BẢN LÌM MÔNG CHÊNH CHAO TRONG CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI


            Gần 3 giờ sáng, tôi choàng tỉnh giấc vì tiếng lợn kêu, tiếng băm lách cách, tiếng xì xào nói chuyện của mọi người. Người vẫn nửa tỉnh nửa mơ, vẫn còn hơi chếnh choáng do tối hôm trước uống nhiều rượu. Bước khỏi căn phòng, ra gian nhà chính thấy hai đứa trẻ nằm dưới nệm ngủ say sưa. Một nỗi cảm động ngập tràn trong lòng vì gia đình nhà bạn người Mông Thào A Nu đã nhường cả căn phòng chăn ấm đệm êm cho hai anh em, còn vợ chồng con cái ngủ dưới nền trải chiếu và nệm. Lại một lần nữa anh em chúng tôi có duyên với người bản Mông, được sống trong ân tình của những con người chất phác, đã dành cho chúng tôi, những kẻ lang bạt, xa lạ quá nhiều, đến mức chúng tôi cũng không thể hình dung được trước chuyến đi.
            Khi lập lịch trình cho chuyến đi, tôi có tìm hiểu các điểm sẽ đến và Lìm Mông, theo bài viết của một số người làm tôi rất chú ý. Vì thế, tôi cố lờ đi việc đặt phòng trước ở thị trấn Tú Lệ với hy vọng một lần nữa được trải nghiệm sống trong bản làng như chuyến đi Tà Xùa, để đến gần hơn, hiểu nhiều hơn, cảm được thêm về cuộc sống, con người nơi đây. Cậu em đồng hành đã khá đồng cảm khi gạt việc đặt trước phòng ngủ, tìm những trải nghiệm thú vị. Nhưng để cho chắc chắn, tôi vẫn liên lạc với các nhà nghỉ ở Tú Lệ để trong tình huống vô duyên, sẽ có chỗ quay về ngủ, để sáng hôm sau tiếp tục hành trình vượt đèo Khau Phạ vào Mù Cang Chải.
            Chúng tôi đến Lìm Mông vào một buổi chiều nắng đẹp sau 8 giờ chạy xe từ Hà Nội lên đây. Mới đến đầu Lìm Thái, chúng tôi đã bị hút hồn bởi những đứa trẻ xinh xắn, hồn nhiên, mắt trong veo, đẹp long lanh. Đến Lìm Mông, cánh đồng lúa mênh mông, bát ngát màu xanh, vàng đan xen mở ra trước mắt như một bức tranh với nhiều mảng màu sắc, tạo hình khối sắc nét trong bố cục hài hòa với con đường quanh co, uốn lượn lên cao, với núi non, mây trời. Ánh nắng chiều chiếu xuống làm cánh đồng lung linh, huyền ảo, trong veo những tia vàng. Tôi lặng đi trong cảm giác bình yên và lãng mạn. Trên con đường uốn lượn giữa sóng lúa ngát hương, từng tốp trẻ em đi học về như đội cả ánh chiều vàng trên lưng. Những đứa trẻ người Mông gương mặt có khi lem luốc, quần áo chẳng được chăm chút tinh tươm nhưng lại vô cùng đẹp. Chúng hồn nhiều cười, đùa, vẫy tay chúng tôi khi chụp ảnh. Những bức hình ghi lại khiên tôi cực ấn tượng với sự trong trẻo, vô tư toát lên từ ánh mắt, nụ cười của chúng. Chưa một chút bụi bặm, chưa một chút ưu tư, không có cả sự so sánh hay đòi hỏi gì như những đứa trẻ miền xuôi. Đi bộ vài cây số đến trường, có bé còn đi qua bờ ruộng, tay cắp mấy cuốn sách và vở, không có cặp. Có thể nói, dường như chỉ đi vào những bản làng xa xôi thế này, chúng tôi mới gặp những tâm hồn, gương mặt thuần phác, trong vắt tự nhiên, như chính hơi thở của đất, của rừng như thế. Lúa đã đưa chúng tôi đến đây nhưng chính những đứa trẻ kia mới thực sự hút hồn chúng tôi, để chúng tôi dừng lại, lặng đi trong vẻ đẹp tự nhiên.
