TÔI ĐI THI ĐẠI HỌC


Gửi các sĩ tử của tôi – Ers 98!
            Hôm nay là ngày đầu tiên thi THPT Quốc gia vừa để xét tốt nghiệp vừa để xét vào các trường đại học, cao đẳng. Rất nhiều học sinh của mình đi thi và mới hết ngày đầu, các em lên facebook than thở, kêu ca, buồn bã. Trong khi đó, các em vẫn còn hai môn nữa phải thi, và bạn nào thi lại cũng còn một môn cuối cùng nữa. Vì tâm trạng các em như vậy, xin kể lại kỷ niệm hồi mình đi thi đại học.
            Năm 2002, mình đi thi đại học cũng là năm đầu tiên thi ba chung, bỏ chế độ thi riêng cho các trường. Hồi đó, mình là học sinh quê, huyện lẻ, trường cũng chưa có được chất lượng tốt, nhiều thầy cô giỏi và điều kiện học tập như bây giờ. Mình có đi học ôn nhưng chỉ là các thầy làng dạy, không đi luyện thầy, cô nổi tiếng nào. Thi tốt nghiệp xong, gia đình bình thường nên cũng không đi xuống lò luyện, trong khi đó các bạn của mình thì 90% đi luyện cấp tốc ở các lò. Kết quả tốt nghiệp là một cú sốc vì mình không bao giờ nghĩ toán chỉ được 6 điểm và mất bằng giỏi, mà hồi ấy bằng giỏi còn được cộng điểm trực tiếp vào kết quả đại học. Khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp, buổi liên hoan lớp, mình vẫn nói với cô giáo chủ nhiệm – cô dạy Vật lý là nếu môn của cô em được 7 thì em chắc chắn bằng giỏi. Ai dè 52 điểm cho 6 môn (gồm Toán, Lý, Hóa, Văn, sử, tiếng Anh trong khi mình là dân khối C), vật lý 7,5 vẫn chỉ là bằng khá.
            Ngày đi thi cũng là lần đầu tiên ra Hà Nội và trường đăng ký thi cũng là trường điểm cao nhất nhì khối C cả nước, khoa Ngữ văn – Đại học sư phạm Hà Nội. Hồi đó sư phạm hot lắm lắm luôn vì sau này vào học những đứa trường lẻ, không một tiếng vang như mình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các bạn khác thành tích rực rỡ giải quốc gia, thậm chí có bạn hai năm liền nhất quốc gia. Mình đi thi bố mẹ không phải đưa. Cậu cháu họ lúc đó đang học ở trường Đại học giao thông vận tải về bảo xuống chỗ nó ở, rồi nó đưa đi. Mấy hôm thi nó tận tình đưa đón và cả đưa đi chơi vài điểm chính ở Hà Nội.
            Lần đầu xa nhà, rời lũy tre làng ra thủ đô, ấn tượng mạnh nhất là hình ảnh Hà Nội rất đẹp trong ánh đèn buổi tối, nhìn qua khuôn cửa kính đoàn tàu đi qua cầu Long Biên. Sau này, bốn năm học đại học mình hầu như chỉ đi tàu (tuyến tàu nhanh Lạng Sơn – Hà Nội đó giờ không còn và tàu của tuyến này giờ cũng không được vào ga Hà Nội nữa). Đi ra Hà Nội từ sớm, trước lúc thi hẳn ba ngày, cháu đưa đi vài chỗ, nhất là ăn chè ở trường sư phạm, khu gần sân vận động và bị trường này hấp dẫn. Chẳng hiểu sao lúc đó mình có cảm giác thuộc về nơi ấy, dù mình đi thi chẳng có gì chắc chắn. Hình như đến năm hai đại học, mấy quán chè đó không được ngồi ven cái đường sân vận động vào kí túc nữa mà quy hết vào một khu gọi là căng tin của kí túc.
            Hôm đi làm thủ tục, cậu kia đèo xe đạp hàng chục cây số đưa mình đến điểm từ Cầu Giấy xuống Diễn, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Lưu ý rằng thời đó đường xuống Diễn cực tệ. Tâm lý đi thi của mình là việc mình mình biết, chẳng làm quen nói chuyện, không bàn bạc, trao đổi gì hết. Xóm trọ hồi ấy cũng có hai bạn nữa thi khối C, người nhà của các chị ở đó. Ai cũng hồ hời, sẵn sàng. Mình lặng lẽ ôn bài theo cách của mình vì hầu như từ thi học sinh giỏi đến học bình thường mình vẫn tự học gần như toàn bộ. Sau này mình ngẫm lại mới thấy, việc ham đọc (dù không có nhiều sách để đọc), khả năng nhớ lâu, tự vạch ý theo cách của mình đã giúp mình rất nhiều khi học lên, và ít phụ thuộc vào tài liệu hay ý kiến của người khác. Những dẫn chứng so sánh, liên hệ hầu như mình thuộc, chẳng cần thầy, cô cho ghi, chép gì cả.
