NHỚ HUẾ… HOÀI NHỚ CỐ NHÂN…


Dạy về sông Hương, chợt nhớ Huế đến nao lòng!
Hơn 3 năm trước, lần đầu tiên đến Huế, lần đầu tiên xách balo lên đi bụi. Một mình. Người bạn quen trên facebook hẹn hò mãi mới gặp ở Hà Nội, tiễn vào ga hàng cỏ. Cũng may là mình không phải "Một mình làm cả cuộc chia ly" trên sân ga.
Đến Huế một sáng thu chang chang nắng. Hình ảnh đầu tiên, sói vào mắt tôi những ám ảnh là mấy gánh hàng rong của mấy cô, gương mặt xạm đen hằn lên vẻ khắc khổ. Và trong suốt mấy ngày ở đó, những buổi lang thang khắp thành phố, tôi gặp biết bao con người như thế. Đằng sau những lăng tẩm, đền đài, đằng sau vẻ đẹp mộng mơ, yêu kiều, tha thướt trong sự lãng mạn rất thơ của Huế, biết bao số phận người lăn lóc vỉa hè, rong ruổi trên những con đường nắng đến cháy lòng.
Nhớ Huế, hoài nhớ cố nhân. Dù công việc bộn bề nhưng người ấy vẫn đón tôi, thuê trước chỗ nghỉ ở vị trí cực đẹp. Và mọi thời gian rảnh, người dẫn tôi đi chơi, hết chùa Thiên Mụ, đến Đại Nội, du thuyền sông Hương, lăng vua Tự Đức, Khải Định. Rồi cả những món đặc trưng nhất của Huế tôi và người cùng đến qua những con hẻm hun hút. Không biết đến bao giờ gặp lại cố nhân ở cố đô? Với tôi, Huế đúng là thơ, là mơ, là một cái gì đó vô cùng ngọt ngào, tình tứ, trầm ấm như chính âm sắc giọng nói của con người nơi đây.
Buổi chiều muộn hôm ấy, người đưa tôi ra ga, vẫn cứ ngại vì không thể ở đến lúc tàu chạy, để tiễn tôi. Bóng người khuất sau những bụi đường hun hút. Tôi một mình tựa vào vai ghế, cảm nhận từng chuyển động của con tàu xa dần xa dần cố đô. Lúc ấy, tôi thấy lòng nặng trĩu, buồn lay lắt và trống trải vô cùng. Cuộc hội ngộ nào cũng chia ly. Và sau này, tôi phải đối mặt với biết bao cuộc chia ly khác, có khi chỉ đơn giản là kết thúc một chuyến đi, nhìn bạn đồng hành quay bước, lòng vẫn cứ day dứt xót xa. Luôn luôn không bao giờ là trọn vẹn, đủ đầy cho những chuyến đi, những cảm xúc, những mong muốn gần gũi, đoàn viên. Tôi chợt hiểu, sao Huế buồn thế, nhất là Huế trong nỗi lòng người xa xứ, trong những cuộc tình tan của phút chia phôi. Cũng chưa bao giờ, giai điệu ca khúc "Đêm tàn Bến Ngự" lại réo rắt, ám ảnh, vương mãi theo tôi từ khi còn đi chơi với người ấy đến tận lúc bước chân đến con đường Hà Nội.
Một chiều lang thang trên đường Lê Lợi, cạnh bờ sông Hương, ngồi cafe, nhìn màn mư mờ trên dòng sông, tôi mới thấm lời hát "Mưa vẫn mưa bay cho đời biển động/ Làm sao em biết bia đá không đau?". Điệu chảy của dòng sông như mang nỗi sầu muôn kiếp của phận người mong manh trước cuộc đời vô thường. Trong hành trình bất tận, hội ngộ là quá khó nhưng cả nỗi nhớ nữa, chẳng biết có thể tồn tại đến lúc nào? Và mưa mù nhè nhẹ, giăng giăng vẫn theo bước chân tôi một ngày đến Vĩ Dạ. Vẫn là quán café bên sông Hương, nhìn mưa, nhìn dòng nước như ngừng trôi, từng giọt cà phê vẫn rơi tí tách trong ly. Đó chính là lúc tâm thật tĩnh, cảm nhận thật sâu kiếp lữ hành của kẻ độc hành. Bước chân theo một quán tính, vẫn cứ lang bang, phiêu dạt…
Nếu ngày hôm nay, sau nhiều chuyến đi, đến Huế, tôi sẽ đi được nhiều hơn, đến nhiều phế tích rêu phong cũ kỷ, đổ nát hoang liêu hơn. Nhưng biết đâu đấy, tôi vẫn chọn đi bộ lang thang trên những con đường vắng, cảm nhận sự bình yên, im vắng đến mê hồn ở đô thị cổ kính này. Cái nhiều không chắc đánh đổi được cái đẹp và giá trị của cuộc sống chậm. Cảm giác đi một mình ở thành phố xa lạ, chẳng ai biết mặt gọi tên, chân không vội vàng, lòng không vướng bận thật kỳ diệu. Bởi đó cũng chỉnh là lúc người ta thấy ngoài nỗi cô đơn, sự lạc lõng, chơ vơ thì một mình còn đem đến niềm vui, sự bình thản, tự do, phiêu lãng cần thiết cho cuộc đời.
Có lẽ Huế hấp dẫn mỗi người là thế, là ở những suy tư, ở cái vắng từ bên trong được đánh thức để hiểu mình, để biết trân trọng cái đẹp của nỗi buồn biệt ly. Cuộc sống vẫn cứ trôi như dòng nước kia nhưng chúng ta có thể tạm ngưng lại trong vài khoảnh khắc vô ưu. Bất chợt trong một buổi chiều muộn, ta bâng khuâng nhìn ráng vàng hoàng hôn trên mặt nước mênh mông, đâu đó vẳng tiếng chuông chùa. Mọi thứ hòa tan trong sự mong manh, hư ảo của kiếp người. Rồi mai sau, ta thành cát bụi, sẽ còn lại gì của ta trên đời. Những thứ thuộc về ta sẽ ai khắc ghi, sẽ còn ai nhớ tới? Cố nhân của hôm qua liệu sẽ là cố nhân đến bao giờ khi tất cả mọi thứ sẽ phôi pha, nhạt nhòa theo thời gian và sự xa cách?
Chùa Thiên Mụ là di tích đầu tiên người ấy đưa tôi đến trong buổi chiều muộn. Tiếng chuông hôm ấy thi thoảng vẫn vọng lại đâu đó trong lòng tôi khi bất chợt nhớ đến Huế, đến người, bất chợt nghe vài giai điệu quen về cố đô. Trong những chuyến đi sau này và suốt hành trình đời sắp tới, thi thoảng, vẫn vọng về những âm thanh xưa cũ, vẫn hiện ra những hình ảnh mới nguyên nhưng đã thuộc về quá vãng quá xa xôi. Lúc đó, tôi chợt thấy lòng mình thành quách siêu đổ, rêu phong hoang tàn ở rất nhiều góc, nhiều nơi.
Cuộc đời – cuộc hành trình – những chuyến đi – chính là nếm trải mất mát, là từng phút từng giây nhìn ta ra đi trong mỗi khoảnh khắc từ người khác, từ tình xa, tình nhớ, tình hờ, tình chờ, tình sầu... Thôi thì cũng “Đành lòng vậy, cầm lòng vậy…”

                                                                                                                                    9/12/15

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