BẢN NGƯỜI HÀ NHÌ Ở Y TÝ – CUỘC SỐNG THANH BÌNH MUÔN THUỞ
Từ trước cuộc khởi hành, cái tên Y Tý đã thôi thúc, tạo nên sức hấp dẫn lớn đối với chúng tôi. Nơi đây không chỉ có biển mây mà còn có những nét đẹp khác, đặc biệt là hình ảnh những thôn bản của người dân tộc Hà Nhì đẹp lung linh trên ảnh với những ngôi nhà trình tường san sát hình vuông, tròn tựa như những cây nấm mọc giữa ngọn đồi bát ngát. Bức ảnh ngôi nhà giữa ngọn đồi với mái ranh mọc cỏ xanh, hai đứa trẻ dân tộc đứng ở cửa và bức tường vôi trắng làm tôi xao xuyến, chỉ muốn nhanh chân đến nơi ngay. Những bức tường đất màu nâu đỏ, vàng nâu hay trắng ngà để lại ấn tượng mạnh trong tôi về một nơi còn giữ được khá nhiều nếp sống, nét sinh hoạt nguyên sơ, truyền thống của dân tộc mình, ít nhất là theo suy đoán của tôi. Một lần nữa, tôi lại muốn được sống trong lòng bản làng ở nơi biên cương xa xôi, được cùng ăn cùng ở, dù chỉ là lướt qua trên con đường lữ hành, nhưng cũng cho tôi cảm được phần nào đó cuộc sống thực, tâm hồn của đồng bào dân tộc Hà Nhì.
Đến Y Tý, nhìn từ lưng chừng đèo xuống những bản làng, tôi ngỡ ngàng trước không gian của những bức tường nhà màu nâu đỏ, trắng vàng lung linh trong nắng trưa. Có thể ở ngoài đời thực, bản người Hà Nhì không đẹp như trong ảnh nhưng đem đến cho tôi những cảm giác bình yên của cái đẹp mộc mạc, của một cuộc sống nguyên sơ. Ruộng bậc thang nối tiếp loang loáng trong mùa đổ nước. Thung lũng ngập tràn sự sống và lốm đốm màu xanh của mạ non, lúa mới. Từ sự mộc mạc toát lên một vẻ đẹp tươi tắn, đầy hy vọng. Tôi đã quên đi mọi muộn phiền, mọi ưu tư trong cuộc sống trước sự hài hòa của thiên nhiên với con người nơi đây.
Chúng tôi vào bản Lao Chải xã Y Tý trong buổi chiều đầy nắng gió biên cương. Con đường vào bản nhấp nhô, gập ghềnh sỏi đá. Dĩ nhiên nhiều đoạn đã được đổ bê tông, kiên cố hóa nhưng có những chỗ sạt lở do dòng suối chảy qua. Xe máy của chúng tôi buộc phải lội nước, phóng qua những đoạn cách chia đó để vào sâu trong bản, để được nhìn cận cảnh những ngôi nhà trình tường, không gian sinh sống của người Hà Nhì. Khoảng cách địa lý xa xôi, sự chia cắt bởi đèo núi với các đô thị khiến người Hà Nhì vẫn sống theo nếp cũ, ở những ngôi nhà trình tường truyền thống, sản xuất, canh tác theo lối cũ. Những ngôi nhà tường đất đã lên màu thời gian và hầu như không có cửa sổ, chỉ có cửa chính và mấy cái lỗ thông hơi/ khói. Ở những cái lỗ vuôn nhỏ rải rác trên nền tường vàng đỏ, vẫn còn dấu vết của khói đen và chiều xuống vài ngôi nhà còn tun hút khói lam chiều bay ra. Hình ảnh ấy gợi cho chúng tôi bao suy tư, cảm xúc, làm chạnh lòng bất cứ người lữ khách nào trên bước đường lữ hành. Nó gợi lên trong xa thẳm ký ức những cảm xúc đầu đời, những tình cảm nồng ấm, những kỷ niệm trong veo tuổi thơ ngây gắn với gia đình, quê hương, xứ sở.
