CÒN TUỔI NÀO CHO EM? CÒN TUỔI NÀO CHO TA? CÒN TUỔI NÀO CHO NHAU?...

(Tranh "Còn tuổi nào cho em". Tác giả: Nguyễn Thị Thu Thảo)

            Gần đây, cứ mỗi lần nghe lại ca khúc “Còn tuổi nào cho em” của Trịnh Công Sơn tôi lại nhớ đến phim “Amour” của đạo diễn người Áo Michael Haneke. Câu chuyện về nhân vật Georges và Anne khi đã ở tuổi xế bóng để lại nhiều ảm ảnh và gợi chiều sâu suy tư về tình yêu, tuổi tác, nỗi đau bệnh tật, cái chết và sự giải thoát. Tất cả sẽ qua đi. Đời người chỉ là khoảnh khắc ngậm ngùi thấm thía mất mát. Chỉ còn tình yêu ở lại, những khát vọng yêu vĩnh hằng, bất diệt. Phải chăng đời sống của con người là hành trình đi đến cái chết để nuôi khát vọng về tình yêu bất diệt? Và cả “Amour” lẫn “Còn tuổi nào cho em” khiến tôi thấy một thế giới với hai đối cực: Đời sống vô thường và khát vọng tình yêu miên viễn. Những ca từ đầu tiên bắt vào bài hát vẫn là ám ảnh thường trực về thời gian của con người mang đậm cảm thức hiện sinh:
Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may
          Ca từ đầy chất thơ, lời hát cất lên nhẹ tênh nhưng man mác buồn, thản nhiên mà trĩu nặng ưu tư, gợi liên tưởng về hình ảnh một người ngồi lặng lẽ, cảm thấu từng tuổi đời đi qua. Mỗi câu hát là một câu hỏi, lời tự hỏi để tự giải bày, trải nghiệm và chiêm nghiệm những mất mát, cảm giác chông chênh, hư không của đời sống ngắn ngủi, mong manh. Những mảng không gian, thời gian đan xen, như bị kéo ra mênh mông, chảy trôi, phiêu tán bỏ mặc con người ngơ ngác, u sầu trong lẽ phôi pha của đời sống. Lá vàng bay  kết thúc một đời sống lá, câu hát bay ngang trời không để lại dấu vết, tay măng trôi trên vùng tóc dài của ký ức nhòe nhạt, tiếng gió heo may chưa về… Đọng lại là những hư vô, trống trải quanh mình. Thời gian như gió thổi mây bay, mỗi tuổi đời đến và đi vội vã, đôi khi con người chưa kịp nhận ra mình, ra tuổi đời thì nó đã chợt biến. Tiếng gió heo may của thu như một sự báo trước, thôi thúc kết thúc, của tuổi lìa đời sẽ đến, của những gì đang và sẽ qua.
          Tuổi đời qua mau. Xuân sắc, xuân thì cũng cạn ngày. Vừa thoáng áo gầy vai thì dấu chân chim đã qua trời. Cái đẹp chưa kịp hiện hữu thì đã tàn phai. Còn lại nỗi cô đơn dằng dặc như định mệnh gắn với những tuổi đời:
Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai
Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời
Xin cho tay em còn muốt dài
Xin cho cô đơn vào tuổi này
Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài
Ca từ của Trịnh Công Sơn rất giàu hình ảnh và mỗi hình ảnh khơi gợi nhiều liên tưởng, rung cảm khác nhau. Những “buồn áo gầy vai”, “dấu chân chim qua trời”, “tay em muốt dài”, “thành phố tóc mây cài” đem đến biết bao cảm nhận về tuổi người, những khoảnh khắc sống trôi qua với biến động, tự cất chứa cả cái đẹp và nỗi đau, những niềm vui và mất mát, hạnh phúc và ưu phiền. Tất cả “để gió cuốn đi” theo một tuổi nào đó, trong từng phút giây ta sống trên cõi đời. Nhưng dẫu thế, dẫu “Chỉ có ta trong cuộc đời” thì vẫn cứ sống hết mình với từng sát- na, cùng tự do phiêu lãng, để làm một “vết lăn trầm” mà thôi. Mỗi tuổi đời gắn với một sự sống trong lẽ vô thường. Và như một tất yếu giữa dòng chảy vạn biến thời gian, con người luôn khao khát, đi tìm những hằng số bất biến:
