Truyện trên đường: NGƯỜI PHỤ NỮ Ở DỐC A MÚ SUNG

(Một góc căn bếp nhà chị Huyền)

Chúng tôi đến dốc A Mú Sung – Bát Xát – Lào Cai lúc gần 7 giờ tối ngày mồng 5 Tết. Điểm này nếu nhìn trên bản đồ giống như đỉnh của tam giác trên đường đi từ thành phố Lào Cai qua thị trấn Bát Xát, Trình Tường, Lũng Pô rồi đến A Mú Sung, qua A Lù, Ngải Thầu vào Y Tý. Dù đã đi Y Tý và qua cung đường này hai lần (gồm đi và về) tôi vẫn bất ngờ vì gió đèo biên giới. Những cơn gió ào ạt, gầm rú, tát thẳng vào người và xe. Có lúc tôi cảm thấy dường như chiếc xe chao đảo và bạn xế hơi run một chút. Chúng tôi đi trong bóng tối và im lặng vì tôi biết bạn đang xế cũng lo lắng không kém gì tôi. Những cơn gió ngăn ngắt, heo hút như cắt như cứa vào lòng người, khiến kẻ lữ hành thêm chênh chao, hoang mang nơi đại ngàn xa thẳm rừng già biên cương. Cảm giác ấy khiến tôi nghĩ tới mấy chục năm, thậm chí mấy trăm năm trước, những người đi đến đây, giữ gìn miền biên ải sẽ phải đối mặt với những gì? Tâm trạng họ ra sao? Và cũng đến lúc ấy tôi mới hiểu hơn những vần thơ biên tái, nhất là những bài thơ khắc khoải nhớ nhung, u uất, thê thiết, xót xa vì biệt ly, xa cách. Một ngày thường như vậy, không biết những ngày gió mùa về giật cấp 5, cấp 6 sẽ như thế nào? Chỉ nhìn những cây rừng bị gió giật gẫy tả tơi cũng đủ rùng mình. Tôi lại nghĩ đến những dòng văn của Nguyễn Tuân viết về gió Than Uyên trong tập tùy bút “Sông Đà”[1]:
“…Gió mạnh như sóng bão cấp năm, cấp sáu, cấp bẩy, mùi gió nhạt nhạt nhạt, vị gió ngai ngái. Gió đổ nhà đổ cửa, gió chém vào móng ngựa thồ, cuốn rối đuôi và bờm tóc ngựa. Gió giúi gục đầu ngựa. Ngựa bạt hơi. Người ngồi ngựa hộc máu cam trên cương ngựa. Gió quẩn mã hồi lùng nổi lên, đá to bằng quả trứng gà cũng bay vù. Ù ù dật dật, quanh cái bếp lửa, cụm đầu vào nhau mà to tiếng cũng chỉ nghe thấy có lời hờn của gió dấy lên từ giữa hai cái vú đá trên đỉnh đèo Khau Co mà sà xuống”[2].
Trở lại câu chuyện của chúng tôi, dù lập lịch trình khá kỹ và cũng tính toán nhiều khả năng nhưng do nhiều lý do chủ quan và khách quan chúng tôi vẫn trễ so với kế hoạch. Rời khỏi thôn Lũng Pô lúc hơn 6 giờ tối, trời sập rất nhanh. Tôi đã tính ngay đến phương án là sẽ dừng lại ngủ ở A Mú Sung vì chuyến đi năm trước chúng tôi có dừng ở đây uống nước, mua bánh và được một anh bán quán nói rằng có thể cho ngủ nếu đến đó mà không thể đi tiếp. Bạn đồng hành vẫn lạc quan là đường thế này cố thể cố vào đến Y Tý. Chúng tôi đi trên những con đường đèo xa vắng, cao vút, quanh co, tối mịt. Đến đoạn nào thấy ngọn đèn của những ngôi nhà gần đường có cảm giác ấm áp lạ thường. Con người, dù là ai, ở đâu, làm gì thì cuối cùng cũng mong được gặp, gần gũi với con người, muốn được ở trong hơi thở của sự sống người mà thôi. Càng lên cao gió càng thổi mạnh. Mới đầu gió chỉ xào xạc, lay động cây rừng, sau rít, rú, thốc như muốn quét sạch những gì trên đường. Bốn người đi thì ba người, trong đó hai xế mắt cận nên đi đường tối càng khó khăn. Mọi thứ chênh vênh và tôi nín thở mong mau chóng đến dốc A Mú Sung.