Ngày nay, những ngôi nhà trình tường được xây dựng có hình vuông chứ không phải hình tròn nữa, mái thì được lợp bằng tôn hoặc ngói bờ rô xi măng chứ không phải là mái gianh. Tìm được ngôi nhà mái gianh, lên rêu hoặc cỏ mọc thật khó, và chúng tôi đã không thể tìm được ngôi nhà rất đẹp ở bức ảnh trên mạng. Kiến trúc nhà ở của người dân đã ít nhiều thay đổi để tiện lợi cho sinh hoạt, để có thể thích ứng với sự khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết. Có trực tiếp ngồi trong những ngôi nhà này, tôi mới hiểu rằng những bức tường đất dày kia chủ yếu để tránh cái giá rét cắt cứa vào mùa đông ở miền sơn cước. Bởi ngay mùa hè, đêm ở lại Y Tý, chúng tôi vẫn phải dùng chăn, huống chi mùa đông ở đây đầy băng giá, thậm chí có cả tuyết. Một vài ngôi nhà, trong đó có ngôi nhà của một cặp vợ chồng trẻ chúng tôi được mời vào, đã sử dụng nhiều vật liệu hiện đại để xây dựng: gạch bê tông, cửa xếp, tôn lợp, xi măng cốt thép, đồ dùng có cả tủ lanh, ti vi, … Những sự chuyển biến trong thiết kế nhà ở, sinh hoạt của người dân Hà Nhì phản ánh rõ sự vận động, biến đổi trong lối sống của bản làng, dân tộc, mỗi ngày một hiện đại hơn, có đời sống vật chất khá hơn, hướng tới sự kiên cố, ổn định. Đó là một điều đáng mừng. Nhưng với một kẻ hay hoài cổ như tôi, tôi lại hơi lo, bởi biết đâu 5, 10 năm sau, quay lại bản Lao Chải này, tôi lại không còn thấy bóng dáng một nhà trình tường xây bằng đất nào nữa, cũng như bây giờ khó lòng tìm được một ngôi nhà mái gianh, hình nấm như miêu tả trong sách báo. Những chuyến đi đến vùng cao, dù chưa thật nhiều, nhưng đâu đâu cũng khiến tôi có cảm giác bất an, phấp phỏng lo âu bởi sự tranh chấp giữa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất với sự mai một bản sắc, thậm chí mất đi vĩnh viễn những giá trị văn hóa tinh thần của các dân tộc.
Cơn mưa chiều bất chợt đổ xuống cắt ngang chuyến đi vào bản của chúng tôi. Chúng tôi chỉ kịp đi khắp thôn Lao Chải mà đã không kịp đến thôn Sim San của người Mán Đỏ và thôn Hồng Ngài của người Mông. Trú mưa tại một cái chòi nhỏ ven đường, cạnh con suối, chúng tôi thấy hai bé trai đi về trong mưa. Chúng tôi cho chúng một ít kẹo, tiếp tục chờ mưa tạnh để đi khám phá và dường như mỗi người đang theo đuổi một ý nghĩ riêng. Tựa cột nhìn mưa trắng trời, ngắm những ngồi nhà mờ mịt trong làn nước xối xả, tôi mới thấm lời hát “chiều mưa biên giới anh đi về đâu?”. Cơn gió len vào lành lạnh làm se thắt lại cảm xúc, đem đến chút bâng khuâng dịu dàng trong lòng người lữ khách xa xứ. Chả trách được thuở trước, những chinh phụ tựa cửa chờ chồng hình dung ra dáng điệu chinh phu võ vàng hoài vọng cố hương. Có những hằng số tâm hồn, cảm xúc muôn đời không đổi, dù cuộc sống có cuốn người ta đi theo bao thăng trầm, dâu bể đa đoan. Khoảnh khắc ngắm chiều mưa ở một nơi xa tắp mịt mùng, ở miền sơn cước biên ải không một dáng hình quen đã cho tôi cảm được nỗi niềm của người xưa như một thực thể cảm giác, cảm xúc sống động, hiện hữu tức thì chứ không phải là thứ tình cảm ước lệ.
