BẢN LÀNG XỨ MÙ RỘN RÀNG MÙA CẤY
Cái tên Mù Cang Chải tưởng
xa xôi nhưng lại rất đỗi gần gũi với những người yêu cung đường miền núi, thích
khám phá, tìm đến vẻ đẹp thuần phác của miền sơn cước. Sức hấp dẫn của xứ Mù là
những cánh đồng ruộng bậc thang giữa đại ngàn núi rừng hùng vĩ, cao chót vót. Ruộng
bậc thang Mù Cang Chải thực sự là một kỳ quan của bàn tay con người kết hợp với
thiên nhiên nơi đây. Những địa danh như
Cao Phạ, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Cầu Ba Nhà… luôn làm nức lòng những du khách từ
khắp mọi miền trong mùa lúa chín và đổ nước. Nếu mùa lúa chín đem lại cho du
khách cảm giác mê đắm trước những biển, đồi vàng bát ngát thì mùa nước đổ, cấy lúa lại là bức
tranh nhiều màu sắc trên nền núi rừng biếc xanh.
Nhưng bạn hãy một lần đi xa và sâu hơn, không chỉ quan
sát, ngắm nhìn, chụp hình mà hòa mình vào nhịp sống của người dân bản Mông ở Mù
Cang Chải mùa cấy bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị. Trải nghiệm và quan sát
thực tế giúp bạn khám phá ra vẻ đẹp thô tháp, trong ngần, mạnh mẽ, lạc quan và
thân thiện đặc biệt của người dân tộc Mông. Điều quan trọng hơn, đi như vậy là
cách bạn đang thực sự sống, hiểu, cảm và sẻ chia để nâng niu, gìn giữ vẻ đẹp bản
thể trong tâm hồn, tính cách, bản sắc văn hóa, phong tục, lối sống riêng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc.
Buổi sáng sớm, những người phụ nữ thức dậy trước, chuẩn bị
cơm sáng, làm mọi việc nhà, lấy cỏ cho trâu, nấu cám cho lợn. Họ làm việc cần mẫn,
tỉ mỉ, lặng lẽ như một lẽ đương nhiên của cuộc sống thường nhật ngày mùa. Cả
nhà ra đồng, chồng, vợ, con, người mang cuốc, người dắt trâu, vác cầy. Khoảng 7
giờ sáng hoặc hơn chút, họ bắt đầu ra đồng nhưng không về nhà buổi trưa, ăn cơm
trưa, nghỉ ngơi ở ngay những chòi canh nương ngoài đồng. Một ngày lao động giữa
mùa cấy thường kết thúc khá muộn. Khi mặt trời lặn hoàn toàn sau núi, bạn mới gặp
từng đoàn, từng lớp người đi xe máy, đi bộ, mang vác, gùi dụng cụ trở về trên
những con đường dốc gập ghềnh, thăm thẳm.
Những đứa trẻ con trên bản vùng cao sẽ ở nhà, tự chơi với
nhau hoặc theo bố mẹ ra đồng. Bữa cơm trưa của chúng cũng ở tại đồng hoặc là
cơm nguội mà buổi sáng bố mẹ phần lại. Trẻ con ở đây hồn nhiên và tự lập từ rất
nhỏ. Chúng cũng như cỏ cây trên miền sơn cước, tự thích ứng, vươn lên. Chúng chơi
đùa, tự làm mọi việc liên quan đến bản thân. Bạn sẽ bất ngờ khi nhìn một bé gái
tầm 7, 8 tuổi trước cả một chậu đồ cần giặt. Bạn cũng sẽ gặp lại hình ảnh ở
nông thôn miền xuôi cách đây 15 – 20 năm trước, chị cõng/ bế em, thay mẹ làm những
việc nhà khi mùa vụ bận rộn. Những ánh mắt, nụ cười trong veo, giòn tan của
chúng luôn có sức hút đặc biệt bằng vẻ đẹp tự nhiên nhất.
Không khí ngoài đồng rộn ràng, khẩn trương hơn. Chỗ này cầy,
chỗ kia cấy, chỗ khác nhổ mạ… Tất cả mọi người đều ra đồng cho mùa mới, cho hy
vọng một vụ mùa bội thu. Hình ảnh quen thuộc trong ca dao người Việt lại xuất
hiện ở miền cao chót vót, bao năm làm biểu tượng cho hạnh phúc đơn sơ của người
nông dân Việt:
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Tôi luôn có cảm giác người
Mông là dân tộc khá dân chủ, nhất là nhìn vào những thửa ruộng đang cấy. Cả người
già, người trẻ, đàn ông và phụ nữ cùng nhau cấy cho kịp thời vụ. Trên những thửa
ruộng bậc thang, tiếng cười, nói không bao giờ ngớt. Họ lạc quan, yêu đời, gắn
bó với núi cao, ruộng nương như chính một phần đời của mình. Người Mông vẫn giữ
được phong tục rất hay là làm đổi công. Tất cả anh em, họ hàng tập trung cấy, cầy
cho một nhà, hết rồi lại qua nhà khác. Sự đoàn kết, tinh thần cộng đồng, tình
yêu thương luôn được đề cao. Nếu bạn ngủ lại trong bản, uống rượu trong một gia
đình người Mông, bạn sẽ biết nhiều anh, em, họ hàng của chủ nhà vì họ sẽ mời
người thân, họ hàng đến để chung vui, đón tiếp bạn.
Nếu bạn muốn trải nghiệm xuống ruộng cấy cùng bà con thì
họ cũng rất sẵn lòng, thậm chí còn mong muốn bạn cùng làm với họ. Hòa trong
không khí ngày mùa, những câu chuyện về cuộc sống, công việc, gia đình sẽ giúp
bạn hiểu thêm về những tộc người thiểu số trên miền cao núi non điệp trùng này.
Những người Mông, phần lớn cả cuộc đời không ra đến thành phố, cũng không đi
đâu xa, họ luôn mong một ngày đến Hà Nội, hay Sài Gòn, ngắm cuộc sống hoa lệ,
nhà cao kỳ vĩ. Với họ, Sài Gòn là một nơi xa, rất xa như thế giới của ước mơ.
Nhưng biết đâu là những
bàn chân cả đời leo núi, băng rừng không mỏi lại mệt mỏi, gục ngã nơi chốn xa
hoa, hào nhoáng?! Mỗi lần đến xứ Mù, ở cùng người Mông, nghe ước ao đến đô thị
mà lòng nặng trĩu. Tôi đem theo nỗi bất an về một ngày nào đó những vẻ đẹp thuần
khiết, sự mộc mạc, chân tình, nét hồn nhiên, trong veo của bản làng, của những
con người quanh năm sống lưng chừng núi mây mù này không còn nữa. Văn minh vật
chất, sự xâm lấn ồ ạt của người Kinh, dù là qua cách du lịch theo kiểu đám đông
sẽ phá vỡ, làm mất đi những giá trị văn hóa, phong tục, bản sắc, tâm hồn người
dân tộc thiểu số sống hòa mình cùng thiên nhiên, núi rừng, ruộng đồng, những vẻ
đẹp mà ngày hôm nay, tôi, bạn, hay bất cứ ai đến Mù Cang Chải và nhiều vùng núi
cao khác đều rung động, say sưa, không muốn rời xa.
06.2017
Nhận xét
Đăng nhận xét