“MOONLIGHT” VÀ BI KỊCH THÂN PHẬN CỦA CÁI THIỂU SỐ


          Nhiều người cho rằng “Moonlight” (tạm dịch là “Ánh trăng”) của đạo diễn Barry Jenkins là phiên bản da màu của bộ phim kinh điển “Brokeback Mountain” của đạo diễn Lý An. Ý kiến này không phải không có lý khi nhìn vào đề tài, motip của câu chuyện được kể trong phim, cũng như hành trình số phận của nhân vật. Tuy nhiên, với bản thân tôi, xem xong phim nay, tôi lại liên tưởng đến những truyện ngắn của Thạch Lam, những câu chuyện giản dị, không kịch tính, không dữ dội, bạo liệt nhưng để lại nhiều tương tư, suy ngẫm từ những khoảng trống vô hình, những dư âm vang vọng sau khi đã đi qua cái kết. Với cái kết của “Moonlight”, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là những thân phận người, những số phận chơi vơi, cô đơn và lạc loài vì là kẻ thiểu số giữa đám đông khác biệt.
1. Hành trình của số phận cô đơn, lạc loài
Bố cục phim chia thành ba phần rất rõ ràng “Little” (Nhóc nhỏ), Chiron (tên chính của nhân vật) và Black (Đen – một biệt danh mà người bạn Kevin gọi) ứng với hành trình số phận của nhân vật chính từ một cậu bé yếu đuối hay bị bắt nạt đến một chàng học sinh phổ thông nhạy cảm pha một chút mơ mộng và cả những mặc cảm về bản thân và cuối cùng là một người đàn ông từng trải, có vẻ ngoài mạnh mẽ, ngang tàng. Ba phần này cũng là ba mảnh ghép tạo nên một bức tranh tổng thể về cuộc đời của Chiron, cá nhân của một người da đen đồng tính ở xã hội Mỹ, với những mảng màu khác nhau. Những mảng màu ấy dần biến chuyển từ trong trẻo, tươi tắn sang mờ xám, u ám, thậm chí là đen tối. Cho nên, hành trình số phận, sự trải nghiệm sống của nhân vật ở đây là chuỗi những mất mát, nỗi đau và bi kịch ngày càng lớn lao. Và trên hành trình đó, Chiron mỗi ngày một thu mình lại trong thế giới của nội tâm cô đơn, nhiều dằn vặt, day dứt và ám ảnh về thân phận của người đồng tính, lạc loài, cùng khát vọng tình yêu tuyệt vọng.
Trong hành trình số phận của Chiron, ta nhận thấy có hai đời sống vừa song song, tách biệt, lại vừa đan lồng vào nhau trong nỗi đau và những bất hạnh: hành trình đời của một trẻ em da đen sống trong thế giới gần như ở đáy của một đất nước giàu sang, một xã hội phù hoa, ngập chìm trong đói nghèo, bạo lực, nghiện ngập ma túy và hành trình trưởng thành của một người đồng tính ở một thế giới vẫn còn không ít định kiến, sự phân biệt với họ. Đặt nhân vật trong bối cảnh sống như vậy thì đích đến của số phận chắc chắn không thể nào khác là màu đen (Black). Từ Little đến Black, một khoảng thời gian khôn dài (khoảng đôi chục năm) nhưng những trải nghiệm và đau thương của nhân vật kéo ra vô tận. Sự vận động, biến đổi ấy gợi ra cho người xem nhiều suy ngẫm, không chỉ một số phận cụ thể của Chiron mà còn về phận người nói chung trong đời sống vô thường.
Nhìn từ góc độ số phận của một trẻ em da đen ở Maiami, thành phố du lịch nổi tiếng nước Mỹ, Little lọt thỏm, chìm ngập giữa tầng đáy của nơi xa hoa ấy. Một đứa trẻ yếu đuối, thường xuyên bị bắt nạt, mẹ chìm trong nghiện ngập, đói nghèo, ngay cả chiếc ti vi cũng bị cầm cố để mẹ của Little sống trong những ảo giác mộng mị do ma túy đem lại. Lớn lên, thành Black, người mẹ vẫn là một gánh nặng, gây ra nhiều day dứt trong anh. Lát cát hiện thực, dù chỉ gợi bằng vài hình ảnh và xúc cảm nhưng đủ vẽ nên một không gian tối tăm, ảm đạm, đè nặng và bám theo suốt của cuộc đời Chiron. Góc nhìn này cho ta thấy những nghịch lý đớn đau: Juan – người che chở và mong muốn cậu bé Little có cuộc sống tốt hơn, xa rời ma túy và nơi tối tăm lại là người bán ma túy cho mẹ cậu, làm cho bà ngày càng sa đà và kết cục bị dìm hẳn xuống vũng bùn. Đoạn đối thoại của Little và Juan kết thúc phần đầu đã đánh một dấu lặng rất lớn, tạo sự chuyển biến cho cốt truyện phim: 
- Chú có bán ma túy?
