“CUỐI CÙNG CHO MỘT TÌNH YÊU”: YÊU CŨNG CẦN BIẾT BUÔNG BỎ

                                           17 năm tưởng nhớ Trịnh Công Sơn (01.4.2001 – 01.4.2018)


            Xem phim “Mùa hè chiều thẳng đứng” của Trần Anh Hùng, một lần nữa mình lại thấy bất ngờ nghe nhạc Trịnh Công Sơn từ một ca sĩ không nổi tiếng hát, mà đọng, thấm, gây xúc động mạnh. “Nắng thủy tinh”, “Rừng xưa đã khép”, đặc biệt là “Cuối cùng cho một tình yêu” vang lên thành dư âm, dư ảnh khó phai về những mảnh đời, tình yêu dang dở, hằn lên những vết cắt trong cuộc đời không ít đau đớn, nhưng rồi các nhân vật (Sương, Khanh, Liên) cũng buông bỏ nhẹ nhàng, nhẹ nhàng mà không ít dằn vặt, để tiếp tục cuộc sống thường nhật của mình. Câu chuyện tình yêu, số phận và cuộc sống của các nhân vật trong phim cũng như chính âm hưởng bản “Cuối cùng cho một tình yêu” do ca sĩ Vũ Thanh Xuân thể hiện khá thư thái, như buông trôi nhưng vẫn đầy khắc khoải, day dứt và không ít u uẩn của nỗi đau tiếc bùi ngùi.
            “Cuối cùng cho một tình yêu” là một trong số ít bài hát không phải Trịnh Công Sơn viết lời mà phổ nhạc từ bài thơ của Trịnh Cung. Tiết tấu bài hát chậm, cùng cách hát mộc với guitar tạo cảm giác ta đang nghe những lời hờ hững, tự chảy trôi, xen lẫn thở dài, như một sự chấp nhận êm ru song bất lực trước sự chia lìa, xa cách vĩnh viễn:
                                    Ừ thôi em về,
                                    Chiều mưa giông tới 
                                    Bây giờ anh vui
                                    Hai bàn tay đói 
                                    Bây giờ anh vui
                                    Hai bàn chân mỏi 
                                    Thời gian nơi đây 
                                    Bây giờ anh vui
                                    Một linh hồn rỗi 
                                    Tình yêu xứ này 
            Tình yêu, hạnh phúc thường ngắn ngủi hoặc quá ít ỏi. Tình xa, người xa có thể vì bất cứ lý do gì, đôi khi là lãng xẹt. Chia tay một mối tình, xa rời một người tình, nhất là đã có quá nhiều kỷ niệm, những ái ân, và nhất là tình yêu dành cho nhau đằm sâu đâu dễ dàng. Lời bài hát nhẹ tênh và cuộc chia tay tưởng diễn ra thật nhanh như một cử chỉ vô tình, lòng anh vẫn vui, vẫn bình yên, thênh thang. Song thực tế là giông bão nổi lên bên trong, là sầu đong đầy, xót xa trĩu nặng, nhớ tiếc tràn bờ. Điệp khúc “bây giờ anh vui” là sự an ủi nhau và tự an ủi lòng mình. Một nụ cười gượng là cái gồng lên của lý trí giấu đi nỗi buồn đau dai dẳng. Bởi em về là chiều mưa giông tới, dù anh nói “Bây giờ anh vui” nhiều lần nhưng không giấu được cảm giác hai bàn tay đói – trống trải, hai bản chân mỏi – rệu rã, hoang hoải, một linh hồn rỗi – buồn bã, nhớ tiếc.
             Có yêu mặn nồng, có thiết tha cùng nhau đi qua một khoảng thời gian hay qua nhiều năm tháng, có được xiết chặt vòng tay ôm những đêm lạnh đông về mới thấu cải cảm giác của hai  bàn tay đói đưa ra chỉ thấy trống huơ, trống huếch của không gian bủa vây, mới biết hai bản chân mỏi muốn khuỵu xuống, gục ngã khi nói câu giã từ, mới thấu những lúc đối bóng để thấy tâm hồn cô quạnh trong xót xa vì giờ là “linh hồn rỗi”. Lời hát thoảng qua như làn khói, những thanh âm tưởng không kết đọng nhưng gói trong đó chất chứa cả một khối tình nhớ, tình sầu hay tình xót xa vừa của cõi lòng nát tan trong nỗi niềm gần như tuyệt vọng. Dẫu biết rằng “yêu là không bao giờ phải nói lời hối hận”, vẫn biết rằng kỷ niệm và quãng thời gian, không gian đã có trong tình yêu là hạnh phúc vô ngần, song mất đi một tình yêu, một điều quý giá của đời sống, thì cũng không thể không mảy may buồn đau, sầu tủi. Trong một khoảnh khắc, từ có thành không, tất cả thành quá khứ vĩnh viễn, có khi chỉ là ảo ảnh hư vô.
            Và có lẽ đã thành một quy luật, thành chân lý của đời sống, tình yêu vừa là mật ngọt lại vừa là mật đắng, vừa là hạnh phúc nhưng cũng chứa đầy khổ đau, vừa đem đến biết bao hy vọng nhưng tự nó sẽ làm người ta tuyệt vọng. Cho nên:
                                    Một lần yêu thương
                                    Một đời bão nổi 
                                    Giã từ, giã từ
                                    Chiều mưa giông tới 
                                    Em ơi em ơi 