Và cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi. Dừng xe ở dốc, vẫn mấy ngôi nhà đó, nhà của những người dưới xuôi lên đây công tác. Chúng tôi hỏi một anh và được anh mở cửa ngôi nhà, dạng một kiot bán hàng đối diện nhà chính. Anh bảo mới từ quê lên và chưa dọn dẹp gì. Nếu anh em ở sẽ dọn. Nhưng nhìn căn phòng lạnh lẽo, chật chội và bẩn, tôi vô cùng ái ngại. Một phần do đi chặng đường quá xa mệt mỏi, phần khác do những điều không được như ý về tinh thần nên tôi hầu như chỉ im lặng, mắt nhìn sang nhà phía dưới. Hiểu được cảm xúc và tình cảnh của chúng tôi, anh bảo xuống nhà dưới hỏi xem sao, nhà rộng hơn có thể cho ngủ nhờ. Lại một lần nữa lâm vào thế bí trong việc tìm chốn ngủ ở những bản làng xa xôi, cung đường hiểm trở, chúng tôi đánh liều hỏi chủ nhà dưới. Không ngờ rằng nhà chỉ có hai người phụ nữ, hai chị em gái và hình như cũng ở quê mới lên (Nhìn đống đồ vứt ở cái sập trong phòng khách tôi đoán vậy). Và một điều không ngờ là sau vài câu trao đổi ngắn, họ biết chúng tôi đi phượt gặp trời tối và cho ở, và mời ăn cơm cùng gia đình.
Tôi thấy rất bất ngờ, vui mừng, cảm động vì tấm lòng của người phụ nữ chủ nhà, chị Huyền. Giữa chốn núi rừng âm u, vắng ngắt nơi biên giới xa xôi và hẻo lánh này, nhà chỉ có hai người phụ nữ mà cho những bốn người đàn ông xa lạ, dật dờ ở quả là một sự liều, là một tấm lòng nhân hậu vô bờ. Một lần nữa, đi và tôi thấy bao con người bình thường quá tốt, quá tử tế và cao thượng, ít nhất là với chúng tôi, những kẻ xê dịch, đi bụi lênh đênh trên đường. Tôi vẫn khắc ghi tất cả những ân tình đó mà không biết bao giờ có thể đền đáp. Bởi trong thời tiết, địa hình như thế chúng tôi không thể đi tiếp, nếu đi là đánh cuộc với tính mệnh của mình. Và chúng tôi dẫu có bạc triệu cũng chẳng thể tìm được nơi ăn chốn nghỉ ở vùng sơn cước lúc trời tối mịt mù, gió thét gào dữ dội như thế. Tôi còn cảm động và nể phục họ hơn nữa khi biết hai chị em vừa mới đi xe máy gần 300 cây số từ quê - Tuyên Quang -  lên đến đây lúc 6 giờ. Chưa nghỉ ngơi, dọn dẹp gì, vậy mà lao vào cơm nước cho bốn người xa lạ, trôi dạt, thất thểu ở miền xa lạ như tiếp khách quý đến nhà. Tôi thấy nhẹ lòng như cởi bỏ được một gánh nặng lo lắng, bất an suốt từ lúc rời Lũng Pô, nghe gió thổi, hứng gió quất táp vào mặt, dù lúc đó lòng tôi vẫn còn nhiều ưu phiền do sự cố từ buổi chiều mang đến.
Dù bất đắc dĩ trong thụ động, bữa cơm biên ải đãi khách của hai người phụ nữ miền xuôi vẫn thịnh soạn, đầy hương vị ngày Tết. Tôi gọi đây là bữa cơm của tình, của duyên, của tấm lòng với bánh chưng, thịt gà, lạp xưởng, cá kho chua, rau cải, và nhất là cả rượu. Sau chén rượu đầu xuân gặp gỡ hữu duyên, tôi được nghe câu chuyện của chị Huyền, dù chị cũng không có kể lể chi tiết, giãi bày tường tận, mạch lạc. Nhưng câu chuyện của chị làm mình suy nghĩ vì nó cũng là tình cảnh của nhiều bạn trẻ hiện nay, nỗ lực học hành để rồi ra đời chơ vơ, phải đánh đổi nhiều thứ để có một cuộc sống tương đối ổn định hoặc đơn giản chỉ là một chỗ làm trong cơ quan nhà nước.
