“SONG LANG” CHẠM ĐẾN SỰ HOÀN HẢO CỦA NGHỆ THUẬT, SỰ VIÊN MÃN CỦA CẢM XÚC


           Chắc phải gần hai năm từ ngày xem "Cha cõng con" hôm nay mới đến rạp xem phim, lại xem phim Việt Nam để ủng hộ. Nhưng xem xong thì mình thấy đây là một phim rất đáng xem, nên xem vì nó xuất sắc, cả về câu chuyện, cảm xúc, mạch phim lẫn ngôn ngữ điện ảnh đặc sệt.

          Dung lượng ngắn gọn nhưng ngôn ngữ điện ảnh súc tích, sắc sảo, gợi đến từng chi tiết nhỏ nên mình thấy đầy ăm ắp các vấn đề của xã hội, cuộc sống, nghệ thuật và những phận người. Phim dẫn dắt người xem bằng những cảm xúc rất tự nhiên, chân thực nhưng cũng rất thơ, tinh khôi, thuần khiết, như chính cuộc đời có biết bao mảng đối lập hiện hữu, như chính trong tâm hồn mỗi con người cất chứa biết bao bí mật và xung đột. Sân khấu là cuộc đời và cuộc đời cũng chính là sân khấu. Mỗi phận người, dù lướt qua hay được cô đặc trong phim cũng gợi lên một tự sự sống.
          Lâu lắm rối mới được xem một phim Việt Nam mà nam chính diễn nội tâm như vai Dũng "Thiên Lôi". Chính diễn xuất của diễn viên Liên Bỉnh Phát trong từng cử chỉ, hành động, ánh mắt, cơ mặt đều là những biểu cảm rất tinh tế khiến mình cảm động. Những rung động của tình cảm trong phim, dù là tri kỷ hay tình yêu thì cũng trong suốt, ở bên bờ của cái đẹp thuần khiết, của một ranh giới thiêng liêng, vượt lên mọi đen bạc, phàm tục của đời sống vật chất hay những ham muốn bản năng. Điểm 10 cho đạo diễn vì đã kiên quyết không thỏa hiệp với bất cứ nhu cầu nào, sến súa hay tìm cảnh nóng của khán giá Việt Nam, mà để lại dư vị sâu sắc.

          Quay phim thì rất xuất sắc. Xem phim Việt hay nói tiếng Việt thì sau những phim của Trần Anh Hùng, đến Song Lang mình mới ấn tượng về các góc quay, hình ảnh, chi tiết, tạo hình, ánh sáng đến thế. Tất cả đều ấn tượng, giàu sức gợi, thậm chí ám ảnh, không thừa, không có góc chết. Các chi tiết, dù nhỏ nhất, liên quan đến nhân vật phụ vẫn được kết nối và logic với mạch truyện kể và số phận của nhân vật chính. Các góc ấn tượng nhất là để nhân vật dung ở một góc hình, lơ lửng một phía trong khoảng trống lớn tạo cho mình cảm giác về nỗi cô đơn, trống vắng, sự chơi vơi và mong manh. Nhiều cảnh, trường đoạn quay ngược sáng khá hay, nhất là khuôn ánh sáng rội qua các ô cửa của ngôi nhà tập thể xuống cầu thang, hiên nhà.
          Âm nhạc cũng rất ấn tượng khi tác giả để cải lương là nền nhạc chủ đạo với vở diễn Mỵ Châu - Trọng Thủy. Phim không có bài hát chủ đề nhưng chính một đoạn bài vọng cổ ở cuối lại lôi cuốn, khiến mình ngồi nghe đến khi màn hình dừng hoàn toàn thì thôi. Những ca khúc của nhạc đỏ với bản thu của những năm 1980, 1990 được lồng vào đầy ẩn ý, tạo ra những âm nhiễu và sự tương phản về âm thanh, cũng như cuộc chiến trong nghệ thuật cải lương trước những áp đặt của văn nghệ tuyên truyền cộng sản. Phần nhạc còn lại rất ít, hầu như chỉ là sự dẫn dắt để tô đậm thêm cử chỉ, hành động, nội tâm, ngôn ngữ của nhân vật, khiến cho phim thật như đời.

          Bối cảnh không gian của phim cũng được dàn dựng công phu, dù vài chi tiết vẫn còn sạn, không rõ Sài Gòn những năm 1980 đã có chưa nhưng nhìn chung là rất ấn tượng. Hai mảng cuộc đời và sân khấu tưởng đối lập nhưng càng ngày càng gần và hòa làm một. Các chi tiết nội thất được chú ý, và cô đặc, tạo ra không khí rất riêng, nhất là những cảnh quay tối tạo cảm giác như cuộc sống thực. Tone màu phim kiểu vàng xanh khá cổ điển đưa ta vào một bối cảnh của Sài Gòn xưa, những góc nhỏ của đời sống, những tiểu tự sự của từng phận người nhưng cũng chính điều đó khiến người xem có cảm giác sẽ gặp các khung cảnh, số phận, tình huống trong đời thường.
          Tóm lại là phim rất xuất sắc và cảm xúc. Nên đến rạp xem không phải vì ủng hộ phim Việt mà vì nhiều điều đáng xem, đáng suy ngẫm, cảm nhận.
Cá nhân mình cho phim này 9,75 điểm, không nâng đỡ hay ưu ái chút nào.
Buổi sáng xem phim thú vị khi xem một mình bao rạp khoảng 10 phút thì có một cô gái bước vào. Cô xem được 20 phút hơn thì tìm đường ra mãi không được mình phải giúp. Còn một mình bao rạp thì mót tiểu. Ra tìm WC không thấy, quay lại bị tắt phim. Nhân viên lại phải phát lại cho mình Mị xem đến dòng chữ cuối cùng tắt khỏi màn hình.
          Nếu có thời gian thì tối nay hay mai Mị sẽ viết một bài cặn kẽ, tỷ mỉ, đầy đặn hơn.
          Hãy đến rạp xem phim Song Lang đi, đến không phải xem phim và cảm nhận về cuộc đời, cũng như cảm xúc của chính mình. Mà giá vé của phim thì quá ư là rẻ. Đi xem phim thế này mới thấy tội cho những người làm phim tử tế, cầu toàn, vì nghệ thuật và cảm xúc khán giả thực sự.
                                                                                                          20/8/2018

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

“Du mục” – bi kịch của con người vong quốc, vong thân

“Dấu chân địa đàng” – những dấu chân siêu thực hằn in cõi hư vô

"MÙA XUÂN CHÍN" CỦA HÀN MẶC TỬ - SAY ĐẮM XUÂN CHÍN ĐỂ TIẾC XUÂN THÌ