Em xin tuổi nào
Còn tuổi nào cho nhau
Trời xanh trong mắt em sâu
Mây xuống vây quanh giọt sầu
Em xin tuổi nào
Còn tuổi trời hư vô
Bàn tay che giấu lệ nhòa
Ôi buồn
          “Em xin tuổi nào”, lời cầu nguyện và cũng là những ước vọng, khát khao. Em hay ta, hay bất kỳ ai khác đều mong mỏi những tuổi đời đẹp nhất luôn bất tử. Ai cũng muốn thời gian ngừng trôi để cái đẹp, tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc còn mãi. “Còn tuổi nào cho nhau”, câu hỏi chơi vơi bật ra thảng thốt. Có còn tuổi nào cho nhau không? Còn bao nhiêu tuổi cho nhau? Hay còn chút tuổi này cho nhau? Phải chăng mọi thứ quá muộn? Cái đẹp trong trẻo của “trời xanh trong mắt em sâu”, niềm vui xua đi nỗi sầu, âu lo trong mắt em sâu chỉ là chút mộng mơ thoáng qua. Phận người hữu hạn, tình yêu không bền, như nữ sĩ Xuân Quỳnh nói “Lời yêu mỏng mảnh như màu khói” đó thôi.
          Thời hoa mộng tan biến như một giấc chiêm bao ngắn ngủi. Em cứ ước ao, nguyện cầu, còn lại “Tuổi trời hư vô”, những giọt lệ và nỗi buồn mênh mang, sâu thẳm. Hình ảnh “Bàn tay che giấu lệ nhòa” ám ảnh bất cứ ai đã một hoặc hơn một lần thổn thức, ngơ ngác huơ bàn tay tìm một bàn tay nắm rồi gặp hư không của những trống rỗng khi tình yêu thành “tình xa”, “tình nhớ”, “tình sầu”, khi người mình yêu thành cố nhân. Ai đã một lần tự gạt những giọt nước mắt nức nở trong xót xa "từ lúc đưa em về, là biết là lúc xa nghìn trùng”, nhìn những mất mát trong vô vọng và bất lực sẽ cảm nhận được toàn bộ sự bất an, tâm thế chênh vênh của cá thể tự khóc than, tiếc xót cho chính mình. Hai tiếng “Ôi buồn” đầy cảm thán buông ra não nuột, nặng nề, kéo ghì, nhấn chìm tất cả những lãng mạn, bay bổng, thế giới của ước mơ và khát vọng trong tuổi đời tươi đẹp xuống thực tế bi đát của phai tàn, mất mát. Ở nhạc Trịnh, ta không tìm thấy những xúc cảm tươi tắn, nguyên vẹn niềm tin kiểu trong thơ Xuân Quỳnh “Thời gian như là gió/ Mùa đi cùng tháng năm/ Tuổi theo mùa đi mãi/ Chỉ còn anh và em…” trong nỗi bi cảm về thời gian và thân phận. Trong ca khúc này và nhiều ca từ khác, cái tôi trong cảm thức thời gian luôn mạng đậm hình ảnh của con người bi kịch tự thức về nỗi cô đơn, sự hữu hạn, nhỏ bé của kiếp sống hư vô, giả tạm. Con người ấy là chủ thể của những mất mát tự thân suy nghiệm về quy luật nhân sinh của kiếp người – cát bụi, của lẽ đời đầy ngẫu nhiên, đến và đi chẳng thể hẹn hò. Không có chuyện trăm năm và chẳng còn tuổi nào vĩnh viễn. Lời nguyện cầu, do đó cũng là lời than van:
Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu
Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù
Xin chân em qua từng phiến ngà
Xin mây xe thêm màu áo lụa
Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ.