Từ phía con đường mưa mù, một người phụ nữ đi về và ghé chỗ chúng tôi trú mưa. Chị còn khá trẻ, gương mặt tươi tắn và phúc hậu. Chị mời chúng tôi lên nhà trú mưa mà nghe một lát chúng tôi mới hiểu vì tiếng Việt chị nói cứ lơ lớ với một vốn từ hạn chế. Sau một chút ngập ngừng vì mưa cũng đang ngớt, chúng tôi quyết định lên nhà chị. Ngôi nhà ở lưng chừng đồi, ngay cạnh chỗ chúng tôi trú mưa và đi tắt theo mộc cái dốc nhỏ, dựng dứng, trơn trượt nhưng không cao lắm. Ngôi nhà này chính là nơi mà ở trên tôi đã nói, chúng tôi được mời vào nhà, được thấy những thay đổi trong kiến trúc và cung cách sinh hoạt của những gia đình trẻ của dân tộc Hà Nhì. Ba ngôi nhà được bố trí theo hình chữ U: gồm hai ngôi nhà đối diện là nhà ở, một ngôi nhà đáy chữ U là bếp – ngôi nhà trình tường đúng kiểu truyền thống.
Lên đến nơi, chúng tôi mới biết chị chính là mẹ của hai bé trai lúc nãy chúng tôi vừa cho kẹo. Chị mời chúng tôi nước chè, uống bằng bát và cho trực tiếp chè vào phích nước nóng. Ngôi nhà đơn sơ, không có bàn ghế và gian tiếp khách kiểu như miền xuôi. Chúng tôi ngồi trên những chiếc ghế nhựa và mấy cái bát cũng để lên một cái ghế nhựa kiểu như đi uống trà đá ở vỉa hè. Chị pha chè, để mặc chúng tôi ở đấy rồi lên nhà trên. Mấy đứa trẻ cũng vụt biến đi đâu đó. Bốn chúng tôi ngồi giữa ngôi nhà trình tường xây theo kiểu mới, thấy hơi nóng bức và ngột ngạt, và một chút ngại ngùng vì chỉ có chúng tôi với nhau. Mấy bạn của tôi định xin phép đi luôn vì mưa đã ngớt nhưng tôi ngăn lại. Bởi tôi biết rằng, ở một nơi mà người dân tộc sống khép kín, e dè với khách lạ như thế, được mời lên nhà như thế là họ đã dành cho mình một tình cảm khá đặc biệt, nên ít nhất cũng phải uống hết bát nước chè. Đó là phép lịch sự tối thiểu, là sự thể hiện trân trọng tấm lòng của chủ nhà mà tôi kịp học trong vài chuyến đi trước, nhất là cái lần ở Tà Xùa, khi chúng tôi dậy sớm, bạn người Mông tưởng chúng tôi đi luôn, không ở lại ăn bữa sáng mà gia đình bạn đã chuẩn bị từ trước, có khi rất lâu, nhất là cái món da bò gác bếp kia.
