SA HUỲNH: MUỐI MẶN… MUỐI ĐẮNG…!
Cánh đồng muối loang loáng nước óng
ánh trong nắng chiều chênh chao. Những hạt muối đã kết tinh làm mặt ruộng sáng
lóa trong những tia nắng gay gắt chiếu rọi. Bầu trời xanh thẳm, mây trắng ngần
soi bóng xuống mặt nước hòa trong những bóng lưng cong cong đang thu muối.Trên
cánh đồng, bao ụ muối trắng xóa làm bật lên một vẻ đẹp nhức nhối, nao lòng.
Người dân làm muối đang hăm hở gánh những thúng muối trắng hắt sáng lung linh
trong ráng chiều toát lên một vẻ đẹp mạnh mẽ, chân chất mà tráng lệ. Nếu bạn
mang trong mình tâm hồn và cái nhìn lãng mạn sẽ thấy đồng muối Sa Huỳnh đẹp
lung linh, rạng rỡ như một giấc mộng thần tiên tuổi dại bao năm nay của tôi.
Nhưng đứng giữa đồng muối sáng lóa
trong nắng chiều, nhìn vẻ đẹp của một khung cảnh bình dị, tinh khiết và trong
ngần ấy, lòng tôi ngổn ngang, chân nặng trĩu không thể cất bước. Chúng tôi đã
chụp ít ảnh hơn, đã không đi sâu vào cánh đồng muối và hỏi nhiều hơn những
người dân làm muối ở đây. Bấy nhiêu câu hỏi và bấy nhiêu câu trả lời của một
chú – người duy nhất tiếp chuyện chúng tôi tự nguyện, niềm nở nhất – đã khiến
tôi không nỡ hỏi thêm bất cứ câu nào nữa. Bởi chính những người lao động, công
việc, khung cảnh xóm làng, đồng ruộng mà tôi quan sát, cảm nhận đã cho tôi câu
trả lời chính xác rồi. Hỏi nữa sẽ thành vô duyên bởi những chuyện đã “Biết rồi!
Khổ lắm! Nói mãi…” mà chẳng thay đổi được gì, bởi nó khơi sâu nỗi chán chường,
buồn bã, lo âu, thậm chí là bế tắc của những người dân gắn với nghề truyền
thống bao năm của quê hương dưới cái nắng gió nung đốt rực lửa của miền Trung.
Cho nên, dù chỉ lưu lại cánh đồng
muối Sa Huỳnh vài tiếng đồng hồ nhưng những hình ảnh nơi này ám ảnh tôi trong
suốt chặng đường về và những ngày qua. Cái dáng nằm võng, hút thuốc lá phì phèo
ở chòi canh muối với ánh mắt đờ đẫn, nhìn xa xăm, chán nản, mệt mỏi, đầy buồn
bã và mòn mỏi của chú khiến tôi lặng đi, không dám hỏi thêm gì nữa. Những gánh
muối trắng trĩu nặng, oằn oại trên đôi vài gầy, trong dáng vẻ âm thầm, cam
chịu, liêu xiêu của người phụ nữ trên đồng muối khiến tôi nghẹn ngào. Hành động
tất tả quét, xúc vội vàng ít thóc phơi dọc con đường quốc lộ, rồi chạy ào xuống
đồng muối của mấy bác vì sợ trời mưa, mấy cô làm tôi thổn thức nhớ tớ hình ảnh
của mẹ, của chị, của những người dân lam lũ quê tôi. Dọc những bờ/ đường lớn
dẫn ra đồng muối, trong sân, vườn nhà đều là những đống, những nhà chứa muối
dồn ứa chờ đến khi có thể bán được làm bật lên cái sự tàn tạ, ngoi ngóp của
cuộc sống nơi đây. Và cũng rất ít nơi, xóm làng ở vị trí đắc địa ngay cạnh quốc
lộ 1A xe cộ rầm rập chạy ra Bắc và Nam mà nhà cửa lại thấp bé, không khí tẻ
nhạt, hiu hắt đến thế. Bấy nhiêu hình ảnh đọng lại đã cho tôi một câu trả lời,
khiến tôi tự thấm thía về cuộc sống, số phận chông chênh, đầy bất trắc của
những người dân làm muối bao đời.
