VÀI SUY NGHĨ VỀ KỲ THI THPT QUỐC GIA 2015


 Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (THPTQG) đã kết thúc được gần hai tháng. Ngày 25 tháng 8 là thời hạn cuối cùng để các trường đại học công bố điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 (nv1) của thí sinh. Dẫu công cuộc xét tuyển vào đại học phải nói là “xưa nay chưa từng có” thì thí sinh, sau một năm đầy hoang mang đã có kết quả của mình (hoặc đỗ, hoặc rớt, hoặc phải chọn trường, ngành học mình không mong muốn). Báo chí, dư luận viết về kỳ thi này khá nhiều và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã nhận lỗi nhưng bản thân tôi, một người làm nghề, đã đồng hành cùng học sinh suốt gần một năm, phải mò mẫm ứng phó với những cải cách mang tính cách mạng của Bộ GD&ĐT để cùng học sinh vượt qua thi cử thấy rằng cần nói lên vài điều về kỳ thi này.

1. Đâu mới là nguyên nhân thực sự dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong xét tuyển đại học?
Trong suốt 20 ngày xét tuyển nv1 vào các trường đại học vừa qua, nhất là trong những ngày cuối cùng, khi thông tin về điểm số, thứ hạng của thí sinh liên tục thay đổi, thì cả phụ huynh, thí sinh và bộ phận tuyển sinh của các trường đại học luôn ở trong tình trang “xoay như chong chóng”. Những hình ảnh về việc học sinh theo dõi điểm số, thứ tự xếp hạng, rồi rút, nộp hồ sơ không khác gì lên sàn chứng khoán khiến ai quan tâm đến giáo dục đều phải cười ra nước mắt. Nhiều nguyên nhân được lý giải dẫn đến tình trạng đó rất đúng đắn, hợp lý, nhưng theo cá nhân tôi, một người làm nghề giáo đã 9 năm nay thì nguyên nhân sâu xa là do đề thi không mang tính phân loại cao, hạ thấp yêu cầu khiến điểm của một bộ phận lớn thí sinh không chênh lệch bao nhiêu, thường là từ 0,25 đến 1,5 trên tổng số ba môn thi. Mà trong thi cử thì chênh 0,25 cũng sẽ quyết định đến việc đỗ hay rớt và một phần nào đó, quyết định đến tương lai, con đường phía trước của học sinh.
Thông thường ở phổ thông thì học sinh được phân loại rất chặt chẽ từ kém đến giỏi. Và trong một mức xếp loại thì điểm cũng chạy trong khoảng 0,9/10. Ví dụ như cùng xếp loại khá thì dao động từ 7,0 đến 7,9 song học sinh được 7,9 sẽ có kiến thức, kỹ năng, năng lực tư duy, giải quyết vấn đề khác hẳn học sinh chỉ được 7,0. Như đề thi đại học của những năm trước, sự phân loại này khá rõ nét. Học sinh ở cận dưới của loại khá (7,0) làm đề thi chỉ được điểm từ 5,5 đến 6,5/ môn; học sinh ở cận trên (khoảng 7,8; 7,9) thì có thể làm được từ 6,5 đến 7,5 điểm/ môn. Và như thế, ba môn cộng vào khoảng điểm chênh lệch của học sinh, dù cùng xếp loại khá sẽ dao động từ 1,0 đến 3,0. Học sinh đăng ký các trường đại học khá đúng với năng lực và ít em phải phàn nàn mình rớt oan.
Còn năm học này, vì ghép hai kỳ thi có tính chất hoàn toàn khác nhau vào một nên phải đảm bảo để học sinh thi tốt nghiệp cũng được ở mức điểm có thể đỗ. Sự phân loại của đề thi không thật khắt khe, rõ nét nữa. Khoảng 6 điểm là cho học sinh trung bình có thể làm được. 7 đến 7,5 là cho học sinh khá. Và như vậy, học sinh 7,0 cũng như 7,9 đều làm được cái mức điểm từ 7 đến 7,5 điểm/ môn. Kết cục là điểm của nhóm học sinh khá rất nhiều, chênh lệch rất ít, hầu hết từ 21 đến 23, có khi chỉ chênh nhau 0,5/ tổng điểm ba môn. Sự sít sao đó đã khiến học sinh khi xem bảng xếp hạng với phần mềm xử lý không tốt, không lọc được thí sinh đỗ ảo (tức đỗ cả 4 nv) lo lắng, hoang mang, cứ đi rút ra nộp vào suốt mấy ngày cuối cùng. Thêm vào đó, đáp án và hướng dẫn chấm thiên hẳn về tốt nghiệp nên yêu cầu nhẹ nhàng, luôn trong tình trạng có lợi cho học sinh. Điều này cộng hưởng với đề khá nhẹ nhàng khiến điểm học sinh cứ cao chót vót.