Ngồi đợi mưa tạnh hẳn và uống nốt bát nước, tôi kịp để ý ra ngoài thấy chị chủ nhà đã thay quần áo khô, ngồi thềm nhà trên chải tóc. Xong mọi việc, chị vẫn ngồi đó, đợi chờ, giữ một khoảng cách nhất định với người lạ. Tôi hiểu phần nào mọi hành động của chị, từ việc mời chúng tôi lên nhà, nước chè đến giữ khoảng cách. Tấm lòng ấy làm cho chuyến đi của chúng tôi thêm ấm áp, thêm một chút hiểu về cuộc sống, con người ở những nơi xa lắc, nếu bình thường chỉ nghe tên cũng không hình dung được trên bản đồ. Rồi đứa trẻ về, anh chồng về cùng. Anh và chúng tôi chào nhau, rồi anh thể hiện rõ sự hiếu khách của mình từ việc lôi ra cả một bộ ấm chèm pha trà rất chỉnh tề, đủ cả ấm, chén, khay, đến việc lôi nước lạnh từ tủ ra cho chúng tôi. Hơn ở đâu hết, trong một gia đình dân tộc Hà Nhì, chúng tôi thấy rõ cái gọi là chế độ phụ hệ. Người chồng không chỉ là trụ cột mà còn là người sở hữu, quyết định mọi việc, ngay cả việc nhỏ nhất là tiếp khách. Và người phụ nữ luôn luôn phải ý tứ, giữ mình bởi chị không hề xuống dưới nhà thêm bất cứ một lần nào nữa.
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ làm quen, hỏi han những chuyện bình thường như quê quán, công việc. Tôi muốn hỏi nhiều điều về cuộc sống, phong tục của người Hà Nhì nhưng anh chủ nhà khó trả lời được. Đơn giản là vốn tiếng Việt và khả năng diễn đạt bằng tiếng Việt của anh khá hạn chế. Vì vậy, câu chuyện của chúng tôi không đậm đà, sôi nổi, các bạn của tôi thấy có một khoảng cách, thấy không tự nhiên và muốn từ biệt. Nhưng trong những gì anh nói, hỏi chúng tôi, tôi nhận ra sự quan tâm, cả tấm lòng muốn mời mọc, thết đãi mấy người khách đường xa, hữu duyên gặp mặt. Lúc chia tay, cả anh và chị đều bảo là nếu quay trở lại thì lên nhà họ chơi, rồi ở lại. Thực lòng tôi muốn ở lại, muốn được cùng những người bản xứ sống, sinh hoạt, dù chỉ là một tối, để cảm cái không khí, không gian, để hiểu hơn về con người, cuộc sống ở miền biên cương này. Dĩ nhiên, các bạn tôi không ở lại không hẳn vì ngại mà là muốn đi tới cầu Thiên Sinh nơi có cột mốc số 87 nổi tiếng, vì bản ở xa trung tâm xã mà đường đi khó, sớm mai sẽ không thể săn mây. Xa ngôi nhà ấy, tôi vẫn nhớ hoài nụ cười hiền hậu, ánh mắt ấp áp của ba người họ khi nhìn tôi xuống dốc. Con đường mòn trơn, dốc không cao nhưng dựng nên tôi cứ phải dò dẫm đi, sợ trượt ngã, trong khi các bạn tôi bước vài bước rộng và nhảy một bước đã xuống đường. Đành hẹn anh, chị một dịp khác vì nếu có cơ hội quay lại, tôi vẫn nhớ như in vị trí của ngôi nhà ấy.
Sở dĩ tôi quý gia đình dân tộc tôi qua và hơi tiếc khi không ở lại đó vì ở bản của người Hà Nhì này mọi người sống khép mình, tương đối e dè, thậm chí sợ hãi người ngoài. Không một người lớn nào cho chúng tôi chụp ảnh, kể cả từ xa, kể cả đã xin phép rất lễ độ. Trên đường giữa bản, tôi thấy một người địu con đi về, tôi đi nhanh theo để chụp cận cảnh thì chị ấy ù té chạy về nhà, đánh rơi cả cái ô ở đường. Tôi thấy cực ngại và có lỗi vì làm chị ấy sợ, vì sự đường đột của mình. Ở đây, chỉ có trẻ con có thể cho chúng tôi chụp ảnh, có thể gần một chút khi chia kẹo cho chúng, khi chúng nhận thấy chúng tôi thực sự thân thiện, chúng tôi vô hại, chỉ muốn ngắm nhìn, tìm hiểu mà thôi.