Không phải ngẫu nhiên trên cánh đồng
muối chúng tôi chỉ thấy người già, người trung tuổi bị mắc kẹt với một mớ trách
nhiệm cùng gia đình, con cái và những đứa trẻ mới lớn đi làm. Làng muối này
cũng giống như ở quê tôi, người trẻ, thanh niên đều đi học, đi làm nhà nước,
không thì đi làm công nhân, đi ra thành phố. Đồng ruộng không còn sức hấp dẫn,
không thể giữ chân được họ vì giá cả nông phẩm bấp bênh theo quy luật được mùa
rớt giá, được giá mất mùa. Cách đây tầm một tháng, trong bữa cơm ngày mùa, mẹ
tôi bảo giờ giá thóc mới có 6 ngàn 1 cân, trừ chi phí, giống vốn thì gần như
làm không công. Những câu trả lời nhát gừng, ngắt quãng của chú ở làng muối cho
những câu hỏi của tôi đã làm tôi vô cùng ái ngại:
- Năm nay muối rẻ lắm, giờ cũng vẫn rẻ, chẳng ăn thua gì đâu.
- Muối có khi để đến 7, 8 tháng mới bán được.
- Một năm chỉ làm muối được 5, 6 tháng, khoảng từ tháng 3 đến cuối tháng
7 âm lịch thôi, còn lại chơi dài vì không có việc.
- Năm nay mưa nhiều, chẳng làm được mấy đâu.
- Nếu thời tiết thuận lợi, nắng to thì khoảng 3 ngày mới được một mẻ,
không phải 5, 7 ngày mới được muối.
…
Những hạt lúa của mẹ tôi, của những
người nông dân quê tôi và những hạt muối của người dân Sa Huỳnh là công sức, là
mồ hôi và cả nước mắt. Nhưng trong cái thời giá, thị trường này thì hạt gạo
“dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”, còn hạt muối trắng lóa, mặn mòi kia
thành “muối đắng”, chát chúa phận nghèo của những kiếp người làm việc không
khác gì mấy công dã tràng. Mất cả tháng để có thể làm nền ruộng dẫn nước vào,
vài ngày mới được một mẻ muối kết tinh, bao công lao phơi, bảo quản, thu gom
kết cục là những đống muối cứ chất cao vì quá rẻ, không thể bán được. Số phận
của những hạt muối, của diêm dân nơi đây hoàn toàn phụ thuộc vào thương nái.
Khi tôi hỏi đến cái nhà máy chế biến gần đó thì được biết nó ngừng hoạt động và
bị bỏ hoang lâu rồi. Cách đây hơn một tháng, tôi có đọc một bài báo viết rằng
“một tạ muối Sa Huỳnh không đổi được một tô phở”. Đọc mà thấy đắng đót, sống
mũi cay sè. Thóc lúa ở quê tôi, có rẻ, có ế ẩm thì vẫn có thể để mà ăn, chăn
nuôi, dưa ế có thể kêu gọi đồng bào mua giúp nhau, muối ế thì ai có thể mua
giúp diêm dân? Ở quê tôi, dẫu thóc lúa có rẻ thì người nông dân vẫn có thể xoay
xở luân canh, xen canh một năm 3, 4 vụ màu trang trải cuộc sống. Còn với người
dân làng muối, ruộng cấy có khi không đủ thóc ăn thì mọi thứ trông mong vào hạt
muối. Nhưng muối đắp đấy, chẳng ai mua mà bán thì rẻ hơn cho trong khi giá cả
mọi thứ nhảy múa liên hoàn, cuộc sống của họ chỉ là sự cầm cự kéo dài trong
ngắc ngoải.