 Ví dụ môn Ngữ văn:
 1/ Câu 2 trong phần đọc hiểu yêu cầu học sinh tìm những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cuộc sống gian khổ, nguy hiểm của người lính trên đảo ở đoạn thơ của Trần Đăng Khoa. Đáp án có 5 từ ngữ, hình ảnh và cho 0,25 tối đa. Nhưng hướng dẫn chấm lại ghi rõ: “Câu 2: Thí sinh nêu được ít nhất 02 trong số các từ ngữ, hình ảnh trong đáp án, vẫn cho 0,25 điểm ”.
2/ Câu 3 phần đọc hiểu có yêu cầu chỉ ra và phân tích hiệu quả biện pháp tu từ trong câu thơ: “Những hòn đảo long lanh như ngọc dát”. Đáp án yêu cầu rất rõ ràng có hai hiệu quả: “làm nổi bật vẻ đẹp của những quần đảo; thể hiện tình yêu, niềm tự hào về biển đảo” (0,25 điểm). Trong khi đó hướng dẫn chấm thì: Câu 3: “Đối với yêu cầu nêu hiệu quả của biện pháp tu từ: nếu thí sinh trả lời được ½ các ý trong Đáp án vẫn cho 0,25 điểm”.
3/ Câu 6 phần đọc hiểu – yêu cầu nêu nguồn gốc sâu xa của bạo lực, Đáp án có hai ý: “do bệnh vô cảm, do sự xuống cấp nghiêm trọng về ý thức nhân văn” cho 0,25 điểm nhưng hướng dẫn chấm cũng ghi rõ: “Câu 6: Thí sinh trả lời được ½ của Đáp án, vẫn cho 0,25 điểm”.
Và chấm thi thì tất yếu chấm theo hướng dẫn. Chỉ một phần đọc hiểu 3/10 điểm, học sinh có thể được lợi thế 0,75, nếu có sơ suất làm thiếu, bằng những bạn làm đúng, đủ, sâu sắc. Đó là còn chưa kể một đề thi dùng để tuyển sinh nhưng không có bất cứ một câu nào, ý nào trong đáp án khơi gợi, yêu cầu về khả năng tư duy, nêu ý kiến, thể hiện những hiểu biết sâu hơn, những ý nghĩ phản biện… Do đó, tất cả học sinh đi thi Ngữ văn về đều vui, từ học sinh đọc thông viết thạo đến học sinh khá giỏi sẽ có một mức điểm chung dao động từ 7 đến 7,5. Các môn khác cũng tương tự về tính chất, mức độ phân loại: gần như chỉ chia làm ba mức: trung bình – khá – xuất sắc mà số lượng học sinh xuất sắc (khoảng 26 điểm thi trở lên ) để ung dung, chắc chắn đỗ không nhiều. Đại đa số vẫn nghe ngóng, nín thở theo dõi bảng xếp hạng, luôn thường trực tâm thế sẵn sàng nhao đi để rút và nộp hồ sơ. Và nhất là những học sinh được khoảng 22 đến 24 như mọi năm yên tâm nộp trường top trên, và đỗ nhưng năm nay phải rút, nộp trường dưới 1 đến 2 bậc, vẫn cứ lo âu. Và cuộc xét tuyển vào đại học trở thành trò đỏ đen may rủi, đánh cược với số phận đầy chênh vênh, cũng là một cuộc chạy với những bước nước rút để làm thế nào có thể đỗ, đầu tiên là phải đỗ, bất chấp trường đó như thi mọi năm, dưới khả năng của em, và không đúng ngành, nghề học mình yêu thích. Biết làm sao được khi các bạn khác đuối hơn mình cũng điểm ngang ngửa mình, kém một chút, thậm chí may mắn không bị sai sót gì còn cao hơn 0,25 đến 1,0 điểm/ tổng điểm.
Một kỳ thi như vậy, một đề thi như vậy liệu có thể tin tưởng để tuyển chất lượng đầu vào cho các trường đại học, nơi đào tạo ra nguồn lao động chất lượng cao tương lai?

2. Điểm thi cao, đặc biệt là khối C (Văn, sử, địa) nên mừng hay nên lo?