          Vẫn là những câu hỏi và điệp khúc không dừng, không dứt: “Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu”, “Tuổi nào mơ kết mây trong sươn mù”. Thực và mộng, cuộc đời và khát vọng đan xen, nhập nhòe trong nỗi chơi vơi lòng. “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” – Trịnh Công Sơn đã viết như thế trong bài “Tình xa”, và ở đây là “ngồi khóc tình đã nghìn thu”, lời yêu thành lời vĩnh biệt, tình yêu thành ảo ảnh của thực tại mất mát, đau thương. Ước vọng tình yêu, hạnh phúc trên mất mát của đời sống, của thời gian chảy trôi vẫn vang lên, trong trẻo, lãng mạn. Dẫu biết tuổi đã hết “tháng năm mong chờ” nhưng vẫn “Xin chân em qua từng phiến ngà”, “Xin mây xe thêm màu áo lụa”. Cái đẹp, tình yêu, hạnh phúc của bình yên vẫn là thánh đường thiêng liêng của lời nguyện cầu và những ước mơ.
          Tiếng hát vẫn cất lên từ tâm tình và tâm hồn rộng mở của người nghệ sĩ và của biết bao phận người sống hết mình cho thực tại, cho từng tuổi đời. Mộng và thực, đẹp và buồn, niềm đau và hạnh phúc, hy vọng và tuyệt vọng, hữu hạn và vĩnh hằng… tất cả những đối cực đó vẫn tồn tại như một tất yếu của cuộc sống, kiếp sống người. Với một người bình thường trong đời sống hằng thường của mình, anh chỉ còn cách sống đi đến tận cùng nỗi chênh vênh, thắc thỏm trong sự mong manh, hư vô của “viên đá cuội lăn theo gót hài”. Khi xuống đáy của bất cứ trạng huống sống nào, dẫu mất mát, dẫu bi ai cho kiếp người thì ta cũng luôn thấy nhẹ nhàng, thanh thản trong tinh thần an lạc, vô ưu và giải thoát. Bởi chính Trịnh Công sơn cũng từng viết “Hãy đi đến tận cùng tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một đóa hoa”.
          Xuyên suốt ca khúc, điệp từ “tuổi nào” lặp đi lặp lại trong ngữ điệu lời hỏi mở ra cả một trường thời gian bao la của những tuổi đời, mảnh đời và cuộc đời riêng trong một kiếp người. Chúng nối tiếp, tạo nên những biến đổi, mất mát, trôi dạt. Mọi thứ đều thoáng qua, chưa kịp hằn in lưu giữ đã trượt biến mất. Cái vô cùng của thời gian, đời sống vô thường đặt trong tương quan đối lập với cái hữu hạn, hằng thường của một cá nhân đem đến chiều sâu của suy tư, triết lý về thân phận. Cùng với “tuổi nào…” liên tiếp lặp lại thành điệp khúc nhức nhối, câu hát “em xin tuổi nào…”, “xin cho…” vang lên tha thiết, tràn chảy trong mọi đoạn ca từ. Lời van xin và ao ước, hy vọng và mong mỏi, dẫu biết chỉ là những chiêm bao, mộng mị, những điều không tưởng.
          Khi viết bài và nghe ca khúc này, tôi có nói chuyện với một người bạn. Cuộc nói chuyện nhắc tôi nhớ đến chuyện trước đây bạn nói về bà của bạn, có gì gần giống câu chuyện trong phim “Amour”. Cuộc sống, tình yêu, cả tình nghĩa của những người đang sống trong những tia sáng le lói cuối cùng của buổi xế bóng trong cuộc đời làm tôi cảm động ứa nước mắt. Tuổi đời rong ruổi trôi mau lấy của con người tất cả mọi thứ song có một thứ không bao giờ tàn lụi là tình yêu. Vì tình yêu người ta có thể làm tất cả, kể cả kết thúc sự sống để còn đọng lại những ấn tượng đẹp đẽ nhất về người mình yêu, hay để giải thoát cho người mình yêu khỏi đau đớn giày vò như việc làm của Georges với Anne trong phim. Bạn còn bảo là đã sắp già mà chưa làm được gì. Ừ thì đời ai cũng vậy! Mình cũng vậy thôi, vẫn hàng ngày nhìn lá vàng úa rơi theo từng tuổi đời trong cảm giác hư hao, buồn tênh vì nhìn thấy đời xanh rêu trước mắt. Nhưng cứ sống đến tận cùng, để một ngày mai, ngày kia ngoảnh ta vẫn còn có thể “xin cho tay em còn muốt dài”, “xin chân em qua từng phiến ngà” cũng thanh thản kết thúc kiếp “ở trọ”.
                                                                               1.4.2017

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