            Theo con đường lên đỉnh núi, chúng tôi đi lên cao, tiến vào sâu, đến cuối cùng, khi bản Lìm Mông không còn đường dân sinh nữa. Con đường dẫn chúng tôi lên với mây trời cùng những hình ảnh nguyên sơ của cuộc sống chưa hề bị pha tạp cái gọi là văn minh, hiện đại. Những người đàn bà Mông đèo gùi trở về sau một ngày làm việc lặng lẽ, như muôn đời. Những đứa trẻ lùa trâu hoặc nhọc nhằn leo dốc từ trường trở về nhà. Trên một khung cửa xa xa, một người phụ nữ đứng tuổi vừa thêu vừa nhìn xa xăm. Những chú lợn mán, những đàn gà lúi húi ngoài vườn, bên lề đường như không biết bước đi của thời gian. Mọi thứ như ngưng đọng ở đây, đưa con người về không gian ban sơ nhất. Dù rất muốn tìm hiểu, chuyện trò nhưng sự bất đồng ngôn ngữ đã khiến chúng tôi ít có cơ hội. Chỉ có lũ trẻ luôn hào hứng với kẹo, bánh chúng tôi chia. Dù biết là chia kẹo cũng không giải quyết gì nhưng chúng tôi chỉ là viễn khách, cũng đâu quen biết, để biết thứ gì thực sự cần với trẻ em nơi đây. Lúc sau, khi ở nhà bạn A Nu rồi, chúng tôi mới biết trẻ con ở đây rất thích kẹo. Như thế việc chúng tôi làm cũng không vô ích, ít nhất là đem một chút niềm vui, một cái gì lạ đến cho những đứa trẻ nơi đây.
            Trong một lúc chia kẹo, chúng tôi nhận thấy một em bé đứng lặng lẽ bên cổng khác, không dám sang. Nét mặt ưu tư, đượm buồn của em, nhất là sau khi xem lại ảnh khiến tôi thấy gờn gợn. Ngẫm lại, trên đường đi, chúng tôi gặp vài đứa trẻ lang thang một mình, hoặc cõng em oằn lưng lên dốc, thấy chạnh lòng quá! Có lẽ tự bản thân các em, hoặc là lờ mờ hiểu sự thiệt thòi, thiếu thốn của mình so với các bạn khác ở miền xuôi, thành thị, hoặc là không ý thức được nhưng tự mang một nét tính cách, thói quen lặng lẽ, khép mình, chấp nhận. Từ cái nhìn của người ngoài, những người đã ở đô thị lớn, được học hành, được đi đến khá nhiều nơi, chúng tôi thấy ngậm ngùi. Rồi khi sang những bản khác săn lúa, cả hai anh em đều thấy con đường đến trường, con đường thay đổi số phận, đi ra bên ngoài của những người bản Mông quả là nhọc nhằn, gian nan. Tôi chợt nghĩ nếu có một ngày, những người dân tộc như người Mông không an phận, không chấp nhận cuộc sống cùng mây ngàn, núi thẳm, ai ai cũng bằng mọi giá chuyển di đến nơi tiện nghi, hiện đại thì xã hội sẽ ra sao? Còn bây giờ, khi họ bằng lòng với cuộc sống thuần hậu, khi họ nép mình trên những triền núi, sống với đời sống hồn nhiên tôi lại thấy thương cảm, xót xa vì những thiệt thòi, nhất là khi nhìn vào mắt, nhìn những bước chân hay những chiếc gùi nặng đè trên lưng những đứa trẻ trong ráng chiều.
