TRÊN ĐỈNH CÔ ĐƠN

 

              Hơn ba tháng sau chuyến đi Indonesia, ngồi nghe nhạc khuya, tôi vẫn không thể nào quên cảm giác đang ngồi tưạ lưng vào cái bao lơn, thu mình thật nhỏ để không vướng đường đi người khác, đằng sau cột khói trắng xóa, cao vút, mùi lưu huỳnh nồng nặc, âm thanh sôi réo ùng ục của núi lửa, nhìn dòng người lướt qua, lại, check in trước mặt mình. Âm thanh sôi réo của núi lửa hay sự sôi réo của cõi lòng trống trải đến hoang mang đợi chờ một bàn tay dắt mình qua mấy bước, chiến thắng nỗi sợ độ cao của bản thân. Đứng lên, tựa vào bao lơn chụp ảnh miệng núi lửa, cố hít thật sâu để tự mình bước tiếp, có thể đi được một khoảng xa hơn chỗ có cái bao lơn kia, nhưng bất lực. Cứ bước mấy bước chân lại run, mặt xây xẩm và thấy hoang mang, chông chênh. Nó là cảm giác thường trực khi mình phải bước trên những con đường cao, hẹp, không có bất cứ một điểm tựa chắc chắn nào giống như cảm giác lần đầu tiên mình đi máy bay, không hề bị sốc do thay đổi áp suất hoặc độ cao mà sợ cảm giác lơ lửng, có thể rơi tự do vì bàn chân không được tiếp đất.
            Với mình, lên đến cái miệng núi lửa Bromo nổi tiếng này sau những bậc thang trơn trượt vì cát phủ, có thể đứng vững, nhìn thẳng xuống đáy hun hút và cột khói bốc lên nghi ngút đã là một cố gắng lớn, là một chiến thắng bản thân và có sự giúp đỡ của cậu em đồng hành kéo mình lên ở bậc cuối cùng, khi giày trơn và cảm giác chếnh choáng bắt đầu. Khi dám đứng đó, nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi là lúc mình thấy rõ bản thể nhất, cảm nghiệm sâu sắc về con người mình nhất, để sống thực tế nhất, không ảo tưởng hay lãng mạn viển vông. Bát ngát phía xa là cái lòng chảo cát và núi. Sau lưng cột khói và mùi lưu huỳnh, người người cứ đi lên và xuống. Một mình ngồi đó và bắt đầu tính thời gian, biết mình cần và phải làm gì. Con đường xuống đang ở phía trước, tự mình phải bước đi, cũng không thể làm vướng kẻ khác. Đôi giày không bám dính vì không kịp mua giày mới, những bậc thang cao và trơn vì phủ đầy cát. Lần mò những bậc trên cao, bọc kín cát và trơn, dò dẫm vừa xuống, vừa dừng lại, hít sâu. Rồi xuống. Rồi dừng. Nắng lên. Mây tan. Cái tôi chơ vơ giữa bốn bề hiu quạnh thiên nhiên và con người. Đứng ở đây, nhìn ra xung quanh, nhìn cột khói, tôi như đang đứng trên đỉnh cô đơn, trong im lặng cuộc đời, để lắng nghe hồn mình.
            Những bậc thang phía dưới dễ đi hơn do ít cát. Tôi mạnh mẽ những bước dứt khoát, tự tin để xuống chân núi. Nắng lên và xua tan mây khá nhanh. Bromo hiện ra rõ rệt với từng nét, từng hình khối, màu sắc của mấy ngọn núi lửa, đã tắt, hay đang hoạt động, thì vẫn là kỳ quan của thiên nhiên. Cột khói vẫn nghi ngút, hòa trong nắng, tan giữa không trung. Đi giữa cơ man là khách du lịch, là dân bản địa dắt ngựa lên xuống, kẻ lữ thứ thấm nỗi độc hành. Cũng bắt đầu từ đây, hình ảnh của tôi/ một tôi ngồi nép xẹp bên cái bao lơn, nhìn dòng người diễu qua, ngắm bát ngát mây, trời, núi, chờ một bàn tay nắm, hoặc nhắm mắt vài chục giây để mơ về một bàn tay dắt mình đi trên miệng núi lửa, trên nhiều chặng đường đời. Mở mắt, tôi lại thấy mình đang ngồi hơi vô duyên, kỳ cục, trơ trọi, lạ lẫm. Miệng núi lửa trước mắt tôi mở ra cái khoảng mênh mông, sâu thẳm của nỗi đơn độc, của một cái tôi bị lột trần trụi, tự thấy mình từng chân lông, kẽ tóc. Tôi mỉm cười thanh thản bước đi bởi cái tận cùng cô đơn, lẻ loi cũng là sự tự do tuyệt đối, là phút thành thực nhất, được sống thực nhất, từ trong tâm khảm và suy nghĩ, rung động mong manh.
            Tôi về điểm hẹn để chờ hai bạn đồng hành. Tôi viết mấy dòng này cũng sợ họ đọc và băn khoăn nhưng đó là cảm xúc của tôi, chân thành. Tôi không bao giờ trách, hay dám trách, nghĩ gì về hai bạn của tôi vì họ quá tuyệt rồi. Không có họ, tôi không đến đây, không sống trên đỉnh những xúc cảm mà ít khi tôi được, dám sống. Và nhiều hành trình khác họ đồng hành, cùng sẻ chia, động viên, cho tôi mạnh mẽ và liều lĩnh hơn, táo bạo hơn. Và những chuyến đi, dù ít hay nhiều, tôi luôn nghĩ cần có một vài khoảnh khắc cho nhau những khoảng trời riêng. Hơn ai hết, tôi mơ mộng nhưng cũng rất thực tế, thừa biết khả năng, giới hạn của bản thân. Tôi không muốn mình là trở ngại hay gây ra trở ngại cho ai. Được đi cùng nhau trên một đoạn đường cũng là cái duyên, là niềm vui rất lớn rồi. Hiểu để chia sẻ, quan tâm là một hạnh phúc và may mắn hơn nhiều nhiều. Không thể chờ một điều gì tuyệt đối, hiểu mình tận chân tơ kẽ tóc như một tri kỷ hoàn toàn, kết cục chỉ gặp những ảo tưởng.