Học xong đại học, chị Huyền không thể xin được việc ở quê. Với lòng quyết tâm phải thoát cảnh làm ruộng bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chị tình nguyện lên miền cao công tác. Mấy năm ở Hà Giang vẫn không thể xin được một suất công chức. Do có người quen, chị tiếp tục chuyển lên A Mú Sung làm công tác văn hóa kiêm cán bộ lâm nghiệp cho xã. Chị bảo ở những xã vùng cao, công chức xã phải làm đủ mọi việc và như chị không riêng gì văn hóa. Từ những việc đi tiêm phòng dịch bệnh cho trâu bò, chó ngựa, đến hướng dẫn nông dân chăn nuôi, trồng trọt chị đều phải làm. Như đợt rét vừa rồi, chị lăn lộn suốt trong bản để vận động bà con đem trâu bò về nhà nhốt, rồi hướng dẫn che chắn. Trong mưa lạnh, tuyết rơi chị phải đi xem có con trâu, bò nào chết, ốm không. Nếu để nhiều gia súc, nhất là trâu bò chết chị bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ. Nghe chị kể, tôi có cảm giác chị làm công tác nông lâm, thú ý hơn là đi làm văn hóa. Chị còn bảo, ở trên này, nhiều nhà thích trâu bò bị chết bởi họ vừa được đền bù, với những lần được đền bù nhiều lại vừa có thịt trâu, bò ăn.
Câu chuyện của chị lắng lại, trầm hẳn đi khi chị nói về những ngày mới lên đây, chị quản lý cái bưu điện và ngủ ở đó. Những đêm gió lộng, chị thấy buồn, chán, sợ, và cả hoang mang. Gió gào rú mà xung quanh là rừng già quạnh vắng, một mình cô đơn trống trải. Khi ấy, chị muốn bỏ mọi thứ để về nhà, gần gũi bố mẹ và những người trong gia đình. Động lực duy nhất cho chị ý chí, sự kiên trì đó là quyết tâm thoát cảnh làm ruộng, không để phí những năm tháng đi học, phấn đấu và tiền của cha mẹ lo cho chị ăn học. Tôi cũng không biết quê chị khó khăn và làm ruộng vất vả đến mức nào mà chị lại có thể mạnh mẽ như thế nhưng cứ hình dung ra cảnh một cô gái trẻ, ở một nơi đèo heo hút gió, đi đến bất cứ một chỗ gọi là trung tâm, có chợ đông đều phải vượt 30km đường đèo, đêm đêm một mình làm bạn với âm thanh ma quái của gió, làm đủ mọi việc linh tinh thì củng đủ bải hoải, rùng mình. Yêu vùng cao, đồng cảm với cuộc sống nơi này, tôi càng thấy cảm phục với những người bám trụ, làm việc ở đây. Ai đó nói là có chính sách đãi ngộ, lương vùng miền vân vân nhưng mà như chị Huyền nói thì, không phải xã nào cũng được chính sách ấy, chỉ có mấy xã giáp biên mới được. Ở những nơi đâu đâu cũng là núi, rừng, đi toàn những con đường mòn gập ghềnh, đường lớn là đèo thăm thẳm, địa hình chia cắt thì công việc vất vả, nhọc nhằn gấp vài lần, chưa kể thời tiết cực khắc nghiệt vào mùa đông.
Lần đầu đến Y Tý, vào thôn Lao Chải, tôi ngỡ ngàng vì những lớp học đơn sơ, tạm bợ. Chỉ có một ngôi nhà cấp bốn, ngăn làm hai phòng học, mỗi phòng là một lớp ghép 1+2 và 3+4, mà vị trí của điểm trường ấy không xa so với trung tâm xã. Đi vào sâu vài cây số nữa lại thấy một ngôi trường tiểu học khá khang trang. Chị Huyền kể giáo viên trên này vất vả lắm, dạy thì ít mà đi vào bản, vận động trẻ con đi học là chủ yếu. Dạy lớp ghép thì xoay liên tục: đầu này một lớp, phía sau lớp khác. Nhưng những ngày có tuyết thì giáo viên lại đỡ hơn chị vì trẻ con nghỉ học hết, họ không phải đến trường. Y Tý hay nhiều cung đường Tây Bắc khác rất đẹp. Vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ, lãng mạn và có phần huyền bí hấp dẫn bao kẻ xê dịch như chúng tôi. Nhưng để sống, làm việc suốt đời ở đây thì chắc tôi không làm được. Dĩ nhiên những người xuôi lên đây công tác không do đặc thù công việc kiểu bộ đội biên phòng thì cũng là vì bất đắc dĩ, không thể xin được việc ở quê mới ra đi. Song dẫu vì mưu sinh, vì cuộc sống và bản thân trước hết thì tôi vẫn thấy họ cũng phải hy sinh, đánh đổi nhiều thứ. Một lần nữa tôi cảm thấy mình may mắn hơn nhiều người khác, kể cả những bạn học cùng đại học với tôi, và một trong số đó vừa liên lạc được với tôi sau gần 10 năm ra trường qua facebook, phải khốn đốn, long đong xin việc, làm ở những nơi thiếu thốn đủ bề.