            Cho nên, chúng tôi thực sự khâm phục bạn Thào A Nù, người đã nhường chỗ ngủ cho chúng tôi trên con đường đi đến với học hành, chữ nghĩa. Từ bản làng xa xôi, bạn đã ra thủ đô học hai năm, rồi trở về làm kế toán cho xã. Với mọi người nơi đây, bạn là người đi “ra ngoài” và có trách nhiệm lo cho cả gia đình, trong mọi việc. Và chúng tôi gặp may khi tình cờ dừng lại chụp ảnh ở cánh đồng lúa trước nhà bạn, được bạn hỏi han rồi mời vô nhà. Chúng tôi coi đây là một cơ duyên, một vận may khi mọi cố gắng tiếp cận với những gia đình khác, ở phía trên núi cao hơn đã thất bại vì bất đồng ngôn ngữ. Sự cởi mở, chân tình, nhiệt tình của gia đình bạn A Nu làm tôi thấy ấm áp, thư thái sau một hành trình dài trên con đường lãng du ở miền sơn cước.
            Được tiếp xúc nhiều với cuộc sống hiện đại bên ngoài nên nhà bạn A Nu đã cải tiến, có ngăn phòng, xây thêm trái, làm hảng rào, cổng theo kiểu người kinh ở miền xuôi. Song sinh hoạt và nếp sống thì vẫn đậm nét truyền thống của người Mông. Mọi thứ vẫn tuân theo tôn ti, trật tự trên dưới, những việc quan trọng vẫn cần sự cho phép của người cha, nhất là việc trọng đại như cưới xin, ra ở riêng. Vợ của bạn ấy vẫn vừa địu con ngủ vừa hái rau, nấu cơm, dần, sàng gạo. Đứa trẻ ngủ thiêm thiếp trên lưng mẹ thật đáng yêu và ngoan ngoãn. Còn thằng lớn thì chơi thà thiên ở nhà, cởi truồng đến tối. Những đứa trẻ ở bản Mông vẫn sống cùng đất, vẫn lớn lên có một chút gì hoang dã với sức sống mạnh mẽ, cả một chút gan góc chứ không được cưng chiều, chăm bẵm như trẻ con miền xuôi. Đứa trẻ chưa đầy năm, chưa đi được đã từ chối việc tôi bế bồng để ngồi đất bò chơi một mình. Đứa trẻ nhìn bụ bẫm, xinh xắn nhưng khi bế thì nó không nặng như tôi nghĩ. Cái cảm giác lúc đó trong tôi thật khó tả, chạnh lòng, se thắt và có gì đó như gợn buồn day dứt khi nghĩ đến những phận người.
            Chiều dần buông trên bản Mông mang đến sự yên tĩnh, lẵng lẽ gần như tuyệt đối. Cậu em mải mốt săn hoàng hôn trên đồng lúa, còn tôi thì ngồi lặng nhìn cánh đồng, tự thưởng cho mình cảm giác vô ưu sau quá nhiều áp lực cuộc sống và công việc. Một bà cụ vào nhà và đưa cho tôi bốn quả ổi đào thơm lựng. Khi tôi chưa hiểu thì nhìn ánh mắt trìu mến, nhìn tay bà đang cầm chiếc bánh chúng tôi cho gia đình bạn A Nu thì tôi hiểu. Có lẽ bạn Nu đã bảo với bà về chúng tôi. Ngồi cùng bà, nói chuyện với nhau, lần đầu tiên tôi nhận ra là những người bất đồng ngôn ngữ cũng có thể hiểu nhau, trò chuyện được cùng nhau. Những điều bà nói tôi chỉ đoán và những điều tôi nói có khi bà cũng chẳng hiểu. Nhưng tôi cảm được tấm lòng của bà, không phải qua mấy quả ổi, mà từ ánh mắt, nụ cười, ngũ điệu, những cử chỉ khi nghe tôi nói. Tất cả khiến tôi thấy thoải mái, an toàn và yên tâm khi ở lại. Bà bóp vai, cười sảng khoái, nhìn ân cần, mở tất cả tấm lòng đón chúng tôi đến với gia đình, bản làng. Tình người ấm áp như đem chúng tôi trở về quê nhà, khiến chúng tôi không còn cái cảm giác của kẻ lữ hành. Mong muốn duy nhất của bà là được chụp ảnh và chúng tôi gửi ảnh lên cho (riêng ý này tôi đã hiểu sai và phải nhờ đến người nhà bạn A Nu phiên dịch). Cách nói, cách cười, cách biểu cảm của bà vẫn toát lên vẻ hồn nhiên, dù trải qua bao thăng trầm, âu lo cho cuộc sống.