Theo dõi mức điểm mà Bộ GD&ĐT công bố cùng điểm chuẩn các trường đại học vừa rồi, tôi giật mình vì điểm của học sinh khá cao, nhất là học sinh khối C. Đỉnh điểm là các trường Học viện Cảnh Sát, Học viện An ninh, ngành điều tra, với đối tượng nữ khối C đều lấy 28,75, nghĩa là học sinh phải được trung bình gần 9.6 điểm một môn mới đỗ, mà đây là các môn xã hội. Theo dõi một số trường khác như Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội… thì mức điểm khối C trúng tuyển cũng dao động từ 25 đến 27. Điều bất thường ở đây là môn Lịch sử mọi năm, trong kỳ thi đại học, luôn luôn là môn nhiều điểm thấp, có hội đồng tuyển sinh chấm đến vài chục điểm 0. Một đồng nghiệp dạy sử của tôi, khi nhìn kết quả được công bố thốt lên một câu: “Mọi năm  thi đại học học sinh được 8 điểm sử là của hiếm, năm nay, lớp mình dạy mặt bằng chung là 8 trở lên”. Và khá nhiều học sinh được 9, 9,5 thậm chí 10 điểm sử, địa. Phải chăng là sau một năm học sinh đã bứt phá, yêu thích và học giỏi lịch sử đến thế? Bởi năm nào thi khối C cũng chỉ có chừng ấy học sinh, thiên về các ngành công an, quân sự, sư phạm hay khoa học xã hội và nhân văn.
Thực tế đi dạy lớp 12 và luyện thi, tôi thấy học sinh khóa này không khá hơn khóa trước, vậy điều gì làm nên phổ điểm cao như vậy? Học sinh được điểm cao nhưng có thực là có kiến thức, kỹ năng, có khả năng tư duy, sáng tạo? Cả xã hội đang hân hoan, nhiều trường cũng vui mừng vì tuyển được một khóa điểm cao như vậy, chắc là chất lượng sẽ tốt. Phụ huynh, học sinh thì còn mừng hơn vì con mình điểm toàn ngưỡng thủ khoa, á khoa mọi năm. Những ảo tưởng ngây thơ ru ngủ gần như cả xã hội trong ý nghĩ cải cách giáo dục thành công, chất lượng giáo dục được nâng cao rõ rệt. Học sinh rất giỏi.
Nhưng xin thưa rằng cái giỏi ở đây chỉ là giỏi tái hiện và học thuộc. Điểm thi cao không tỷ lệ thuận với kiến thức, năng lực bộ môn của học sinh. Điểm thi cao là do chúng ta tự hạ thấp yêu cầu, chuẩn đánh giá xuống, để phù hợp với một kỳ thi tốt nghiệp, xét học sinh đại trà ở một mức kiến thức phổ cập mà không nhằm phát hiện, phát huy những tinh hoa, những bộ óc và trí tuệ nổi bật. Kể cả môn Ngữ văn, môn học mang tính nghệ thuật cao, đòi hỏi phát huy những cái tôi cá nhân mạnh nhất giờ cũng chỉ là yêu cầu trả bài đúng, đủ, trôi chảy với những câu hỏi vừa đọc đã nhận ra ngay là người ta muốn hỏi cái gì. Và từ thực tiễn dạy học của bản thân, năm nào học đến những bài văn học sử, yêu cầu học sinh nêu và sự kiện lớn hay đặc điểm của xã hội ở một giai đoạn lịch sử đặc thù nào đó thì học sinh ngơ ngác, như lạc vào hành tinh khác.  
Chưa nói gì đến những kiến thức sâu sắc, khả năng phân tích, lý giải thì những kiến thức cơ bản về những mốc lớn của lịch sử, xã hội học sinh không có ý niệm thì cái điểm cao chót vót kia chỉ là “điểm giả”. Và hành trang điểm vào học đại học thực chất là hành trang rỗng, cả về kiến thức, phương pháp, khả năng tư duy, vận dụng. Điều đó dẫn đến hệ lụy tất yếu là học sinh Việt Nam muôn đời chỉ là “thợ học” để thi, không có ý thức cá nhân, không có tư duy phản biện, không có suy nghĩ độc lập. Và lan tràn trong xã hội là hội chứng đám đông, là tâm lý bầy đàn, là những dạng thức ăn theo, nói leo. Đó cũng là nguyên nhân vì sao khoa học xã hội nhân văn ở ta không phát triển và nạn đạo văn diễn ra phổ biến, rộng rãi đến mức, nhiều khi, được nghiễm nhiên thừa nhận và tự do khoe khoang giữa thanh thiên bạch nhật.