Cuộc sống tách biệt, khép kín ấy khiến hầu hết người dân tộc ở đây nói được rất ít tiếng Việt. Việc hỏi đường là vô cùng khó khăn vì có hỏi nhiều người cũng không biết trả lời chúng tôi ra sao. Tôi ngỡ ngàng đến sốc một chút khi nhìn thấy một điểm trường ở đầu bản, chỉ là một ngôi nhà cấp 4, ngăn làm 2 phòng và là hai lớp học ghép: 1+3, 2+4. Trước đây, bạn tôi dạy học trên Lai Châu có nói đến việc dạy lớp ghép, phải vào bản vận động học sinh đi học, rồi uống rượu với phụ huynh, đi làm rẫy… tôi chỉ coi như một chuyện ở rất xa, là của hiếm và lạ. Giờ tận mắt nhìn thấy, đang ở giữa cái bản làng này, tôi mới biết không chỉ một, mà nhiều nơi như vậy. Và những người đồng nghiệp của tôi gieo cái chữ ở miền núi, miền biên giới đã phải vất vả, hy sinh nhiều như thế nào. Và để những gia đình dân tộc, như gia đình chúng tôi ghé qua, chỉ sinh hai con, cán bộ, giáo viên và cả bộ đội biên phòng đã phải cố gắng rất lớn để vận động họ thay đổi nhiều hủ tục. Để đến khi xa bản Lao Chải, tôi thấy yên tâm hơn về việc gìn giữ bản sắc, rằng tôi đã có những suy nghĩ hơi cực đoan và yếm thế khi lo lắng sự mai một, mất đi bản sắc, phong tục, truyền thống nơi đây. Mọi thứ sẽ vẫn vậy, không khí và cuộc sống vẫn bình yên khi con người hồn hậu, chân chất, khi họ sống với cả tấm lòng và biết bằng lòng với cuộc sống của mình.
Những đứa trẻ vẫn nô đùa tắm suối trong vắt. Những đứa trẻ khác địu em trần truồng, dẫn nhau đi chơi trên đường. Đâu đó ở những ngôi nhà, khu vườn kia, đàn gà vẫn bới kiếm mồi. Mấy cô gái giặt ngay ở cái bể nước cạnh nhà. Cậu bé sau lúc ngừng lại nhìn chúng tôi thì tiếp tục bừa thửa ruộng, chuẩn bị cho mùa gieo cấy mới. Một bà già đang chuẩn bị cho bữa chiều. Đâu đó trong không khí, thoang thoảng mùi hăng nồng của phân trâu, của những chuồng gia súc. Trên con đường chiều trở về, bao gia đình tay cuốc, lưng gùi, tay dắt con trở về sau cuộc lao động vất vả cho mùa màng mới. Ánh nắng cuối ngày nhòa nhạt trong bóng người đang sẫm đi cùng bóng tối đã đẫm đìa, lan tỏa. Bên đường, vài cái nán tạm được dựng lên của một vài gia đình có ruộng xa hoặc xây dựng một ngôi nhà mới, một cuộc sống mới. Âm điệu, tiếng nói dân tộc vẫn cứ ríu rít trong cái nhá nhem, chạng vạng của ngày đang tắt. Tất cả đọng lại trong chúng tôi những hình ảnh không phai về cuộc sống của đồng bào dân tộc thư thái, bình yên, mộc mạc, lam lũ mà khoáng đạt, chân chất, mộng mơ. Tất cả cho tôi biết rằng, trong những sự tranh chấp, trong những nguy cơ mất đi vĩnh viễn nhiều giá trị văn hóa, lối sống, bản sắc qua sự vận động, phát triển, chạy theo nhu cầu vật chất thì có những điều, có những yếu tố vững bền, mãi mãi vẹn nguyên như một giá trị vĩnh cữu, kết tinh ở cái tình, ở những tấm lòng người.