- Và mẹ cháu. Bà ấy chơi thuốc, phải không?
Juan đã thừa nhận thành thật trước những câu hỏi nghiêm túc ấy. Cậu bé bỏ đi. Juan chỉ biết thở dài ngồi lặng lẽ buồn bã. Mọi thứ kết thúc và không thể cứu vãn được. Little của tuổi hoa niên đẹp đẽ nhất không còn. Tuy nhiên, điều nghiệt ngã nhất là sự lặp lại của số phận. Little thành Black và là một phiên bản khác của Juan trước đây. Mẹ, ma túy, cảm giác tội lỗi, cô đơn. Tất cả là một vòng tròn khép kín. Đã không có sự giải thoát hay thay đổi nào. Có lẽ vì thế bộ phim được mở đầu bằng hình ảnh của Juan, câu chuyện của anh với vài đàn em mà hai nội dung chính được nhắc tới là tình hình của mẹ anh và việc bán ma túy. Kết cục này, sự chuyển biến và lặp lại này khiến bản thân tôi không thể không liên tưởng tới truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam. Dẫu những phận người, các vấn đề đặt ra và hiện thực nói tới khác nhau song kết cục thì vẫn là bóng tối, là cái vòng luẩn quẩn của đau thương, bi kịch.
Nỗi cô đơn, lạc lõng, trống trải được mở ra mênh mông, đẩy đến kiệt cùng, day dứt suốt cuộc đời Chiron trong hành trình sống của một người đồng tính. Nếu nhìn từ góc độ số phận của một người da đen trong một thành phố xa hoa, rực rở của Mỹ, ta thấy hiện thực tàn khốc thì nhìn từ góc khuất nội tâm của người đồng tính, số phận của Chiron cho người xem cảm được tận cùng nỗi đau, sự hoang mang và mong manh của kẻ khác, lạc lõng giữa đám đông bình thường. Sự khác biệt được bắt đầu từ những gì rất mơ hồ, chưa được ý thức rõ ràng trong cuộc sống của Little. Nhóc nhỏ da đen nhưng mảnh khảnh, nhạy cảm, sống nội tâm, hầu như không tham gia các trò chơi, hoạt động mang tính cơ bắp. Cậu  bé ấy thường xuyên bị chế nhạo, bắt nạt và ngày càng thu mình lại với thế giới riêng. Dẫu vậy thì Little không đơn độc. Bên cạnh cậu vẫn có Juan, Teresa, Kevin cưu mang, che chở, đồng cảm và động viên. Dẫu có thảm kịch, chấn thương nhưng Little giống như một đoản khúc mang vẻ đẹp trong sáng, tươi tắn, hồn nhiên, pha thêm một chút mơ mộng của những rung động mơ hồ về tình yêu và giới tính.
Phần đời Little khép lại. Nét đẹp hồn nhiên và những âm giai trong trẻo biến mất trước những ưu tư về cuộc sống và về bản thân của cậu bé. Cùng với hai câu hỏi nhức nhối về việc Juan bán ma túy và mẹ dùng ma túy, câu hỏi về giới tính lần đầu bật ra từ miệng của Little về một từ mang tính chất miệt thị dành cho người đồng tính mà bản dịch tiếng việt sử dụng từ “bóng”. Bản ngã trỗi dậy mạnh mẽ để Little phải đối mặt với bản thân, sống thật với bản thân và đương đầu với mọi biến cố. Từ Little thành Chiron, từ sự thuần khiết trong veo chuyển sang những gam màu pha trộn với nhiều biến động trong đời sống của một chàng trai da đen đồng tính tự thức nhận về bản thân. 
