NINH THUẬN – MIỀN ĐẤT HỨA CHO NHỮNG KHÁM PHÁ

Cung đường biển từ vịnh Vĩnh Hy ra Bình Tiên

         Nhắm mắt lại, con đường dốc hun hút mở ra sắc xanh ngỡ ngàng của rừng, của biển trời bao la. Xa xa, những đàn cừu ung dung gặm cỏ trên cao nguyên bát ngát bình yên. Mưa rơi tháp Chàm cổ kính, đổ nát, hoang vu gợi nỗi u hoài về quá khứ vàng son của vương quốc Chiêm Thành một thời vang bóng.
          …
          Ta cứ đi mãi đi mãi trên hành trình của miền đất nắng như rang gió như phan và không thôi bất ngờ trước vẻ đẹp lộng lẫy, muôn màu của Ninh Thuận.


Hải đăng Mũi Dinh

Cung đường biển – bức tranh sơn thủy của trời nước một màu

          Một bên là núi, một bên là biển cả, cung đường biển dọc Ninh Thuận là một trong những cung đường  đẹp nhất Việt Nam. Chạy xe qua những con đèo, dốc quanh co, hùng vĩ, thả hồn trong hương rừng và ngắm nhìn cảnh trời biển hòa điệu một màu xanh ngút ngàn, bạn sẽ có cảm giác mình đang sống trong bức tranh sơn thủy hữu tình. Thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất nắng gió những bãi biển tuyệt đẹp, nước trong xanh, cát trắng phẳng lì như Bình Tiên, Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Châu...  Ghé vào Hang Rái nghe biển hát rì rào, ngắm vịnh Vĩnh Hy để thưởng ngoạn bức ảnh xinh xắn, trong veo. Trên cung đường biển này, bạn có thể ngẫu hứng xuống một bãi tắm nhỏ, vắng, hoang sơ, thưởng thức cảm giác hòa mình cùng biển, sống trọn vẹn niềm vui hồn nhiên của thiên nhiên.

Vịnh Vĩnh Hy
     
         Với du khách ưa phiêu lưu có thể thực hiện hành trình chinh phục đỉnh núi trong vườn quốc gia Núi Chúa, ngắm nhìn vịnh Vĩnh Hy từ trên cao, thưởng ngoạn vẻ đẹp của rừng khô, hồ trên núi. Đường biển của Ninh Thuận còn có những đồi cát vàng, mênh mang hút hồn du khách với vẻ đẹp của thiếu nữ Chăm đội nước về làng. Bạn có thể thăm Mũi Dinh, nơi có ngọn hải đăng cổ, bãi tắm Hòn Chồng biêng biếc, chơi các trò thể thao trên đồi cát. Những vườn nho, đồng muối, làng làm nước mắm truyện thống là những điểm nhấn để những ai muốn hòa mình trong cuộc sống của người dân biển, thỏa thích trải nghiệm, để hiểu con người, nếp sống và phong tục địa phương.

Một góc Hang Rái

Đồng cừu - bản “tình ca du mục” xứ nắng gió

Đồng cừu An Hòa

          Ninh Thuận được biết đến là nơi nắng nóng và khô hạn nhất Việt Nam. Nhưng cũng chính ở xứ nắng gió này, bạn sẽ gặp những đồng cừu như trên thảo nguyên cùng các bộ tộc sống du mục. Bạn có thể gặp những đàn cừu trên nhiều cung đường khám phá Ninh Thuận nhưng hai cánh đồng cừu đẹp, tập trung số lượng lớn và khung cảnh nên thơ nhất là đồng cừu An Hòa thuộc xã Xuân Hải huyện Ninh Hải và khu vực huyện Sơn Hải trên con đường ven biển đi tới Mũi Dinh. Đàn cừu hàng ngàn con trên thong dong gặm cỏ trên bình nguyên bao la đầy nắng, xa xa núi non điệp trùng luôn hút hồn du khách bằng nét đẹp thơ mộng, yên bình. Chiều về, lặng ngắm những gã du mục lùa cừu trong nắng chiều, trên những con đường, qua bãi đất đỏ mịt mùi bụi ta được sống trọn vẹn trong một không gian cổ xưa, thuần phác, an nhiên như trong bài “tình ca du mục” lãng mạn.