            Ngày thứ nhất thi hai môn Văn và Sử. Hồi cấp 3, mình học văn ngu ngơ lắm. Thi vào khoa Văn vì đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh trượt giải, đọc không kỹ đề. Nhiều kiến thức cũng chông chênh vì nói thực giáo viên dạy mình không làm cho mình hiểu, cảm được nhiều tác phẩm. Đến giờ này, cũng là một người đi dạy văn, một cách thành tâm mình không ấn tượng hay thấy một giáo viên dạy văn thời cấp 3 nào cho mình tri thức, phương pháp, hay kỹ năng văn, hoặc ảnh hưởng lớn đến cái nghiệp văn của mình. Chính xác hơn là thất vọng nhiều hơn vì hầu như những gì họ nói mình chẳng thấy gì mới mẻ, độc đáo hay sâu sắc so với tài liệu mình tự đọc hoặc cách hiểu của bản thân mình khi đọc tác phẩm. Nhưng khi vào đại học thì, quả thực là mình được mở rộng, được cực kỳ nhiều từ những thầy cô ở khoa Văn trường Sư Phạm Hà Nội, dĩ nhiên không phải tất cả. Một cách chính xác nhất là cái gì mình có ngày hôm này về chuyên môn chính là bắt đầu từ đại học, nhất là sau khi hoàn thành cái khóa luận tốt nghiệp. Sâu xa hơn, người mình biết ơn vì đã phát hiện, khơi dậy hứng thú văn chương là một cô giáo dạy cấp 2 trong hai năm lớp 8 và lớp 9.
            Trở lại với môn thi đại học đầu tiên của mình, môn Văn. Mình đi thi trong tâm thế tự cho phép bỏ một số bài. Thầy dạy luyện thi cũng được ít và bỏ những bài cuối cùng do năm đó mẹ thầy ốm nên cho lớp nghỉ nhiều. Học trên lớp thì mọi thứ trôi tuột, không đọng lại gì. Đến giờ hình ảnh thầy giáo dạy lớp 12 của mình trong những bài giảng hồi đó rất mơ hồ. Mình không nhớ bất cứ một câu nào của thầy từ nội dung bài dạy đến chia sẻ ngoài lề, cả những câu mắng học sinh mà các bạn của mình vẫn nhớ. Cho nên, tự cho phép mình bỏ mấy tác phẩm: “Vi hành”, “Các vị La Hán chùa Tây Phương”, “Tuyên ngôn Độc lập”. Bài “Việt Bắc” học mỗi đoạn bức tranh tứ bình, “Tiếng hát con tàu” chỉ học đoạn “Con gặp lại nhân dân…”, “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm hiểu mỗi đoạn “Những người vợ nhớ chồng…”. Tóm lại là những tác phẩm thầy không giảng cho mình hiểu, đọc mãi cũng không hiểu thì liều bỏ. Hehe. Chỉ yêu và mong vào phần lớp 11, văn học giai đoạn 1930 – 1945.
            Nhận đề môn Văn lặng đi vì sốc. Đề hoàn toàn không có bất cứ câu nào liên quan đến kiến thức lớp 11. Câu 2 điểm cho vào hoàn cảnh ra đời và mục đích sáng tác của “Vi hành”. Câu 3 điểm cảm nhận một đoạn bài “Sóng”. Câu 5 điểm bắt phân tích giá trị nhân đạo truyện ngắn “Vợ nhặt”. Sau khi đơ khoảng 5 phút vì không có ý niệm gì về tác phẩm “Vi hành”, “Sóng” thì chỉ nhớ vài ý chính đọc trong tài liệu, chẳng biết nó hay ho thế nào. Sau này, nghe một người bạn thân của mình thi nghiệp vụ sư phạm giảng chính cái đoạn thi đó mình mới thấy “Sóng”. Giá như mình gặp một người thầy như bạn ấy từ hồi phổ thông chắc mình khác. Cặm cụi làm bài bắt đầu từ câu 5 điểm, sở trường. Sau tiếp đến câu 3 điểm khi trong đầu chỉ có hai ý cơ bản cho cái đoạn đó: nỗi nhớ và sự chung thủy trong tình yêu. 40 phút còn lại, ngồi cắn bút và bắt đầu hư cấu hoàn cảnh sáng tác “Vi hành”, sau là mục đích sáng tác nữa. Ba tiếng thi thất bại, làm được 10 mặt giấy.