Đêm ở Y Tý khá lạnh. Gió ào ảo thổi làm tôi tưởng là mưa. Mùa đông chắc lạnh hơn nhiều và gió còn dữ dội hơn. Người dân nơi đây, nhất là dân tộc Hà Nhì hàng năm và cả đời vẫn cứ phải chống chịu, rồi vươn lên trong cái khắc nghiệt của thởi tiết, trong nguồn tài nguyên ngày càng thu hẹp, trong những vụ mùa trên những diện tích ruộng bậc thang ít ỏi. Cuộc sống của họ vẫn sẽ trôi đi lặng lẽ, trong thiếu thốn, khép kín nhưng bình yên, hồn hậu, vô ưu. Hình ảnh những đứa trẻ trên nhiều nẻo đường tôi gặp làm ám ảnh tôi nhiều nhất. Nhìn chúng tôi luôn thấy một điều gì đó hơi tội tội vì không có điều kiện học hành, không được vui chơi, không được chăm sóc chu đáo, cẩn thận như trẻ em miền xuôi. Nhưng biết đâu như thế lại tốt hơn, ít nhất trong cái nhìn của tôi. Bởi như chính như đứa trẻ ở quê tôi hiện tại, đời sống vật chất, sự chăm sóc tốt hơn đấy nhưng chúng hoặc là phải học quá nhiều không có thời gian vui chơi, hoặc là chỉ biết học mà không biết gì khác, hoặc sống đủ đầy mà ích kỷ, không biết quan tâm, không muốn lao động, hoặc có đứa hư hỏng đến mức bố mẹ cũng bó tay, không thể quản lý, giáo dục. Tôi gặp một chút hình ảnh của mình trong những đứa trẻ dân tộc kia, trong giấc mơ chập chờn về tháng ngày chăn trâu cắt cỏ, đi làm đồng cùng bố mẹ, phơi ra nắng hè đen nhẻm, gầy guộc lội bùn, tắm sông, cũng thèm thuồng đủ thứ từ cái kẹo đến que kem… Nhưng hầu như tất cả vẫn trưởng thành, vẫn vững vàng đối mặt, sống đời sống của mình trong sự biến động không ngừng của xã hội.
Tôi viết những dòng này một tháng sau chuyến đi. Miền Bắc đang trải qua những ngày nắng nóng khủng khiếp. Trong những giấc mơ chập chờn, đứt nối vì không thể ngủ nổi do thời tiết nóng rang và căn nhà thì như cái hỏa lò, tôi lại mơ về những chuyến đi lên miền cao, một miền cao trong mơ ước. Tôi mơ được đi giữa bạt ngàn rừng xanh mát rượi, được đến những khoảng không bao la thoáng đãng, được thấy những bản làng bình yên, sung túc, đẹp mơ màng trong nếp sống, phong tục cổ truyền. Tôi mơ được nhìn thấy những đứa trẻ phốp pháp, trắng trẻo, tươi rói trong trang phục bản xứ. Tôi mơ… mơ mãi về những vẻ đẹp nguyên sơ…
Và tôi sẽ tiếp tục đi tìm, dù chỉ tìm thấy một phần rất nhỏ giấc mơ của mình trên những chặng đường, những cuộc hành trình đi về. Những cuộc hành trình ấy luôn cho tôi nhiều hơn một cuộc du ngoạn, khám phá vì ít nhất tôi biết rằng cuộc đời này rộng lớn hơn những nhận thức, hiểu biết của cá nhân, hơn cả những tham vọng, danh vọng hào nhoáng hay một cuộc sống đủ đầy, yên ổn. Trên đường, vẫn còn đó bao bất ngờ của vô vàn cái đẹp, những chân giá trị và cả những tấm lòng, những tấm chân tình thắm thiết, đồng điệu.
Những ngày hè nóng như nung 1-3/6/15
Nhận xét
Đăng nhận xét