3. Bao giờ mới có cải cách thực sự trong giáo dục?
Năm 2002, chúng tôi thi đại học, thế hệ đầu tiên thi theo hình thức “ba chung” – thế hệ chuột thí nghiệm sách chỉnh lý hợp nhất và thi chung. Năm 2006, tôi hoàn thành 4 năm đại học ở trường Đại học sư phạm Hà Nội, đi dạy và bắt đầu dạy chương trình sách giáo khoa mới được áp dụng đại trà cả nước. Từ lúc là học sinh phổ thông đến nay khoảng 15 năm, đi dạy 9 năm và tôi đã được trực tiếp bao cuộc cải cách, đổi mới trong giáo dục, từ chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy học, đến kiểm tra đánh giá. Bao cuộc tập huấn, bao chủ trương, những cuộc vận động hoành tráng, to tát kiểu như “Hai không”, rồi “trường học thân thiện học sinh tích cực”, rồi “Ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp”, đến năm nay là “dạy học theo hướng nghiên cứu bài học”… Nếu nói đổi mới không được gì thì không đúng nhưng cái được quá ít, cái sự vất vả, nhọc nhằn của giáo viên, học sinh, phụ huynh thì quá nhiều. Điều cốt yếu là mọi cuộc đổi mới đã không làm chất lượng giáo dục toàn diện, đại trà, cũng như giáo dục chuyên biệt, đào tạo học sinh mũi nhọn tăng lên bao nhiêu, có tăng cũng chỉ là những con số để khoe thành tích.
Cứ nhìn thẳng vào giáo dục, vào các cuộc cải cách thì chúng ta sẽ thấy rõ là chúng ta cải nhiều mà không cách được bao nhiêu. Chúng ta ngày càng tụt hậu và nhiều mặt trong giáo dục đi xuống. Học sinh phải học ôm đồm quá nhiều thứ nhưng kết cục không biết gì đến đầu đến đũa. Chúng ta đang rơi vào tình trạng lạm phát bằng cấp, điểm chác. Những nền tảng văn hóa, tri thức cơ bản của học sinh rất yếu. Sinh viên đại học ra trường, vẫn ngơ ngác nhầm lẫn các môn chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh là môn triết. Học sinh tú tài thì không nói nổi một câu tiếng Anh khi gặp người nước ngoài dù hàng chục năm học tiếng Anh, từ tiểu học đến hết THPT. Những kỹ năng sống cơ bản, kỹ năng thực hành cực kỳ yếu. Cá biệt tôi đi dự giờ, có sinh viên sư phạm bằng giỏi ra trường không biết tổ chức một giờ học thực tế như thế nào, viết cái nhan đề bài học lên bảng không đủ đầy, ngay ngắn. Giáo dục bây giờ theo đúng phương châm: “nước nổi thì bèo cũng nổi”. Chúng ta có từng ấy học sinh, năm nào cũng phải tuyển từng đó, thôi cứ cho đề thi dễ để điểm cao, để em nào rớt cũng không xấu hổ, để xã hội tung hô tung hoa là chất lượng nâng cao. Chính cái tư tưởng đó đã giết chết không phải một, mà nhiều thế hệ học sinh, để trong các trường học, nhiều giáo viên và học sinh cũng chẳng tha thiết gì đến việc dạy nâng cao, phát huy năng lực, mở rộng hiểu biết cho học sinh. Bởi đơn giản học nhiều, sáng tạo cũng chẳng để làm gì khi thi chỉ cần thế, học nhiều và tốt hơn có khi thi điểm chẳng bằng bạn học ít hơn, làm đúng yêu cầu, học thuộc sách.
Nhiều bạn nói rằng hãy cho Bộ trưởng và Bộ Giáo dục thêm thời gian nhưng như bản thân tôi đã chờ hơn 10 năm rồi, phải chờ bao lâu nữa chúng ta mới có cải cách, đổi mới thực sự, không phải chỉ làm cho có, cho hình thức sáng choang, lạ lùng để lòe thiên hạ, mị nhân dân? Giáo dục không ngừng áp dụng những hình thức tiên tiến, hiện đại từ nước ngoài nhưng than ôi, tất cả đều nửa vời, đều chắp vá, bị làm méo mó, biến dạng nhiều. Như kỳ thi THPTQG này, chúng ta học mô hình của Pháp, nhưng cứ so sánh cái đề văn của ta vừa rồi với đề Văn – triết của Pháp, cách đây vài tháng được dịch ra tiếng Việt thì sẽ thấy ngay vấn đề. Vả lại, bên Pháp họ không cần đỗ tú tài đến hơn 90%, cả cái phần yếu kém nhất là giáo dục thường xuyên, nhưng ở ta thì lúc nào cũng phải đỗ tỷ lệ thật cao. Khi mà chất lượng đầu ra không được quản lý, khi giáo dục chỉ nhằm thành tích, vì hình thức và sự háo danh thì không bao giờ có đổi mới, cải cách. Và khi chất lượng giáo dục không được nâng lên, khi sự trung thực không có thì mọi cải cách đều chỉ là một trò đại bịp bợm vì lợi ích của một thiểu số người làm nên những chiêu trò đó.
Và nhiều thế hệ giáo viên, học sinh, cả phụ huynh nữa sẽ được/ bị biến thành những con chuột bạch cho bộ giáo dục thí nghiệm.
                                                                                                                                  26/8/2015



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