Những cảm giác xa lạ dần dần bỏ lại phía sau. Chúng tôi trở nên thân tình hơn, gần gũi hơn. Câu chuyện của chị Huyền lại tiếp tục bằng vài chi tiết chấm phá về chồng chị. Anh chị gặp nhau ở A Mú Sung này, khi ấy anh còn làm đoàn. Vốn là người Lào Cai, anh đã tham gia những phong trào tình nguyện, được giấy khen của trung ương đoàn, rồi ở lại A Mú Sung. Nhưng sau một thời gian cũng chẳng thể xin được một vị trí nào trong hệ thống công chức xã cả. Mà làm hợp đồng với những việc vặt ở đây thì không đủ sống. Anh ở nhà, mở quán bán hàng tạp hóa và làm một số công việc khác. Cũng chính vì thế mà chuyến đi trước lên đây, chúng tôi ghé quán của anh và có cơ hội được tá túc trong chuyến đi này, không phải đánh cuộc tính mệnh của mình với gió đèo, đêm tối biên ải mịt mùng. Một năm trước anh mới thi đỗ và làm hành chính ở một trường học ngoài thị trấn. Cho nên việc anh xa nhà là thường xuyên và hôm nay, anh có việc ở thị trấn nên không về được.
Cô Huệ nói rằng cô không thể quen được với gió, với núi rừng và cuộc sống trên này. Mọi thứ quá vắng vẻ, buồn bã dù vùng biên giới giờ đường lớn cũng khá đẹp, điện lưới về đến tận bản. Những tiện nghi của cuộc sống hiện đại cũng hiện hữu cả trong nhà những người dân tộc chứ không riêng gì cán bộ. Chị Huyền nói cái khó nhất trên này là thực phẩm. Mọi thứ không hề rẻ mà khá đắt đỏ. Tôi ngạc nhiên khi chị nói giá cá sông ở đây còn đắt hơn cả dưới xuôi nhà mình. Cả tuần mới ra Trình Tường đi chợ và thực phẩm cứ thế tích trữ trong tủ lạnh, biết là không tốt nhưng không còn cách nào khác. Gần Tết, chị vào bản, mua con lợn hơn 60kg, mấy người lễ mễ khiêng qua cả một quả đồi về. Trong bếp nhà chị tôi thấy đủ cả thịt treo gác bếp hun khói, lạp xưởng. Có lẽ ở một nơi mà dịch vụ quá xa, thiếu thì con người cũng mạnh mẽ, gan góc, chủ động mọi việc cho sinh hoạt, cuộc sống. Và cũng vì thế mà họ hiếu khách, nhân hậu, bỏ mọi câu nệ chăng?
Dù xa xôi nhưng miền biên giới giờ khá hiện đại, internet về đến tận bạn. Check in facebook, chị Huyền nói chuyện về bức ảnh mấy đứa trẻ con ở truồng trong những ngày rét đậm làm dậy sóng dư luận mạng vừa qua. Chị bảo đó là do thói quen sinh hoạt, trẻ con hay ở truồng, có khi trong nhà đủ quần áo. Và cái chính là bố mẹ người dân tộc không quan tâm, chăm sóc chu đáo, không mặc, phòng lạnh cho chúng chứ không phải nhà nó nghèo đến mức không có quần áo ấm. Trẻ em, hay con người, dẫu quen với khí hậu khắc nghiệt thì ai cũng là da thịt, cũng lạnh, cũng có một sức chịu đựng có hạn. Vì vậy, ở xứ này, theo chị cái khó nhất là làm thay đổi suy nghĩ, tập quán, từ sinh hoạt đến sản xuất, mà đó lại là công việc chính của chị. Chị Huyền tiếp lời: “Học sinh ở trên này có khi sướng. Mọi thứ được bao cấp. Năm nào cuối năm cũng hàng đoàn xe lớn nhỏ mang đồ lên cho. Có chỗ trẻ con còn kén chọn, không lấy đồ xấu, đồ cũ. Vất vả, thiếu thốn, khổ sở chỉ là những nơi sâu xa, đường vào khó khawnm chia cắt. Những nơi đó thì chẳng mấy khi có đoàn từ thiện nào vào cả”. Tự dưng tôi nhớ tớ bài viết “Từ thiện câu like” của tác giả Đặng Hoàng Giang trong cuốn “Bức xúc không làm ta vô can”. Và cũng rất ngẫu nhiên tôi nhớ tới hình ảnh những đứa trẻ ở Sapa, những bài viết về việc từ thiện ở Sapa. Với riêng tôi, tôi thấy nhiều nơi ở Tây Bắc nghèo quá, khổ quá, trẻ con thiệt thòi đủ điều. Việc làm từ thiện, đem quần áo, đồ ăn lên chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết phần ngọn. Điều cốt yếu là thay đổi cả một hệ thống từ giao thông, đến cách thức sản xuất, tổ chức sinh hoạt, sắp xếp cuộc sống. Điều này không dễ dàng. Nhưng cũng không ít nơi, thực sự chẳng khó khăn gì vẫn cứ được hưởng quá nhiều từ những chương trình từ thiện kiểu “câu like”, trong khi đó, bản thân những người được giúp đỡ tự họ lựa chọn cách sống, hoặc cố tình dựa dẫm, hoặc có một sự toan tính nào đó từ người lớn, chẳng hạn gợi lòng thương hại để bán hàng kiểu như ở Sapa, đã đẩy những đứa trẻ thành con mồi nhử với dáng vẻ nhếch nhác, đói khổ, phơi ra đường trong đêm lạnh, nắng lửa, mưa rầm.