Mà không chỉ có muối, thóc gạo, cả
hành, tỏi, dưa hấu, thanh long, mía, cà chua Đà Lạt, cá tôm, vải thiều… đều đã
có lúc ế ẩm, phải đổ đi, hàng chất thành núi ở cửa khẩu. Mồ hôi, công sức, tiền
của, cả cuộc sống và sinh mệnh của người dân lao động, nhiều lúc trở thành nước
lã, thành hư vô. Thân phận người lao động ở nông thôn thật nhỏ bé, tội nghiệp,
thậm chí đầy cay đắng, nhục nhằn. Họ bị ném ra, tự mình vùng vẫy, đối mặt với
mọi nguy cơ, trần trụi trong cái khắc nghiệt của thiên nhiên, của thị trường bị
lũng đoạn bởi một vài cá nhân thương lái. Không một sự hỗ trợ, bảo hiểm nào cho
đầu ra, cho tương lai và số phận sản phẩm họ làm ra, cũng chính là số phận của
họ và tương lai con em họ. Mọi chính sách, chương trình đầu tư cho nông thôn và
nông nghiệp đều nửa vừa, chạy theo phong trào và hình thức để đem đến cái danh
cho kẻ nắm quyền. Người ta đầu tư cho nông thôn mới phải làm hội trường, nhà
văn hóa, cổng làng trước khi làm kênh mương, cải tạo hệ thống thủy lợi hay đầu
tư cho sản xuất. Phong trào phát động cứ trồng nhiều, nuôi lắm mà không biết
bán cho ai và ở đâu. Cứ như thế, những làng muối như Sa Huỳnh cùng bao làng quê
khác ở Việt Nam
cứ quanh quẩn, sống lay lắt, dần dần đi vào ngõ cụt.
Ở xứ Quảng và nhiều vùng quê khác
trên đất nước này tôi đã có dịp sống, ghé qua, nhiều nghịch lý đang tồn tại như
một thực tế hiển nhiên; những đối lập đến phi lý vẫn được chấp nhận, có khi là
ngợi ca tự hào như những gì hợp lý, cao đẹp. Nhà ở của dân thấp, bé, xiêu vẹo
trong khi tượng đài, nghĩa trang hoành tráng, kỳ vĩ, mĩ lệ; công trình dân sinh
tuềnh toàng mà chùa chiền thì rực rỡ, huy hoàng, quy mô; người dân giành giật
từng mảnh đất, chắt chiu từng chút không gian để nhường chỗ cho những không
gian của sân gôn, resort sang trọng – những nơi họ không bao giờ có thể bén
mảng tới; ruộng vườn bị quy hoạch, cưỡng chế để làm khu công nghiệp, mà rất
nhiều đang bỏ hoang tàn; ở những miền núi cao, sâu xa trẻ con không đủ cơm ăn,
áo mặc, không có sách vở hay một con đường thuận tiện mà đến trường thì quan
chức vẫn cứ muốn xây tượng đài, khu hành trình nghìn tỷ, mà có nghìn tỷ thì
muôn đời vẫn cứ “hành là chính”… Một đất nước người nông dân chiếm đại đa số
trong dân số nhưng quyền lợi, sự hưởng thụ thì luôn luôn thuộc về thiểu số.
Những con người ấy đã xả thân, dành cả của cải, tính mệnh, cuộc đời mình cho sự
nghiệp thiêng liêng là giải phóng dân tộc thì kết cục, sau vài chục năm, thân
phận của họ, cuộc sống của họ (trong tương quan với những giai tầng khác) cũng
chẳng thay đổi là bao, hoặc có thì chỉ là số ít, phần đông vẫn ì ạch đi đều bước
trong quẩn quanh.
