CHỊ TÔI



Hôm nay đi ăn cưới cô cháu họ, tôi cố tình trốn tránh những cuộc rượu, chè chén, giao lưu, ngồi một chỗ, ở xa trung tâm rạp cùng các chị. Những người chị của tôi, cả chị ruột và chị họ gắn bó từ thuở tôi lên năm lên bẩy. Những ngày thơ bé là hồi các chị con gái đương thì, xinh đẹp, hồn nhiên. Những câu chuyện tình của các chị cũng theo tôi suốt những năm tháng đó. 
Khoảng thời gian gắn bó cả trong công việc, trong cuộc sống, trong tình cảm và những sự quan tâm dành cho một cậu em út chẳng được là bao. Các chị đi lấy chồng, đa số gần, cũng có người xa. Tôi lớn lên đi học, đi làm. Ai cũng bị cuốn theo vòng xoay của cuộc sống, của những nỗi lo cơm áo, gia đình, chồng con, công việc, học hành. Dù phần lớn ở cách chỉ là làng trên xóm dưới nhưng chẳng mấy khi ngồi cùng tất cả các chị, những người đã có một thời tập trung ăn vặt, khâu nón, hát hỏng, buôn chuyện.
Hôm nay, bất ngờ là hầu như tôi lại ngồi cùng, trò chuyện với tất cả. Nhìn các chị mới thấy sự nghiệt ngã của thời gian, mới thấm thía cái câu mỗi năm mỗi tuổi, cái tuổi nó đuổi xuân đi. Vẫn những con người ấy nhưng không còn vẻ đẹp thời con gái, cũng chẳng có một nụ cười rạng rỡ viên mãn cho cuộc sống. Mỗi người chị của tôi đều mang nặng một nỗi đau, nỗi buồn, có khi là xót xa cho một thân phận phụ nữ. Có người chẳng khác nào đá Vọng phu, có người gần như bản sao người chị trong ca khúc của Trần Tiến, có người nơm nớp, u sầu vì con, có người nặng lòng xa nhớ nơi chôn rau cắt rốn, có người lăn xả, quay như mòng mòng theo kinh tế mà đánh đổi nhiều thứ khác quan trọng hơn...
Tôi cũng không biết nói gì ngoài một từ xót xa khi nhìn những ánh mắt chưa bao giờ hết suy tư, những nếp nhăn đang hằn lên vì lo âu, những gương mặt lúc nào cũng lẩn khuất nỗi buồn, những bàn tay chai sần làm lụng... Cuộc sống của những người chị tôi là cuộc vật lộn trong lo âu, trăn trở, trong sự khắc khoải của bổn phận và trách nhiệm. Họ cứ lặng lẽ, câm nín hy sinh, chắt chiu và bao dung, và che chở, chăm sóc người thân. Họ chấp nhận hy sinh rất rất nhiều thứ trong cá tôi, trong niềm hạnh phúc riêng tư của mình cho người thân, mà ngay bản thân tôi là một người được lĩnh nhận. Trong khi đó, những người nhận sự hy sinh, thậm chí là đánh đổi nỗi đau của những người phụ nữ này có biết được cái may mắn và hạnh phúc mình đã được cho hay không?
Những câu chuyện chưa bao giờ đi đến được tận cùng, chưa trọn vẹn thì chị phải về. Người thì lo nấu cơm cho cháu ở nhà; người khác thì lo cháu lại ra quán điện tử, dù 19 tuổi rồi, chị vẫn phải nuôi không, phải mua máy về nhà để khỏi ra quán; người thì phải về vì không thể để nhà cửa, lợn, gà trống không đến tối, người thì sợ chồng vừa hôm qua mệt mà giờ chỉ có con ở nhà... Không biết các chị có bao giờ nghĩ là mình phải làm gì cho mình không nhỉ? 
Những câu chuyện đời, những số phận của các chị có khi phải viết thành những cuốn tiểu thuyết, những tiểu thuyết chan chứa bao nước mắt, những giọt nước mắt lặn vào trong, và hầu hết là trong sự im lặng.
Mỗi chị đều có sự lựa chọn cho cuộc sống và chắc chắn sẽ kiên cường để đi đến cùng, theo cái mục đích lớn nhất các chị nuôi dưỡng bao năm qua. Tôi chỉ biết hy vọng và cầu chúc mọi điều may mắn và tốt đẹp cho các chị của tôi. Bởi cuộc đời còn lại, tuy chẳng dài lắm nhưng cũng đủ những tháng năm, nếu tốt đẹp nhất, chị tôi sẽ được sống trong nụ cười, không còn những khóe mắt u sầu, lúc nào cũng gờn gợn biết bao âu lo, trăn trở. Và rất nhiều khi chính tôi cũng phải ngoảnh mặt quay đi, không dám nhìn thẳng, nhìn lâu vào những gương mặt, ánh mắt ấy.
                                                                                                                       11/1/16

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