Những chia sẻ chân thành của người ở miền cao cho tôi thấy thêm nhiều điều về cuộc sống nơi vẫn được coi là núi liền núi, sông liền sông với một quốc gia khác. Dẫu đi và được trải nghiệm thực tế một số lần song câu chuyện của chị Huyền lại cho tôi một góc nhìn nữa, một khía cạnh nữa của cuộc sống giữa đại ngàn Tây Bắc. Có thể những gì tôi viết ở đây, trước kia, và cả sau này chỉ là những quan sát, suy tưởng, có khi hơi võ đoán của cá nhân nhưng đó mới thực sự là ý nghĩa của những chuyến đi: đi để biết cách nhìn đời và nhìn người từ góc nhìn của chính họ, đi để ngoái lại nhìn chính mình, biết rằng đời sống của mình vẫn còn nhiều may mắn và hạnh phúc mà gìn giữ, trân quý.
Chúng tôi rời nhà chị Huyền từ lúc trời vẫn còn mờ mờ, chưa sáng hẳn dù đã 6 giờ. Một lần nữa lại phải làm phiền chị dậy sớm để chúng tôi tiếp tục lên đường, với hy vọng mong manh gặp mây. Chị nhất định không chịu nhận gì từ chúng tôi và thuyết phục mãi mới nhận một chút như quà mừng tuổi cho cậu con trai của chị. Chúng tôi đi trong gió réo rắt, thồi ù ù. Hình ảnh chị Huyền vẫn còn vẹn nguyên, đứng ở cửa nhìn chúng tôi đi khuất, áo len đỏ, nụ cười tươi và gương mặt có nét cương nghị. Không ai trong chúng tôi xin số điện thoại hay facebook của chị nhưng tôi biết rằng sẽ có dịp trở lại Y Tý, qua dốc A Mú Sung này, trở lại nhà chị để ít nhất, nói một lời cảm ơn, và có thể là được nghe những câu chuyện mới, nhìn thấy niềm hạnh phúc trọn vẹn của chị, nhất là của anh chồng, yên tâm với một công việc phù hợp, có đam mê chứ không phải làm vì để có việc.
Đêm nay gió mùa đông bắc lại về. Tiếng gió khiến cây trong vườn nhà xào xạc. Và âm thanh của cơn gió véo vút, quạnh quẽ, quất táp của con đèo qua A Mú Sung lại về chập chờn trong giấc ngủ. Đêm ngủ ở nhà chị Huyền, nhiều lần tôi choàng tỉnh vì tiếng gió như than, như hú. Đột ngột, nó xào xạc lá rơi, lắc cắc cành cây gẫy hay loạt soạt va chạm mái nhà. Tôi luôn vẽ ra trong tâm trí hình ảnh của người phụ nữ đi về trong gió, trong cái tối và sự vắng lặng, xa ngái, thâm u của miền sơn cước biên ải thâm u. Hình ảnh ấy cho thôi thấm một điều đi sâu vào tâm của gió sắc buốt, ta sẽ gặp được những trái tim, những tấm lòng người!
Đêm 21, 22/2/2016.
Viết cho những cung đường chan chứa tình người.





[1] Tập tùy bút của Nguyễn Tuân viết về Tây Bắc xuất bản lần đầu năm 1960 gồm 15 bài tùy bút và một bài thơ ở dạng phác thảo.
[2] “Gió Than Uyên” trong “Toàn tập Nguyễn Tuân”, Tập IV, Nguyễn Đăng Mạnh biên soạn và giới thiệu, NXB Văn học, 2000, tr.406.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