            Một lần yêu thương là một đời bão nổi, những cơn bão nối dài của tình cảm, tâm trạng đủ mọi cung bậc, sắc thái, mức độ có thể vùi dập một cuộc đời. Bão giông của yêu thương, nhớ nhung, tiếc nuối, có đôi khi là ân hận, cay đắng hay tủi hờn vì tình yêu sẽ theo con người trọn đời. Nó lặng đi, trôi đi, chìm sâu dưới sự tiếp diễn của đời sống thường nhật, theo bụi phủ của thời gian nhưng bỗng một cơn cớ nào đó, có khi nhỏ thôi, thì bão giông lại tràn về, ào ạt. Đơn giản do con người luôn sống trong khoảng thời gian, không gian đa chiều. Ai cũng có quá khứ, có ký ức và những hoài niệm. Có những thứ đó mới có hiện tại. Lời giã từ của anh trong chiều mưa giông dứt khoát như một sự buông bỏ hoàn toàn, để thanh thản trong đời sống tiếp nối. Nhưng tiếng gọi tha thiết “em ơi em ơi” vẫn đầy nức nở. Đó là cảm xúc muôn đời của tình yêu khi phải nói lời vĩnh biệt.
            Giã từ, tiễn biệt, biết xa nghìn trùng nhưng vẫn chấp nhận, buông tay và lặng lẽ rời xa, cũng không hờn oán, sầu trách gì nhiều, dù biết em có khi không nhớ, không hiểu, càng chẳng thấu cảm và sẻ chia với nỗi lòng anh đây. Anh về sầu lẻ bóng của kẻ độc hành, có khi miên viễn cùng mưa ngoài song bay.
                                    Sầu thôi xuống đầy
                                    Làm sao em nhớ 
                                    Mưa ngoài song bay
                                    Lời ca anh nhỏ,
                                    Nỗi lòng anh đây 
                                    Sầu thôi xuống đầy 
                                    Sầu thôi xuống đầy... 
            Lời ca cũng nhỏ dần cùng nỗi lòng nguôi ngoai nhớ, đau, sầu, tiếc. Điệp khúc “Sầu thôi xuống đầy” trải ra vô tận nỗi lòng của kẻ yêu trong mất mát. Sầu đã thôi không còn xuống đầy hay sầu không thôi xuống đầy? Dẫu hiểu thế nào thì vẫn là một nỗi sầu triền miên đọng lại sau một cuộc tình, sầu mà không bi ai, thê thiết. Nỗi sầu đó tự nó mang cái đẹp, cái đẹp của tình lỡ, có khi là tình hờ, song lại êm đềm, ung dung như tự đời sống là thế. Bởi kỷ niệm, tình cảm và bao rung động đẹp của một thời vẫn còn đó. Và nhất là trong đời sống vô thường, có gì là vĩnh cửu?! Nên yêu không chỉ là đấu tranh, thậm chí chết cho tình yêu, là bất chấp để yêu và được yêu, để không phải hối tiếc; mà yêu còn cần biết buông bỏ, thả trôi, đọng lại sự thanh thản, bình yên của cái đẹp, dẫu là đẹp trong nỗi buồn, nỗi đau.
            Tình yêu luôn vô tội, dẫu nó có chéo ngoe, trái ngang hay nghiệt ngã. Tình yêu là công bằng, dẫu cho kẻ yêu có là người hằn lên những tì vết hay méo mó. Tình yêu không có giới hạn hay một chuẩn mực nào bởi nó là tiếng lòng chân thành nhất. Nhưng tình yêu cũng vô thường, ngẫu nhiên và luôn biến động theo cảm xúc, và lẽ vô thường của cuộc đời. Không ai có thể nói điều gì đoan chắc về tình yêu như chính Trịnh Công Sơn đã viết: Chấp nhận tình yêu là chấp nhận một thứ có có, không không, đùa đùa, thật thật. Nó vô hình tướng nhưng làm rã tan hồn phách. Không có nó thì đời sống không biết sẽ tẻ nhạt đến dường nào. Thôi thì đành có nó vậy”. Tình yêu có thể tan vỡ bất cứ lúc nào, vì bất cứ lý do gì, có khi do chính kẻ yêu không còn cảm xúc, cảm giác yêu, có khi là những giới hạn hay mặc cảm không thể vượt qua… Có những mối tình thầm chưa kịp bắt đầu đã kết thúc, chưa kịp mở một lời thì tự kẻ yêu thầm đã tự nói lời giã từ để nhẹ nhàng quay lưng bước đi, để không phải khổ hay tuyệt vọng trong tình yêu.
            Cho nên, dẫu bao ngày bàn chân mỏi theo đuổi tình yêu, dẫu bàn tay có đói cồn cào vì không còn bàn tay nắm, dẫu linh hồn rỗi có trống hoác, lạnh tanh thì vẫn cần mỉm cười bước đi. Chia tay, “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” nhưng còn đó là bạn bè, là tình yêu xứ này, là hạnh phúc đọng lại  và kỷ niệm vây quanh. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói “hãy đi đến tận cùng của sự tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”. Và ta hãy yêu hết mình để không phải nói lời hối hận, để thấy tình yêu là cái đẹp trong đời, dù bi ai nhất là những mối tình tuyệt vọng trong âm thầm, hờ hững. Điều quan trọng trong tình yêu là chấp nhận mọi điều thản nhiên và bình yên, biết buông bỏ và quay lưng, biết  nói lời giã từ đúng lúc, để chắt chiu lại những ký ức đẹp nhất, để một sớm mai thức dậy, ta vẫn tiếp tục sống hồn nhiên và yêu hết lòng, trong một tình yêu khác, những nỗi niềm mới. Biết buông bỏ trong tình yêu cũng là yêu bao dung, sống độ lượng để có thể “nhìn vào mặt người lần cuối trong đời”.
                                                                                                          Đêm 31.3 rạng 01.4.2018.   

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm

“MUÔN VỊ NHÂN GIAN” CỦA TRẦN ANH HÙNG – SỰ THĂNG HOA CỦA TINH THẦN DUY MỸ