            Cháu đến rất sớm đón ở cổng trường thi và mình không dám nói là lúc học bỏ bài “Vi hành” và môn thi thấy bại thảm hại thế. Đi ăn cơm, các sĩ tử thao thao bất tuyệt nói về bài thi, đề thi. Với mình đề chẳng có gì khó, thậm chí cách hỏi quá dễ nhưng trật tác phẩm mình thích. Họ bảo là trúng tủ, trúng bài vì đã được luyện ở lò này kia các kiểu con đà điểu. Mình lại càng thấy buồn vì học rất rất nhiều mà thi chẳng có cơ hội thể hiện. Nhưng mình không bao giờ là kẻ đầu hàng, nhất là thi cử. Đến giờ vẫn thế. Có kỳ thi lãng nhách nhưng đã vào là viết đến kiệt cùng, cố vắt óc mà làm, làm đến lúc không còn gì để có thể viết và không còn thời gian viết.
            Buổi chiều thi Sử, môn thế mạnh và học cực kỹ. Nhìn đề muốn reo lên sung sướng vì quá dễ. Hầu như toàn câu hỏi tái hiện. Thằng bé nhà quê hăm hở viết như sợ chữ trôi đi hết. Làm bài xong trước thời gian hơn 40 phút. Sau đọc lại ngẩn người vì thiếu ý mà làm xong hết rồi, chẳng biết nhét vào đâu. Giờ nghĩ lại thấy mình ngu ngơ không viết thêm vào phía sau. Ra sớm gần 30 phút, theo lời dặn của cháu là chiều nó không mượn được xe máy nên tự bắt xe bus về. Đó là lần đầu tiên mình đi xe bus số 32 và tắc đường kinh hoàng, đặc biệt ở khu đại học Thương Mại. Sau cháu mượn được xe đi đón nhưng không gặp vì mình lên xe bus rồi. Nó đón ở điểm dừng xe bus đi về xóm trọ và mắng xối xả vì những sai sót của môn Lịch sử.
            Hơn ai hết, là một sĩ tử, nhất là ý thức được năng lực, lại học cực kỳ chăm nên mình buồn lắm chứ. Giờ nhìn lại và thấy sẽ chẳng bao giờ mình còn có thể học hành chăm chỉ, tập trung như hồi ôn thi đại học nữa. Hai môn thi thất bại, cơ hội đỗ nguyện vọng 1 hầu như không còn. Thế nhưng thi Địa lý cuối cùng mình vẫn làm bài như điên. Đó là môn duy nhất mình thấy hài lòng, cũng là môn mình học ít nhất, và dĩ nhiên điểm thi cao nhất, cả cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự năm đó môn Địa mình cũng được điểm cao nhất. Cũng xin ghi chú với các bạn học sinh là hồi đó trường cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự của tỉnh Bắc Giang nhà mình danh giá lắm lắm ý, có khi đỗ đại học mà rớt. Tỷ lệ chọi trên trời luôn, có ngành lên đến 1 chọi hàng trăm. Mà chấm cháp kiểu gì chặt kinh hoàng.
            Thi xong ba môn, hầu như vào phòng ngồi im, không nghe ngóng, trao đổi, chẳng quen ai, chỉ làm bài rồi ra thẳng. Thất bại là thế vẫn ở lại đi Văn Miếu, lăng Bác các kiểu. Buồn chút rồi qua, vẫn tiếp tục chiến đấu trong kỷ sau. Mình dù trước hay bây giờ thì đều quan niệm rằng: cái gì đã rồi không lấy lại được, cố gắng làm tốt nhất có thể, chuyện đỗ trượt hậu xét. Mà khi không còn khả năng đỗ cũng làm hết sức môn còn lại để làm nguyện vọng 2,3. Dù học trường nào thì hồi đó, lý tưởng của mình nhất định phải ra Hà Nội học.
            Những ngày đợi kết quả thi dài dằng dặc và hy vọng mất dần khi phát hiện ra nhiều sai sót hơn mình tưởng. Hồi đó bắt đầu có tra điểm trên mạng nhưng ở huyện mình không có quá net, phải đi xuống tận bưu điện huyện tra dịch vụ. Đi hai lần nhưng họ bảo không ra kết quả, không ra điểm. Sau khi đỗ mình mới biết trường sư phạm Hà Nội năm đó dùng cái phần mềm kiểu gì mà những người đỗ sẽ không ra điểm, những người rớt sẽ có điểm. Lo lắng càng tăng và căng thẳng vô cùng khi các bạn đều biết điểm, có nhiều người rớt, mộ số đỗ. Trường Cao đẳng cũng báo điểm muộn nên chưa biết kết quả thế nào, nhưng năm đó, thi xong cao đẳng mình tự tin đỗ. Hehe. Đề dễ và trúng mấy bài mình thích. Những năm đó cũng nghèo, lạc hậu, chẳng có điện thoại để liên lạc bảo cháu xem điểm hộ. Thi xong là xong.