            Những cuộc hành trình của tôi ngày càng dày, đi càng xa hơn, và xu hướng sẽ là những cuộc độc hành.
            Tôi đi không phải để tìm quên hay tìm một sự trốn tránh. Tôi đi cũng chẳng phải để lấp đầy nỗi cô đơn, chơ vơ.
            Tôi đi để xem nỗi cô đơn ấy nó rộng đến mức nào.
            Tôi đi để đến tận cùng của những cảm xúc, cảm giác lạc loài, xa lạ, lẻ loi.
            Tôi đi để đối mặt với mình qua đám đông, qua thiên nhiên tráng lệ và mĩ lệ.
            Tôi đi để biết sự hiện hữu của mình như một – cá – thể - khác và thành thật với cái khác ấy.
            Tôi đi đơn giản vì tôi không thể dừng, để biết tôi còn là một sự sống chứ không phải tự tồn tại.
            Tôi đi để biết rằng trong đời này, vĩnh viễn chỉ có tôi dành cho tôi, hay ít nhất là chưa tìm thấy ai dành cho tôi và tôi cũng không thể dành cho ai hoàn toàn.
            Tôi đi để biết tôn trọng những người đã, đang và sẽ đến bên mình, trân quý và chấp nhận những sự lựa chọn, hành trình của họ. Bởi hành trình nào thì cũng dẫn đến cô đơn, đến một khoảng trống vô hình của hoang mang, của khao khát lấp đầy, đồng điệu trong vô vọng.
            Tôi đi như một kẻ lang bạt kỳ hồ, đi như một người hành xác để trầm mình xuống biển, để sợ hãi trên mỏm núi chênh vênh, để lặng đi, hãi hùng vì có lúc chết hụt, để được một vài phút thanh bình nhìn biển mây trắng xóa, nhìn ánh mặt trời từ từ mọc trên mặt biển, ngắm những con người đi về nhà trong khói lam chiều ở miền sơn cước lặng lẽ, đìu hiu.
            Tôi đi để biết những gặp gỡ và chia ly,  hạnh phúc và đớn đau, đợi chờ và thất vọng, ấm áp sẻ chia và lạnh lẽo trống vắng, niềm vui vỡ òa và nỗi buồn đến héo hắt. Những gặp gỡ tình cờ, chớp nhoáng rồi rời xa, có khi mất hút, không còn một ảo ảnh, tỳ vết đem đến trải nghiệm sâu sắc nhất về lẽ vô thường của đời sống.
            Tôi đi để chiêm nghiệm cái đẹp từ trong nỗi buồn, nỗi đau, từ xơ xác ê chề thất bại, từ mỏi mòn của sự buồn chán, từ những cái bánh vẽ tự làm tự thưởng thức bằng những ảo tưởng lãng mạn tình yêu.
            Tôi đi để đến cái đích, cái đỉnh cô đơn, để biết cuộc hành trình sống sẽ tiếp nối đến bao giờ, và sẽ dừng lại lúc nào.
            Cuộc đời như một trò chơi đuổi hình bắt bóng mà bóng hay hình cũng là mình, là tôi về với tôi. Mãi mãi vẫn sẽ là “Không còn ai, ta trôi trong cuộc đời”, và sẽ đến lúc “không chờ không chờ ai” nữa. Rồi một ngày kia, tất cả trôi vào tịch lặng, cái im lặng cuối cùng, đỉnh điểm của chuỗi im lặng bây giờ tôi vẫn lấy làm nguyên tắc ứng xử cho tất cả những tình huống, đối tượng có thể. Và sẽ chẳng còn những lúc hụt hẫng, tiếc nuối đến rỗng tuếch trái tim khi vô thức giơ bàn tay rồi bẽ bàng thu về trong lạnh lẽo. Vẫn chẳng có bàn tay nắm và khoảng trống trước cánh tay là miên viễn, bất tận. Nó không dừng lại là kích cỡ của cái miệng núi lửa, hay một không gian hữu hình, nó là cõi bao la nhấn chìm ta trong hư vô. Va đập hư thực, ảo tưởng và hiện hữu là bi kịch lớn nhất của cái tôi cảm thức nỗi cô đơn như/ là sự sống. Bàn tay tự nắm bàn tay trong giá lạnh kết thúc đời mộng mơ của giấc mộng tình yêu, tri kỷ, đoàn viên.
            Con đường xa tít tắp và người thì chỉ là một thứ mờ mờ nhân ảnh. Đời người có khi không được là vết lăn trầm hằn in trên phiến đá, không được là vết mực để gợi lên chút hiện hữu khiến ta muốn xóa bỏ. Từ trên đỉnh cô đơn thấy vực thẳm của những vô thường, hư hao đời, cảm thấy hết chênh vênh những giá trị và cả mong manh tồn tại người, một kiếp ở trọ trần gian dưới hình hài cát bụi.

                                                                                                      Đêm 20 rạng 21/12/16

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