Du khách chụp ảnh cùng cừu ở An Hòa

         Tiếng kêu “be be” của những chú cừu thôi thúc bước chân du khách đến với cuộc sống du mục của những người quanh năm theo những đàn gia súc trên khắp vùng núi đồi tìm cỏ. Hầu hết dân chăn cừu ở Ninh Thuận là người Chăm, nuôi cừu thuê cho các chủ lớn. Cuộc sống của họ là chuỗi ngày gắn với nắng, gió, mưa, với sự khắc nghiệt của hạn hán. Làn da ngăm đen, gương mặt hằn lên những đường nhăn nheo khắc khổ mang dấu ấn của thời gian, đời sống nhiều bến động với hai đối cực: đẹp, thơ như bản tình ca và cơ cực, đắng cay như một bi kịch. Hành trình sống của dân du mục ở Ninh Thuận là hành trình tìm cỏ, vượt hạn, nhọc nhằn mưu sinh, nuôi ý chí và hy vọng.

Chiều bình yên trên đồng cừu An Hòa

Tháp Chàm – hoài niệm về thế giới “điêu tàn” đượm Liêu Trai

Cổng vào tháp Pô Klong Giarai

          Nằm ở trung tâm của vương quốc Chiêm Thành xưa cổ, Ninh Thuận còn khá nhiều tháp Chàm, công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất của người Chăm xây bằng gạch nung mà không cần chất liệu kết dính. Thăm những ngôi tháp cổ kính, nhiều nơi đổ nát, cỏ mọc xanh bạn sẽ thấy rõ cả lịch sử biến thiên, hưng vong của một đất nước đã từng oai hùng, lẫm liệt. Hai tháp Hòa Lai và Pô Klong Giarai là hai di tích nổi bật ở Ninh Thuận toát lên vẻ đẹp kiến trúc, những chạm khắc tinh xảo trên gạch. Nếu ghé thăm trong chiều mưa, bạn sẽ được sống trọn vẹn trong không khí đầy huyền bí, u tịch đượm màu sắc Liêu Trai, ma mị.


Tháp Po Klong Giarai

          Tháp Chàm được xây dựng trải dài từ khoảng thế kỷ VII đến thế kỷ XVII, gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của những người Chăm vốn chịu ảnh hưởng nhiều của Ấn Độ giáo, thờ thần, sự phồn sinh, phồn thực. Những sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người Chăm cũng được tổ chức tại đây. Nếu đến đúng dịp đúng lễ hội Katé, bạn sẽ tìm thấy cả một không khí tưng bừng với âm thanh của tiếng trống Pa ra nưng, những làn điệu dân ca tha thiết, ngân vang trong điệu vũ Apsara uyển chuyển. Và bạn cũng đừng quên đến thăm những làng nghề truyền thống của người Chăm, đặc biệt là làng gốm Bàu Trúc để tận mắt thấy sự tài hoa, khéo léo của những người nghệ nhân làm gốm hoàn toàn thủ công.

Tháp Hòa Lai

          Nắng và gió, cát và biển, nét cổ kính, hoang liêu và sự bình yên, nguyên sơ, văn hóa, tâm linh và thiên nhiên tươi đẹp, … tất cả bạn đều tìm thấy ở Ninh Thuận – miền đất hứa cho những hành trình khám phá, trải nghiệm để biết, hiểu và cảm.

Một số hình ảnh khác về Ninh Thuận

 Vườn nho Ba Mọi

Hoàng hông trên đồi cát Nam Cương

Nghệ nhân làm gốm ở làng Bàu Trúc

Bãi biển Bình Tiên nhìn toàn cảnh

Cung đường ven biển đi Bình Tiên

Tháp Po Klong Giarai


Một bãi chăn thả ở đồng cừu An Hòa

Cung đường ven biển

Bãi Chuối

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