            Bữa cơm rượu dọn ra muộn hơn dự tình vì sự cố mất điện do đường dây khiến bạn A Nu và mấy anh phải vất vả dòng dây, dùng điện từ nhà hàng xóm. Mâm cơm đạm bạc nhưng mọi người quây quần thân tình. Lần thứ hai ở bản Mông và chúng tôi không có cảm giác mình là chú khách, là kẻ tá túc. Chúng tôi được tiếp đón, cư xử như những người khách, những người bạn của gia đình. Cả hai anh của A Nu cũng đến ăn cơm, uống rượu. Họ chia sẻ rất thật những câu chuyện của gia đình, của bản thân, những dự tính và nỗi lo lắng cho cuộc sống hiện tại. Người anh cả gần như hy sinh việc học hành, ở nhà làm cùng bố mẹ nuôi các em. Người anh thứ hai của A Nu đã từng đi xuất khẩu lao động sang Trung Đông, tìm một cơ hội đổi đời nhưng thất bại do khủng hoảng chính trị. Rồi cuộc sống của bản thân bạn A Nu, một cán bộ xã nhưng cũng vẫn là tự cung, tự cấp, cũng chỉ cây nhà lá vườn, đôi khi trẻ con còn thèm thịt. Tôi lặng đi, ứa nước mắt trước những con người này, cả đời sống với núi rừng, với nương lúa nhưng lúa thì chưa bao giờ được quá 6000 đồng/ kg mà lúa ở đây nổi tiếng ngon thơm. Câu chuyện của gia đình bạn khiến tôi nghĩ tới chính gia đình mình, nghĩ tới bao người nông dân Việt Nam mình, không phân biệt dân tộc nào, vẫn luôn luôn phải gồng trên lưng gánh nặng mưu sinh. Tất cả vẫn phải kiên nhẫn hy sinh, chắt chiu từng chút từng chút cho tương lai, cho thế hệ sau này.
            Bản Mông vẫn còn nếp sống nguyên sơ. Con người vẫn thuần hậu chân chất đấy nhưng họ cũng không thể sống ra ngoài quỹ đạo của cái xã hội, của nỗi lo mưu sinh cơm áo trong áp lực cạnh tranh. Họ không thể tách mình hoàn toàn sống theo kiểu tự cung tự cấp vì còn nhiều quan hệ, nhiều nhu cầu khác, không chỉ cho thế hệ hôm nay, mà chủ yếu cho con cái. Tôi thấy thân phận của họ, cuộc sống của họ chênh vênh, chới với. Và những phong tục, vẻ đẹp của hồn đất, hồn người, những tấm lòng rộng mở, nhiệt thành ngày hôm nay sẽ quá mong manh trong nỗi lo kia, trong sự vật lộn để tồn tại, phát triển theo guồng quay của thời đại. Tự nhiên tôi nghĩ ra một ý nghĩ rất kỳ quái là bản Mông, với những con người đẹp đến nao lòng, luôn làm chúng tôi bất ngờ bởi tình cảm nồng hậu sẽ sống được ở nơi núi cao, tác biệt với xã hội thị phi, nghiệt ngã, chủ yếu là “rác người” ngoài kia. Rồi phong tục, lễ hội, giờ đã mất đi ít nhiều, liệu vài chục năm nữa có còn được gìn giữ khi người Mông không còn ở núi cao, khi những rạn vỡ sẽ làm vụn tan tất cả tinh thần, ý thức sống hài hòa với thiên nhiên, bằng lòng với cuộc sống thuần hậu, thiếu thốn, xa xôi, cách trở???