Chiron là quãng đời pha trộn của nhiều mảng màu sắc với nhiều cung bậc tình cảm, những biến động lớn. Đó là màu hồng của những rung động và cảm xúc yêu đầu đời trong sáng. Tình yêu ấy không chỉ là một chút bâng khuâng hoài nghi như giai đoạn trước, mà nó hiện thực hóa bằng cả khao khát và nhục cảm. Sự nhạy cảm, đa cảm của Chiron khiến cậu luôn bị cô lập, phải nhận những lời chế giễu, sỉ nhục ác ý và tàn nhẫn. Chiron thu mình lại ở thế giới của mình, hy vọng trong khoảng màu tím của đợi chờ hạnh phúc. Nhưng màu hồng tím kia chưa kịp lan tỏa, tạo nên một đoạn đời cậu thì màu đen đã bao phủ.  Kevin nhận lời thách đấu trong một trò chơi tàn khốc. Sự kỳ thị và phân biệt khiến Chiron đớn đau. Tình yêu và hy vọng vụt tắt. Chiron thành Black, quyết liệt lựa chọn chấp nhận, trả giá để đương đầu với cuộc đời nghiệt ngã dành cho mình. Ánh mắt của Chiron nhìn Kevin qua cửa kính xe vẫn luôn ám ảnh tôi sau khi xem phim, ánh mắt chứa nỗi buồn sâu thẳm, sự tuyệt vọng, nỗi đau và mất mát vô bờ bến.
Trong phim, Chiron hai lần vục mặt vào bồn nước đá lạnh ngắt, tạo ra sự chuyển biến hoàn toàn trong hành trình số phận của nhân vật. Lần thứ nhất là sau khi bị đánh, cậu quyết định tự vùng lên, bạo liệt, trực diện đương đầu. Lần thứ 2 là ám ảnh kinh hoàng trong cơn ác mộng đánh dấu Chiron thành Black. Nỗi ám ảnh về thân phận cả với tư cách một người da đen ngập chìm trong vũng bùn ma túy lẫn sự cô độc, cay đắng của một người đồng tính luôn dày vò. Không phải ngẫu nhiên cơn ác mộng là khởi đầu cho mảnh ghép thứ ba trong cuộc đời Chiron với tên gọi Black. Đến đây, gam màu cho cuộc đời của nhân vật, như tên gọi, Đen. Black đi lại con đường của Juan, sống trong bóng tối, làm giàu từ ma túy, bạo lực, sống bằng sức mạnh bản năng sinh tồn. Chiron tự mình nhấn chìm bản ngã trong gáo nước lạnh của đổ vỡ, tuyệt vọng, kiến tạo một cuộc sống mới, con người mới.
Tuy nhiên, hơn ở đâu hết, trong mảnh ghép cuối cùng này, bi kịch và con người của Chiron được khắc họa sắc nét bằng những sự đối lập, những mâu thuẫn, nhất là bề ngoài và bên trong. Không ai nghĩ Black can trường, ngang tàng, mạnh mẽ kia lại có tâm hồn nhạy cảm, mong manh và sống trong cô đơn nhức nhối. Trong phần này, nội tâm nhân vật được chú ý qua từng chi tiết nhỏ, cử chỉ nét mặt, ánh mắt, những cơn ác mộng. Không phải ngẫu nhiên mà Black được khắc họa qua các cảnh đêm, trong những giấc ngủ một mình. Quá khứ vẫn luôn luôn hiện hữu dù anh cố tình quên, cố chôn vùi trong đau đớn. Song, không chỉ Black, bất cứ một con người nào, sống thành thực nhất lại có thể né tránh bản ngã của mình. Ta vẫn thấy rõ những rung động, cả chút xao xuyến của Black khi cố tình nói việc một “đàn em” đếm sai tiền. Dẫu vậy thì lý trí vẫn mạnh mẽ hơn bản năng và những xao động bất chợt. Black vẫn an toàn trong vỏ bọc lạnh lùng, tàn nhẫn đến khốc liệt. 
Một lần nữa, sau “Brokeback Mountain”, tôi lại thấy một bộ phim đem lại cảm giác thật đến ngỡ ngàng khi diễn tả nội tâm của một người đồng tính. Đó là đa cảm và nhạy cảm tinh vi, cả một chút yếu đuối và nhất là sự mong manh, bất an. Có thể bề ngoài Black vạm vỡ, mạnh hơn hẳn, đối lập hoàn toàn với Little hay Chiron ngày trước nhưng tâm hồn thì vẫn nguyên vẹn. Cái khao khát về một sự giao cảm, đồng điệu, sẻ chia trong tình yêu. Ước vọng về một bàn tay nắm suốt đời hay một bờ vai mạnh mẽ để làm điểm tựa vẫn là lý tưởng hạnh phúc cuối cùng, cao cả nhất. Những cảm thức ấy hiện hữu trong tâm hồn bất cứ một người đồng tính nào bởi họ phải nếm trải quá nhiều nỗi đau, mất mát, chia lìa và tổn thương. Hình ảnh kết thúc bộ phim, do đó, là một cảnh đẹp, lãng mạn như một giấc mộng đẹp của cổ tích. (Còn tiếp)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