Muối đắng nên diêm dân bỏ đồng, bỏ
ruộng đi tìm trái ngọt ở miền xa. Nông dân quê tôi và nhiều vùng quê khác cũng
bỏ ruộng đồng đi làm công nhân, đi ra thành thị kiếm kế sinh nhai, tìm cơ hội thoát
khỏi cái cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà không được mấy đồng. Người
ly hương thành kẻ tha nhân, sống trong tình cảnh vong thân. Có bao người gặp số
đỏ, vận hên để thành danh nơi đất khách? Có bao người tha hóa, đánh mất mình,
rồi trở về thành một “Chí Phèo” thời đại mới? Và biết bao người ngậm ngùi, chịu
đựng, thành bộ phận thiểu số, sống bên lề sự xa hoa, giàu có của phố thị phơi
mình trong nắng mưa cùng gánh hàng rong, mẹt bán rạo, chạy xe ôm…, bước chân
bỏng rát nền đường bê tông những trưa hè nắng đổ lửa hay lạnh buốt những đêm
đông gió thốc cắt da cắt thịt… Họ ngậm ngùi bỏ lại sau lưng cánh đồng muối
trắng, cánh đồng lúa xanh mướt, những vườn quả sai trĩu ngọt mọng, rồi vĩnh
viễn rời xa mảnh đất thân thương, phần đời yên bình, chắt chiu cho mai sau, cho
những gì họ nâng niu, quý trọng hơn cả sinh mênh, cuộc đời mình – những đứa con
và sự nghiệp học hành.
Cả những người ở lại nơi xóm làng,
gắn với nghề truyền thống cha ông cũng từng ngày từng giờ cam chịu lam lũ, lầm
lũi sống để cóp nhặt, gom góp, lo toan cho cuộc sống gia đình. Đâu đó trên cánh
đồng muối nghiêng đổ nắng chiều gay gắt, vẫn còn tiếng cười, những câu nói đùa
vui, còn niềm lạc quan và hy vọng. Có lẽ đó là bản tính muôn đời của người dân
lao động xứ Việt này chăng – chấp nhận, tần tảo, chi chút từng li từng tí, để gìn
giữ, nuôi dưỡng, phát triển những mầm non tương lai. Những giá trị sống, truyền
thống hay bản sắc được kiến tạo, bảo lưu và phát triển từ đó. Nhưng mầm non kia
có vươn thành cây, cho trái ngọt tán xanh hay không thì thật là khó nói trong
cái xã hội mọi thứ đều tăng vòn vọt, những cơ hội cũng mong manh, ít ỏi như cái
khối người ùn ùn, nhung nhúc chen chân ở thành phố tìm một chỗ đứng, một điểm
đỗ cho mình. Sẽ vẫn còn đó bao người mẹ như mẹ tôi một thuở, tất tưởi đạp chiếc
xe cọc cạch xơ cả gấu quần suốt từ trưa tới xế chiều không lo nổi cho con vài
trăm ngàn mang ra thành phố ăn học, tiếp tục hiện thực hóa ước mơ, hy vọng đổi
đời.
Làng muối với những nếp nhà nhỏ nhắn
tựa mình vào núi, in bóng những hành dừa cao vút. Khung cảnh xóm làng đem đến
cho mỗi lữ khách cảm giác thật yên bình, đầm ấm, thanh thản. Nhưng cũng như bao
làng quê tưởng rằng bình yên sau lũy tre xanh rờn, mát rượi trưa hè, bao rạn
vỡ, mất mát, bao biến động và đổi thay, bao bi kịch thân phận người đang ngấm
ngầm diễn ra. Để rồi đến một ngày, chúng ta sẽ ngỡ ngàng khi biết mình hoàn
toàn mất đi cái không khí thanh bình muôn thuở của làng quê Việt, cùng bao
truyền thống, phong tục, nhất là những vẻ đẹp người trước cơn siêu bão của mưu
sinh, của đô thị hóa, hiện đại hóa.
9/8/2015
Nhận xét
Đăng nhận xét