            Hôm có giấy báo về theo lịch của Bộ, cái lịch đó mình biết khi xem ti vi chứ chả có Internet như giờ, mình cùng vài người bạn lên trường lấy. Tâm lý thoải mái vì lấy để đi nộp nguyện vọng 2 vào trường đại học Văn hóa Hà Nội. Cô kế toán kiêm hành chính tìm mãi không thấy vì mình bảo rớt. Sau cô tìm đến chỗ đỗ thì mới có của mình. Đến phút chót mới biết mình đỗ nguyện vọng 1 như mong muốn. cho đến bây giờ thì cái phút giây ấy vẫn là khoảnh khắc hạnh phúc nhất cuộc đời mình. Điểm văn làm mình choáng: 7,5. Thi xong, mình nghĩ được đến 6,5 đã là một kỳ tích rồi vì hồi ấy hành văn của mình cũng không ổn lắm. Còn sử 7,0; địa 8,0 nói chung cũng không bất ngờ gì. Hơi bị thất bại trong môn lịch sử khi mấy năm liền ẵm giải tỉnh. Hihi.
            Rồi mấy năm đại học, ban đầu choáng ngợp với các bạn trường chuyên, giải quốc gia đầy mình, đọc rộng và sâu hơn mình nhiều nhiều lần. Mình vào khoa Văn như một kẻ bắt đầu với một xuất phát điểm cực thấp. Nhưng rồi mình cũng bắt kịp, có môn vẫn kém, có môn vượt lên, khóa luận được điểm tối đa, dĩ nhiên cái khóa luận ấy có một phần của thầy. Bốn năm, mình không chỉ biết học mà cũng đi chơi, dạy thêm, nhất là năm cuối khá nhiều. Giờ nhìn lại nhiều bạn vẫn khen mình, bảo mình hồi đó học tốt, rồi phục này nọ. Có lẽ khoa quá ít con trai và do mình là người hay nói, phát biểu các kiểu, rồi là một trong hai bạn nam của khóa được làm khóa luận tốt nghiệp. Cũng có thể các bạn nhớ vì hồi đó mình hay hát nhạc Trịnh. Những mặc cảm, tự ti đều qua và mình cũng có một kết quả ổn khi ra trường. Sau 10 năm xa nhau, mỗi người một cuộc sống riêng, chúng tôi vẫn trân trọng nhau, vẫn vui vẻ, hòa đồng như ngày nào.
            Mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh và con người khác nhau nhưng có những thứ mãi mãi không thay đổi. Không có gì là cuối cùng và là dấu chấm hết cả. Không có gì là quá muộn. Đừng đặt nặng chuyện hơn thua, được mất mà hãy tập trung, làm hết mình. Có thể mục đích ban đầu, lớn nhất không thành nhưng cũng có một kết quả, cũng là một lần tự rèn cho mình sự nỗ lực và đi đến cùng khi làm một việc gì đó có ý nghĩa với mình, ở một thời điểm nhất định trong cuộc đời. Điều đó sau này rất quan trọng khi các em sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, nhiều tình huống khó khăn, tuyệt vọng hơn nhiều. Có thể cái đích này không đến nhưng biết đâu đến cái đích khác, dù không như mơ ước nhưng lại đem đến những cơ may, những bước ngoặt.
             Đừng bỏ cuộc khi chúng ta vẫn còn có thể tiếp tục chơi. Khi ta tự chán mình, tự chối bỏ khả năng và giá trị của mình thì bạn đã tự làm mình thất bại, tự thua cuộc. Trong đời sống không có gì là không phải trả giá, không có gì tự dưng đến mà chúng ta không có tích lũy một cách có ý thức hay vô thức. Và việc đầu tiên, với học sinh là những kiến thức, là những kết quả có thể được ghi nhận, làm cơ sở để xét cho cái này hay cái khác. Các em vẫn đang trong cuộc chơi của thi cử, hãy tận dụng tối đa thời gian mình còn được chơi để làm hết mình cho những môn còn lại. Cuộc sống ngày càng khó khăn và khắc nghiệt, cần phải biết chi chút cho mình nhiều thứ, đừng bỏ phí cái gì cả, nếu không mất gì thì cứ làm, đừng nghĩ đến được gì mới làm.

                                                                                                                                                1/7/2016

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