đông đến thế nào cũng vẫn có, vẫn thấy, ít nhất là những nụ cười, là những lời chỉ dẫn nhiệt tình, những sự thân thiện với khách xa, điều tôi được tận hưởng khi đến những bản làng xa xôi của người dân tộc mà không hề dính dáng gì đến du lịch.
          Nhìn theo một khía cạnh khác, dẫu có muốn nói, muốn giới thiệu cho khách thì chắc gì những đứa trẻ, kể cả người lớn có đủ vốn tri thức, hiểu biết về văn hóa, phong tục bản địa để nói. Đến những thế hệ ngày nay, nhiều giá trị chỉ còn sống trên sách vở và ký ức, nhất là cái gọi là chợ tình Sapa. Và từ cái nếp sinh hoạt ấy nhìn rộng ra thì nhiều giá trị văn hóa khác cũng vậy. Điều này tương tự như vấn đề cuả Ấn Độ mà Paul Theroux đã viết trong cuốn du ký “Phương Đông lướt ngoài cửa sổ” mà tôi có đọc: Người Ấn Độ không biết về văn hóa của mình, kể cả về Ấn Độ giáo. Người Việt ta giờ cũng thế, có khác gì đâu. Đơn giản là vì khi những thế hệ sau sinh ra thì bao giá trị quý của cộng đồng, dân tộc đã hoàn toàn vắng bóng, hoặc chỉ còn là “một thời vang bóng”. Khi giá trị văn hóa, phong tục không gắn với môi trường sản sinh, gìn giữ, diễn xướng thì nó sẽ chết, hoặc chỉ tồn tại như một cái xác khô của hiện vật bảo tàng mà thôi. Trách gì những bản dân tộc vùng cao bị thương mại hóa do du lịch, ngay cả những thứ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, được tổ chức linh đình để tôn vinh thì cũng chỉ là cái xác, cái mặt nạ hoa hòe, hoa sói, trong khi thần thái, linh hồn đã không còn. Điều này tôi đã cảm nhận rất thấm trong chuyến đi hội Lim năm trước, để tìm kiếm chút dư âm của văn hóa quan họ.
          Cho nên chúng tôi không có ý tưởng ngủ lại ở một bản nào gần Sapa để có trải nghiệm sống cùng đồng bào cả, dẫu chúng tôi thấy nhiều du khách lựa chọn như vậy. Đơn giản vì tôi không có cảm nhận là được sống đúng nghĩa cuộc sống ở một bản làng miền xa xôi, ở một nơi còn man dại, hồn nhiên. Lúc nào, ở những bản chúng tôi qua gần Sapa cũng sặc mùi dịch vụ du lịch theo quy luật cung cầu. Tôi không có cảm giác được là một người khách, rồi hòa mình trong đời sống tự nhiên nhất của những người bản địa, điều tôi đã được trải trong chuyến đi trước ở Tà Xùa, và sau đó là Y Tý. Mọi hình thức vẫn vẹn nguyên đầy đủ nhưng tinh thần, nhất là cái tình thì lại bé mọn, ít ỏi vô cùng. Bao vẻ đẹp nguyên sơ, xa ngái, kỳ vĩ của cảnh vật, nét thuần hậu, chất phác của phong tục và lòng người ở Sapa có lẽ chỉ còn trong một giấc mơ, một hoài niệm đầy lãng mạn về cái thuở ban đầu, buổi hồng hoang. Đó là một giấc mộng đẹp về cái thời khác của ngày xưa, đã thành ngày xa, và sẽ thành ảo ảnh của những ẩn ức dân tộc của bao con người vong thân, hoang mang vì mất bản thể, lạc loài vì đặc điểm thiểu số của mình trong đám đông hỗn tạp, lai căng.
          Khi tôi viết những dòng này thì tô đã rời Sapa hơn 1 tuần nhưng nhiều hình ảnh về miền đất này sẽ còn đọng mãi, như một ám ảnh: Những người bán trăn dọc đường; Những đứa trẻ bán hàng rong địu em với gương mặt lem luốc, ánh mắt vô hồn; Những người dân tộc ngồi trơ khấc trong nắng gặm ngô luộc, chờ bán mấy thứ hàng không biết thật hay giả trong lời eo sèo mặc cả của khách; Những con suối dần cạn nước, bớt trong mát hơn; Những ngọn đồi trơ trọi trong cây bụi; Những khách sạn đang thi công khắp nơi; Những công trình thủy điện san núi, ngăn dòng, đất đá lở loét… Đâu còn một Sapa nguyên sơ như chính cái tên gọi của nó nữa. Chị bạn tôi thì nói là hàng trăm năm nay Sapa vẫn thế, vẫn hấp dẫn vì còn nhiều thứ hoang sơ lắm nhưng tôi lại hoài nghi chính điều lạc quan đó. Cứ nhìn những thứ đã biến mất vĩnh viễn, từ những di sản thiên nhiên đến văn hóa trong khoảng hơn chục năm trở đây mới thấy sự hủy diệt lớn như thế nào của lợi nhuận, của một nhóm kẻ có quyền, tiền chỉ muốn làm cho cái túi của mình đầy thêm mà không có một chút kiến thức, tình cảm nào với di sản của đất nước. Và điều đáng sợ nhất là những vùng đất, những địa danh, những tên làng, tên bản vẫn còn đấy nhưng thực tế thì linh hồn đã mất, nó chết ngay khi người ta cấp cho nó cái sự sống hành chính. Một cái tên thì có ý nghĩa gì khi nó không còn tương hợp với bản thể, điệu hồn. Sự tồn tại đầy chông chênh, mong manh những giá trị, vẻ đẹp nguyên sơ, hồn hậu của Sapa chúng ta có thể thấy rõ qua một minh chứng trực quan sinh động chính là khu du lịch núi Hàm Rồng.
          Những cảm nhận cá nhân sẽ luôn thôi thúc tôi đi, tiếp tục đi. Bởi đơn giản tôi yêu nước tôi, và tôi muốn lưu lại những khoảnh khắc, những cảm nhận mong manh về cái đẹp bản thên, nguyên khối của mỗi vùng đất trước khi nó vĩnh viễn bị mất đi, bị hủy hoại, bị một số kẻ mưu lợi bán cho má mìn hay quỷ dữ. Và khi tất cả những lo lắng, có vẻ bi quan của tôi xảy ra thì bi kịch sống xảy ra đầu tiên chính là với những người bản địa. Điều này báo chí đã nói quá nhiều cách đây mấy năm khi Sapa xây dựng thủy điện rầm rộ. Dẫu vậy tôi vẫn luôn mong ước giấc mơ về vẻ đẹp nguyên sơ, thuần hậu của Sapa và của bao nơi khác tôi đã và sẽ qua thành hiện thực, dù hiện thực chẳng bao giờ như mơ.

                                                                                                11/5/2015

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