            Hơn 2 giờ sáng, cả gia đình dậy thịt lợn, nấu xôi, làm mọi việc chuẩn bị lên núi kéo gỗ về. Đây là một việc lớn, có thể nói là trọng đại vì một người anh của A Nu sắp ra ở riêng. Mọi vật lực lại sẽ tập trung cho người anh thứ hai này. Cả một không khí rộn ràng, tấp nập suốt nửa đêm cho một công việc. Tình cảm gia đình, sự cốt kết của tình làng bản vẫn còn nguyên vẹn nơi đây. Hơn 5 giờ sáng, chúng tôi được gọi dậy ăn cơm cùng gia đình. Nếp xôi thơm lựng, dẻo ngọt, thịt lợn tươi ngon đến lịm người. Mọi người, kể cả bạn của A Nu mới đến giúp đều quan tâm, động viên chúng tôi ăn lấy sức cho hành trình tiếp theo. Giá như anh em chúng tôi có nhiều thời gian đi một chút thì chúng tôi sẽ theo gia đình lên núi kéo gỗ về. Đành hẹn gia đình một dịp khác, khi quay trở lại, mà lời hẹn đó có khi chẳng bao giờ thành hiện thực. Ngậm ngùi vì đã không thể chụp được bức ảnh cả gia đình A Nu do trời quá tối. Chúng tôi chỉ có thể làm một việc duy nhất là gửi ảnh của bà, của đứa trẻ, con A Nu ngủ trên lưng mẹ cho họ sớm nhất có thể, để thực hiện đúng lời hứa.
            Tiếp tục hành trình đến những điểm trong kế hoạch, chúng tôi mang thêm trong lòng một mối tơ tình của những chuyến đi. Hình ảnh đứa con nhỏ của A Nu bò tha thẩn ở ngoài đất vẫn luôn luôn ám ảnh tôi. Những đứa trẻ bản Mông và tất cả những con người nơi đây vẫn sống suốt đời với đất, cùng đất, làm nên hồn riêng của đất này. Bản thân A Nu cũng thừa nhận rằng có khi đến hết đời bạn ấy cũng không có cơ hội trở lại Hà Nội hay xuống đó chơi. Đoạn đường gần 300km đâu có xa xôi gì lắm! Mà đâu chỉ người của Lìm Mông, nhiều nơi chúng tôi đi qua, tiếp xúc với dân tộc bản địa, chính họ nói cả đời họ, cả con cái của họ, chẳng ra thành phố, chứ không nói gì đến thủ đô. Cái câu nói “Khi nào ra Hà Nội thì liên lạc…” chúng tôi chỉ dám nói ở lần đi thứ nhất mà thôi. Để rồi, sau cuộc hành trình trở về, chúng tôi có cảm giác bùi ngùi, ngại ngại như mình đã không thể đáp trả được những ân tình đã được hưởng trên bao cung đường rong ruổi.
            Tuy nhiên, khi nghĩ lại, theo hướng lạc quan một chút tôi lại thấy đáng mừng. Có lẽ cuộc sống cắt chia, tách biệt, ít ra đô thị giúp những bạn người Mông và các bản dân tộc khác còn nét đẹp ban sơ của tính cách Người. Để trên một chiều lữ thứ, chúng tôi được gặp Người, chứ không phải “rác người” hay những thứ ngợm. Chúng tôi thấy hạnh phúc, bằng lòng bởi cái đích lớn nhất của những chuyến đi đã được cán – cái đích đến với Con Người, gặp được Người, để tìm lại, giữ lại cho mình hồn Người và sống trọn vẹn với nó, với con người hồn nhiên, thành thực nhất, ít nhất là cho chính bản thân.

                                                                                                                                    15/9/2015


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